THE PLATFORM – Hy vọng nào cho ta?
Chúng ta đều đã xem phim rồi, nên tôi sẽ không tóm tắt lại nội dung chính của phim nữa. Thay vào đó, tôi sẽ đề cập và phân tích từng...
Chúng ta đều đã xem phim rồi, nên tôi sẽ không tóm tắt lại nội dung chính của phim nữa. Thay vào đó, tôi sẽ đề cập và phân tích từng hình ảnh, hệ thống ký hiệu và các “tầng nghĩa” (pun intended) của phim, rồi từ đó làm sáng tỏ nội dung phim.
_______________________
1. Hình ảnh toàn bộ hệ thống nhà tù – The Hole.
Dễ dàng nhận thấy, hình ảnh đó là biểu tượng của Chủ nghĩa tư bản – Capitalism. Hệ thống của “Toà Tháp” có thể so sánh với “trickle down economic” – với triết lý tiên quyết là giảm thuế cho giới giàu để họ có thêm thu nhập, đổ sang – hay nhỏ giọt xuống – chi tiêu, giúp tăng cầu cho sản xuất. Áp vào hình ảnh của The Platform, ta có thể thấy những người ở tầng trên cùng, hay Tầng lớp Tư bản (bourgeois), có dư thừa đồ ăn, và được hy vọng rằng sẽ chỉ ăn một ít rồi sẽ đổ dồn phần còn lại xuống cho những người kế tiếp.
Ngoài ra, còn phải kể đến hình ảnh về Chủ nghĩa tiêu dùng (Consummerism), mà đặc biệt được thể hiện bởi câu chuyện của ông già Trimagasi. Ông ta mua một chiếc máy mài dao, sau đó mua một con dao tự mài, tất cả đều được quảng cáo trên TV. Vấn đề là, ngay từ đầu ông ta có thể không cần những đồ vật này, mà mong muốn đó được “tiêm nhiễm” bằng truyền thông và hệ thống tiêu thụ vô tận của CNTB. Điều này thì ai cũng nhận ra.
Một hình ảnh dễ thấy nữa là quy luật đào thải khắc nghiệt của CNTB, khi Imoguiri đã là nhân viên 25 năm, vẫn phải dấn thân vào toà tháp. Hơn nữa, mặc dù bản thân là một người có lý tưởng tốt đẹp, Imoguiri không thể áp dụng nó vào hoàn cảnh thực tế, ít nhất là với phương pháp hoà bình như thuyết phục người tầng dưới. Và khi hai người bị chuyển đến tầng 202, Imoguiri đã tự t.ử. Đây cũng là một chi tiết có tính ẩn dụ: Cô ta có thể tự t.ử vì biết mình không còn khả năng sống, nhưng cũng đồng thời tự t,ử khi biết bản thân đã bị hệ thống lừa dối, nói rằng chỉ có 200 tầng (trong khi có 333 tầng).
Bản thân nhân vật chính, Goreng, là trường hợp hay và đặc biệt nhất. Dễ dàng có thể thấy Goreng đại diện cho tầng lớp tri thức tiểu tư sản, nếu ta vẫn so sánh Toà tháp như ẩn dụ về xã hội. Khác với những người bị ép vào Toà tháp, anh ta tự vào với mong muốn đạt được bằng đại học và bỏ thuốc lá. Dễ thấy đây là so sánh cho những “lời hứa hẹn” của CNTB, rằng, “cứ làm việc đi, rồi mày sẽ có được thứ mày muốn”. Điều này đúng với cả ba nhân vật. Tuy nhiên, đặc biệt từ Goreng, ta có thể thấy đây là hình ảnh siêu-ẩn dụ (meta-metaphor?) khi anh ta tự nguyện đưa mình vào toà tháp tượng trưng của CNTB, cũng chỉ để thực hiện một “lời hứa” từ một xã hội khác.
Tức là, ngay từ đầu, Goreng hay rộng hơn là tất cả những người trong toà tháp, vốn đã sống trong một “toà tháp” khác lớn hơn rồi, họ chỉ thật sự nhận ra điều đó khi đưa bản thân vào đây thôi.
Những hình ảnh như việc các tầng lớp phải “ăn” lẫn nhau, hay chúng ta không có cách nào để tiếp cận các tầng lớp bên trên, hoặc sự “đổ lỗi cho hệ thống” trong khi cũng phục mình dưới hệ thống của Trimagasi đều đã rõ ràng. Chỉ thêm một điểm – đó là mặc dù các tầng lớp có thể giao tiếp với nhau, nhưng họ tự nguyện chọn không làm vậy. Điều này thể hiện sự cô lập lẫn vô minh trong tầng lớp xã hội – isolation, một chủ đề mà Marx đã bàn đến rất nhiều. Cá nhân tôi thấy đây là một hình ảnh hay.
Một hình ảnh nữa, dễ dàng bị bỏ qua. Đó là khi Trimagasi nói, ngay cả những người ở tầng bên trên cũng nhảy xuống. Tại sao lại như vậy, khi họ là tầng lớp dư thừa, đầy đủ? Đây là một cách nói cho việc dư thừa của cải, dẫn đến nhàm chán, hết hy vọng, giống như Schopenhauer viết, “giàu có quá thì gây nhàm chán, nghèo đói quá thì gây đau đớn”. Hệ thống này thật sự không ưu ái ai cả, thậm chí cả những người ở trên cùng.
Tuy nhiên, có thật sự bộ phim chỉ là lời chỉ trích đã quá nhàm chán về xã hội tư bản tiêu thụ không? Tôi không nghĩ vậy.
_______________________
2. Hình ảnh cuộc đấu tranh – Revolution.
Dễ nhận thấy, hình ảnh này bắt đầu từ cuốn truyện Don Quixote – với bản thân Goreng là nhân vật tượng trưng cho một chủ nghĩa anh hùng, hiệp sĩ đã mất. Cả bộ phim vừa là sự thức tỉnh, vừa là sự giằng co giữa cái tôi cá nhân và lòng vị tha, được thể hiện lần lượt bằng hình ảnh bóng ma của Trimagasi và Imoguiri.
Chúng ta cũng cần biết, cái tên Miharu trong tiếng Nhật có nghĩa là “mở mắt” (open your eyes). Dễ dàng nhận thấy vai trò của cô trong bộ phim là chỉ đường dẫn lối cho Goreng (dù có hơi dư thừa) như một thông điệp cảm xúc. Bản thân danh tính của Miharu thì còn nhiều bí ẩn: Liệu cô có con thật không, hay như Imoguiri nói, cô là kẻ điên loạn chỉ muốn làm “Marilyn Monroe châu Á”? Câu hỏi này, tôi sẽ cố trả lời ở phần ba, tuy nhiên, ở đây, chúng ta cần hiểu mục đích của cô là “chỉ hướng” cho Goreng. Nhờ có cô mà Goreng mới xác định ra “đường lối cách mạng” cho mình: Đó là đi xuống, phân phát đồ ăn cho mỗi người. Giống như cách Trimagasi nói ở đầu phim: Có ba loại người: Loại ở trên hài lòng với cuộc sống, loại người ở dưới không đủ khả năng thay đổi, và “những kẻ đi xuống”. Ghép cùng ẩn dụ về con đường Cách mạng, con đường của sự thay đổi, thì “những kẻ đi xuống” chính là những kẻ đủ khả năng lẫn tiềm lực để thay đổi, ở đây là chàng Don Quixote Goreng cùng người đồng hành trung thành Baharat.
Tuy nhiên, công cuộc đi xuống có thật sự thành công? Mặc dù thông điệp rõ ràng: Hai con người hoàn toàn khác biệt mọi nhẽ, Goreng và Baharat, đã đoàn kết với nhau lại và phân phát đồ ăn cho mỗi tầng thành công, nhưng họ có thật sự đạt được điều họ muốn?
Đây chính là điểm khi tôi nói, bộ phim không chỉ phê phán Chủ nghĩa Tư bản.
Ta có thể thấy, cách thức chia đồ ăn như Goreng muốn là một hành động mà, như Trimagasi nói, Cộng sản. Mặc dù đã ngừng suy nghĩ này ở Act 1, nhưng Goreng tiếp tục công cuộc chia đều đồ ăn ở Act 3 – nhưng lần này với đe doạ và vũ lực.
Ta có thể thấy rõ ràng, mặc dù vẫn chia đồ ăn, nhưng bộ đôi Goreng và Baharat đã…. giết đến một nửa những phạm nhân ở những tầng dưới. Cách làm đầy tính Chủ nghĩa Cộng sản này rõ ràng không hiệu quả. Vì sao? Bởi nó vẫn dựa vào chính nền tảng của Hệ thống – Tức là chẳng có điều gì thay đổi cả.
Đây là phần thiên tài nhất của phim, khi nó rất thẳng thắn phê phán Chủ nghĩa Tư bản, nhưng cũng không hài lòng với phương pháp của Chủ nghĩa Cộng sản.
Đó chính là lý do khi bộ đôi gặp “wise old man”, họ mới vỡ lẽ ra, là ta cần lật đổ “hệ thống” từ trên cùng.
Nhưng, trên cùng ở đây là đâu? Đúng như “wise old man” nói, đó không phải là “người quản lý”, bởi, suy cho cùng, chẳng có “người quản lý” nào cả. Chúng ta dễ thấy nét tương đồng của “Toà tháp” với hệ thống quyền lực trong tác phẩm 1984 của George Orwell: Tức là, quyền lực vị quyền lực, hệ thống vận hành chính nó. Nói cho dễ hiểu, để so sánh về xã hội tư bản như ý 1, thì chúng ta không thể gặp “Tổng thống Tư bản” để đòi “hắn ta” sự khoan dung gì được, đơn giản vì hắn không tồn tại.
Vậy tại sao lại gửi một thông điệp lên tầng trên cùng với món panna cotta? Chúng ta sẽ cùng trả lời ở phần ba.
_______________________
3. “Thông điệp” là gì? Hay tiếng cười khuyển nho (cynical) của Toà tháp.
Thông điệp với món bánh không bị động vào, chính là để thể hiện sự đồng ý: Rằng, thật sự đã có sự “đoàn kết tự phát” (spontaneous solidarity) xảy ra với hệ thống này. Nó là một thông điệp cao ngạo, hẳn vậy, nhưng nó cũng là thông điệp quy phục. Rằng, “chúng tao chơi trò chơi của mày, và chúng tao “thắng” rồi đây”.
Nhưng, chúng ta không thật sự “thắng” nếu bản thân trò chưa chưa bao giờ kết thúc. Triết lý của trò chơi được chứng tỏ là đúng đắn, dù bằng bạo lực hay ôn hoà, nó cũng chẳng khác gì. Chúng ta vẫn chơi trò chơi của chúng.
Goreng và Baharat đã nhận ra thông điệp thật sự này một cách đầy cảm tính khi đối mặt với cô bé con gái của Miharu ở tầng 333. Nếu tin vào lời của Imoguiri, tức là không có trẻ con trong toà tháp, thì việc đổi món bánh panna cotta lấy cô bé là để chứng tỏ sự “bất nhân” của hệ thống này, để khiến những kẻ bên trên phải “mở mắt ra”.
Đó mới chỉ là tầng hiểu thứ nhất.
Ở đây, để hiểu được ý nghĩa thật sự của chi tiết “thông điệp là cô bé”, ta cần phải hội tụ toàn bộ những hình ảnh đã phân tích bên trên. Hệ thống là xã hội, và cả tư bản lẫn cộng sản đều không thành công để tạo nên một xã hội bình ổn, hoà bình. Họ phải đưa ra một thông điệp. Nhưng, kể cả “thông điệp là cái bánh” thành công, nó cũng chỉ là sự quy phục dưới “hệ thống”.
Và Goreng, khi gặp cô bé, đã có câu trả lời khác.
Chúng ta hãy cùng nói về triết gia yêu thích của tôi, Hannah Arendt (dù bà ấy ghét từ này). Arendt đã nhận ra một con đường khác cho chính trị: Dù là Tư bản hay Cộng sản, Arendt cho rằng, nó đều lấy “kinh tế” làm thước đo xã hội, dù Chủ nghĩa xã hội có muốn triệt tiêu hệ thống này đi nữa. Vậy, còn con đường nào cho con người, để thoát khỏi những hệ tư tưởng chính trị “Platonic” nhiều lý thuyết? Bản thân Arendt có câu trả lời khác, nhưng trong The Platform, đó là giáo dục. Chỉ có giáo dục cho thế hệ tương lai, cho chúng những lựa chọn, cho chúng thật sự một “tương lai”, thì chúng ta mới có thể thoát khỏi “địa ngục”. Đó là lý do tại sao Goreng đổi “cái bánh panna cotta”, dù là với ý nghĩa phản kháng, vẫn sử dụng và dựa vào quy luật của “hệ thống”, của “con hố”, lấy sinh mạng của đứa trẻ.
Lần đầu tiên, Goreng đã quyết định một điều ngược hẳn lại với hệ thống, vượt ra ngoài nó và tự tạo nên một “hệ thống” mới cho mình, dù hão huyền. Đó là đặt niềm hy vọng vào lớp trẻ, vào tương lai của những người đã ngã xuống, với sai lầm và thành tựu quá khứ của họ.
Đó là hy vọng của chúng ta. Đó là tương lai của chúng ta.
Và chàng “hiệp sĩ” Goreng đã ngã xuống đầy vẻ vang như vậy.
Nhưng… Khoan đã. Mọi chuyện có thật sự đầy hy vọng?
Các bạn có thấy lạ và thiếu logic không, khi một cô bé sạch sẽ, béo mầm lại ở an toàn trong tầng cuối cùng của Toà tháp? Thậm chí, khi cho rằng Miharu bảo vệ được đồ ăn mỗi ngày cho cô (mà vốn cực kì khó khăn, chưa nói là không tưởng), thì việc có một cô bé ở tầng dưới cùng trong bao nhiêu tháng như vậy cũng hoàn toàn không khả thi. Hơn nữa, Trimagasi đã nói, con của Miharu là con trai, trong khi cô bé ở tần 333 lại là nữ... Thời điểm Miharu vào tù (10 tháng) lẫn tuổi của cô bé cũng không khớp, tức là không có chuyện Miharu sinh cô bé trong Toà tháp. Vậy… Sự thật ở đâu?
Đáng buồn là… Cô bé không hề tồn tại. Đạo diễn của bộ phim, Galder Gaztelu-Urrutia, đã nói lên ý đồ đó trong một buổi phỏng vấn. Goreng và Baharat đều đã chết trước khi xuống dưới tầng cuối cùng, và hình ảnh “cô bé như một thông điệp” cũng chỉ là trí tưởng tượng của Goreng trong những giây mê man cuối cùng. Một lần nữa, nó lại hoà hợp cùng với cái tên của Miharu: "Mở mắt ra". Trong những giây cuối cùng, Goreng vẫn "được" Miharu làm cho soi tỏ, và nhìn thấy cách thức phản kháng "toà tháp" mới mẻ trong cô bé tầng 333. Thậm chí có thể nói, Goreng đã nhìn thấy chính hình ảnh của Miharu trong cô bé đó.
Dù đáng buồn nhưng cái kết này lại rất phù hợp với hình ảnh Goreng như chàng Don Quixote: Mọi thứ, cuối cùng vẫn nằm trong trí tưởng tượng của chàng hiệp sĩ. Và chàng chưa bao giờ thắng được cối xay gió.
Và chàng chết. Và hệ thống vẫn còn đó.
Và chúng ta chẳng còn hy vọng. Và bộ phim cười vào mặt chúng ta.
_______________________
4. Hy vọng nào cho ta?
Tiêu đề đầu tiên của bài review này tôi định đặt là “bộ phim thông minh dành cho người không thông minh”. Dễ thấy, những hình ảnh lẫn ẩn dụ đều được các nhân vật nói thẳng ra, như chủ nghĩa cộng sản hay “thông điệp” đều khá rõ ràng. Tuy nhiên, càng phân tích, tôi càng thấy được cái ý nhị, lãn cái nhìn đầy bi quan và ý niệm chính trị của bộ phim, mà nửa sau đã được Người Kể Chuyện phân tích một cách tuyệt vời hơn rất nhiều.
Tôi chỉ nghĩ, The Platform vẫn có thể là bộ phim đơn giản, giải trí trong khi vẫn truyền tải những thông điệp xã hội ý nghĩa. Có lẽ không có một “Jesus” nào sẽ cứu rỗi chúng ta, không có chàng hiệp sĩ Don Quixote đối xử công bình cho mọi người. Có thể tôi không đồng tình với cái kết đầy khuyển nho của bộ phim, nhưng chúng ta vẫn nên hy vọng vào tương lai, vào những thay đổi đến từ thế hệ chúng ta lẫn thế hệ tương lai.
Movie
/movie
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất