Tôi từng nghĩ về cái chết như là sự kết thúc của mọi thứ. Đơn giản mà nói, vì chúng ta chỉ có khả năng tri nghiệm thông qua các giác quan của bản thân, khi chúng ta kết thúc khả năng tri nghiệm của các giác quan đó thì vũ trụ có tồn tại hay không cũng không quan trọng nữa. Lý lẽ gần nhất với suy nghĩ này có lẽ là của dòng triết học Epicurean, dù nó mang hơi hướm solipsist hơn.

Nhưng càng nghĩ nhiều, đọc nhiều, tôi thấy đây là một cái nhìn trốn chạy (escapism). Tôi đã di chuyển từ một chiêm nghiệm tri thức luận (tri nghiệm thông qua giác quan) đến một kết luận hiện sinh về ý nghĩa của sự chết - và theo đó - ý nghĩa của sự sống. Giữa chúng không thật sự có một mối tương quan nào đáng kể, hoặc giả có thì chúng ta cũng không thể tri nghiệm hoặc có bằng chứng nào được (vì không ai từ cõi chết trở về nói cho chúng ta chết là thế nào cả).

Tôi nghĩ, trong thế giới hiện đại, sự chết đang biến mất. Hoặc đúng hơn, ý nghĩa của cái chết đang bị xoá nhoà dần. Tôi không chỉ nhìn sự chết như sự, nói như cách hiểu của tôi, ngừng hoạt động tri nghiệm của con người, mà nhìn nó dưới dạng sự biến đổi của những dấu hiệu. Sự chết theo nghĩa tôi muốn hiểu là sự thay đổi tình trạng hạn định (determinacy) của vật, khiến vật rơi vào một trạng thái lưng chừng, bất định. Đơn giản: Chúng ta không biết cái gì đến đằng sau cái chết. Cái chết không nên được hiểu như sự kết thúc, vì chúng ta chẳng biết liệu nó có kết thúc được không. Cái chết nên được hiểu như là "sự đi vào bất định" bởi chúng ta không dò đoán được cái gì diễn ra đằng sau nó. "Chúng ta" đương nhiên chỉ người sống, vì, như đã đề cập, không có ai từ cái chết trở lại nói cho chúng ta điều gì đặc sắc cả (hoặc cái chết vốn không đặc sắc?).
Memento Mori – Pursued By Truth


Nếu hiểu cái chết như sự đi đến một điểm bất định, thì cái chết không còn là cái chết của con người, không còn là cái chết của cá nhân "tôi" nữa. Trong mọi vật đều có cái chết. Tôi xin nhắc lại, không phải mọi vật đi đến sự cuối cùng của nó, mà mọi vật đi đến sự bất định của nó. Nó không chỉ là nững vật hữu hình, mà còn là những trao đổi dấu hiệu (symbolic exchange) vô hình: Trong hoạt động sinh sản chúng ta nhìn thấy cái chết, bởi đó là sự sản sinh ra thế hệ mới, sự tự tách rời bản thân khỏi xã hội và trao gửi tình trạng hạn định sang thế hệ tiếp theo; Trong hoạt động tình dục nói chung cái chết cũng hiện hữu, bởi chúng ta đang biến mình thành kẻ khác, đang hoà hợp trong khi để cho bản thân loã lồ, sơ hở. Trong sự thay đổi về nhân cách cũng vậy: chúng ta dễ dàng cho rằng một phần nào đó rất khác của mình ngày xưa đã "chết" bởi các giá trị phụ thuộc đến mình đã hoàn toàn thay đổi. Về điểm này, tôi thích cách nói rằng "nhân cách của tôi/hắn ta/chúng đã thối rữa rồi", bởi thối rữa là một dấu hiệu của sự chết, và sự chết là sự thay đổi. Tôi tin rằng, ngay cả trong câu nói lăng mạ kiểu này, chúng ta vẫn tin vào sự thay đổi của con người.
Cái chết của cá nhân tôi, do đó, không chỉ là cái chết vật lý. Nó không chỉ là thân thể này chết đi. Chúng ta, với những kỹ thuật tiên tiến và với các định nghĩa hoá học sinh học rốt ráo luôn muốn định nghĩa nhất thiết sự chết như một hiện tượng sinh học đo đạc được. Tuy nhiên, cái chết, hiểu theo nghĩa rộng kia, còn có ý nghĩa xã hội của nó. Những người Aztec hiến tế mạng người như việc đổi cái chết lấy ánh sáng mặt trời. Những Pharaoh cho rằng sự chết là sự thống trị của họ ở thế giới bên kia. Chúng ta tin rằng có ông bà, tổ tiên sau khi chết quay lại phù hộ độ trì.

Không thể xem nhẹ ý nghĩa xã hội của sự chết chỉ như tín ngưỡng, vì nó thật sự có tác động tới xã hội sống. Và xã hội sống, không phải xã hội chết, mới là thứ duy nhất chúng ta tri nghiệm được. Ở đây, cách suy nghĩ ban đầu của tôi tự phản lại chính mình. Nếu chúng ta coi sự chết chỉ đơn giản như một quy tắc sinh học, chúng ta đang bỏ qua toàn bộ những giá trị xã hội, văn hoá hoàn toàn đặc thù của nó mà hướng theo cái chết như cái chết sinh học. Khi điều này xảy ra, chúng ta vừa xem nhẹ cái chết bởi nó không còn giá trị gì mà dấn thân mình vào chủ nghĩa khoái lạc, vừa sợ hãi bởi cái chết, bởi nó là kết thúc của tất cả. Cái chết trở nên vừa đáng sợ vừa tầm thường, mà cái chết không đáng bị nhìn nhận như vậy.

Chúng tôi, những người muốn chết, thường dùng chính sự mất ý nghĩa của cái chết này để bao biện cho hành động của chính mình. "Chết có là gì đâu, chúng ta có biết gì đâu. Cả vũ trụ sẽ biến mất..." Vâng, nó có thể có 1% là như vậy. Nhưng đã bao nhiêu người chết trước mắt chúng ta, sau lưng chúng ta và xung quanh chúng ta để chúng ta có thể khẳng định chắc chắn điều đó? Nếu chỉ có 1% khả năng thế giới còn tồn tại sau khi ta chết, liệu chúng ta có sẵn sàng sống một cuộc đời cá nhân và hưởng lạc không? Chúng ta, những kẻ muốn chết và bao biện cho mong ước muốn chết của mình, giống những kẻ sợ chết hơn là giống những kẻ sẵn sàng sống và đương đầu với cái chết, biết rằng còn một xã hội tồn tại nhờ và sau cái chết của họ.

Cái chết không nên bị sợ hãi, cũng không nên bị tối giản về cái chết sinh học. Cái chết không thể chỉ là "cái chết", một loại dấu hiệu (signifier) không có ý nghĩa (signified). Cái chết nó luôn là cái gì khác, luôn phải là cái đó của người sống và của người chết, là một mối liên hệ giữa sự hạn định và sự bất định. Cái chết phải có nhiều ý nghĩa như chính sự sống của chúng ta vậy.

Xin được kết bài bằng một đoạn viết rất hay của Fichte về nghĩa vụ của kẻ sống:

“Ý thức của chúng ta về phẩm giá và quyền lực của bản thân sẽ tăng lên khi ta nói với chính mình điều mà bất cứ ai cũng có thể nói được: “Sự tồn tại của tôi không phải vô nghĩa và không có mục đích. Tôi là một mắt xích cần thiết trong chuỗi xích khổng lồ, nối dài từ giây phút con người lần đầu tiên có ý thức rõ rệt về sự tồn tại của bản thân và trải dài đến vĩnh cửu. Tất cả những con người trước đây đã lao động cho lợi ích của tôi. Tất cả những vĩ nhân, những người thông thái và cao quý, những bậc thánh hiền của loài người mà tên tuổi đã khắc ghi trong lịch sử, cũng như bao người khác mà công trạng của họ trường tồn hơn chính tên tuổi họ: Tôi là người ăn được những quả ngọt họ đã trồng cấy. Trên mặt đất này, nơi họ từng sinh sống, tôi bước trên dấu chân những người khổng lồ, những người đã mang lại phước lành cho những tông đồ của mình. Bất cứ khi nào tôi muốn, tôi có thể đảm nhận nhiệm vụ cao cả mà họ đã đặt ra: Nhiệm vụ khiến cho đồng loại của ta ngày càng trở nên thông thái hơn và hạnh phúc hơn. Ở nơi họ phải dừng lại, tôi sẽ bồi đắp thêm. Tôi có thể tiến gần hơn tới việc xây dựng ngồi đền cao quý mà họ đã phải bỏ dở.

“Nhưng”, có kẻ sẽ nói, “tôi cũng sẽ phải bỏ dở, như cách họ cũng phải bỏ dở.” Đúng là như vậy đấy! Và đó chẳng phải là điều cao cả nhất sao? Một khi tôi đã nhận trách nhiệm cao cả này, tôi sẽ không bao giờ hoàn thành nó. Vì vậy, cũng như vai trò chắc chắn của tôi trong việc hoàn thành nhiệm vụ cao cả đó, tôi sẽ không bao giờ ngừng hành động, và vì vậy, không bao giờ ngừng tồn tại. Cái được gọi là “cái chết” không thể làm gián đoạn công việc của tôi; vì công việc của tôi phải được hoàn thành và nó không bao giờ có thể hoàn thành trong bất kỳ khoảng thời gian nào. Do đó, sự tồn tại của tôi không có giới hạn thời gian: Tôi là vĩnh cửu. Vì vậy, khi nhận nhiệm vụ vĩ đại này, tôi đã nắm trọn sự vĩnh cửu trong tay.”