Một lần, tôi nhận được câu hỏi rằng "thế bạn cảm thấy mình sắp giác ngộ chưa?". Nhân duyên này, tôi cố gắng tự tổng hợp một số điểm liên quan đến khả năng giác ngộ để chia sẻ lại với mọi người từ góc độ cá nhân.
— Về khả năng giác ngộ —— 
1.  Đầu tiên, như đã từng chia sẻ trong bài Từ thực tại đến Giác Ngộ, phương tiện để đi đến Giác ngộ là hiểu biết về thực tại, Giác Ngộ là con đường của phát triển hiểu biết:
 Từ chỗ không biết gì, được nghe giảng, hiểu lý thuyết, trực tiếp hiểu biết một tẹo……. trực tiếp hiểu biết rốt ráo, trực tiếp kinh nghiệm Niết bàn ….
Thực lòng, tôi còn chưa đặt được chân vào Con đường. Vì sao? Thực tại tột cùng là chốn chưa từng có ai đến được, cho đến khi Đức Phật giác ngộ. Giác ngộ rồi thì Đức Phật biết rằng quá khó để người khác có thể đến được, nên Ngài đã làm một việc là chỉ bầy lại Sự thật mà Ngài đã giác ngộ, dùng trí tuệ toàn giác của mình để tả lại Con đường cho những người hữu duyên. Đơn giản là quá khó nên không có Con đường thì không ai có thể thoát khổ được.
OK, đó mới là điểm thứ nhất. Qua thời gian, Con đường bị hiểu nhầm rất nhiều bởi rất nhiều chỉnh sửa với các pháp môn phát triển sau khi Đức Phật nhập diệt: Đại Thừa, Thiền, Mật thừa … nên khó khăn thứ nhất là phải vượt qua, phải overcome những điểm sai lầm, những hiểu sai về Giáo pháp cực kỳ phổ biến với nhân loại hiện tại.
2. Điểm thứ 2: Kể cả khi đã có trong tay Giáo pháp đúng, việc hiểu đúng Giáo pháp không dễ dàng. 2500 năm sau khi Đức Phật nhập diệt, đã không còn vị Thánh đệ tử nào đắc các tầng tuệ giác dù là bậc thấp, nên có tình trạng mặc dù biết đó là kinh văn chính xác, việc hiểu nó chỉ dừng lại ở mặt câu chữ chứ không có các vị thầy thực chứng trực tiếp giải thích kinh văn cho chúng ta như xưa. 
3. Điểm thứ 3 mới là khó khăn nhất: Dù có Giáo pháp, dù hiểu đúng, vẫn không có gì để  "làm" :)
Đây là điểm cực kỳ vi tế và rất ít người thực sự hiểu điểm này. 
Xin thử hình dung: Giáo pháp mà chúng ta có trong tay không phải là một phương pháp, mà là một mô tả về Sự thật đang bị che lấp hoàn toàn. Cũng thế, Con đường đang bị che lấp hoàn toàn.
Thế giới chúng ta sống là chế định, có con người, đồ đạc, cây cỏ, muông thú, …. Thế giới ấy cùng một lúc là ánh sáng, âm thanh, cảm xúc, được mất, vui buồn ….Còn thế giới của Sự thật trong Giáo pháp lại khác, trong thế giới ấy không có thứ gì tồn tại lâu dài, cũng không có tài sản hay địa vị, danh tiếng, trong thế giới ấy "ta" chỉ có một mình…. Đó là toàn bộ Sự thật của thực tại hiện giờ đang diễn ra từng giây từng phút nhưng cũng hoàn toàn không được biết tới. Sự thật đó chỉ hé lộ, Con đường chỉ hé lộ khi có một thứ xuất hiện: Cái hiểu rằng thực tại bây giờ không có "ai" hay "cái gì" "ở đó" hết. Ngắn gọn, đó là Cái hiểu thực tại "vô ngã" (Hiểu biết vô ngã hay Hiểu biết đúng). Bản thân Cái hiểu này cũng vô ngã nốt: không có người hiểu, chỉ có "cái hiểu" hiểu mà thôi. Chừng nào cái Hiểu biết vô ngã này còn chưa xuất hiện, Con đường còn bị che lấp hoàn toàn, lúc ấy không có Con đường thực sự, mà chỉ có các ngôn từ và các suy nghĩ về Con đường mà thôi. 
Chừng nào ý tưởng có một cái ngã thường hằng còn bám chắc trong tâm trí, chừng đó Con đường còn bị che lấp và mọi thứ "bạn làm" đều vô ích
Thế đấy:
Gặp được Giáo Pháp đúng (right teaching) là khó. Không phải ai cũng có đủ duyên để vượt qua được rất nhiều hiểu sai phổ biến về đạo Phật tràn lan trên mạng.
Hiểu được đúng Giáo pháp cũng không dễ. Dù có duyên để tiếp cận với đúng Giáo pháp gốc, không phải ai cũng có khả năng tự tìm hiểu cơ bản Giáo pháp ấy.
Chỉ khi có cái hiểu chắc chắn rằng hoàn toàn không có “bạn” theo nghĩa tối hậu và cũng không có gì “tồn tại" quá một chớp mắt. Hầu hết những người tôi gặp đều không thực sự tìm hiểu cơ bản Giáo Pháp mà vội vàng "phải cố gắng làm sao đó" để có trải nghiệm abc xyz. Thực chất là khi “cố gắng làm sao đó”, hầu như ngay lập tức có cái Ngã “cố gắng” “làm gì đó” cho bản thân cái Ngã, ở đó không có sự phát triển Hiểu biết mà thay vào đó là sự tích luỹ Ngã một cách vi tế. 
Điểm cuối cùng cũng là điểm rất khó vượt qua. Thông thường rất ít người hiểu rằng Trí tuệ phát triển theo cách của riêng nó và chỉ ở những khoảnh khắc hiếm hoi không có ý niệm về Ngã xen vào. Thường thì người ta bị thúc đẩy bởi ham muốn “tu tập”. Đằng sau mọi ham muốn đó là một sự dính mắc, dính mắc vào tiền bạc cũng vậy mà dính mắc vào Giác ngộ hay trí tuệ cũng là dính mắc, chỉ là chuyển đổi đối tượng. Về một mặt nào đó thì dính mắc vào Pháp còn nguy hiểm hơn vì nó sẽ trở thành trở ngại rất khó khắc phục. Các phương pháp thực hành phổ biến hiện tại cũng rất dễ phản tác dụng vì bất kỳ phương pháp nào không giúp làm giảm thiểu ý niệm về “ngã”, về “tôi” và “của tôi” thì phương pháp đó chỉ làm vun bồi thêm ngã kiến một cách vi tế và vì thế, rốt cuộc khi đó Hiểu biết “vô ngã” càng biệt tăm. Bất kỳ ai đi tìm một phương pháp để "tôi trở nên ...." đều chỉ thêm xa rời Con đường "vô ngã" mà thôi! Càng đi tìm một môi trường đặc biệt, một phương pháp đặc biệt để mong có được những kết quả/trải nghiệm đặc biệt thì e rằng cơ hội cho Hiểu biết đúng xuất hiện lại càng giảm đi ;). Thực hành theo các thầy online thì dễ, còn phát triển được trí tuệ thực sự thì khó. 
Con đường thực ra không hề đòi hỏi những trải nghiệm đặc biệt, những trải nghiệm khác thường (không có trong đời sống hằng ngày). Con đường mở ra với hiểu biết đúng (về thực tại vô ngã) và ngày càng đúng hơn về những thực tại thường ngày mà thôi. --- Jonothan Abbott -- 
--- ….. Vậy cách mà bản thân Đức Phật đi đến, con đường mà Ngài đã trải qua, tất cả những điều đó như là một bài học, hay một hình mẫu để mình có thể học tập theo được không?-----
Rất tiếc, câu trả lời của tôi là .... KHÔNG!. Từ câu chuyện cuộc đời Đức Phật, người ta có thể rút ra nhiều bài học, nhiều hình mẫu để học tập, tuy nhiên và thật ngạc nhiên là …….. không ai có thể học tập theo "cách của ngài" về chuyện Giác Ngộ.
Mọi người có thể cho câu trả lời của tôi là cường điệu/ vô lý, nhưng sự thật là những gì Đức Phật đã trải qua để đạt đến Giác ngộ là vô cùng hy hữu, vô cùng kỳ tuyệt. 
Tôi đã viết 1 bài về Giác ngộ, nhưng trong đó chưa nói rằng: Giác Ngộ thực ra cũng có nhiều mức độ khác nhau. Các đệ tử của Phật chỉ có thể đạt đến quả vị Giác ngộ tối đa là A la hán quả cùng đại thần thông, có nhiều vị chỉ đạt quả vị A la hán mà không kèm theo các phẩm chất vượt trội khác. Dưới mức độ A la hán quả có những mức độ Giác Ngộ thấp hơn, còn trên A la hán quả một bậc thì có quả vị là Phật độc giác. Đức Phật Gautama đã giác ngộ ở mức độ cao hơn nữa và ngài đã đạt đến quả vị Phật cao nhất: Phật Chánh đẳng giác, là sự thành tựu ở mức cao nhất các phẩm chất cao quý của tâm cùng toàn bộ thần thông. Chánh Đẳng Giác Phật quả là tối thượng trong tam giới, vì thế mới có câu trong toàn bộ các cõi giới (gồm cả loài người, chư Thiên và Phạm Thiên ....), không có ai sánh bằng Đức Phật.  Để tạm hình dung về mức độ hy hữu của Phật quả, trong các Chú Giải có nói rằng các đại đệ tử của Phật đã vun bồi các ba la mật (công hạnh hợp với trí tuệ) trong 100 ngàn đại kiếp (1 đại kiếp là khoảng thời gian vô cùng dài, bạn có thể vào wiki để xem), trong khi đó thời gian tối thiểu cần vun bồi các ba la mật để trở thành một vị Phật chánh đẳng giác là 4 a tăng kỳ và 100 ngàn đại kiếp, tức là dài hơn thế rất nhiều.
Một vị Phật thì tự mình đạt đến Giác ngộ mà không có ai chỉ dậy, do năng lực vô song của trí tuệ được vun bồi trong khoảng thời gian dài không thể tưởng tượng nổi nói trên, trong khi đó một vị đại đệ tử thì cũng không thể tự mình giác ngộ mà phải cần được nghe Pháp từ một Đức Phật Chánh đẳng giác (thì mới có thể giác ngộ).  
Trong kinh điển cũng nói có 4 hạng người: Những người lợi căn chỉ cần nghe 1 câu chú ngắn hay 1 bài kệ là có thể Giác Ngộ (Sariputra, đại đệ tử của Phật Gautama, chỉ nghe nửa bài kệ của 1 trưởng lão là đạt đến Thánh quả đầu tiên), hạng tiếp theo phải nghe pháp do Đức Phật giảng nhiều lần và nghe thêm lời giải thích của các bậc Trưởng lão nhiều lần nữa thì mới có thể đạt đến giác ngộ trong kiếp sống đó, hạng thứ 3 phải nghe đi nghe lại pháp trong suốt nhiều kiếp sống mới có thể trở thành hạng 2, hạng cuối cùng cho dù có duyên gặp được trực tiếp Đức Phật thì cũng không có cơ hội Giác ngộ trong một quãng thời gian tính bằng nhiều a tăng kỳ. Sự khác nhau nằm ở mức độ tích luỹ trí tuệ của họ. 
Sự thật là hầu hết những người hạng nhất và hạng 2 là những người đã có duyên được trực tiếp nghe pháp từ Đức Phật và đủ duyên để trở thành đệ tử trực tiếp khi Đức Phật còn sống. Thế còn chúng ta, đã hơn 2500 năm từ khi Đức Phật nhập diệt, thời Đức Phật còn sống chúng ta đã không có đủ duyên và bây giờ thì chúng ta vẫn đang ở đây, ở thời mà kể cả hạng 3 cũng hiếm gặp và không còn ai đạt được Thánh quả kể cả tầng thấp nhất! Chúng ta học theo cách của các Thánh đệ tử của Đức Phật đạt đến Giác Ngộ thôi cũng còn không nổi chứ đừng nói đến học theo cách của bản thân Đức Phật. Bảo rằng chúng ta có thể học tập theo cái cách của Đức Phật từ lúc ngài sinh ra cho đến thời điểm giác ngộ cũng giống như bảo một cậu bé thiểu năng trí tuệ học tập theo cách Einstein tìm ra Thuyết tương đối vậy... 
Cuộc đời của Đức Phật mà ta biết rõ chỉ là kiếp sống cuối cùng của ngài, chỉ là biểu hiện kết tinh của năng lực ba la mật khủng khiếp được vun bồi qua 4 a tăng kỳ và 1 trăm ngàn đại kiếp mà thôi, chưa kể rằng ở thời điểm đầu tiên của 4 a tăng kỳ và 100 ngàn ĐK ấy, Đức Phật đã ở mức độ trí tuệ tương đương với các đại đệ tử của ngài ở kiếp cuối cùng của họ, kiếp mà họ đạt đến Thánh quả A la hán. Ngài hoàn toàn đã có thể chọn cách thoát khổ ngay trong kiếp ấy nhưng thay vào đó đã phát đại nguyện mong trở thành Chánh Đẳng Giác Phật (Sammasam Buddo) trong tương lai để giải thoát cho các chúng sinh khác trên thế gian này, đồng thời được vị Phật thời bấy giờ là Phật Nhiên Đăng thọ ký rằng: Sumedha, ngươi sẽ trở thành Phật trong tương lai, lấy hiệu là Gautama.
 --- Đức Phật đã bắt đầu con đường của mình bằng mong muốn tìm hiểu về thế giới xung quanh, mong muốn tìm ra bản ngã. Vậy ai cũng phải bắt đầu một cái gì đó bằng một "mong muốn" chứ nhỉ?  ----
Một lần nữa, đó là cái mọi người thường nghĩ, nghĩ rằng Đức Phật đã bắt đầu con đường của mình trong kiếp mà mẹ ngài sinh ra ngài ở Lumbini giữa hai cây Sala, nhưng thực sự thì như đã nói ở trên, Đức Phật đã bắt đầu từ trước đó rất lâu, với mong muốn ko phải là tìm ra bản ngã mà là mong muốn tìm ra con đường chấm dứt đau khổ cho mọi chúng sinh. 
Về “mong muốn”, đúng, tôi đã nói “ Thường thì người ta bị thúc đẩy bởi ham muốn “tu tập”. Đằng sau mọi ham muốn đó là một sự dính mắc, dính mắc vào tiền bạc cũng vậy mà dính mắc vào Giác ngộ hay trí tuệ cũng là dính mắc ... ”.  Ở đây tôi đang nói đến “người ta”, mặc định là chúng ta, những người đang sống ở thời hiện tại mà như trên đã giải thích, cách 2500 năm sau khi Đức Phật nhập diệt, thời mà trong kinh điển gọi là thời Mạt pháp (cũng theo kinh điển, thời Mạt pháp sẽ kéo dài thêm khoảng 2500 nữa và sau đó bước vào thời kỳ bản thân Giáo pháp của Đức Phật hoại diệt và biến mất). Vậy tôi xin nói rõ lại: Đằng sau mọi ham muốn của con người thời nay, đó đều là một sự dính mắc. 
Ham muốn thực ra có 2 trạng thái: Thiện và bất thiện. Thông thường người ta nghĩ rằng Ham muốn tu tập thì là Thiện nhưng không phải. Khi Ham muốn với động cơ để Tôi tốt hơn, Tôi trong sạch, Tôi Giác ngộ …., thì lúc đó có Mong muốn đi kèm tà kiến về ngã (ngã kiến), cho rằng có “cái tôi”, cái ngã nào đó tồn tại. 
Khổ là thực sự tồn tại, Trạng thái và Con đường Thoát khổ cũng thực sự tồn tại, Mong muốn thoát khổ cũng thực sự tồn tại, thế nhưng Người khổ ko thực sự tồn tại, Người thoát khổ không thực sự tồn tại, Người mong muốn thoát khổ cũng không thực sự tồn tại. Ở khoảnh khắc có ngã kiến (rằng có các con người hay chúng sinh khác nhau thực sự tồn tại) thì không có Thiện tâm. 
Ham muốn chỉ là Thiện khi nó không đi kèm với ý niệm “cho tôi”, “của tôi”, “tôi cho đi”, “tôi tốt đẹp” …. Khi cho tiền người ăn mày với động cơ feel good (tự cảm thấy tốt) về đạo đức “của” bản thân, đó là bất thiện, chỉ khi nào có sự cho đi mà không kèm theo ảo tưởng về mình, về tự ngã, chỉ đơn thuần có mong muốn người kia đỡ khổ thì lúc đó mới có Mong muốn thiện. Đức Phật và các Thánh đệ tử đều có mong muốn, cả trước và sau khi đạt giác ngộ, nhưng do năng lực của trí tuệ được vun bồi sâu dầy vô song, mong muốn của các ngoài hoàn toàn thoát khỏi sự dính mắc vào kết quả đạt được cho ai đó, hoàn toàn thoát khỏi ý niệm có mình, có tự ngã hay có chúng sinh thực sự tồn tại. Về điểm này, từ góc độ kỹ thuật, có thể chỉ ra hết sức rõ ràng bằng sơ đồ mà tôi đã post trong bài Từ thực tại đến Giác Ngộ