Làm sao để giải tốt bài tập.
Giải bài tập là việc không thể thiếu khi học Lý. Khi giải bài tập Vật Lý, bạn phải chấp nhận rằng mình đang bước vào một thế giới toàn những sự dối lừa. Làm gì có chiếc xe nào chuyển động từ A đến B với vận tốc 50Km/h mà không tăng hay giảm tốc chứ (ít ra nó cũng bắt đầu với vận tốc bằng 0 rồi sau đó mới tăng lên 50 được) hay một sợi dây điện thẳng dài vô hạn, một mặt phẳng nhẵn không ma sát… Nhưng ta dễ dàng chấp nhận vì sự dối lừa đó giúp ta giải bài toán dễ dàng hơn. Còn nếu bạn không muốn chấp nhận, Ok, hãy thử đọc đề HSG quốc gia 2019, mấy bài tập trong đó khá là “chân thật” đó, hehe. Bài viết này chỉ đề cập đến việc học làm sao để có thể giải quyết các bài tập trong đề kiểm tra một cách dễ dàng nhất, áp dụng cho các mem đang học lớp 10 và 11 thôi nha, lớp 12 sẽ có bài viết khác.
Đầu tiên hãy đọc hết SGK và mua thêm một cuốn sách tham khảo
SGK là thứ đầu tiên không thể thiếu, tớ đã nói ở phần một rồi. Nhưng nếu chỉ đọc SGK và chỉ nghe thầy cô giảng trên lớp, với thời lượng 2-3 tiết/tuần thì bạn không thể làm hết được mấy bài tập được giao đâu. Thật á, vì Vật lý có vô vàn dạng bài. Bạn cần thêm một cuốn sách tham khảo có ví dụ giải chi tiết, như những cuốn của tác giả Phạm Đức Cường hay của Tăng Hải Tuân chẳng hạn. Giờ mình bắt đầu thế nào đây?
Hãy đọc lại bài học, hệ thống các công thức một lần, chép ra giấy sau đó gấp lại, giở sách tham khảo ra. Bạn bắt đầu từ ví dụ 1 của bài, lấy giấy che bài giải đi, tự giải, nếu không ra  thì hé hé tờ giấy lên xem họ làm thế nào (cái này giống như đang hỏi bài thầy cô vậy á) xong che lại làm tiếp, lần lượt đến hết các ví dụ sách cho. Tớ biết rất nhiều bạn cũng làm, nhưng cứ làm ra nháp thôi, ra được kết quả đúng là Ok rồi, chuyển sang bài khác, hay bắt đầu giải đề. Đừng vậy nhé! Bạn phải tóm tắt, viết ra công thức sau đó ráp số, trình bày tất cả vào một cuốn vở. Nhớ là phải viết ra công thức chữ trước khi ráp số. Ví dụ bài toán cho khối lượng là 2kg và gia tốc là 1m/s^2, đề bắt tìm lực chẳng hạn, hãy viết F = ma =2x1 = 2 (N). Thứ bạn cần trong giai đoạn này không phải đáp số đúng mà là nhớ được công thức và cách để giải bài.
Sau khi xử xong đống Ví dụ trên thì bắt đầu luyện tập nào. Nếu xấp chuyên đề thầy cô giao mà nặng quá, bạn chỉ cần giải trong đó cũng được. Còn nếu thấy mình vẫn còn sức thì làm thêm phần Luyện tập của sách tham khảo. Lúc này bạn không được dùng quyền trợ giúp gì hết nha. Canh giờ, (tớ sẽ nói tại sao trong bài làm sao để không bị học lệch) giải từ đầu tới cuối, câu nào không ra để đó. Sau khi xong bạn tra đáp án. Câu nào làm đúng, cứ cười, câu nào sai, đánh dấu và làm lại, làm lại và không nhìn bài giải.  Nếu vẫn sai, lần này thì giở bài giải ra, đọc từng chữ một sau đó che lại và tiếp tục giải vào vở. Tớ nhấn mạnh lại là trong lúc luyện tập, các bạn đừng có giở sách vở để nhìn công thức, đó là việc trước khi bắt đầu rồi. Bạn mà cứ làm bài nào tra sách bài đó thì làm xong nó chẳng đọng lại tí nào đâu. Đó là lý do tại sao một số bạn cứ thắc mắc “Tại sao mình học như trâu mà kết quả vẫn ẹ” (Tên một bài viết trên báo Thiếu nên tiền phong mà tớ đọc cách đây mười mấy năm).
Đó là vấn đề của cả buổi học, giờ chi tiết nè, mình sẽ chiến đấu với mỗi bài như thế nào? Làm sao để áp dụng đúng công thức?
Thầy cô bao giờ cũng dặn chúng ta hãy đọc kĩ đề, xác định giả thiết với kết luận. Bạn cũng đọc kĩ đề, xong đề hỏi đường kính, bạn tính ra bán kính, thấy nó giống một trong bốn đáp án nữa chớ, bạn sung sướng chọn, ra khỏi phòng thấy chữ đường kính nó hiện ra. Đập đầu mình mấy cái đi. Lần tới làm bài, bạn nhớ cầm trên tay cây bút chì, rà dưới từng chữ một, gạch chân hoặc viết ra chữ quan trọng, tóm tắt đề, xem mình có cái gì và cần tìm cái gì. Tiếp theo là nhìn xem đơn vị các đại lượng đã ở chế độ “chuẩn” chưa. Tớ cá là bạn nào cũng từng sai vì điều này, ví dụ trong bài toán tìm độ cứng lò xo chẳng hạn, quên đổi đơn vị một cái là đáp số nó giảm đi 100 lần. Bạn cũng cần chú ý các dữ kiện ẩn nữa.Ví dụ nói một chiếc xe bắt đầu chuyển động, ta hiểu là vận tốc đầu của nó bằng 0, nói một hạt bụi lơ lửng nghĩa là hợp lực tác dụng lên nó bằng 0…
Xong mình làm bài nào. Với những bài áp dụng công thức một bước thì dễ rồi, chỉ đứa nào chả chịu học bài mới sai mấy cái đó, mà mấy đứa đó chắc cũng không chịu bỏ thời gian đọc một bài dài lằng nhằng thế này đâu nhờ! Còn những bài biến đổi hai ba lần thì sao? Tớ để ý thấy nhiều bạn cứ tới bước nào là thay số bước đó, làm vậy cảm giác giải các bước sau nó nhẹ nhàng hơn. Nhưng trừ những bài thật sự rất dài (mà đề trắc nghiệm thì không có mấy đâu) thì bạn không nên làm thế. Hãy chịu khó để biểu thức chữ tới bước cuối cùng, có thể sẽ chậm hơn chút xíu nhưng sẽ ích lợi nhiều lắm á! Thứ nhất, bạn dễ dàng kiểm tra được mình làm có Sai hay không. Một nguyên tắc của Vật lý là các số hạng trong một phương trình (ví dụ các đại lượng cộng trừ được với nhau hoặc bằng nhau) thì phải có cùng thứ nguyên. Tớ lấy ví dụ đơn giản thế này, bạn không chắc là R = mv/qB hay R = mB/qv chẳng hạn. Bạn đã học F = qvB, khéo léo thay vào vế sau của hai biểu thức trên, bạn sẽ thu được các kết quả là R = mv^2/F và R = mB^2/F. Bạn dễ dàng nhận ra vế sau của biểu thức thứ hai không thể cho ra một đại lượng có đơn vị mét được. Đúng đơn vị thì bài của mình chưa chắc đã đúng, nhưng sai đơn vị thì chắc chắn là mình đã sai. Cái lợi thứ hai là bạn sẽ thấy level toán của mình tăng lên đáng kể đấy, mấy cái chuyển vế đổi dấu với quy đồng mẫu số sẽ không làm khó bạn trong những bài sau nữa.
Thêm một khó khăn khi bạn giải bài tập là bạn không biết bài này mình sẽ áp dụng công thức nào, định luật gì. Như các mem lớp 10 đang học chương Bảo toàn, có nhiều bạn phân vân không biết lúc nào thì dùng bảo toàn động lượng, lúc nào thì dùng bảo toàn cơ năng, à còn thêm một đống các định lý biến thiên nữa chứ. Khi đọc xong đề, bạn hãy tưởng tượng xem chuyện gì đang xảy ra, nó giống với trường hợp nào trong sách mình đã học. Nếu một viên đạn cắm vào bao cát hay cắm vào cái gì đó thì không thể là bảo toàn cơ năng được, vì năng lượng đã mất đi để tạo nên cái lỗ thủng, hoặc nếu một vật được ném lên hay ném xuống thì không thể bảo toàn động lượng vì mình thấy rõ ràng vận tốc nó thay đổi…
    Tớ viết dài lắm rồi, nhưng bạn nào đã đọc thì chịu khó đọc tiếp nhé. Luyện tập xong, bạn nhớ lấy mấy cái đề hôm trước ra làm, làm tương tự như khi mình ôn lý thuyết vậy. Hai cái này mình tiến hành song song. Nếu một bài mà bạn làm đi làm lại đến 4 – 5 lần thì khó mà sai lắm, mà càng làm thì tốc độ nó càng nhanh lên. Không mất nhiều thời gian như bạn tưởng đâu. Hãy nhớ, lúc bình thường mình cứ học như sắp thi thì lúc sắp thi mình sẽ thấy bình thường.
    Để học tốt Vật lý thì ngoài làm bài tập và rút kinh nghiệm ra thì mình còn phải cố gắng làm thêm bài tập và rút thêm kinh nghiệm nữa. À, bạn phải nhớ ăn đủ và ngủ đúng giờ nữa nha.
            Hi vọng những chia sẻ của tớ có ích cho ai đó.