A Brighter Summer Day (1991) - Cái chết và sự lạc lối trong một xã hội giông bão
***Bài viết có tiết lộ nội dung phim Nói về điện ảnh Hoa ngữ thập niên 90 hay đầu 2000, phần đông đều biết đến cái tên Vương Gia...
***Bài viết có tiết lộ nội dung phim
Nói về điện ảnh Hoa ngữ thập niên 90 hay đầu 2000, phần đông đều biết đến cái tên Vương Gia Vệ. Vị đạo diễn sinh ra ở Thượng Hải sở hữu gia tài gồm nhiều bộ phim tiếng tăm như A Phi Chính Truyện (1991), Trùng Khánh Sâm Lâm (1994) hay Tâm Trạng Khi Yêu (2000),… Ông được cả giới phê bình và khán giả đánh giá cao.
Tuy nhiên, nếu đào sâu thêm một chút, người xem có thể nghe đến cái tên Dương Đức Xương. Cùng với Hầu Hiếu Hiền, ông trở thành gương mặt nổi trội trong phong trào “Làn sóng mới” của điện ảnh Đài Loan với các tác phẩm đầy tính hiện thực, mang nỗ lực khai phá, bóc tách xã hội xứ Đài.
A Brighter Summer Day (tên tiếng Việt: Cổ Lĩnh Nhai Thiếu Niên Sát Nhân Sự Kiện/Một Ngày Hè Tươi Sáng Hơn), được Dương Đức Xương đạo diễn và đồng biên kịch, là một bộ phim đứng vào hàng tượng đài trong lịch sử điện ảnh tiếng Hoa. Ra mắt năm 1991, nó mô tả cuộc sống của nhiều đối tượng, đặc biệt là những cô cậu thanh thiếu niên vốn còn ngồi trên ghế nhà trường vào thời điểm thập niên 60 và kết thúc bằng một cái chết thương tâm.
Thực tình, vụ án này là chuyện có thật. Vào ngày 15/6/1961, người bạn học cùng lớp với Dương Đức Xương đã ra tay sát hại một cô gái. Khi ấy, họ Dương mới chỉ 14 tuổi. Câu chuyện đó khắc sâu trong tâm trí của ông, trở thành nguồn cảm hứng để nhà làm phim này phát triển thành một kịch bản đồ sộ dài 4 tiếng đồng hồ.
A Brighter Summer Day không có những tình tiết căng thẳng, nhưng nó thừa sức lôi khán giả đi theo mạch truyện dài lê thê nhưng sâu sắc đến không ngờ. Bộ “sử thi” này lột mở dần dần các nhân vật, đến cuối cùng thì soi sáng họ bằng thứ triết lý thấm đượm mùi đời.
Nhân vật chính Tiểu Tứ (Trương Chấn thủ vai) là một cậu bé tốt bụng, chính trực và thẳng tính. Cậu vốn thông minh, nhưng không được thầy cô xem là “ngoan”, phần vì tính cương nghị, phần vì cái môi trường xung quanh khó có thể để cho cậu “ngoan”. Bạn học kiếm cớ gây sự với cậu, thầy cô giáo thì chẳng tin lời cậu nói, nên sự ức chế cứ dần dần tích tụ trong người cậu.
Từ cuộc gặp gỡ với Tiểu Minh, Tiểu Tứ cũng dần dần bước chân vào giới “xã hội đen” trường học lúc bấy giờ. Nhưng cậu không phải là một kẻ như thế. Giữa sự đấu đá qua lại và màn thanh trừng của các băng đảng, ta không thấy Tiểu Tứ đặc biệt can dự vào chuyện gì. Cậu chẳng chọn phe nào cả.
Có chăng, thứ mà cậu chọn là thái độ sống tốt và muốn người khác sống tốt. Tiểu Tứ nhận ra bản thân mình lại thấy “thoải mái” khi chứng kiến bạn bè “thay đổi”, “hoàn lương”, nên mặc nhiên nghĩ đó là một điều đáng làm.
Tuy nhiên, đây là chỗ mà Dương Đức Xương khiến người xem phải đồng ý với óc quan sát của ông. Tiểu Tứ muốn thay đổi Tiểu Minh và Tiểu Thúy, những người con gái cậu thân thiết, nhưng kết cục đâu có giống như Tiểu Tứ mong muốn: một người chê cậu ngu ngốc vì hằn trong đầu cái ý tưởng thay đổi thế giới, vốn là chuyện bất khả thi; một người thì cảm thấy bị xúc phạm rồi chỉ trích thẳng mặt Tiểu Tứ là đứa đạo lý nhưng lại quá ích kỷ.
Đáng buồn thay, nhưng lời ấy chẳng hoàn toàn là sai! Tiểu Tứ, xét cho cùng chỉ là thằng nhóc mười mấy tuổi đầu, làm sao khiến người ta tin tưởng, khiến người ta chịu đổi thay vì cậu. Cuộc đời, không phải cứ nói đúng thì sẽ được nghe.
Không chỉ có mối quan hệ với bạn học, Dương Đức Xương còn đặt Tiểu Tứ vào những cuộc tâm sự đầy nỗi niềm với người bố Trương Quốc Trụ. Ông Trương như một kẻ sĩ với những hệ giá trị và thái độ cũ. Hai bố con sở hữu chung tính cách bộc trực, âu cũng khiến họ trở nên khó tồn tại trong xã hội mục rữa và loạn lạc. Nhưng vì vậy mà Tiểu Tứ thấu hiểu những hành động phản kháng của bố trước gã hiệu trưởng lộng quyền đáng ghét. Họ trò chuyện với nhau bằng những câu chữ chân thành từ tận đáy lòng, và đôi chỗ dù chẳng cần nói ra, họ cũng hiểu được tình cảnh của nhau.
Giữa những số phận khổ đau của thời đại, Dương Đức Xương khéo léo cài cắm vào đó nhân vật Tiểu Miêu. Cậu nhóc ấy là niềm vui, niềm hy vọng trong A Brighter Summer Day. Phân đoạn Tiểu Miêu cất cao giọng với bài “Angel Baby”, ngay sau đó là màn đối thoại “phân trắng đen” giữa Tiểu Tứ và Tiểu Thúy, trở thành khoảnh khắc cực kì đáng nhớ.
Khác với cậu bạn Bố Đời có chung sở thích ca hát nhưng lại quá nhu nhược, Tiểu Miêu là chàng nghệ sĩ đích thực mà vẫn ngào ngạt nghĩa khí. Cậu đứng bên cạnh mỗi khi Tiểu Tứ cần, sẵn sàng “chơi” kẻ nào bắt nạt mình, nhưng cũng biết sắm vai người giảng hòa lúc mâu thuẫn nổ ra, và như một tri kỷ tình sâu nghĩa nặng, cậu đem đam mê âm nhạc vào cuộn băng, mong nó được chuyển cho Tứ ở trong tù. Tiếc là những người lớn nhẫn tâm đã thẳng tay ném niềm hạnh phúc kia vô sọt rác.
Ngoài những cái tên nhắc trên đây, người xem còn thấy nhiều số phận khác được Dương Đức Xương xây dựng một cách chuẩn chỉnh. Đó là mẹ Tiểu Tứ, một phụ nữ “chính hiệu” với những lo lắng cho gia đình và nỗi hoài nghi khiến chồng phát bực; là chị hai của Tiểu Tứ, kẻ mộ đạo dành sự cảm thông cho người em trai, nhưng bất lực trong việc đưa em về với niềm tin tôn giáo; là Ong Mật, người “anh hùng” thấp thoáng tư tưởng hiệp nghĩa, vậy mà cuối cùng nhận cái kết đắng ngắt; là Láu Cá – hình ảnh kẻ tham quyền lực suýt chút nữa đã bỏ mạng, nhờ đó mà biết tự vấn bản thân; là Tiểu Hổ, cậu nhóc tưởng mình đủ sức thao túng phụ nữ, rồi cũng bật khóc khi nhận ra sự thật phũ phàng rằng cậu đã đánh mất người bạn duy nhất.
Trong gần 10 phút kể từ khi Tiểu Tứ giết chết Tiểu Minh bằng một nhát dao vì quá thất vọng với cô bạn ấy, đến lúc Tiểu Miêu bước đi khỏi trạm chuyển phát cùng những lời thủ thỉ cảm động đến nao lòng, ta đã thấy cách mà xã hội Đài Loan phản ứng với vụ án thiếu niên giết người đầu tiên kể từ khi Quốc Dân Đảng lên nắm quyền. Sự dưng dửng, tiếng la khóc thất thanh, ánh mắt bần thần, nỗi khinh bỉ, hành động chối bỏ, cơn giận dữ, niềm hối hận muộn màng, lời nghi ngờ, tất cả đều hiển lộ.
Phần nội dung lớn lao như vậy đã đành, phần nhìn của A Brighter Summer Day cũng xứng đáng nhận những lời khen. Dù là cảnh sáng, chiều hay tối, màu sắc và góc quay vẫn thường được giữ ở mức đơn giản, chân chất, cốt làm nền để lột tả hòn đảo tuy yên bình bên ngoài nhưng giông bão bên trong. Cảnh quay rộng lúc Tiểu Tứ và Tiểu Minh đi chơi với chút ít tự do hiếm hoi trong cuộc đời hai đứa trẻ, hay cảnh hẹp trong quán bi-a nơi cuộc trả thù đẫm máu diễn ra, và nhiều cảnh khác nữa, chúng đều được tính toán kĩ lưỡng để cho ra góc nhìn hợp lý nhất có thể.
Khâu diễn xuất của các bạn trẻ trong phim không thuộc kiểu xuất sắc như những minh tinh màn bạc, nhưng nó thể hiện được sự ngây ngô và lạc lối của họ trước cuộc đời phức tạp đầy hiểm họa khôn lường chúng phải đối mặt. Trương Quốc Trụ, Trương Chấn, Dương Tĩnh Di (vai Tiểu Minh), Kim Nhạn Linh (mẹ Tiểu Tứ) và Khương Tú Quỳnh (chị hai Tiểu Tứ) đều được đề cử cho giải Nam/Nữ diễn vinh chính/phụ hay nhất tại Liên hoan phim Kim Mã Đài Bắc lần thứ 28.
Dương Đức Xương cũng nhận đề cử Đạo diễn xuất sắc nhất, còn A Brighter Summer Day thì đoạt giải Phim hay nhất, bên cạnh một loạt đề cử về Kịch bản, Quay phim, Thiết kế, Thiết kế nghệ thuật và Âm thanh.
Để kết thúc, xin mạn phép nhận định những ai đã xem A Brighter Summer Day đa phần sẽ dành tình cảm yêu thích đặc biệt cho bộ phim này. Còn trên bình diện nghệ thuật, nó vẫn đang đứng vững như là một trong những tác phẩm điện ảnh Hoa ngữ hay nhất mọi thời đại.
Đọc thêm:
Phim
/phim
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất