Nietzsche và những hiểu lầm phổ biến
Là một người luôn nhắc về la mort de l'Auteur và khuyến khích cũng như bảo vệ quyền của người đọc diễn giải tác phẩm theo trải nghiệm...
Là một người luôn nhắc về la mort de l'Auteur và khuyến khích cũng như bảo vệ quyền của người đọc diễn giải tác phẩm theo trải nghiệm cá nhân của họ, đáng lẽ ra tôi không nên viết về Nietzsche -- tác gia triết học bị hiểu lầm thường xuyên nhất trong lịch sử triết học -- và chỉ ra những sai lầm của độc giả khi đọc Nietzsche. Không có cách đọc sai và không có cách hiểu sai Nietzsche -- nếu như bạn thực sự đọc Nietzsche. Tuy nhiên, lối viết của người đàn ông có ảnh hưởng lớn nhất đối với triết học đương đại này không hẳn là dễ đọc, và những câu viết của ông quá dễ để trích dẫn sans contexte, do đó đại đa số những người chỉ nghe nói về Nietzsche chỉ biết về ông một cách vô cùng qua loa và đại khái. Không khó để tìm một người đọc triết nghiệp dư cho rằng Nietzsche là "hiện sinh", "vô thần", hay tệ hơn nữa là "hư vô chủ nghĩa." Bài viết ngắn này hi vọng sẽ giúp giải độc những hiểu lầm phổ biến của những người đọc triết nghiệp dư về Nietzsche, cũng như cung cấp ngữ cảnh lịch sử và xã hội quan trọng để minh chứng cho tầm nhìn xuyên thế hệ của Nietzsche -- triết gia vĩ đại nhất của triết học hiện đại.
1. "Chúa đã chết" là một nhận xét chứ không phải là một tuyên ngôn
Xuất hiện trong "The Gay Science" và "Thus Spake Zarathustra", cụm từ "Chúa đã chết" (vốn đã có trước Nietzsche từ lâu) có nguyên văn như thế này:
"God is dead. God remains dead. And we have killed him. How shall we comfort ourselves, the murderers of all murderers? What was holiest and mightiest of all that the world has yet owned has bled to death under our knives: who will wipe this blood off us? What water is there for us to clean ourselves? What festivals of atonement, what sacred games shall we have to invent? Is not the greatness of this deed too great for us? Must we ourselves not become gods simply to appear worthy of it?"
Vậy "Chúa" ở đây nên hiểu là gì? "Chúa" của Thiên Chúa giáo đã chết gần hai nghìn năm rồi, câu tuyên bố đó dĩ nhiên không dành cho Jesus xứ Nazareth. Khi Nietzsche viết "Chúa đã chết", ông đang muốn nói về hiện thực hệ thống giá trị của Thiên Chúa giáo, vốn là lời của chúa và được truyền đạt qua nhà thờ, đã đến hồi cáo chung. Nietzsche không phải là người khởi nguồn sự cáo chung đó, cũng không giúp nó phát triển nhanh hơn -- thực vậy, hệ thống nhân sinh quan, thế giới quan và giá trị đạo đức của Thiên Chúa giáo đã bắt đầu xói mòn càng lúc càng nhanh và không thể vãn hồi được nữa vào thời của Nietzsche. Khoa học đã dọn dẹp làn sương mờ xung quanh những phép màu của Chúa -- giờ đây, người ta khỏi bệnh là do y học, chứ không phải do phép màu của Chúa. Mặt trời và mặt trăng và những thiên thể khác vận hành dựa vào những công thức toán học chứ không phải dựa vào ý chí của Chúa. Và mặc kệ là Mười điều răn của Chúa hay là lời dạy của Giáo hoàng và Giáo hội đều đã không còn đủ để làm cơ sở cho luật pháp hay cách cư xử trong các mối quan hệ người-người hay người-nhà nước hay nhà nước-nhà nước nữa. "Don't do unto others what you what you don't want others to do unto you" (Đừng làm cho kẻ khác những gì bạn không muốn kẻ khác làm cho mình) không đủ thuyết phục trong một xã hội bất công cao độ, và chẳng ai muốn đưa cái má kia để ăn tát sau khi bị tát một bên má cả. Kẻ yếu sẽ thừa hưởng mặt đất ("the meek shall inherit the earth"), nhưng "sẽ" là khi nào? Dân chúng đã không còn tin vào những lời hứa hẹn vào kiếp sau và sau này nữa; họ đòi hỏi công bằng và công lý ngay tại đây, ngay bây giờ. Thế là, những học thuyết khác nhau đã ra đời để thay thế hệ thống nhân sinh quan, thế giới quan, và giá trị đạo đức của Thiên Chúa giáo. Không có những hệ thống ấy dẫn đường, con người sẽ lạc lối vào sa đọa và hưởng thụ, vào hư vô chủ nghĩa, vào khủng hoảng niềm tin và giá trị. "Chúa đã chết" chính là một lời nhận xét về thực tại ấy, cũng như là một lời kêu gọi cấp thiết rằng con người phải tạo ra hệ thống giá trị của chính mình để thay thế giá trị đã lỗi thời của Thiên Chúa giáo.
2. Người-siêu-việt-người và ý chí quyền lực vượt ra ngoài sự đánh giá của đạo đức
Người-siêu-việt-người hay siêu nhân (Übermensch: Overman, Superman) trong triết học của Nietzsche là một khái niệm, một lời tiên tri chứ không phải là một thực thể, một chủng người siêu việt hơn những chủng người còn lại. Những người chỉ trích Nietzsche đã cho rằng Hitler đã vay mượn khái niệm "siêu nhân" để lý giải cho sự thượng đẳng Aryan và biện hộ cho việc đô hộ những chủng tộc kém hơn mình. Sự chỉ trích này là thiếu căn cứ, vì "siêu nhân" của Nietzsche là một khái niệm dùng để phân biệt với những con-người-quá-đỗi-người (human-all-too-human), những kẻ phí phạm cuộc sống của mình đi theo sự dẫn dắt của kẻ khác, chưa bao giờ đặt dấu hỏi cho ý nghĩa của sự tồn tại của bản thân. Nói cách khác, ý chí quyền lực (will to power) chính là điểm phân biệt giữa siêu nhân và con-người-quá-đỗi-người. Ý chí quyền lực, chính là khát vọng áp đặt ý chí -- hệ thống giá trị -- của bản thân lên những đối tượng khác: Con người, xã hội, hay thậm chí là tự nhiên. Xây một con đập để giữ lại một dòng sông, chính là ý chí quyền lực. Viết về khế ước xã hội để ràng buộc công dân và nhà nước, chính là ý chí quyền lực. Lãnh đạo một dân tộc giành lại độc lập tự do, chính là ý chí quyền lực. Ý chí quyền lực tự nó không "tốt" hay "xấu"; thực vậy, nó nằm ngoài mọi hệ thống giá trị đạo đức vì chính ý chí quyền lực của một kẻ nào đó đã tạo nên hệ thống giá trị đạo đức, chứ không phải ngược lại. Ý chí quyền lực là khao khát căn bản của mọi con người, nhưng không phải ai cũng đủ dũng khí để thừa nhận và hành động theo ý chí quyền lực của mình.
Nhưng có phải, sự áp đặt ý chí quyền lực sẽ luôn dẫn đến chiến tranh và xung đột? Không hẳn, nhưng cũng không sai. Một hệ thống giá trị, về bản chất, phải độc quyền chân lý; bởi nếu không, hệ thống giá trị đó sẽ sớm bị một hệ thống giá trị khác mang tính độc quyền chân lý thay thế. Và sự khẳng định ý chí quyền lực của các hệ thống giá trị khác nhau này tất sẽ dẫn đến xung đột. Nhưng xung đột không có nghĩa là chiến tranh, là diệt chủng, là bi kịch: Những hệ thống giá trị mang đến sự phân biệt giữa thượng đẳng và hạ đẳng sẽ sớm đi vào ngõ cụt khi những kẻ hạ đẳng kia nổi dậy và thực hiện ý chí quyền lực của bản thân mình. Những hệ thống giá trị cho phép con người truy cầu ý chí quyền lực của mình thông qua việc tìm kiếm ý nghĩa của bản thân, thông qua việc vượt qua bản thân, vượt qua sự khủng hoảng và nỗi buồn vô hạn độ, đó mới là những hệ thống giá trị trường tồn. Và, những hệ thống giá trị còn tồn tại dĩ nhiên là "tốt", còn những hệ thống lạc hậu, lỗi thời hoặc bị đào thải, dĩ nhiên là "xấu." Siêu nhân và ý chí quyền lực là những động cơ, là chất xúc tác tạo nên các hệ thống đạo đức; do đó, chúng đương nhiên vượt ra khỏi sự đánh giá của các tiêu chuẩn đạo đức.
3. Triết học của Nietzsche là triết học duy sinh
Cuộc đời của Nietzsche, nếu gói gọn trong hai chữ "bi kịch" có lẽ là không sai. Thế nhưng triết học của Nietzsche không phải là thứ triết học bi kịch, chứ đừng nói gì đến bi quan hay yếm thế. Triết học của Nietzsche là thứ triết học duy sinh (life-affirming: duy sinh, khẳng định cuộc sống), là thứ triết học lạc quan và yêu đời nhất mà tôi từng biết. Số phận của bạn có thể là không thể thay đổi được, cuộc đời bi kịch của bạn có thể sẽ là một vòng lặp bất tận vĩnh viễn (the eternal return); nhưng bạn phải yêu lấy số phận đó (amor fati) bằng cách hết lần này đến lần khác đứng dậy và chống lại số phận đó, bằng cách khẳng định ý chí quyền lực của bản thân mình. Không có ánh sáng thì không có bóng tối, không có nhiệt sẽ không có hàn, không có hư vô sẽ không có hữu hình. Nhưng chính sự tìm kiếm ánh sáng, tìm kiếm sự ấm áp, tìm kiếm những gì tốt lành trong cuộc sống này, mặc kệ cho những lạnh giá, mặc kệ hư vô, mặc kệ sự hủ bại của đạo đức -- chính sự áp đặt ý chí quyền lực lên trên số phận của bản thân, đó chính là ý nghĩa tối thượng của tồn tại. Đó chính là niềm-vui-của-sự-trở-thành (the joy of becoming). Hãy so sánh giữa Schopenhauer và Nietzsche:
At the moment of the tragic catastrophe, we become convinced more clearly than ever that life is a bad dream from which we have to awake [...] that the world and life can afford us no true satisfaction, and are therefore not worth our attachment to them. [...], accordingly, it leads to resignation. (Schopenhauer, The World as Will and Representation Vol. II: 433).
Saying yes to life, even in its strangest and harshest problems; the will to life rejoicing in its own inexhaustibility through the sacrifice of its highest types--that is what I call Dionysian, that is the bridge I found to the psychology of the tragic poet. Not to escape horror and pity [...] but rather over and above horror and pity, so that you yourself may be the eternal joy in becoming,-- the joy that includes even the eternal joy in negating. (Nietzsche, Twilight of the Idols, What I Owe to the Ancients #5).
Nếu Schopenhauer cho rằng cuộc sống này là một cơn ác mộng, là một nơi tạm bợ chúng ta cần phải rời đi -- tư tưởng đồng bộ với sự phủ định hiện thế của mọi tôn giáo khác: Thiên Chúa giáo khuyến khích con người tìm đến "thiên đường" ở kiếp sau, Phật giáo khuyến khích con người tìm kiếm "niết bàn", v.v... -- thì Nietzsche lại cho rằng cuộc sống này đáng sống chính bởi sự tìm kiếm và trở thành -- sự khẳng định ý chí quyền lực -- của mỗi cá nhân, bất chấp mọi bi kịch, mọi sự khủng khiếp hay đáng tiếc mà cuộc sống có thể mang lại. Đấy, theo tôi, chính là thứ triết học duy sinh tối thượng. Đọc Nietzsche sẽ không khiến bạn trở nên bi quan chán đời hay cuốn vào hư vô chủ nghĩa; trái lại, Nietzsche sẽ giúp bạn đầy hứng khởi và niềm vui đối với cuộc sống. Nietzsche sẽ không khiến bạn yếm thế chán đời và bất động; trái lại, Nietzsche sẽ giúp bạn trở thành con người hành động, khẳng định ý chí quyền lực của mình và trở thành người-siêu-việt-người. Đấy chính là thứ triết học chân chính nhất, vĩnh cửu nhất mà bạn có thể mang theo đến hết quãng đời còn lại của bạn.
Lịch sử
/lich-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất