1/ Lòng tự tôn cao là 1 thứ khốn nạn

Dì tôi là một người phụ nữ rất giỏi giang.
Dì có 1 cuộc sống rất tốt. Dì là 1 nữ doanh nghiệp, cuộc sống khá giả, con cái đều tử tế, học hành tốt và có công việc tốt. Dì đã từng li dị người chồng cũ gần 5 năm và tái hôn với 1 chú rất yêu thương dì.
Nhìn chung thì dì là 1 người phụ nữ rất mạnh mẽ và yêu đời.
Dì và tôi rất thân nhau. Từ bé đến lớn lên rồi, tôi nếu có những câu chuyện rối bời sẽ đem kể dì nghe, tuy là tính tình tôi là một đứa câm như hến với bố mẹ khi có chuyện gì xảy ra, tôi lại còn có ít bạn nữa. Thế nên nếu đó là những chuyện giọt nước tràn li, tôi sẽ kể cho dì. Vì tôi biết dì sẽ không bao giờ phán xét, hay phủ nhận những cảm xúc đấy. Lần nào cũng thế, kể xong rồi tôi đều nhẹ nhõm rất nhiều.
Về sau khi tôi lớn lên, có lẽ khi dì cảm nhận được sự vững chải trong mặt tinh thần của tôi rồi (đoán là thế), dì mới kể cho tôi những câu chuyện mà nếu không phải dì kể, tôi cũng chẳng sẽ tin nó đã xảy ra đến những người rất thân đến tôi như vậy.
Năm bố dì bị bệnh nặng, dì bảo các anh em đem ông ra miền Trung cho dì chăm sóc. Vì trong các anh em, dì là người khá giả nhất.
Thế rồi dì lại nói đấy là hành động sai lầm nhất cuộc đời của dì.
Dì kể rằng trong cuộc đời của dì, hành động mà dì ân hận nhất trên đời là đã không đưa ông đi bệnh viện kịp.
Tuần đó, ông bị mệt, thở gấp cả 1 tuần. Những ngày về sau, dì bảo không hiểu thế nào dì lại nói với ông rằng: "Bố ơi, bố thở khẽ thôi không chồng con nghe thấy".
Ngày hôm sau, ông bị khó thở phải nhập việc ngay lập tức. Bác sĩ bảo, ông bị bệnh phổi gì đó (tôi không nhớ rõ) và thiếu oxy bơm vào phổi. Sức khoẻ ông tụt dần, sau nhiều lần hồi sức, ông không thể trụ lại được.
Tôi nghe đến đây như muốn chết lặng.
Tôi chỉ nhớ chuyện năm ông mất. Khi ông đã được bác sĩ trả về và còn đang thoi thóp, dì thuê cả 1 xe cứu thương đưa ông về Bắc vì ước nguyện của ông là được mất ở quê. Trên xe cứu thương ấy là dì và bác tôi, bác tôi bảo dì tôi lúc cần bình tĩnh thì sẽ rất nhanh nhẹn, giúp y tá phụ thay kim, bơm thuốc nhanh thoăn thoát. Những lúc còn lại dì khóc nấc cạn nước mắt.
Hẳn nghe đến đây, chúng ta sẽ có những suy nghĩ như: "Bố mẹ mình mà lại không bằng chồng mình à?"
Tôi hiểu dì hơn thế. Dì là một người rất độc lập và có trách nhiệm với những người xung quanh. Thay vì đi theo con đường cảm tính bằng cách đổ lỗi cho nạn nhân, tôi tự vấn: "Điều gì từ người chồng của dì khiến dì phải sống sợ hãi đến như vậy?"
Nếu chúng ta gạt bỏ cảm tính qua một bên, lý trí 1 chút, nghe kỹ 1 chút câu nói ấy, thì nó có lẽ sẽ là: "Bố ơi, bố thở khẽ thôi, không chồng con nghe thấy. Con sợ lắm. Con sợ anh ấy sẽ mắng chửi/ đánh đập con."
Về sau, khi tâm sự nhiều hơn với con của dì. Tôi mới biết chồng dì là một người hoàn toàn khác khi ở với dì.
Chú theo góc nhìn của tôi thì là một người rất điềm đạm, thương bố mẹ (vì tôi thấy chú xăm chữ "nhớ mẹ" trên người), thương con cái, đối tốt với anh em trong nhà, chú chỉ hơi chè chén 1 chút thôi. Nhưng nhìn chung thì chú rất tốt tính.
Nhưng khi ở nhà, chú sẽ chửi dì bằng những câu miệt thị như: "Mày thì biết cái gì?", "Mày lo con mày đi", "Cấm tiệt mày đi ra ngoài". Chú thường xuyên nhậu nhẹt, gái gú, thể hiện với bạn bè, dùng tiền để thể hiện bản thân. Về nhà chú sẽ đánh dì trong phòng, đánh vào những điểm mà người khác sẽ không thấy. Về sau, chú đánh lộ liễu ngay cả trước mặt con cái.
Dì tôi sau 5 lần 7 lượt ghi giấy ly hôn đều bị chú xé thì lần cuối, dì ôm con bỏ chạy khỏi ngôi nhà đấy.
Sau khi li dị, lại lòi ra thêm chuyện tất cả tài sản đều nằm trong tay chú và chú không đồng ý chia cho dì. Chú bảo, nó bỏ đi như thế là lỗi của nó, tiền này tao có quyền giữ.
Tôi sau khi nghe những điều này, mới có thể thốt lên trong đầu: đây là trò thao túng tâm lý mà tôi thường xuyên thấy trong sách tâm lý học đây rồi. Nó còn là áp lực đồng trang lứa (peer-pressure), chứng ái kỷ (narcissist), bị thượng đẳng kiểu có lòng tự tôn cao (ego)...
Lòng tự tôn, lòng kiêu hãnh cao là 1 thứ khốn nạn.

2. Bạo lực gia đình

Câu chuyện trên có lẽ sẽ là một câu chuyện quen thuộc với một số người, tôi biết có những gia đình chồng đánh vợ, chồng ngoại tình, nhưng rồi người vợ cũng không thể nào rời đi được. Phải nói nó xảy ra nhiều đến đau lòng ở những đất nước Châu Á với nền văn hoá gia trưởng âm ỷ nhiều thế hệ.
May mắn 1 điều, thế hệ chúng tôi là một thế hệ được học, được mở mang với những kiến thức tiên tiến hơn rất nhiều, về tâm lý học, về bình đẳng giới, và phụ nữ có quyền độc lập, tự chủ hơn rất nhiều so với ngày xưa.
Bạn tôi có một lần chứng kiến thấy bố đánh mẹ, lập tức ngăn can, nhìn vào mặt bố mà nói: "Ông đánh đi, ông dám đánh không, tôi và Thiện (em trai nó) đứng đây căng mắt xem ông dám làm không". Nó xin công ty (trên thành phố) làm việc online vài ngày để ở lại bảo vệ mẹ. Sự việc ngoai nguôi rồi, nó nói với mẹ: "Có bất cứ chuyện giơ tay đụng chân gì xảy ra phải ngay lập tức gọi điện cho nó, nó sẽ không để chuyện này xảy ra một lần nào nữa."
Cô hàng xóm tôi là một người rất dễ thương, cô có một câu chuyện li dị chồng lí trí đến 1 cách hoang đường. Sau khi lấy nhau về 1 thời gian, chồng cô lỡ "vung tay" táng vào mặt cô 1 cái. Ngày hôm sau, giấy li dị cô ghi đã nằm sẵn trên bàn. Cô cười haha bảo: "Ối bố mẹ tao còn chưa đánh tao bao giờ, nó lấy cái thá (quyền) gì mà vung tay với tao như thế."

3/ Cách giải quyết

Nghe những câu chuyện này, tôi vẫn luôn tự hỏi:
"Tại sao những người lý trí ngoài xã hội như thế, lại chịu sự bất công trong chuyện gia đình như vậy?"
"Tại sao có những người họ có thể đứng dậy bảo vệ bản thân mình ngay được, còn lại thì tự huyễn cuộc sống là như thế?"
"Chúng ta có thể đối phó với những bất công xảy ra đến mình, từ người nhà của chính mình bằng cách nào bây giờ?"
-
Từ những nguồn kiến thức về tâm lý học mối quan hệ, đây là những cách mà bạn có thể làm:
(1) Yêu thương lấy bản thân mình trước tiên.
(2) Xây dựng một mạng lưới mối quan hệ tốt và chất lượng. (mà bạn có thể dựa vào những lúc yếu đuối và khó khăn)
(3) Giữ khoảng cách mối quan hệ 1 cách khoẻ mạnh với những người xung quanh, nhất là người nhà. Không nên quá gần và quá xa.
(4) Tôn trọng đối phương và giao tiếp 1 cách thành thật.
(5) Bồi dưỡng tình yêu thương cho nhau.
Đây là một bài viết khá nặng nề nhưng mình cảm thấy rất nhẹ nhõm khi được kể ra. Hi vọng rằng nếu bạn ở trong một trường hợp như trên, bạn sẽ tìm được 1 điều gì đó giúp bạn được an ủi và vỗ về ở đây. Cảm ơn bạn đã đọc bài nha
______________________
Tham khảo thêm:
Tiến sĩ Choi Kwanghyun là Trưởng khoa Tham vấn Gia đình, thuộc Viện Cao học Tham vấn – Trường Đại học Hansei, đồng thời là Viện trưởng Viện nghiên cứu Trị liệu Gia đình và Sang chấn. Sau khi tốt nghiệp chương trình cao học của Đại học Yonsei, ông sang Đức và hoàn thành khóa học tiến sĩ chuyên ngành Tham vấn Gia đình tại Đại học Bonn. Tác giả từng là nhà trị liệu gia đình của Trung tâm Trị liệu Gia đình Ruhr và là tham vấn lâm sàng của Bệnh viện Đại học Bonn, Đức.
3.