TỪ TRAVIS BICKLE TỚI JOKER - LỐI ĐI NÀO CHO "KẺ CÔ ĐƠN CỦA CHÚA"? (P2 trong series về Travis Bickle)
Nối tiếp series về nhân vật Travis Bickle - một hình tượng kinh điển của lịch sử điện ảnh. Sau P1 phân tích về kịch bản và diễn xuất, phần này mình sẽ có một số liên hệ đến những hình tượng được truyền cảm hứng từ Travis.
Về nhân vật Travis Bickle trong Taxi Driver (1976) P1:
Tiếp nối phần một về nghệ thuật xây dựng hình tượng điển hình qua góc nhìn thứ 1, độc thoại nội tâm và diễn xuất
3. Cách tân nhân vật noir cổ điển:
Nhiều nhà phê bình đánh giá Taxi Driver là một phim Neo Noir (Noir hiện đại) vì những điểm thừa hưởng và cách tân của nó với phong cách này. Taxi Driver có bầu không khí đen tối bi quan, một nhân vật phản anh hùng lâm vào những tình huống khó khăn liên quan đến phụ nữ, sự bóp méo hình ảnh trong không gian đặc thù để nhấn mạnh cảm xúc. Tất nhiên, Taxi Driver không phải phim đen trắng.
Tuy vậy, phải thừa nhận rằng phong cách Noir đã có những ảnh hưởng không nhỏ tới việc xây dựng nhân vật Travis Bickle. Travis giống như một nhân vật noir được cực đoan hóa, cô lập hơn và điên cuồng hơn rất nhiều. Nếu ở Joker, nhà làm phim khiến chúng ta cảm thông cho hành động của Arthur vì những tổn thương mà anh ta phải chịu thì ở Taxi Driver, không có lí do nào thực sự chính đáng được đưa ra để biện minh cho những hành động của Travis - nhân vật tồn tại nhờ sự cô đơn và rồi bị mắc kẹt trong chính sự cô đơn đó. Theo truyền thống của phim noir, thế giới của Taxi Driver chỉ tồn tại trong không gian của riêng nó. Một không gian được hình thành bởi trạng thái tâm lí của nhân vật trung tâm.
Sau cuộc hẹn hò bất thành với Besty, Travis gọi điện để hỏi thăm từ một bốt điện thoại công cộng trong một tòa nhà văn phòng. Travis được quan sát từ phía sau, mặt anh quay vào tường. Rồi đột nhiên máy quay bắt đầu di chuyển khỏi Travis, hướng sang bên phải và dừng lại ở một hành lang dẫn ra đường cho đến khi Travis kết thúc cuộc điện thoại. Anh ta lầm lũi bước vào khung hình và hòa vào dòng người bên ngoài. Máy quay đã bỏ rơi Travis như một nhân vật vô danh. Và đó không phải là lần duy nhất. Cấu trúc của bộ phim muốn nhắc lại với khán giả rằng, chúng ta đang chia sẻ sự lệch lạc trong không gian của một nhân vật hoàn toàn bị tách biệt khỏi môi trường mà anh ta đang sống. Ngay cả nhận thức của anh ta về môi trường đó cũng trật khỏi bất kì khớp nối “bình thường” nào. Máy quay thường quan sát anh ta ở những vị trí không mấy “thuận mắt”, thậm chí loại bỏ Travis hoàn toàn khỏi khung hình và chuyển hướng sang những không gian trung lập xung quanh: nhà để xe, hành lang, bức tường, những đóa hoa úa tàn, đồ ăn vặt,... Scorsese buộc người xem phải nhìn vào nhân vật cùng lúc làm rối loạn cái nhìn đó.
Travis được xây dựng trong tương quan với hai người phụ nữ, Besty - cô trợ lí xinh đẹp trong chiến dịch bầu cử tổng thống của ứng cử viên Palantine và Iris - cô gái điếm vị thành niên bị dụ dỗ bởi gã ma cô Sport. Sự xuất hiện của hai nhân vật này không phải là ngẫu nhiên mà hoàn toàn có chủ ý nhằm khắc họa ám ảnh của một nhân vật phản anh hùng: một thiên thần da trắng và một con chiên nhỏ cần sự cứu rỗi.
Trong nỗ lực tiếp cận Besty, Travis đã lầm tưởng rằng nàng sở hữu trái tim thuần khiết duy nhất còn sót lại giữa cuộc đời đảo điên này. Để sau cùng khi cô bỏ lại anh ở rạp chiếu phim khiêu dâm, anh nhận ra cô ta cũng thật giống bọn họ. Besty nhận định rằng Travis là một mâu thuẫn, tựa như lời bài hát của Kris Kristofferson. Besty đã sai, Travis không phải là một mâu thuẫn, anh ta giống như một cỗ máy với những bộ phận bị ngắt kết nối, bất kì bộ phận nào ngẫu nhiên được ưu tiên sẽ kích hoạt một nhận thức hay hành động mới.
Iris, cô gái điếm 12 tuổi sẽ trở thành “giọt nước tràn ly” trong cơn thịnh nộ của Travis - bị giằng xé giữa hai lựa chọn: sự quan tâm, bảo vệ của Travis và thứ tình cảm dối lừa của gã ma cô. Những lời nói với cô bé chẳng khác gì những đồ ăn nhanh mà Travis luôn ăn, bề ngoài lấp đầy cái bụng rỗng còn bên trong là phá hoại. Travis muốn cứu lấy đời cô trong khi không quan tâm rằng Iris có thực sự muốn điều đó hay không.
Iris thụ động phục tùng những lời sáo rỗng của tình cảm tầm thường, còn Travis phục tùng những khuôn sáo của hành vi bạo lực.
Dù cuối cùng, cuộc tắm máu của Travis về khía cạnh nào đó đã giải thoát cho Iris, nhưng một câu hỏi còn ở lại là cuộc sống mới của cô có thực sự tốt hơn. Chi tiết này có thể được xem như một sự kế thừa tinh thần bộ phim The Searchers của John Ford, cả hai bộ phim đều xoay quanh một cựu binh cô đơn cố gắng giải cứu cho một cô gái trẻ không muốn được cứu.
Một điểm thú vị khác mà chúng ta có thể nhận ra khi đối chiếu hai đường dây nhân vật này với nhau: Travis có xung đột với hai người đàn ông gắn liền với hai người phụ nữ mà anh quen biết: ứng cử viên tổng thống Palantine và gã ma cô Sport. Xét ở một khía cạnh nào đó, hai nhân vật này có những điểm rất tương đồng. Nếu như gã ma cô dùng những lời ngon ngọt để mê hoặc Iris, biến cô thành con nghiện và sau đó kiếm chác từ thân thể cô thì tên chính trị gia dùng những lời nói tốt đẹp, hào sảng để vẽ lên một viễn cảnh rực rỡ với dân chúng, nhưng lại tỏ ra ngần ngại khi Travis chia sẻ về việc “làm sạch NY”. Sport là ma cô của thế giới bẩn thỉu đầy rác rưởi về đêm thì Palantine chính là “ma cô” của thế giới văn minh ban ngày. Mâu thuẫn giữa Travis với hai nhân vật này chính là mâu thuẫn trực hệ được tạo ra từ sự bất bình đẳng trong xã hội. Mà ở đây Travis chính là người bị ám ảnh thụ động: ghê tởm những kẻ như Sport, bất bình với lực lượng cầm quyền như Palantine, Travis đã tự trở thành “người tiên phong” để dọn dẹp thành phố theo cách riêng của mình.
4. Từ Taxi Driver đến Joker: lối đi nào cho kẻ cô đơn của Chúa
Taxi Driver không phải là một bộ phim tài liệu về thành phố NY thập niên 1970 mà đúng hơn, nó là một bộ phim tài liệu về một bộ óc thoái hóa rồi phát điên bởi những nhận thức của chính mình. Chân dung tự họa của một cá nhân bị ám ảnh thụ động khi phải chứng kiến sự xuống cấp của xã hội, bị kìm kẹp trong bóng tối của cô đơn cùng cực. Đến mức tất cả những hành động quyết liệt nhất của anh ta đều được kích hoạt từ sự mất kết nối với xã hội.
Chúng ta có thể nhìn thấy rất rõ điều này trong một tác phẩm gần đây của đạo diễn Todd Phillips - Joker. Chính đạo diễn cũng đã nói rằng ông đã được truyền cảm hứng rất nhiều từ Taxi Driver để xây dựng nên nhân vật Joker. Travis Bickle hay Joker đều là những dị nhân được tạo ra bởi sự thoái hóa nhân tính của thế giới hậu công nghiệp - nơi tràn ngập những bất công, nghi kị và định kiến.
Ở đoạn kết của Taxi Driver, nhiều người đã nói rằng việc Travis được tung hô như một anh hùng của truyền thông chỉ là ảo tưởng - giấc mơ của kẻ điên. Về phía biên kịch Schrader, ông cho biết khi viết đoạn kết, ông hình dung nó như một sự trở lại với cảnh mở đầu, một sự kết nối để hoàn thiện vòng tròn khép kín về sự cô đơn và điên cuồng - biến Travis thành một hình tượng điển hình cho mọi cá nhân cô độc trong các xã hội thoái hóa. Khởi sinh từ góc tối của sự mất kết nối, cảm giác bị bỏ rơi cho đến quá trình tha hóa, mưu cầu một hành động cứu chuộc, sự đổ máu và cuối cùng là sự tái sinh. Chí Phèo đã chết nhưng ắt sẽ có Chí Phèo con, sau Joker là cả ngàn người mang mặt nạ tên hề, Travis có thể hoàn lương và trở lại với đời tài xế, nhưng đâu đó còn nhiều quả bom khác đang chờ được kích nổ.
Đừng tự làm khổ mình, bạn có thể trở thành Travis. Đừng làm tổn thương người khác, vì họ có thể trở thành Joker.
Những nhân vật này, ở một khía cạnh nào đó, cho chúng ta một sự nhìn nhận về cách đối diện với nỗi cô đơn thường trực, làm thế nào để có thể đương đầu với cảm giác bất an trong một xã hội ngày càng mất kết nối?
Phim
/phim
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất