1. Travis Bickle là ai?

Theo lời kể của chính nhân vật, Travis Bickle là một cựu binh thủy quân lục chiến trở về từ chiến tranh Việt Nam. Travis mắc hội chứng rối loạn căng thẳng hậu chấn thương và sống một mình trong một căn hộ chật hẹp giữa NY, anh nhận làm tài xế ca đêm để đối phó với chứng mất ngủ kinh niên và nỗi cô đơn của mình. Trôi dạt trên những con phố tấp nập về đêm của NY và những rạp chiếu phim khiêu dâm trên phố 24, Travis cố gắng tìm cách duy trì đời sống tinh thần bằng việc viết nhật ký và đưa ra những châm ngôn sống như : “Bạn chỉ khỏe khi bạn cảm thấy”.
Giống như hầu hết những cựu binh bấy giờ, chàng trai trẻ trở lại đất nước với một cơ thể chằng chịt vết thương và một trái tim hoang phế. Travis mang trong mình cảm giác xa lạ:, anh không thể hòa nhập được với cuộc sống, và giống như một chi tiết trật khớp khỏi bộ máy, Travis hoàn toàn lạc lõng với hiện thực xã hội. Anh ghê tởm sự nhơ nhớp bẩn thỉu ẩn dưới vẻ hào quang của NY: “Những loài vật thường ra ngoài ban đêm, gái điếm, bọn vô lại, du đãng, lại cái, ma túy, cờ bạc. Bọn bệnh hoạn, ăn hối lộ”. Trải qua khủng hoảng hiện sinh và chứng kiến quá nhiều thứ xấu xa của xã hội, Travis luôn khao khát có một “cơn mưa kinh thánh” sẽ tới để rửa trôi tất cả cặn bã khỏi đường phố. Trong nỗ lực tìm kiếm sự giải thoát cho cơn thịnh nộ, Travis đã tự biến mình thành “cơn mưa” đó.
Travis Bickle là một trong những điển hình của dạng nhân vật “Loners” trong điện ảnh - những gã trai cô độc bị cuộc đời bỏ rơi. Dưới áp lực xã hội, quan điểm sống và nhãn quan của kiểu nhân vật này bị nhào nhặn trở nên khác biệt, thậm chí có phần cực đoan, họ hành xử có nguyên tắc và quyết liệt - giống như những “quả bom hẹn giờ” luôn chờ để được kích nổ. Trước Taxi Driver, đã có những nhân vật “Loners” ấn tượng như Ethan Edwards trong The Searcher hay sát thủ Jeff trong Le Samurai. Travis Bickle đã ghi dấu trong dòng nhân vật này với nhiều sự kế thừa và tiếp nối.
Biên kịch của bộ phim, Schrader chia sẻ rằng, ông lấy cảm hứng cho nhân vật Travis từ cuốn nhật ký của Arthur Bremer - kẻ đã ám sát ứng cử viên tổng thống George Wallace vào năm 1972 khi y 21 tuổi. Bên cạnh đó, Schrader cũng lấy chính mình làm nguồn cảm hứng, khi ông phải chống chọi với chứng mất ngủ kinh niên lúc sống ở NY. Nhân vật Travis gắn liền với chiếc taxi vì với Schrader, nó là một hình ảnh ẩn dụ cho “một chiếc hộp sắt, một chiếc quan tài di động trôi nổi và cô độc”.

2. Thủ pháp góc nhìn thứ 1 và độc thoại nội tâm:

Travis Bickle là một nhân vật tâm lý - sự hòa trộn hoàn hảo giữa những di chứng của cuộc chiến tranh phi nghĩa với chứng rối loạn tâm thần hoang tưởng. Thủ pháp hiệu quả nhất được Martin Scorsese sử dụng để xây dựng nhân vật này chính là việc lựa chọn góc nhìn.
Bộ phim mở đầu với phân đoạn chiếc xe taxi chậm chạp lết ra từ màn sương khói mờ ảo trên nền nhạc của bộ gõ ngày càng dồn dập. Một đôi mắt trống rỗng đang liếc nhìn xung quanh. Nhà làm phim ngay lập tức dắt người xem vào một thế giới dị nghịch qua con mắt của Travis. Thế giới của NY về đêm được tái hiện bên ngoài tấm kính chắn gió ướt và mờ đục. Con người và phương tiện giao thông với những chuyển động mờ nhòe, chúng ta không nhìn rõ nhân dạng của bất kỳ ai, họ chỉ như những vệt sáng quẹt qua khung hình. Nhịp độ chậm chạp của những cảnh đầu tiên mở ra một cảm giác đầy bất an, Roger Ebert gọi đó là sự khởi đầu của địa ngục. Nó khắc sâu thêm nhận thức của người xem về góc nhìn một chiều của Travis, cách anh ta nhìn thế giới như một nơi đã thoái hóa, biến dạng, ngập tràn những mối đe dọa và sự khó chịu. Những cảnh quay này bước đầu khu biệt nhận thức của nhân vật và chính khán giả, xác định một tâm thế rằng câu chuyện sẽ được kể dưới góc nhìn của nhân vật chính, chúng ta chỉ có thể biết đủ, chứ không thể biết hơn.
Góc nhìn này càng được củng cố bằng những phân đoạn Travis độc thoại nội tâm. Hãy để ý sự trái ngược trong phân cảnh này. Travis nói rằng: “Tất cả những gì đời tôi cần là cảm giác có chỗ nào đó để đi. Tôi không tin là có những người lại hy sinh đời mình… để tự kỷ một cách bệnh hoạn. Tôi tin rằng người ta nên trở thành một con người như những người khác”.
Trong khung hình, máy quay lại được đặt trên cao, dường như mất phương hướng, tiệm cận về phía Travis - đang nằm bất động trên chiếc giường. Chuyển động của máy quay thể hiện nỗ lực tiếp cận Travis từ chính người xem, chúng ta muốn đến gần nhân vật - muốn hiểu hơn về anh ta, nhưng có một lực đẩy ra từ phía nhân vật, đột ngột chuyển sang một cảnh quay khác. Chính sự co giãn giữa những xung lực đó đã giữ cho người xem một khoảng cách với nhân vật. Một khoảng cách vừa đủ gần tạo cảm giác gần gũi, vừa đủ xa cách để người xem không thể hiểu về nhân vật. Rất khó để chúng ta có thể thực sự biết nhân vật đang suy tính điều gì, khi mà điều anh ta làm lại có vẻ rất trái ngược với những gì anh ta nói. Những lời độc thoại nội tâm cùng sự linh hoạt trong thay đổi góc nhìn càng củng cố thêm sự bất ổn, lệch lạc và phủ nhận tính đồng nhất của nhân vật.
Biên kịch Schrader cũng đã sử dụng lại thủ pháp này với nhân vật Đức cha Ernst Toller (Ethan Hawke) trong bộ phim First Reformed (2016). Một bộ phim do chính ông viết kịch bản và đạo diễn.
Cũng như anh chàng cựu binh cô đơn cùng cực trong Taxi Driver, người cựu binh Ernst Toller là một cá nhân lẻ loi, bám víu lấy đức tin vào Chúa cùng những trang nhật kí trong căn phòng tối tăm - mong mỏi một cơ may sẽ đến để cứu chuộc đời mình. Từ motip nhân vật cho đến các thủ pháp điện ảnh - đặc biệt là cách sử dụng góc nhìn thứ 1 và độc thoại nội tâm, có thể coi First Reformed là một phiên bản khác của Taxi Driver trong thế kỷ 21. Trong đó những lo âu về di chứng của chiến tranh hay sự bất ổn của xã hội những năm cuối thập niên 1960, đầu thập niên 1970 được thay thế bởi băn khoăn không thể lí giải về tác động nặng nề của chủ nghĩa vật chất trong xã hội tư bản lên môi trường, đức tin tôn giáo và giá trị sống của con người.

3. Diễn xuất của De Niro sáng tạo nên nhân vật:

Quay trở lại với cuộc gặp gỡ định mệnh giữa bộ ba Marty - Bob và Paul. Dù đã khá thành công với De Niro và Mean Stress trước đó, nhưng lựa chọn đầu tiên của Martin cho vai diễn Travis Bickle lại là Dustin Hoffman. Sau khi nghe giới thiệu về dự án thì Hoffman từ chối ngay, tặng thêm cho Martin một câu xanh rờn: Chắc ông điên rồi! Vì thế vai diễn lại trở về với de Niro như một ý muốn của vũ trụ. Và từ đó chúng ta đã có một trong những nhân vật phản anh hùng xuất sắc nhất trên màn ảnh. Để mỗi khi bắt gặp giai điệu của bản “I still can't sleep”, trong đầu người hâm mộ lại hiện lên hình ảnh một gã trai lêu nghêu trên chiếc taxi màu vàng giữa những con phố NY.
Không thể phủ nhận sự đóng góp của De Niro trong sự sáng tạo nên nhân vật Travis Bickle. Khó khăn của vai diễn nằm ở chỗ làm thế nào để có thể lột tả được một gã trai vừa có nét nguy hiểm, bất cần, khó đoán, vừa mang vẻ lịch lãm, thú vị, hào hiệp. Đạo diễn Scorsese đã khẳng định rằng, tài năng của de Niro không chỉ nằm ở diễn xuất mà còn ở chỗ ông thấu hiểu nhân vật đến tận cùng. Robert de Niro đã sử dụng method acting để vào vai gã quái xế cô độc. Đan xen với quá trình quay phim 1900 cho Bertolucci ở Ý, de Niro gấp rút trở về NY và chỉ có hai tuần để chuẩn bị cho vai diễn. Vậy mà ông đã không ngần ngại thi lấy bằng lái taxi và “hành nghề” khắp NY như một tài xế thực thụ với mong muốn trải nghiệm cảm giác của nhân vật. Nếu có thể xuyên không về những năm 1976 ở NY và bắt một chiếc cab để chạy vòng vòng thành phố, thì rất có thể tài xế của bạn là chàng diễn viên vừa đoạt giải Oscar.
Một trong những phân cảnh kinh điển thể hiện rõ nhất đóng góp của de Niro cho hình tượng Travis chính là cảnh nói chuyện trước gương. Mặc chiếc áo thủy quân lục chiến, Travis tự nhìn mình trong gương khi đang lẩm bẩm một cách vô nghĩa và tập luyện rút súng ra từ trong túi áo. "You talkin' to me? You talkin' to me? You talkin' to me? Then who the hell else are you talkin' to? You talkin' to me? Well I'm the only one here. Who the fuck do you think you're talking to?" Màn trình diễn này đã mang lại cho Hollywood một trong những câu thoại đáng kinh ngạc nhất mọi thời đại. Điều thú vị ở đây là ít ai biết rằng, câu thoại này hoàn toàn không có trong kịch bản. Vào ngày quay phân cảnh đó, ông chỉ nhận được kịch bản với một dòng diễn tả ngắn gọn: “Travis tự nói với mình trước gương”. Chính de Niro đã ứng tác ngay tại trường quay để sáng tạo nên một trong những cảnh phim kinh điển của lịch sử điện ảnh.
(CÒN TIẾP)