Lần này hãy cùng nhau khám phá sự khác biệt giữa England, Great BritainUnited Kingdom nhé.
3 địa danh này có phải cùng nói về một nơi không? Câu trả lời là không. Đừng lo lắng nếu bạn chưa biết sự khác biệt này, rất nhiều người không phải người Anh Quốc cũng không nắm rõ sự khác nhau giữa chúng, và mình sẽ giúp bạn giải đáp.
Đầu tiên, United Kingdom (Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, hay gọi tắt là Vương Quốc Anh) là một quốc gia của các quốc gia, trong đó bao gồm 4 nước. Đầu tiên là England (Anh). Mọi người thường nhầm lẫn giữa England và United Kingdom vì Anh là quốc gia lớn nhất và đông dân nhất trong khối. Ở phía bắc chúng ta có Scotland, phía Tây là xứ Wales, và đất nước thường bị mọi người quên là Bắc Ireland, như tên gọi của nó là nằm ở phía bắc của Ireland. Mỗi nước đều có tên gọi riêng để gọi người dân của nước họ (English, Scottish, Welsh, Northern Irish) mặc dù họ có thể được gọi chung là British. Nhưng nhìn chung họ không thích được gọi là British vì các nước này có vẻ không ưa nhau lắm. 3 nước còn lại đều coi Anh là một kẻ ưa toàn trị, hay tỏ vẻ "anh cả", trong khi Anh thường coi những nước còn lại là "cua mề" và chỉ là đàn em. Dù thích nhau hay không, vì 4 nước đều không có hộ chiếu riêng, họ vẫn là công dân của Vương Quốc Anh.
Vậy Great Britain ở đâu? Great Britain là khu vực bao gồm 3 nước Anh, Scotland và xứ Wales. Không giống như United Kingdom, Great Britain thường được dùng với ám chỉ về mặt địa lý hơn là chính trị. Great Britain là phần lớn nhất của British Isles (Quần đảo Anh). Ở trong Vương Quốc Anh, Great Britain thường được dùng để chỉ 3 nước trên, chủ ý loại trừ Bắc Ireland. Điều này gần đúng, nhưng không hoàn toàn chính xác, vì 3 nước đều có những đảo không nằm trong Great Britain: đảo Wight (thuộc Anh), đảo Anglesey (thuộc xứ Wales), và đảo Hebrides, Shetland, Orkney, Clyde (thuộc Scotland). 
Đảo lớn thứ hai trong British Isles là đảo Ireland. Chú ý ở đây là Ireland cũng giống như Great Britain, dùng để ám chỉ về mặt địa lý, không phải về mặt chính trị, là đảo Ireland. Đảo Ireland bao gồm 2 quốc gia: Cộng hòa Ireland và Bắc Ireland. Khi gọi Irish là ám chỉ đến người dân Cộng hòa Ireland.


Bạn đã bao giờ thắc mắc là vì sao trên quốc kỳ của Úc và New Zealand có biểu tượng giống cờ của Vương Quốc Anh chưa? Hay khi bạn đi du lịch đến Canada bạn phát hiện ra trên tiền Canada có hình của ... nữ hoàng Anh? Chuyện là thế này. Trong quá khứ, Đế Quốc Anh (British Empire) vô cùng hùng mạnh, từng chiếm đến khoảng 1/4 lãnh thổ thế giới và cai quản đến gần 1/4 dân số thế giới. Mặc dù có những nước giành lại độc lập thông qua những cuộc đấu tranh bạo lực, có những quốc gia lại giành độc lập thông qua con đường ngoại giao hòa bình mà không phải đổ máu. Những quốc gia này thỏa thuận với Đế Quốc Anh rằng họ vẫn công nhận người nắm giữ vương miện (trong thời đại này là nữ hoàng Anh) là người đứng đầu (mặc dù hiện giờ người này không có mấy quyền lực với các quốc gia khác ngoài Vương Quốc Anh), đổi lại họ có chính phủ và nghị viện độc lập. 
Để hiểu rõ vấn đề này hơn, chúng ta cần nói về Vương miện (The Crown). Không phải vương miện nằm sau tấm kính trong Tháp London mà kiếm được hàng triệu bảng Anh từ du khách, mà là Vương miện đại diện cho một thực thể pháp lý phức tạp với một người đứng đầu. Ai sáng tạo ra điều này? Câu trả lời là Thượng đế. Theo truyền thống Anh, Thượng đế nắm giữ mọi quyền lực và nhà vua được trao vương miện trong một buổi lễ của Thiên Chúa Giáo. Tuy nhiên, vì Thượng đế không muốn có nhiều rắc rối về vấn đề quản trị nên đã ủy quyền quyền lực của mình cho ... Vương miện. Mặc dù từng là vương miện trong tháp London thật, Vương miện đã phát triển lên thành một thực thể pháp lý. Vương Quốc Anh, trên lý thuyết, vẫn có thể coi là một nhà nước có nền chính trị thần quyền (tức coi Thượng đế là người đứng đầu tối cao), với người nắm giữ vương miện vừa là người đứng đầu nhà nước, vừa là thủ lĩnh tối cao của quốc giáo chính thức: Anh giáo (Anglicanism). 
Hiện khối những quốc gia đã giành độc lập nhưng vẫn công nhận người nắm giữ vương miện là người đứng đầu gọi là Commonwealth Realm (Vương quốc thịnh vượng chung), bao gồm 16 thành viên (theo thứ tự dân số giảm dần): Vương Quốc Anh, Canada, Úc, Papua New Guinea, New Zealand, Jamaica, đảo Solomon, Belize, Bahamas, Barbados, St Lucia, St Vincent & the Grenadies, Grenada, Antigua & Barbuda, St Kitts & Nevis, và Tuvalu. 
Còn có 3 nơi nữa cũng phụ thuộc vào Vương miện nằm trong Quần đảo Anh, gọi là Crown Dependencies (Tạm dịch: Lãnh thổ phụ thuộc của Hoàng gia Anh): đảo Man, Jersey và Guernsey. Không như những thành viên trong Vương quốc thịnh vượng chung, 3 nơi này không được coi là những quốc gia độc lập, nhưng họ được trao quyền tự trị. Những người dân nơi đây cũng được coi là công dân Anh Quốc.
Vậy đã hết chưa?
Chưa hết đâu! Vương Quốc Anh còn có một thành phố nằm ở phía nam Tây Ban Nha tên là Gibraltar, nổi tiếng về núi và khỉ. Đây là thành phố gây nên tranh cãi ngoại giao giữa Vương Quốc Anh và Tây Ban Nha. Rồi còn cả quần đảo Falkland ở gần Argentina. Quần đảo này gây ra tranh chấp lớn đến mức đã từng có một cuộc chiến nổ ra giữa hai bên để tranh giành nó. Những phần lãnh thổ này được gọi là Lãnh thổ hải ngoại thuộc Anh (British overseas territories). Đây là những tàn tích của Đế Quốc Anh. Không giống như các nước giành được độc lập khác, những nơi này vẫn còn phụ thuộc vào Vương Quốc Anh về cả quân sự và kinh tế. Những người sinh ra ở đây cũng là công dân Anh Quốc. Hiện có khoảng hơn chục lãnh thổ như vậy, rải rác khắp thế giới. Phần lãnh thổ này bao gồm những nơi sau (theo thứ tự dân số giảm dần): Bermuda, Quần đảo Cayman, Quần đảo Turk & Caicos, Gibraltar, Quần đảo British Virgin, Akrotiri & Dhekelia, Anguilla, St Helena, Quần đảo Ascension, Tristan da Cunha, Montserrat, lãnh thổ Ấn Độ Dương thuộc Anh, Quần đảo South Georgia và South Sandwich, Quần đảo Falkland, Lãnh thổ Nam Cực thuộc Anh, và Quần đảo Pitcairn (phù, mệt quá!). Những nơi này (phần lớn là những quần đảo) có cờ riêng và hầu hết đều có biểu tượng của Vương Quốc Anh trên đó, giống như trên cờ Úc và New Zealand.

Tổng kết: Vương Quốc Anh là một quốc gia thuộc quần đảo Anh, là một phần của Vương miện. Cũng là một phần của Vương miện và Quần đảo Anh là Lãnh thổ phụ thuộc của Hoàng gia Anh. Những quốc gia độc lập nhưng vẫn công nhận Vương miện là Vương quốc thịnh vượng chung, và phần lãnh thổ còn lại của Đế Quốc Anh mà không phải là những quốc gia độc lập gọi là Lãnh thổ hải ngoại thuộc Anh.
Theo CGP Grey

Bài viết cùng tác giả: