[Spoiler] Jake Sully - Hành trình từ đáy vực
Bài viết có Spoil về nội dung phim Avatar. Năm 2009, lần đầu tiên tôi đi xem phim Avatar. Tôi vẫn nhớ rõ hình ảnh phòng chiếu số...
Bài viết có Spoil về nội dung phim Avatar.
Năm 2009, lần đầu tiên tôi đi xem phim Avatar. Tôi vẫn nhớ rõ hình ảnh phòng chiếu số 1 của rạp chiếu phim Quốc gia khi ấy, nhớ cả hàng ghế và người ngồi cạnh tôi khi đó. Phim hay đến mức tôi dù rất muốn đi vệ sinh vẫn phải cố nhịn để ngồi xem, vì không muốn bỏ lỡ một giây phút nào. Và hình ảnh toàn bộ khán giả đứng dậy vỗ tay khi phim kết thúc, dù không ai bảo ai, là hình ảnh gây ấn tượng mạnh với tôi. Lần đầu tiên tôi xem một bộ phim như thế. Đây cũng là bộ phim duy nhất khiến tôi ra rạp xem lại lần 2 (lần 1 là 2D và lần 2 là 3D). Tính tới nay thì tôi đã xem hàng trăm lần (đúng nghĩa đen). Xem tới mức thuộc lòng cả lời thoại, mê mẩn tới mức mỗi tối trước khi đi ngủ, tôi đeo tai nghe, mở phim và chỉ để nghe âm thanh, lời thoại mà không cần xem hình. Tôi cố tìm hiểu điều gì khiến tôi ấn tượng mạnh tới mức như vậy? Lý do gì khiến tôi có cảm xúc đặc biệt khi xem phim này hơn các phim khác? Cuối cùng tôi nhận ra là mình có sự đồng cảm với hành trình của nhân vật chính trong phim: đó là một kẻ đang ở đáy cuộc đời, và cách anh ta tìm lại ý nghĩa cho lẽ sống, cách anh ta chiến đấu và bảo vệ nó.
Tôi bị ấn tượng bởi điều đó. Khi ấy tôi cũng ở đáy cuộc đời: không tiền, tương lai mù mịt, bản thân lười biếng, không có động lực, không có mục tiêu (thậm chí vài năm sau khi ra trường tôi còn xuống đáy sâu hơn nữa)... chẳng ai khuyên bảo được tôi. Và khi xem hành trình làm lại cuộc đời của Jake Sully, tôi bỗng như thấy được ánh sáng ở cuối đường hầm. Tôi cũng muốn được như anh ấy, cũng muốn mình trở thành một người mạnh mẽ, dám yêu, dám học hỏi, dám chiến đấu, dám xả thân để bảo vệ điều mình yêu quý, tin tưởng. Tôi thích cái sự gan lỳ, ngông cồng nhưng chân thật, mạnh mẽ trong tính cách của Jake (viết tắt cho Jake Sully). Hôm nay tôi sẽ kể cho bạn nghe về hành trình ấy, còn hành trình đời tôi thì... well, tôi đã nói khá nhiều về nó trong các bài viết trước đây rồi. Giờ là lúc nói về thứ đã giúp tôi có được hành trình ấy, bởi tôi nghĩ ai cũng cần một điểm tựa để bắt đầu.
Câu chuyện bắt đầu
Bản chiếu ở rạp bị cắt khá nhiều ở phần giới thiệu hoàn cảnh hiện tại của Jake. Chỉ khi xem ở bản full (nhiều tháng sau khi phim hết chiếu ở rạp) thì tôi mới được biết về điều này. Lúc đầu tôi không ấn tượng lắm, cũng tưởng: đoạn này thừa quá, cắt đi là đúng. Giới thiệu khá lâu về một thế giới chật chội, u tối, đầy rẫy những kẻ cặn bã, và thêm vào đó là một kẻ vô công rồi nghề. Anh ta thấy một tên to con đánh một cô gái, dù không rõ về mối quan hệ giữa 2 người này, nhưng anh ta đã làm một hành động khá "ngớ ngẩn", đó là đi đập nhau với tên to con kia mà không nói lý do cho hành động đó. Chỉ đơn giản là: ngứa mắt -> tiến lại một cách lặng lẽ, bất ngờ -> rút ghế khiến hắn ngã xuống -> đè lên người hắn mà đấm. Bởi anh bị "què", nên để đấm được hắn thì anh phải làm vậy. Chắc chắn anh sẽ thua, sẽ bị ăn đòn, sẽ chẳng thể đánh thắng tên kia, ấy thế mà anh vẫn làm. Thật sự ngớ ngẩn. Hậu quả thì dễ đoán, anh bị giã cho 1 trận, ném khỏi quán rượu, nằm bệt trên vũng nước như một loser chính hiệu.
Thứ anh ta làm, không phải là bảo vệ công lý, mà chỉ để thỏa mãn cái sự ngông nghênh của mình. Mặc kệ cuộc đời, mặc kệ cái thân xác này, cứ làm điều mình thích là được, dẫu không còn ngày mai nữa cũng kệ, chỉ cần làm gì đó để mình có cảm giác được tồn tại, chỉ vậy thôi.
Nếu không ở đáy cuộc đời, có lẽ không thể hiểu được tâm trạng của Jack. Không thể hiểu tại sao anh ta làm vậy. Và nếu trong tâm trạng bình thường thì "cắt - cắt - cắt - tại sao đạo diễn lừng danh như thế lại đưa vào một cảnh phim vớ vẩn thế nhỉ". Kết quả là các bản chiếu rạp đều cắt "ngọt" đoạn này, chỉ còn lại khoảng 30 giây ngắn ngủi.
---
Nhưng khi tham chiếu vào cuộc sống hiện nay, khá nhiều bạn trẻ (trong đó có tôi) cũng ở vào hoàn cảnh đó. Một tương lai u ám, bị chi phối bởi áp lực đồng tiền, bị bó buộc trong cái thân thể yếu đuối, bệnh tật, kém cỏi. Còn nhìn ra bên ngoài chỉ thấy những con người vô cảm, thấy sự bất công, bạo lực, suy đồi... mà chẳng thể làm gì được. Đấm mấy cái cho bõ tức, để rồi bị đời chà đạp không thương tiếc. Biết thế mà không thể làm gì được. Sự bất lực, sự nổi loạn cứ giằng xé bên trong cơ thể. Họ khao khát được làm gì đó, được sống một cuộc sống có ý nghĩa, nhưng ai cho? Có lẽ 3 phút đầu tiên ấy là 3 phút đầy cảm xúc, đầy tâm trạng mà tôi chợt nhận ra rằng: nó thật, nó đời thường, nó hiện hữu ngay trong tâm trí tôi, và tôi thấy mình bên trong anh ta.
---
Và khi đang nằm trên vũng nước trong con ngõ nhỏ, anh ta thấy có 2 kẻ lạ mặt bước đến, họ đưa anh tới nhà xác, báo rằng anh trai của anh đã chết. Có cảm giác đó là người thân duy nhất còn lại của Jake, nhưng họ chẳng quan tâm tới nhau. Anh buồn đấy, nhưng buồn vì cái chết "lãng xẹt" của người anh, chứ không hẳn là nỗi buồn đau khi mất người thân. Nó chỉ khiến anh thêm chán cái cuộc đời này mà thôi. Giờ thì anh bơ vơ, thật sự không còn ai biết đến sự tồn tại của anh nữa.
Hai kẻ kia đề nghị anh tham gia vào dự án dang dở mà anh trai đang thực hiện. Bản thân anh thấy đó là 1 trò hề. Chắc chắn anh sẽ làm trò hề, bởi một người lính, một kẻ đang ở đáy cuộc đời như anh thì biết gì mà làm khoa học. Anh chẳng thiết tha gì đâu. Nhưng mà:
- The pay is good.
- Very good.
Những lời thuyết phục kiểu như: anh có thể bắt đầu cuộc đời mới, ở một thế giới mới (It'd be a fresh start on a new world) là không có giá trị. Anh chỉ gật đầu khi biết công việc này được trả lương cao. Điều đó cho thấy anh chẳng còn tin vào điều gì nữa. Chỉ cần kiếm được tiền, dù làm trò hề thì anh cũng chịu. Lối thoát duy nhất có lẽ là: kiếm được tiền, thật nhiều tiền (nhưng cuối hành trình thì anh không kiếm được một xu).
---
Thực tế thì trong cuộc sống hiện tại, rất nhiều người sẵn sàng làm mọi thứ để có tiền. Họ bất chấp việc mình có làm trò hề hay không, có lừa dối hay không, có đạo đức hay không. Bởi cả xã hội tôn thờ đồng tiền, mọi lý tưởng cao đẹp đều không có ý nghĩa nếu không kiếm được tiền. Tôi khi ấy còn chưa tốt nghiệp cao đẳng, nhưng vẫn có thể cảm nhận được áp lực phải có công việc, phải kiếm được tiền nó đang dần nặng trên vai mình. Vài năm sau khi xem lại đoạn này, tôi hiểu rõ hơn câu nói:
- One life ends, another begins.
Nó có khá nhiều ý nghĩa. Ý đầu tiên tôi nhận ra là:
- Người chết thì cũng chết rồi. Kẻ sống thì phải tiếp tục mà sống.
Ý tiếp theo là:
- Cuộc đời là vòng luân hồi, kẻ này chết đi, kẻ khác lại sinh ra để sống tiếp.
Ý nữa là:
- Khi lựa chọn quyết định này, Jake trước đây đã chết. Giờ hắn sống ở một cuộc sống mới, một "thế thân" mới - trong vai trò của người anh. Và đó là sự khởi đầu. Một chút hy vọng được lóe lên, khi mà ta có trong tay một cơ hội.
Câu nói này thật nhiều ý nghĩa, nhiều cách hiểu. Tôi bị ấn tượng mạnh bởi câu này. Nó luôn nhắc nhở tôi về sự tồn tại của mình. Nếu tôi chết đi, có lẽ chẳng ai quan tâm. Mọi người vẫn sẽ tiếp tục sống thôi (người ta sẽ nhìn vào quan tài tôi và nhủ thầm: One life ends, another begins). Và nếu có một cơ hội để tôi làm lại, bắt đầu lại, thì liệu tôi có đủ dũng cảm để nắm lấy không? Khi một cánh cửa mở ra, cuộc đời trước đây sẽ được khép lại phía sau, để bắt đầu một hành trình mới. Tôi bắt đầu có ý thức về điều đó, về các giai đoạn trong một đời người. Nó cho tôi dũng khí để bước tiếp, bởi sẽ có một ngày tôi có được cơ hội, nhất định tôi sẽ nắm lấy.
Thế thân, thế giới, tình yêu và lẽ sống
Thế thân
Avatar - dịch ra tiếng việt là "thế thân". Nhưng ở phim này có nhiều nghĩa của thế thân: Jake đang thế thân cho vị trí của người anh. Người anh có 1 thế thân là hình hài người Na'vi. Jake Sully có thể kết nối được tới hình hài đó để biến nó thành thế thân cho anh ta. Vậy thì ai mới là thế thân của ai. Đoạn này hơi hack não một chút, và cũng là ẩn ý trong cách chơi chữ của tên phim.
Khi xem đến cuối phim, tôi nhận ra: người ta có thể có nhiều bộ mặt khác nhau, nhiều hình hài khác nhau, nhưng bản chất bên trong thì chỉ một. Dù làm một cục shjt, một kẻ bỏ đi, một anh hùng, một kẻ phản bội... thì vẫn là con người đó. Cuộc đời có thể gán cho họ nhiều tên gọi khác nhau, nhiều avatar khác nhau, nhưng ẩn sâu trong đó họ vẫn là họ. Chỉ cần họ sống thật với lòng mình, thì là ai cũng không còn quan trọng nữa. Bởi khi được sống đúng với lý tưởng mà mình chọn, được ở bên người mà mình yêu thương, trong thế giới mình mơ ước, thế là được rồi (nhưng có lẽ là chưa đủ, vì phim còn ra phần sau nữa nên đây vẫn là một thứ khiến tôi suy nghĩ).
Thế giới
Một thế giới Pandora mở ra trước mắt, hùng vĩ, bí ẩn, đầy hiểm nguy nhưng lại đẹp mê hồn. Khi xem tới đoạn Jake suýt chết vì bị bầy "chó sói" tấn công, anh được Neytiri giải cứu và nói một câu:
- All this is your fault. They did not need to die.
Cả nhân vật chính lẫn tôi đều không hiểu, thấy nó vô lý. Anh ta bị lạc, và bầy "chó sói" này chủ động tấn công anh ta. Nhưng để bảo vệ bản thân thì anh phải chiến đấu. Và kết quả cuộc chiến là anh ta sống, lũ chó sói bị chết. Nhưng đó lại là lỗi của anh ta? Hết sức vô lý.
Điều đó khiến tôi suy nghĩ. Jake có lỗi gì nhỉ?
- Bị lạc trong rừng do sự bất cẩn của bản thân
- Gây chú ý trong rừng vào ban đêm
- Đơn độc và yếu đuối nên dễ trở thành con mồi.
Tôi chợt nhận ra: sự bất cẩn của mình, sự yếu đuối của mình chính là thứ khiến những kẻ săn mồi yêu thích và muốn "tấn công". Tôi không hề nhìn nhận những điều đó ở bản thân mình, mà chỉ đổ lỗi cho những kẻ đã tấn công tôi. Nhưng những người đã hiểu quy luật sinh tồn, đã trở thành "kẻ mạnh" trong cuộc chiến sinh tồn thì dễ dàng nhận thấy đó là lỗi của tôi. Thật vậy, khi đi hỏi những người từng trải hơn tôi, họ đều bảo tôi quá yếu đuối, quá hiền nên bị bắt nạt là đương nhiên.
Nhưng suy nghĩ như vậy có phải là lối suy nghĩ "đổ hết mọi tội lỗi lên đầu nạn nhân - victim blaming" không? Nếu xét theo khái niệm thì cũng đúng. Bản thân họ vốn yếu đuối, mong manh, dễ bị tấn công nên họ dễ tổn thương. Việc nói họ "phải mạnh mẽ lên" hay "lỗi là của mày" đều phản tác dụng. Họ cần được bảo vệ, hỗ trợ, đào tạo để trở nên mạnh mẽ. Còn trong tự nhiên thì: kẻ mạnh bắt nạt kẻ yếu - đó là quy luật. Nếu tự mình muốn sinh tồn trong tự nhiên mà không cần tới ai, thì chỉ có cách là "phải trở lên mạnh mẽ hơn" hoặc là "chết", đừng nghĩ sẽ dựa dẫm được vào ai. Thế thì victim blaming cũng chẳng quan trọng. Bước đầu tiên là phải chấp nhận cái hiện thực đó.
Và cả việc bầy chó sói có "đáng chết" không? khi chúng hoàn toàn hành động theo bản năng sinh tồn: có kẻ xâm nhập lãnh địa, kẻ đó có thể là kẻ thù hoặc là con mồi. Nhưng kẻ đó đang gây nguy hiểm cho chúng, và chúng phải tấn công để bảo vệ lãnh thổ, kể cả chúng có thể bị chết. Thế thì chúng cũng đâu có lỗi, đâu đáng phải chết. Điều này khiến tôi suy nghĩ nhiều về trách nhiệm và những hậu quả do hành động của mình gây ra. Nó có thể đúng với bản thân mình nhưng lại gây tổn hại cho kẻ khác. Thế thì "công lý" là gì? là chỉ để bảo vệ bản thân còn mặc kệ kẻ khác ư? dẫu cho đó là giống loài khác, dẫu cho có là thú vật đi chăng nữa, thì chúng có "đáng chết"? Từ cách con người đối xử với tự nhiên, cho tới cách con người đối xử với nhau, nó khiến tôi có nhiều thứ cần nhìn nhận lại với con mắt khác.
Lẽ sống
Sau khi trải qua hành trình huấn luyện của Neytiri để Jake hoà nhập vào cộng đồng Na'vi, cuối cùng anh cũng được công nhận. Hình ảnh Jake bước lên, nhận được sự chào đón và kết nối từ cộng đồng kèm theo câu nói khiến tôi suy nghĩ mãi không thôi:
- The Na'vi say that every person is born twice. The second time is when you earn your place among The People forever.
Ở cảm nhận lần đầu tiên, tôi nghĩ đây giống như 1 nghi lễ đánh dấu sự trưởng thành, giống như lần sinh nhật thứ 18 vậy. Nhưng sau đó tôi thấy nó không hẳn là như vậy. Đây không chỉ là sự trưởng thành về thể chất, mà nó còn là sự trưởng thành về mặt tinh thần. "The second time" ở đây nó giống như việc ta đã tự nhận thức được về bản thân, tự khẳng định được mình có thể tự lập và trở thành một người có ích cho cộng đồng. Khi đó mọi người sẽ công nhận và cho phép bạn tạo một "vị trí" trong lòng họ, và nó mãi mãi không thay đổi. Lần thứ nhất là khi ta được sinh ra, được đặt tên, còn lần thứ hai là ta tự đặt lại tên cho mình. Đó mới thực sự là trưởng thành.
Và khi đã trưởng thành, ta biết nơi ta thuộc về, biết ai là người ta yêu thương, ta được chủ động chọn lựa, mỗi ý kiến của ta được lắng nghe:
- And I have the right to speak! (và tôi có quyền được nói)
Ta ý thức được quyền của mình, ta ý thức được điều gì là đúng, là sai. Ta chịu trách nhiệm về những điều mình làm ra.
Tình yêu
Tình yêu giữa Jake và Neytiri cũng thật kỳ lạ. Thứ mà Jake tồn tại trong đó chỉ là một thế thân, thuộc về thế giới loài người. Tình cảm anh ta cũng là tình cảm của con người. Còn Neytiri lại thuộc một thế giới khác. Ai cũng biết là không nên có thứ tình cảm nào đặc biệt diễn ra, bởi nó sẽ có một cái kết không có hậu. Gần như chắc chắn họ không thể đến được với nhau, hoặc giả muốn đến với nhau, một trong hai người phải chấp nhận việc phản lại đồng loại của mình.
Nhưng tình cảm ấy cứ nảy nở một cách rất tự nhiên, ngay từ lần đầu gặp mặt cho tới lúc họ kề vai sát cánh trên chặng đường đưa Jake Sully hòa nhập vào thế giới của người Na'vi. Đạo diễn có lẽ rất tài tình khi diễn tả cảm xúc nhân vật, để cho khán giả không thấy sự gượng ép nào. Từ việc hiểu về thế giới, hiểu các quy luật thiên nhiên, trái tim họ dần dần mở ra và kết nối với nhau. Tình cảm là thứ không thể kiểm soát và cũng không có logic nào cả. Họ vẫn cứ yêu, bất chấp nhìn thấy hậu quả.
Jake Sully biết điều đó, nhưng anh vẫn để nó xảy ra. Bởi việc có tình yêu với Neytiri như một sự hồi sinh trong anh, nếu đối chiếu nó với Jake của đầu bộ phim. Từ một kẻ mất niềm tin vào mọi thứ, anh lại tìm thấy tất cả, đặc biệt là tình yêu, bất chấp đó không phải là con người.
Tôi nghĩ đó là một sự lựa chọn, dù anh ta không chủ động chọn nó ngay từ đầu. Anh cũng bị giằng xé bởi lý trí khi tự hỏi:
- What the hell are you doing, Jake?
Một sự mâu thuẫn đã hình thành và lớn dần lên, ngay trong cuộc chiến giữa loài người với Na'vi, giữa lý trí và tình cảm của Jake. Dù anh có trốn tránh nó, có không nghĩ đến nó thì nó vẫn tồn tại và lớn dần. Cuối cùng nó sẽ buộc anh phải đối diện và lựa chọn mà thôi.
Tôi khi ấy cũng gặp tình trạng tình yêu bị ngăn cấm. Không ai ủng hộ và tôi đang cảm thấy không thể giữ được cô ấy nữa. Tôi biết một ngày nào đó tôi cũng sẽ phải đối diện và lựa chọn. Tôi biết ngày đó sẽ là ngày hết sức tàn khốc với tôi, nhưng tôi không thể tránh được (mà thực ra tôi không muốn trốn tránh nó nữa).
Đối diện và lựa chọn
Khi chạy theo lý tưởng, theo mơ ước, theo tình cảm, ta sẽ bị thực tế phũ phàng đánh thức:
- Sooner or later, though, you always have to wake up.
Sẽ chẳng ước mơ nào trở thành hiện thực nếu nó không gắn liền với thực tế. Dù có cố gắng chối bỏ nó đến đâu, thì một ngày nào đó nó sẽ hiện hữu và hạ gục bạn mà thôi - sớm hay muộn, bạn sẽ luôn luôn phải tỉnh dậy.
Đây là một điều tôi rất thích ở bộ phim. Bởi nó rất thực tế. Cái cách mà Jake gục ngã, nó là tận cùng của nỗi đau, là những tổn thất lớn lao tưởng chừng không thể hàn gắn hay bù đắp được. Đó là khi anh bị gán lên người cái mác:
- Outcast (kẻ bị ruồng bỏ)
- Betrayer (kẻ phản bội)
- Alien (người ngoài hành tinh)
Anh ta bơ vơ, lạc lõng, không có mục tiêu (một lần nữa). Những thứ anh gây dựng trong phút chốc hóa thành tro. Anh đối diện với thực tại: hoang tàn, đổ nát, một đống tro tàn đúng nghĩa đen. Chấp nhận mình mang theo những cái mác xấu xí kia, lê lết thân xác trong đống tro tàn để tìm kiếm một thứ gì đó, tìm trong vô định.
Khi mới xem những lần đầu, quả thực tôi không hiểu hết tâm trạng này. Chỉ khi nếm trải những cay đắng và mất mát trên đường đời, tôi mới hiểu hơn về nó. Về cái cảm giác phải cố đứng dậy để làm gì đó, nhưng lại không biết rõ mình phải làm gì. Chỉ biết mình phải làm vậy. Bởi vì mình đã từng có một mái ấm, một người để yêu thương, một hy vọng, một lẽ sống, và quan trọng nhất là bởi vì mình còn đang sống. Không được gục ngã. Đó là tiếng nói thôi thúc tôi trong suốt quãng thời gian đầy khó khăn khi ấy.
---
Và rồi một cơ hội đã tới:
- Sometimes your whole life boils down to one insane move.
Câu nói này vừa là lời Jake tự nhủ với bản thân, vừa là câu thần chú theo tôi suốt hành trình của mình ngoài đời thực. Phải đưa ra những quyết định khó khăn vào những thời điểm khó khăn nhất. Dẫu phải đánh đổi tất cả thì cũng phải nắm lấy cơ hội này. Hiểu theo một nghĩa nào đó, khi ở đáy vực, thứ duy nhất ta phải làm là "ALL IN" - đánh cược mạng sống vào ván bài cuối cùng, dù không biết chắc phần thắng. Nhưng đó không phải là sự ALL IN mù quáng. Không phải đối đầu trực diện với tử thần. ALL IN ở đây là sự tập trung toàn bộ tâm trí vào một hành động duy nhất, một quyết định duy nhất, sau khi đã suy nghĩ một cách cẩn trọng và táo bạo. Làm nó một cách dứt khoát, không do dự, bởi không còn đường lùi. Cái cách mà Jake nhảy từ trên xuống lưng Toruk Macto thể hiện điều đó.
---
Tôi hiểu rằng chấp nhận hiện tại là chưa đủ. Cần phải có hành động thoát ra khỏi đống hoang tàn đó. Cứ mãi bị đè nén bởi những cái mác người đời gán cho, cứ mãi suy nghĩ về những thất bại trước đây thì chẳng làm tình hình khác đi được. "Insane move" là hành động cần thiết, là thứ mà tôi chắc chắn sẽ phải lựa chọn khi bước tiếp trên đường đời. Và cách tôi hành động sẽ chứng minh điều đó. Còn về lý thuyết thì là như vậy:
- But that was just a theory.
Lý thuyết thì ai cũng biết. Chỉ hành động mới khiến ta khác biệt. Và để thành công, đôi khi còn nhờ may mắn. Nhưng một khi đã quyết định thì phải làm, phải tập trung hết mức, tuyệt đối không nghi ngờ quyết định của mình. Như thế thì mới tăng thêm tỷ lệ "may mắn" được.
Đứng dậy và chiến đấu
Dù biết sức mạnh của đối thủ, biết mình hoàn toàn không có "cơ hội" chiến thắng:
- We're going up against gunships with bows and arrows. (chúng ta đang lấy cung tên để đấu lại tàu bay đấy)
Nhưng Jake vẫn làm, vẫn nhận trách nhiệm "thủ lĩnh" cho người Na'vi vì anh có Toruk Macto. Điều này gợi cho tôi một suy ngẫm:
- Nếu là mình thì mình có làm như thế không?
- Đó là sự ngu dốt hay là dũng cảm?
Ban đầu tôi nghĩ đó là ngu dốt. Biết thua mà vẫn làm (thực tế chứng minh là người Na'vi thua sml). Anh ta hy vọng vào cái gì để mà chiến thắng? Hy vọng vào điều thần kỳ mà đạo diễn, biên kịch sẽ buff cho mình ư? Đúng là điều này có xảy ra khi Eywa tạo nên một phép màu. Nhưng trước đó thì sml là có thật.
Sau đó tôi nghĩ khác. Bởi vì dù anh ta không làm thì người Na'vi vẫn sẽ chiến đấu, vẫn sẽ làm như thế thôi. Hành động của anh ta không làm thay đổi thực tế đó được. Vì vậy quyết định đứng về phía họ, cùng họ chiến đấu dù biết chắc là thua được coi là hành động dũng cảm.
Vì làm điều đó, anh ta được chiến đấu cho lý tưởng, cho lẽ phải của mình, được chiến đấu bên người yêu, người anh em, người tin vào anh ta. Đó là một vinh dự, một niềm tự hào và đáng làm. Đó là một áp lực lớn lao khi phải gánh trên vai trách nhiệm thủ lĩnh, phải chịu được áp lực nhìn thấy (hay trực tiếp dẫn dắt họ) đi vào chỗ chết, rồi cố gắng hết sức có thể để chiến đấu. Anh ta xông vào đầu tiên, anh ta mở màn cuộc tấn công, anh ta chấp nhận làm tấm gương để truyền động lực cho những người đi sau có dũng khí tiến lên. Đối với tôi đó là một hình ảnh đẹp về lòng dũng cảm.
Và đến khi đối mặt với Quaritch trong tình huống 1 vs 1, Quaritch có nói 1 câu mà tôi cho là điểm nút, là "trúng tim đen" mà Jake luôn che dấu:
- Hey, Sully, how's it feel to betray your own race? (Mày cảm thấy thế nào khi phản bội lại đồng loại?)
Điểm nút ở chỗ đây là lúc Jake phải chấp nhận sự thật một lần nữa, rằng anh ta là kẻ phản bội, rằng lẽ phải mà anh ta đang bảo vệ không phải là của phe loài người. Vậy thì quyết định đó có phải là xấu xa, hành động đó có phải là phản bội, việc bảo vệ người Na'vi có phải là đi ngược lại với lẽ phải thông thường của loài người Trái Đất? Đây là một đòn trí mạng, bởi nếu Jack do dự, nếu lập trường của anh không vững vàng, mọi thứ anh đang làm sẽ là vô nghĩa.
Bản thân Jake cũng không trả lời được câu hỏi này. Anh chỉ "Gừ" lên một tiếng và nắm chặt con dao. Đã quyết định rồi thì không do dự nữa. Cũng không cần phải trả lời đối phương, bởi tòa án lương tâm của anh ta đã quyết định rồi. Anh chấp nhận mang tiếng là kẻ phản bội để bảo vệ điều anh ta yêu quý, tin tưởng. Anh sẽ không để mất nó một lần nữa.
Kết
Tôi đã suy ngẫm lại điều này rất nhiều. Rằng nếu một ngày kia, những hành động của tôi có làm tổn thương người khác, đi ngược lại với những thứ mà người đời vẫn nói, chỉ để bảo vệ lý tưởng và người mình yêu thương, thì tôi có dám làm không, có dám liều chết vì nó không? Có lẽ đối diện với chính tòa án lương tâm là điều khó nhất. Không có câu trả lời nào thỏa đáng cho tất cả. Không có quyết định nào là không có được và mất. Muốn được gì và có dám chấp nhận mất gì? Cái giá cho tự do và tình yêu là bao nhiêu? Tự tôi phải tìm ra con đường cho mình và phải quyết định thôi, chắc chắn nó sẽ xảy ra vào một ngày nào đó.
---
The end
02/04/2021
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất