Mấy năm, tôi mới về thăm ông bà ngoại. Trước đây, nhà ông bà ở huyện, bé tý, lọt thỏm trong một con ngõ nhỏ. Giờ đây, con trai làm ăn khấm khá, ông bà chuyển về thành phố ở, nhà cũng rộng và khang trang hơn hẳn.
Nhà mới ở khu đô thị mới, hàng xóm cũng mới. Họ cũng là những công nhân viên chức bị thành phố hút vào như những cục nam châm và giờ đây đẩy ra ở rìa xung quanh nó. Có những ông bà già được “cắt cử” sứ mệnh trọng đại là trông cháu, có những cậu trai trẻ lên học đại học sống nhờ nhà anh chị, có những tay quan chức mới lên trưởng phòng. Xã hội ở phố nhốn nháo hơn, “chả biết đứa nào với đứa nào”, ông ngoại tôi đùa.
Ông bà tôi ở quê lên phố vẫn giữ tục làm bánh chưng. Trước đây, làm ở quê, gia đình tôi mỗi người một việc. Bà sẽ chọn mỡ làm nhân, mẹ tôi thì ngâm nếp ngâm đậu xanh, bố tôi thì dạy tôi cách gói. Ông ngoại thì vẫn ngồi đọc báo thôi, vì nhà nhiều người.
Giờ đây, lên phố, mấy đứa con đi chơi Tết hết cả, nhà chẳng còn ai, ông bà vẫn cứ nhất nhất phải làm cho bằng được. Bà đã lén lén ngâm đậu và nếp từ hôm trước, còn thịt thì vừa mua từ sáng. Tôi còn đang ngạc nhiên về cái nồi to đoành nhọ dày cả phân vừa mới xuất hiện ở góc nhà, thì ông ngoại đã về, cười cười, tay cầm mấy xấp lá dong.
“Ở nhà chán quá, chẳng có gì làm!”, bà tôi nói như thể thanh minh trước khi tôi kịp hỏi.
“Thế làm ở đây hàng xóm người ta cười cho thì có việc đấy”, tôi nói lại, nửa đùa nửa thật.
Tôi đã nghĩ, làm bánh chưng thì ở quê còn hiểu, chứ làm trên phố, người ta cười chết! Thế mà họ không cười. Lạ thay, họ còn giúp. Khi gói bánh, bà cháu tôi toàn mấy người vụng (gen đằng ngoại), cứ luống cuống hết cả lên. Bỗng nhiên, có bà giúp việc nhà hàng xóm đi qua, bật cười, vừa bế cháu vừa rảnh tay làm, gấp cái nào vuông vức cái đó.
Khi tôi chật vật khiêng cái nồi ra, mấy tay thanh niên rỗi việc đã chạy lại hỏi, “làm bánh chưng à, hay thế!”, rồi chẳng ai nhờ cũng đi tìm gỗ, tìm gạch để chèn.
Mấy đứa trẻ con cũng khoái lắm, con nào khéo thì đi gói bánh, mấy thằng vụng được cắt cử trông nồi. Cả ngõ xóm mới, chẳng ai biết ai, thế mà nhờ nồi bánh chưng bỗng dưng thành bạn.
---
Ảnh trên Unsplash
Ảnh trên Unsplash
Bài viết cùng tác giả:

Kể chuyện dông dài vì trót đọc phải bài của chị Phạm Thị Hoài trên Phây về cái bánh chưng mà chị đã rất ngấy. Trong bài “các vua hùng đã có công” của mình, chị nói về bánh chưng, phở chó và phở cháo lòng. Comment có chửi có khen. Và như lẽ thường, Tết đến thì rỗi việc, chẳng nhẽ lại không vào bình loạn một câu cho xôm?
Trong bài viết tương đối dài của mình, chị Hoài đã, như một con người uyên thâm mà chị vốn là, sử dụng nhiều câu đa chủ ngữ, loại câu mà, như sự đồ sộ của nó cho thấy, khá trúc trắc và khiến việc đọc của độc giả, những con người đáng thương vừa rời miếng bánh chưng ra, lại cảm thấy vị ngấy của tinh bột. Tuy nhiên, giữa những đao to búa lớn mà chị và những người phản đối chị đập choang choảng vào nhau, có một điều chị làm rõ hơn cả, đó là chị ghét ăn bánh chưng. Vì lý do gì thì thật ra chẳng quan trọng, vì nếu nó béo, chắc có lẽ những đồ phương Tây đã là đỉnh cao của đồ ăn dành cho người gầy.
Điều này khiến tôi như một người đọc tôn trọng chị rất. Khi luận về phê bình, văn hào George Orwell ngạo ngược viết đại loại rằng, mà tôi ở đây vì đã đọc từ quá lâu nên xin được trích bằng giọng của Bảo Sinh chẳng hạn, “mọi thứ phê bình đều bắt đầu từ việc tôi thích hoặc tôi ghét [đối tượng bị phê bình], những câu sau quan trọng đéo”.
Orwell viết về phê bình văn học, nhưng thiết nghĩ phê bình ẩm thực thì cũng na ná vậy, cũng là đồ ăn, một cái là tinh bột cho não còn một cái là tinh bột thật. Việc chị viết rằng chị không thích, chị ngán, chị muốn giải cấu trúc theo phương pháp Derrida hay giải huyền thoại kiểu Barthes đời đầu thì cũng vẫn là chị không thích. Cả bài viết dù có viện vào điền dã dân tộc học hay văn hóa học ẩm thực thì cuối cùng nó vẫn là thích mí cả ghét.
Dù đồng ý hay không đồng ý với chị, thì việc này cũng đáng ủng hộ. Đúng là chị đã nói chính xác về những đám đông trở thành những kẻ “thánh chiến bảo vệ phở” trên trường quốc tế. Và đúng là những kẻ này, rất nhiều trong phần comment của chị, đều là lũ dở hơi. Có nhiều thứ như kiểu phở pudding hay phở bánh mì nghe rất cứt, vì thật sự là nó ăn rất cứt, hoặc nhìn là biết sẽ ăn rất cứt. Nhưng cũng có những người tôn trọng phở, dùng những nguyên liệu chính của nó để biến thành phở cocktail, uống kèm… chanh và ớt chẳng hạn, thì lại coi được. À nhưng vẫn có nhiều người coi đây là một thứ me tây mọi rợ, một thứ lai tạp rất cứt. Chính ra thì, tôi nghĩ những người này nên dùng những từ đó với hàng phở nào đấy ở 13 Lò Đúc hoặc một hàng khác trên Mai Hắc Đế chẳng hạn.
Những kẻ này dở hơi vì bọn nó hổng có đọc bài của chị. Chị đang chỉ ra rằng, những món ăn được coi là truyền thống này có khi chẳng có cái cội nguồn văn hóa xa xưa đến thế, và nó cần được “buông tha” như cách người ta làm với bánh giày. Cái này thì đúng. Người Việt Nam thường có thái độ bảo vệ thái quá với những gì họ coi là truyền thống, hoặc tưởng là truyền thống. Chủ nghĩa dân tộc, huyền thoại được nhào nặn trong thời bình. Nhưng cái này thì tránh được đéo, khi cũng nhờ những cái này mà mình mới có thể gọi nhau là “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”.
Nhưng mà thế thì cũng chả có gì phải chửi. Chửi cái bánh chưng cũng chẳng phải một thứ gì kinh thiên động địa, đảo ngược lại trật tự xã hội, mà cũng chẳng chạm được đến tận gốc của vấn đề. Thế nên mới phục chị Hoài ở một chỗ, là chị thẳng thừng nói luôn, chị ngại bánh chưng, còn đoạn sau có chăng chỉ là miếng thịt mỡ cho bài văn thêm thơm.
Thực ra, ngay cả khi lũ dưới comment sùi bọt mép trong chủ nghĩa dân tộc, hoàn toàn mù chữ và chỉ chửi chị vì comment bên trên cũng chửi, thì họ cũng chả có sai. Họ chả sai nếu họ thích bánh chưng và họ tự tạo nghĩa thêm cho cái bánh chưng của mình.
Từ bé cho tới lúc gần lớn, tôi vẫn bị ông bô lừa cho tin sái cổ là 18 ông vua Hùng tên lần lượt là Nguyễn Văn Hùng Một, Nguyễn Văn Hùng Hai tới Nguyễn Văn Hùng Mười Tám. Kể cả thế, cái nồi bánh chưng vẫn có nghĩa riêng của nó. Nó là nồi bánh chưng của bà ngoại tôi nấu mỗi dịp Tết đến, là nồi bánh chưng của sum họp hội hè mấy nhà hàng xóm với nhau, là đêm trong bánh ngủ gà ngủ gật.
Chị nói về giải huyền thoại tất nhiên của Barthes, nhưng giống như nhiều người nói về Barthes của Mythologies (1957), họ bỏ qua Barthes của Death of the Author (1967) hay Empire of Sign (1970), khi ông lần đầu tới Nhật và cảm nhận được trọn vẹn sự đứt gãy và bồi đắp liên tục trong văn hóa, văn học Nhật. Death of the Author cho chúng ta thấy nhiều hơn cái gọi là dụng ý đầu tiên của tác giả, mà những lớp nghĩa liên tục được bồi đắp bởi bối cảnh tâm lý xã hội của từng người tiếp nhận văn hóa, văn học.
Khi tìm về những bối cảnh lịch sử, dù để làm việc rất tốt là đả phá chủ nghĩa dân tộc, chúng ta cũng dễ bị lâm vào những cái gọi là ngụy biện gen, “Vì khởi đầu của nó thế này nên hiện tại nó phải thế này”. Ví dụ tiêu biểu nhất của ngụy biện gen là việc nhà nước đầu tiên cấm hút thuốc lá là Đức Quốc xã, do đó các công ty thuốc lá sau này luôn tuyên truyền rằng, việc cấm hút thuốc là một hành động Phát xít. Dĩ nhiên kết quả thật sự của một vấn đề không luôn mang một ý nghĩa bất di bất dịch nếu chỉ vì khởi thủy của nó mang một ý nghĩa cố định nào đó.
Bánh chưng cũng vậy thôi. Có là ông Nguyễn Văn Hùng Bảy nấu thì nó cũng chẳng quan trọng lắm. Bánh chưng trong đời sống hiện tại cũng đã mang một nghĩa khác. Rõ ràng không thể trách chị Hoài: Nữ văn sĩ đã ở nước ngoài quá lâu để nhận ra rằng, bánh chưng rán đã là món ăn sáng ưa thích của trẻ con từ thời tôi còn bé xíu. Tựa hồ, đi khắp phố xá Hà Nội, bánh chưng rán nó gần với phở thịt chó hoặc phở lòng lợn của chị Hoài hơn là Tết. Còn ngay trong dịp lễ Tết, nó cũng chẳng phải mang mỗi mình cái nghĩa truyền thống, mà đôi khi chỉ là người làng xóm ngồi quây quần, vui cười cùng nhau. Chẳng mấy ai nấu nồi bánh chưng Tết mà nghĩ quá nhiều về 18 ông Nguyễn Văn Hùng. Họ nghĩ, như bà tôi, "nấu vì chán quá", hoặc muốn vui vầy làng xóm thì dựng nồi nấu cho vui. Âu cũng là cái liễn.
Giống như Tết thì phải treo cây nêu vì nó… Tết, mà tôi thấy cây nêu vô dụng chết mẹ, nhưng chưa thấy chị Hoài đi giải cấu trúc cây nêu bao giờ, có lẽ vì cây nêu không béo.
Nói chung, cả chị Hoài lẫn những kẻ thánh chiến về cái bánh chưng đều đang chửi nhau trong một cái hang vọng (echo chamber). Chị Hoài được cái hơn là chị phủ đầu rất thẳng thắn, nhưng bị cái kém là cuối cùng cũng chả cho được cái gì đặc biệt, có lẽ ngoài vài trăm comment chửi nhau. Những đứa ủng hộ bánh chưng cũng vậy thôi, vẫn ca lại bài ca chủ nghĩa dân tộc cũ. Một bên thì giải ảo truyền thống, một bên thì bảo vệ truyền thống, nói tóm lại cũng chả đi đến đâu. Cái bánh chưng nó xanh ngắt thế kia mà phải nâng cao quan điểm quá.
Trong khi, ngoài kia nhìn kìa. Bánh chưng vẫn vỗ béo mấy thằng cu cái đĩ cấp 1 cấp 2. Bánh chưng vẫn được ăn, vẫn được coi là quà Tết. Nó vẫn làm những đứa trẻ vui, mắt hấp háy lửa hồng. Nó vẫn đang tạo nghĩa cho một truyền thống hiện đại của chính nó trong một cái Tết sắp tàn. Và rồi một ngày, giống như tuyệt nhiên tất thảy mọi thứ truyền thống trên đời, miếng bánh chưng cuối cùng sẽ được một ai đó cắn.
Và đó chắc chắn không nhờ công chị Hoài hoặc do lỗi của các bạn chủ nghĩa dân tộc.
Bài viết cùng tác giả: