Nisơ. Anh là ai?

Có một tác phẩm đã ảnh hưởng mạnh đến cách mà tôi sống cuộc đời này. Nó đến với tôi từ khi còn rất nhỏ, qua hai thùng truyện tranh cũ mà người em họ lớn tuổi hơn gửi về quê cho chị em tôi. Nhưng mãi khi đến 6 tuổi, học xong bảng chữ cái tôi mới tập tành cầm nó lên mà đọc từng chữ, từng ô, từng trang, từng quyển, rồi đến cả bộ. Và tôi vẫn cứ đọc lại nó cho đến hết thời tiểu học. Nó là một bộ truyện tranh, Siêu Quậy Téppi (Ore wa Teppei), một trong những bộ truyện tranh nổi tiếng của Nhật du nhập vào Việt Nam đầu những năm 90, trở thành kinh điển cùng với ĐôRêMon, 7 Viên Ngọc Rồng… Có quá nhiều điều muốn nói nhưng lại không thể nói về cậu bé Teppi tinh nghịch này (hãy cứ gọi bằng cái tên ấy cho quen thuộc). Tại sao ư? Teppi là một trong những manga đầu tiên đến Việt Nam, và vẫn còn được nhắc tới cho tới bây giờ, vì nó vừa hài hước, dí dỏm, gay cấn, vừa sâu sắc với thực tế cuộc sống, những điều mà rất hiếm tác phẩm truyện tranh nào làm được.
Cốt truyện xoay quanh Teppei, một cậu bé theo cha lên núi tìm kho báu và sống suốt thời thơ ấu trong thiên nhiên hoang dã; vì thế mà khi trở về thành phố, cậu hơi lập dị và gây rắc rối thường xuyên từ khi nhập học do quen với cuộc sống tự do. Tuy nhiên, do sống trong nơi hoang dã từ nhỏ nên Teppei có khả năng hơn hẳn người bình thường trong thể thao, cậu chú ý đến môn kendo và bắt đầu luyện tập thường xuyên để trở thành kiếm thủ giỏi nhất. Cũng như dù có khá nhiều nhân vật nữ xuất hiện nhưng truyện không hề đề cập gì về các tình tiết lãng mạn.
Tuổi thơ của tôi không ra ngoài tiếp xúc bạn bè, một phần của nó là những lúc chỉ ở trong nhà ngồi xếp bằng và đọc ngấu nghiến cuốn sách. Chi tiết khiến tôi không thể nào quên được là hình ảnh một Teppi dơ bẩn trong bộ quần áo nhếch nhác, luôn miệng :
“Trong núi kia.
Làng nho nhỏ.
Suốt ngày khóc tỉ ti.
Con bù nhìn bằng rơm khóc tỉ ti.
Nhìn ráng chiều. Khóc tỉ ti.
Nhà tui ở đâu.
Mẹ ơi ! Mẹ ở đâu?”
Lúc đó tôi bắt gặp trên khuôn mặt mang đầy nét hoang dã ấy ánh mắt ngây dại, có lẽ do phải xa mẹ từ nhỏ nên em đã không được nuôi dạy đàng hoàng như một con người, mà thay thế vào đó lại là sự bỏ bê của người cha vô trách nhiệm. Quậy phá, đào trộm củ, dọn dẹp đất đá, ngồi mơ tưởng về các món ăn ngon lành là những việc quá đỗi quen thuộc hằng ngày của em. Và rồi khi về với xã hội văn minh, những việc em làm không được người xung quanh chấp nhận, họ bảo rằng em điên, em ngớ ngẩn, ảo tưởng. Nhưng em không nghe theo những lời ấy, cứ tiếp tục làm điều em muốn, tự mình đạt được mục đích của mình bằng mọi cách. Và rồi nỗ lực của em cũng được đền đáp nhờ lòng tự tin dũng cảm. Em trở thành kiếm sĩ mạnh nhất.
Toàn bộ câu truyện đó là tiếng kêu gọi của một tinh thần tự lực, tự quyết đầy mạnh mẽ. Téppi không dựa dẫm vào ai, cũng chẳng nghe lời dạy bảo của bất cứ ai, tất cả hành động của cậu đều dựa trên cảm nhận, suy nghĩ và sự tự quyết của chính cậu. Có thể thấy nhờ điều ấy cậu mới nổi trội giữa những con người đồng thời, đồng lứa, mới có thể đạt được tinh thần sáng tạo để vượt qua mọi thử thách, biến cố trong cuộc đời cậu mà không ai nghĩ cậu có thể làm được. Đó cũng là tiếng nói phản kháng lại một xã hội với những con người tầm thường, quen với nhịp điệu hiển nhiên, bám víu vào nhau và vào những ý hệ. Đó là sự chuộng thành tích và giáo dục con người kiểu mẫu đến cực đoan của ngôi trường thứ nhất của Téppi, sự rèn luyện máy móc ngớ ngẩn khiến những đội kiếm đạo không thể nào vươn lên được. Téppi và ông bố là hai nhân vật phản kháng điển hình, đã phá huỷ hết mọi biểu tượng, mọi sự an toàn, cầm tù, mọi thứ mà người ta bám lấy ở trong truyện. Thậm chí tập cuối hai cha con còn (vô tình) đốt cả ký túc xá trường, giữa lúc người đọc tưởng Téppi đã có được một đời học sinh đầy mãn nguyện ở ngôi trường thứ hai. Đó là lời nhắc cho chúng ta, đừng bao giờ an vị hay lẩn vào sự an toàn thoải mái mà mất cảnh giác, cuộc sống không phải như thế. Kết truyện, đó là cảnh ra khơi của con thuyền phá băng đi tìm kho báu, với những người bạn của Téppi ở trên ấy, một sự tự do tự tại, liều lĩnh ăn nằm, tự thân vận động chẳng cần đến một ai khi ta đã có hiểu biết về cuộc sống cho riêng mình.
Bây giờ, ở tuổi đôi mươi, đọc lại thì tôi ngửi thấy một mùi gì đó, một thứ mùi rất là Nietzsche. Có lẽ tác giả chịu ảnh hưởng bởi tư tưởng của ông ấy chăng? Nhìn lại cả tác phẩm cứ như đang nhìn mọi tư tưởng của Nietzsche thành tựu lại trên văn hoá Nhật Bản vậy. Tôi chợt nhớ ra chữ “triết học” đầu tiên mà tôi đọc được trong đời là từ Téppi. Tôi nhớ nhân vật nói tiếng ấy là một anh chàng lớn tuổi to con hiền lành chất phác, trên tay vẫn luôn giữ một quyển sách. Anh tên là Masan, nhưng vì quyển sách anh đọc nên người ta gọi anh là “Anh Nisơ”. Rồi từ lúc nhớ ra điều đó, có một thứ ở trong đầu tôi, mà tôi chắc chắc không phải óc luận lý logic, đã giúp tôi thấy cái tên này có gì đó liên quan tới Nietzsche. Tôi tìm đọc lại chương chuyện ấy và…
Đọc thêm:
Tôi tá hoả, Nisơ, Trarastra, chẳng là là Nietzsche với quyển Zarathustra đó sao? Nó vẫn luôn ở đó, cái tiếng Nisơ mà lúc nhỏ tôi từng vài lần thắc mắc không biết từ đâu ra, tại sao lại gọi anh ta như vậy? Đến giờ thì mọi thứ đã rõ, hoá ra vì điều kiện dịch thuật khi xưa chưa tốt nên người dịch phiên âm từ hán tự tiếng Nhật sang cách đọc âm tiếng Việt thì chữ đã bị sai dần. Chẳng thể trách người dịch, vì ngay cả chữ “sin” vô nghĩa chúng ta dùng trong Toán học cũng hoàn toàn là biến thái từ chữ “Jyā (ज्या)” trong tiếng Phạn đó thôi.
Đến đây thì tôi chắc chắn Nietzsche có nhúng tay vào đây, tác giả Chiba Tetsuya đã lấy cảm hứng từ tư tưởng của triết gia trên mà sáng tác Téppi, thế nên nó mới sặc mùi “Ý chí quyền lực” thế này.
Vậy nếu giờ hiểu lại Téppi theo tư tưởng của Nietzsche thì có lẽ nói đến ba hoá thân của Zarathustra là hợp nhất. Một trong những điểm đặc sắc nhất của “Zarathustra đã nói như thế” là sự chuyển hóa vĩ đại về tinh thần của một hành giả trên con đường giải thoát, mà Nietzsche hình tượng hóa bằng ba cuộc hóa thân: Từ tinh thần biến thành lạc đà, từ lạc đà biến thành sư tử và từ sư tử biến thành trẻ thơ.
Nietzsche đã viết:
“ … Có rất nhiều gánh nặng đối với tinh thần, đối với tinh thần dũng mãnh kiên trì được sự tôn kính khích động: dũng lực của tinh thần ấy đòi hỏi những gánh nặng nặng nề nhất. Có cái gì nặng nề đâu? Tinh thần can đảm cất tiếng hỏi như thế; rồi nó quỳ gối như con lạc đà và muốn người ta chất thật nặng lên lưng mình”.
“ … Tinh thần dũng mãnh nhận lãnh tất cả những gánh nặng đó: như con lạc đà vừa được chất hàng xong, vội vã lên đường về sa mạc, tinh thần dũng mãnh cũng vội vã về với sa mạc của đời mình như thế. Nhưng giữa lòng sa mạc hoang liêu cô độc nhất đã thành tựu cuộc hóa thân thứ nhì: ở đây tinh thần biến thành sư tử, tinh thần muốn chinh phục tự do và làm chủ sa mạc riêng của mình”.
“…Nhưng hỡi các anh em, hãy nói ta nghe, đứa trẻ thơ có thể làm điều gì mà con mãnh sư đã không thể làm được? Tại sao con mãnh sư dữ tợn phải biến thành trẻ thơ?
Trẻ thơ là sự ngây thơ và quên lãng, một sự tái khởi miên viễn, một trò chơi, một bánh xe quay vòng quanh mình, một vận chuyển đầu tiên, một tiếng ‘Vâng’ linh thánh”
Có thể thấy bố của Téppi, Lâm Kỳ, chính là hình ảnh đại diện cho lạc đà. Người thanh niên trí thức tài ba, một người được dạy trở thành một người đàn ông mẫu mực của gia đình, của xã hội. Anh chị em của Téppi cũng là những người như vậy. Nhưng ông bố thì khác, ông tỉnh thức, hoá thân thành sư tử, bỏ nhà, bỏ vợ, bỏ con, bỏ luôn cả trách nhiệm xã hội, để đi lên núi tìm kho báu, phá huỷ hết mọi định nghĩa biểu tượng về một người đàn ông trong xã hội. Có lẽ cũng vì thế mà tác giả vẽ ông ấy tóc tai râu ria bù xù chẳng khác gì sư tử. Một nhân vật đóng vai lạc đà nữa là Troyo, người châm ngọn lửa cho mọi vấn đề của câu truyện. Anh mồ côi cha mẹ, luôn sống trong sự hiểu lầm của người đời, nhưng anh không bao giờ kêu ca, vẫn bình tĩnh mà hành xử điềm đạm với mọi người. Anh mang gánh nặng của mọi việc anh đã làm trong quá khứ, sống chết với nó và nhờ đó anh trở thành nhân vật trưởng thành nhất trong truyện.
Còn Teppi, hiển nhiên vô tình sống trong rừng từ nhỏ với ông bố trời đánh, nên sinh ra đã như một con thú hoang, một con sư tử con. Để rồi khi về với văn minh Nhật Bản mà gần như mang hình dáng bại hoại của Tây Phương, cậu đã như con sư tử phá huỷ hết mọi thứ, phản kháng đấu chọi với tất cả. Nhưng cậu vẫn là một đứa trẻ và cả câu chuyện là quá trình con sư tử ngày càng trở về với hình ảnh trẻ thơ. Có một đặc điểm trong nét vẽ của tác giả mà nhiều độc giả nhận ra là trái ngược với sự phát triển và trưởng thành trong các khía cạnh tinh thần của Téppi, hình dáng bên ngoài của cậu càng ngày càng lùn và khi kết thúc truyện thì vóc dáng của cậu gần giống như một học sinh tiểu học.
Đọc thêm: