Tôi muốn nói một chút về vấn đề lần này của Quang Hải vì nó là một case study tốt và từ đó tôi cũng muốn nói một chút quan điểm về văn hoá thần tượng. Phải nói đầu tiên là tôi sẽ không đề cập nhiều đến chuyện Quang Hải đúng hay sai vì tôi không có tư cách và cũng không quan tâm đủ để bàn luận về khía cạnh này. Tôi chỉ muốn nói một chút quan điểm cá nhân về văn hoá thần tượng.

Khi đối diện với scandal của Quang Hải, ta có thể thấy hai chiều dư luận như sau:
Một, là "chuyện nào đi chuyện đấy, tao chỉ quan tâm nó đá bóng giỏi, không quan tâm tới đời tư của nó, muốn làm clg cũng được".
Hai, "là người nổi tiếng thì phải mang trách nhiệm với cộng đồng, vừa có tài vừa có tâm, phải là hình mẫu cho giới trẻ. Vì vậy hình ảnh và tư cách của Quang Hải bây giờ là hủ bại, xấu xa"…v..v….

Hai cách nhìn này mặc dù hoàn toàn trái ngược, dường như mỗi thứ ở một đầu ý kiến, nhưng tôi mạn phép cho rằng, hai ý kiến đó vẫn chỉ từ một dạng suy nghĩ.

Tôi sẽ xem xét các thành tố của hai ý kiến đấy như sau:
Ở ý kiến thứ nhất, tách rời sự nghiệp ra khỏi đời sống cá nhân. Ý kiến này dường như đem lại cho Quang Hải, hay các loại idol nói chung, một thứ quyền lực bất khả tiếp cận ngoại trừ vấn đề nghệ thuật và những thứ họ bày ra với thiên hạ. Đi kèm với đó, họ dường như cho rằng, mọi chuyện cá nhân của anh ta hãy để nó trở thành cá nhân, vì nó không liên quan gì tới vấn đề họ, tức là người xem, người thưởng thức, quan tâm.

Điều này gây ra hai vấn đề:
Một là, khi idol gặp chuyện cá nhân, ví dụ như Kesha bị quản lý cưỡng ép phải ở lại hãng đĩa chẳng hạn, tiếp theo là khống chế tinh thần và cơ thể…v…v... Điều này hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến khả năng ra bài hát của Kesha, thậm chí có khi còn ra quy củ hơn (vì bị bắt ép mà). Nhưng chẳng nhẽ chỉ vì sự nghiệp cô ấy không bị ảnh hưởng, tức là chất lượng giải trí mình tiếp nhận vẫn đồng đều, mà chúng ta phủi đi những nguy nan và vấn nạn tinh thần của họ hay sao? Tức là, nếu áp dụng cách quan tâm phân biệt và triệt để thứ nhất, tức là chỉ quan tâm đến lợi ích ta nhận được từ họ, thì chẳng phải chúng ta cũng chẳng nên quan tâm gì đến Kesha và các vấn đề cá nhân của cô hay sao? Đây là một ví dụ hoàn toàn trái ngược, và Kesha ở đây  là nạn nhân, nên câu trả lời của chúng ta cũng rõ ràng. Mình lấy ví dụ này trong mong muốn chứng tỏ rằng, việc không quan tâm tới đời tư của nghệ sĩ/người nổi tiếng mà chỉ quan tâm tới sự nghiệp họ cống hiến là không nhất quán.  

Hai là, chúng ta vô hình trung đã cho họ, tức là những idol, cái quyền được vô pháp vô thiên, đứng trên luật pháp, miễn là họ còn “giá trị sử dụng” trong mắt chúng ta. Miễn là họ còn làm hài lòng chúng ta, còn là một cái ốc tốt trong cỗ máy, thì chúng ta vẫn nhắm mắt cho qua những hành động đằng sau đó của họ.
Hai vấn đề này, ý đầu thì mâu thuẫn trong cơ sở lập luận, ý thứ hai thì tỏ rõ cái nhìn mang tính chất thực dụng triệt để, utilitarianism. Chúng ta dường như xa cách với họ, coi họ không phải một con người, mà là một sản phẩm giải trí, một cỗ máy và một thứ gì đó hoàn toàn xa vời, giống như một tiêu điểm từ xa vậy. Tôi sẽ để tạm luận điểm này ở đây.

Hãy đến với ý kiến thứ hai: Người nổi tiếng phải có trách nhiệm cộng đồng, phải là tấm gương, phải vừa có tài vừa có đức…v...v….
Luận điểm này dễ dàng được coi là có lý hơn. Nhưng, khi nhìn nhận luận điểm một cách kỹ càng, chẳng phải chúng ta cũng đã coi việc thần tượng bắt buộc phải sống tốt là một lẽ dĩ nhiên, và bất cứ vi phạm nào của thần tượng cũng đều đáng bị lên án hơn vi phạm của người bình thường sao?
Tức là, ở đây, chúng ta dường như đã cho thần tượng một cái nghĩa vị phải sống chuẩn, sống đúng đắn để “làm gương” cho người khác. Điều này dễ dàng được giải thích bởi “anh là người có sức ảnh hưởng, anh phải hiểu hành động của mình đang làm”. Có thể đúng là như vậy. Nhưng tại sao ngay từ đầu chúng ta lại có văn hoá thần tượng, và tại sao thần tượng lại phải nhận nhiều "trách nhiệm" đối với xã hội hơn một công dân bình thường?

Vụ Quang Hải chỉ là một khía cạnh rất nhỏ. Chúng ta đã thấy, ở Hàn Quốc, các ca sĩ bắt buộc phải đóng những “vai trò” có tên tuổi hẳn hoi, ví dụ người này sẽ làm “visual”, tức là làm loại người sexy, nhảy múa đẹp, không cần có tiếng hát. Hoặc người kia sẽ làm “em út”, trở nên cute dễ thương, vô tư hồn nhiên. Và nhiều người còn bị cấm có bạn trai, nhiều người khi công khai hình ảnh bạn trai, bạn gái, vốn dĩ là một hình ảnh rất bình thường trong xã hội, thì bị fan chửi rủa, doạ giết.
Sự việc scandal của Quang Hải có khác biệt, nhưng tính chất của những sự vụ đó là tương đồng: Tức là, chúng ta dường như tôn người nổi tiếng lên thành một hình mẫu gì đó “chuẩn”, một hình mẫu gì đó phải chịu trách nhiệm hơn người bình thường. Và thật kì khôi khi chúng ta nhìn thật sâu vào sự việc: Rằng tại sao cầu thủ lại phải có những “tiêu chuẩn đạo đức” cao hơn một ông giám đốc, một người công nhân, một chị đầu bếp? Những thứ “tiêu chuẩn” mà chúng ta đặt cho họ, dường như là chính chúng ta đã tự tách rời bản thân khỏi người nổi tiếng, coi bản thân chúng ta chỉ là những kẻ vô danh dễ bị ảnh hưởng và coi họ là “thần tượng” tức là “idol” chuẩn mực, không thể sai lầm và không được phép sai lầm, cao siêu và phải chịu trách nhiệm cho những hành động đạo đức của chúng ta. Về cơ bản, chúng ta cũng chỉ coi họ là một phần trong cỗ máy, mà không phải một con người. Nhưng giờ, cỗ máy đó phải có trách nhiệm chạy cho đúng, chạy cho chuẩn với những chuẩn mực đạo đức và nghĩa vụ chúng ta đề ra, phải có trách nhiệm với cộng đồng trong mọi hành vi mình làm. Trách nhiệm với cộng đồng ở đây có lẽ còn khắc nghiệt và khó khăn hơn cả trách nhiệm họ tự nhận thức được nữa.

Tóm lại, ở cả hai lập luận, dù cho rằng người nổi tiếng chỉ cần làm tốt việc của mình, hay người nổi tiếng phải làm gương cho xã hội, ta đều nhìn thấy điểm chung, đó là sự “phi nhân hoá” một con người. Con người, ở đây là thần tượng, KOL…v..v… đã trở thành một hình ảnh. Một mặt, họ phải trình diễn hình ảnh đấy thật tốt, và mọi lỗi lầm đằng sau hình ảnh đó sẽ được cho qua. Mặt khác, họ phải trở thành hình ảnh toàn diện, siêu phàm, chỉ được mắc một vài sai lỗi ngớ ngẩn đáng yêu, còn đâu phải giữ gìn đạo đức cao hơn các thành viên khác trong xã hội.
 Trên thực tế, dễ dàng thấy sự ảnh hưởng và cả sự can thiệp của xã hội và chính quyền trong việc chúng ta đối diện với hình ảnh thần tượng như thế nào. Một ví dụ ngược hoàn toàn, tức là một loại "celeb" giải trí kiểu hơi tiêu cực: Khá Bảnh. Có lẽ, bản thân một cậu trẻ trâu chơi bời đánh bạc và trữ đồ cấm trong nhà sẽ chỉ bị vài năm tù. Nhưng Bảnh là một kẻ có sức ảnh hưởng, và chúng ta sờ sờ thấy sự ảnh hưởng của Bảnh khi hàng loạt các em học sinh múa quạt, hàng chục page lập ra để tung hô cậu ta như một hiện tượng… Việc Bảnh bị tới 10 năm tù cũng chính là biện pháp răn đe của Chính quyền đối với những hành vi ăn chơi, nhảy múa dù không trực tiếp vi phạm pháp luật nhưng lại gây ảnh hưởng xấu tới cộng đồng.
Do vậy, có lẽ Công Phượng, một cầu thủ khác, khi sắp cưới và bị phỏng vấn về mối tình cũ, đã quá ngây thơ khi nói: “chúng em là cầu thủ, hãy nhìn chúng em trên sân”. Về mặt lý thuyết là vậy, nhưng rõ ràng người hâm mộ và cả xã hội, thậm chí là chính quyền, vẫn chú ý tới từng tiểu tiết cá nhân trong đời sống của họ. Tại sao điều này lại trở thành một “lẽ thường”?

Tức là, tại sao Quang Hải phải sống đúng, sống chuẩn, sống có đạo đức hơn người bình thường, hoặc phải đá bóng thật giỏi thì mọi chuyện khác em ấy làm sẽ “được” chiếu cố mà quên lãng? Tại sao sức ảnh hưởng của Khá Bảnh lại sâu rộng đến thế, trong khi cậu ta rõ ràng là một kẻ ăn chơi lêu lổng? Có thể, điều này không hoàn toàn là lỗi của Quang Hải hay thậm chí là Khá Bảnh, mà là từ cái nhìn đầy tính vật chất nhưng đồng thời cũng mất đi cá tính và khả năng suy nghĩ cho-bản-thân.

Chúng ta không đánh giá con người, nhất là những người nổi tiếng, như một con người nữa. Chúng ta coi họ là một tượng đài, một thần tượng, mà trong tiếng Anh là Idol. Có lý do mà Chúa, đặc biệt trong Kinh Cựu ước, muốn chúng ta chỉ tuân phục mình Ngài và luôn trừng phạt những nhà vua tuân phục những thần tượng giả, hay false idol. Đó là vì, hình ảnh của Chúa là hình ảnh của Cái Đầu Tiên và Sau Cuối, cái toàn mỹ, toàn thiện để ta hướng tới và tuân theo. Như Feuerbach đã đại ý nói, 'Chúa là hình ảnh phóng chiếu những mong muốn của con người'. Tôi cho rằng, trong một xã hội gần như là vô thần và đề cao giá trị vật chất hiện nay, không chỉ ở Việt Nam, thì hình ảnh của Chúa đôi khi bị thay thế bằng hình ảnh của các Thần tượng, các False Idol khác.

Tức là, ước vọng hướng thiện của chúng ta, trong một không khí của Chủ nghĩa vật chất đã ướm thành những ước vọng lên những thần tượng. Họ phải là “tấm gương” vì con người không thể tự làm tấm gương cho bản thân mình, không thể tự suy nghĩ cho chính mình. Hình ảnh và mong muốn của Con người trở thành hình ảnh Thần tượng sẽ phải mang. Duy chỉ có điều, con người, dù là thần tượng đi nữa, cũng chỉ là con người. Chúa là đấng toàn năng, toàn đức và những điều gì toàn năng, toàn đức là Chúa. Con người thì không có khả năng như vậy. Ở đây, chúng ta có thể hiểu được rằng, trong hoàn cảnh hiện tại, con người đang trở nên trọng vật chất khủng hoảng niềm tin trầm trọng.

Nhưng tại sao từ đầu chúng ta lại đẩy những người này lên làm thần tượng? Tại sao một trường hợp như Khá Bảnh, Ngọc Trinh thậm chí là các cầu thủ bóng đá, có khi còn chưa đến 20 tuổi, lại trở thành những Idol để chúng ta hâm mộ (và đặt lên vai rất nhiều trọng trách)? À, nói về trọng trách ở đây, không chỉ mỗi những celeb “tích cực” là có trọng trách. Thậm chí cả những người chỉ tạo scandal, làm trò "lố" như Ngọc Trinh, Khá Bảnh cũng có trọng trách của mình, ấy là đem lại sự giải trí. Một ví dụ tiêu biểu là Lệ Rơi. Anh ta chỉ nổi tiếng khi hát trong nhà, hát dở dở nhưng tự nhiên. Đến lúc anh ta thật sự muốn vào showbiz, muốn nghiêm túc với ca nhạc, thì anh ấy không còn giữ được cái trọng trách gây cười trước kia nên đương nhiên bị hắt hủi. Ở đây, dễ dàng thấy sự lên ngôi của vật chất, của quyền lực. Rằng thì mà là, những người kiếm được nhiều tiền sẽ có nhiều vai trò, có tiếng nói hơn trong xã hội. Chúng ta dễ dàng bỏ qua khuyết điểm, thậm chí còn tôn nó lên ở trường hợp của Ngọc Trinh hay Khá Bảnh, khi họ đạt được những thành công vật chất trong cuộc sống. Những ước vọng hướng thiện khi lấy từ hình tượng của Chúa, đã phân ba phân tư, trở thành những ước vọng thành công, ước vọng làm giàu hay như mình muốn nhấn mạnh ở đây, là ước vọng giải trí. Miễn là họ còn có tiền, còn làm chúng ta vui, sướng mắt, thì họ vẫn còn “có giá trị” và trở thành cái thứ gọi là “thần tượng” kia.

Chúng ta không thể chỉ xét về thần tượng trên bình diện lý thuyết, mà còn phải nói về họ trong thực tiễn, vì như đã đề cập, những ảnh hưởng của họ là thật. Điều gây ảnh hưởng này, như tôi đã đề cập ở vế đầu, là sự lên ngôi của vật chất và ở vế thứ hai là sự thiếu thốn niềm tin. Chúng ta tạo ra các drama và hạ bệ họ khi họ không đủ sức gánh những trách nhiệm chúng ta đòi hỏi. Những thần tượng đã trở thành những cái bóng tiêu khiển trên tường, những cái bóng trong hang đá của Plato; hay, gần gũi hơn, như 'cha' của bé Đản trong truyện người con gái Nam Xương vậy. Bản thân cái bóng chỉ là cái bóng, cái tay chỉ là cái tay, nhưng hình ảnh con chim, con cún… là chúng ta tự áp đặt để tiêu khiển bản thân bằng những cái bóng đó. Tương tự, ở một mặt nào đó, Quang Hải, Khá Bảnh hay bất kì người nổi tiếng nào, đều không phải là con người, mà là những hình ảnh được chắp vá và phóng chiếu vật vờ với mục đích giải trí.

Kids These Days Have Probably Never Heard of Hand Shadow Puppets
Những cái bóng trên tường.
Mục đích giải trí ở đây vô cùng quan trọng. Chúng ta coi việc bắt buộc Hải phải “nhận tội”, phải “nghỉ đá bóng” hay phải “đá bóng hay để còn xoá tội cho” là một việc đương nhiên, là nghĩa vụ Hải phải làm như một người nổi tiếng. Việc này rốt ráo thì cũng chỉ để phục vụ mục đích giải trí của chúng ta, và thậm chí đến việc bóc phốt cũng không nằm ngoại lệ. Những cuộc tranh luận nổ ra, thay vì chú ý thật sự vào Quang Hải, thì chỉ chú ý vào những “giá trị” mà Quang Hải hay một người nổi tiếng mang lại. Quang Hải trở thành một giá trị, một hình ảnh giải trí.

Giống như Baudrillard nói, con người hiện tại đang bị khủng bố bởi thông tin, bị tra tấn bởi những những trò giải trí. Quá trình tra tấn đó được thể hiện bằng cách, chúng ta, những người ngồi sau màn hình máy tính, bàn luận và phán xét như những quan toà thật sự. Nó còn được thể hiện qua những tối chúng ta ra đường, đi bão chiến thắng chỉ nhằm mục đích được có cái tôi, có danh tính trong cộng đồng. Chúng ta cần được giải trí, và những hình thức bóc phốt này chính là cách chúng ta giải trí. Tôi sẽ trích lại Baudrillard ở đây, khi ông nói về Chiến tranh vùng vịnh: 'Ai cũng có tiếng nói, ai cũng được tận hưởng một cảm giác kích dục, một cảm giác như là thủ dâm. Chúng ta không cần một cuộc drama thật sự, chúng ta cần những thứ gì như là khơi gợi, một thứ cảm giác hứng tình từ những hình ảnh ảo và bạo lực ảo. Chúng ta cần những thứ đó để cảm giác cuộc sống này còn có ý nghĩa, có sự sung sướng trong một cuộc đời trôi nổi, thờ ơ, thiếu cả mục đích và trách nhiệm. Chúng ta có được cảm giác của sự tự do.'


Vậy, ý của tôi là gì? Việc của Quang Hải, đúng sai tôi không bàn ở đây. Và nếu vẫn phải cố ép uổng để bàn về các mặt đúng, sai đạo đức, tôi cho rằng, sự sai lớn nhất là sự sai khi xã hội đặt ra những kẻ gọi là "idol" và đặt những nièm tin cũng như hy vọng không đáng có vào họ. Chúng ta đã và đang đặt quá nhiều trách nhiệm cho những “thần tượng” trong cuộc sống, mà điều này tới từ sự vô minh, mất niềm tin và luôn thiếu thốn nhu cầu giải trí của chúng ta. Chúng ta cần được tỏ ra có ý kiến, có trách nhiệm, có vai trò trong những sự vụ xã hội này, và chúng ta làm cách đó bằng việc tạo nên những trách nhiệm quá to lớn của một vài con người cụ thể rồi đạp họ xuống và thủ dâm tinh thần trên những trách nhiệm đó.

Vậy, chúng ta cần phải làm gì? Chưa thể thoát khỏi một thế giới phụ thuộc và nâng cao các giá trị vật chất, giải trí ngay được. Nhưng chúng ta có thể suy nghĩ cho chính mình. Rằng, việc Quang Hải làm, hay người nổi tiếng làm, nếu đặt vào các vị trí khác trong xã hội, liệu nên nhìn nhận thế nào? Rằng, chúng ta có nên đặt quá nhiều kỳ vọng vào các cầu thủ bóng đá về mặt kết quả cũng như đạo đức của họ không, rằng những cầu thủ hay những người làm giải trí có nên được tung hô hay phải có trách nhiệm xã hội nào lớn hơn những người khác không? Điều này, khi tự suy nghĩ cho chính mình, chắc là mỗi người sẽ có những câu trả lời khác nhau.
________________________
Các bạn có thể lắng nghe các podcast của mình về chủ đề này và những chủ đề khác tại đây: https://soundcloud.com/nguy-n-715189527