Từ Closed-minded đến Open-minded - Mình đã làm thế nào?
Bớt bảo thủ, ngừng dán mác
Có thể bạn đã biết, bảo thủ hay cởi mở - đều là tính cách có thể di truyền. Nếu mà “đổ lỗi” do gen, mình chính là một đứa “bảo thủ chúa”. Mình sinh ra trong một gia đình gốc Huế với lối sống khép kín. Ba mình là một người đầy định kiến với mọi sự thứ xung quanh. Bản thân mình cũng đã thừa hưởng khá nhiều tính cách này.
Thời đi học, mình thuộc kiểu học sinh “gương mẫu” điển hình: luôn cố gắng tuân thủ và chấp hành mọi quy định. Mấy năm cấp 3 làm lớp phó học tập, tụi bạn hay ví mình như giáo viên chủ nhiệm thứ 2. Lý do cũng bởi vì mình nguyên tắc với bảo thủ quá! Khi chọn bạn bè, mình có xu hướng chỉ muốn chơi với mấy đứa “gương mẫu” giống mình.
Tính bảo thủ còn đi theo mình trong sở thích, cách làm việc và giao tiếp với mọi người xung quanh. Mình thoải mái với những thứ quen thuộc: quán quen, nhạc cũ, những con người đã quen biết nhiều năm. Mình có xu hướng làm việc theo “dấu chân” những người đi trước vì sợ rủi ro. Mình cũng từng nhìn người theo-tiêu-chuẩn-mặc-định của cá nhân mình. Tức có nghĩa là chỉ cần style ăn mặc, phong cách hành động của người ta không thuộc “bộ tài liệu tiêu chuẩn” mình đã cài đặt sẵn, mình sẽ dán nhãn họ vào nhóm người …tránh giao du thì hơn!
Khỏi phải nói, chắc mọi người cũng đều đã biết việc ôm cái tư duy close-minded sẽ “cầm chân” chúng ta như thế nào. Đặc biệt, trong một thế giới VUCA/BANI với sự biến động không ngừng, sớm muộn bạn cũng sẽ bị bỏ lại phía sau nếu chỉ khư khư với những suy nghĩ cố hữu.
Vậy mình đã thay đổi thế nào?
Tất nhiên, sẽ không có ai thay đổi từ một người bảo thủ thành một người cởi mở chỉ sau một đêm. Thời điểm biết đến khái niệm open minded, thực chất mình đã có một quá trình dài điều chỉnh cái tư duy cố hữu rồi. Và đây chính là những điều đã giúp mình dần “mở rộng tâm trí” hơn:
Nhận ra “giá trị ẩn” bên trong mỗi người
Trong podcast phỏng vấn với Unlock FM, anh Trần Việt Long (Co-founder của Pencil Philosophy) từng so sánh giá trị của con người với cổ phiếu. Đại ý rằng có những công ty mặc dù có tiếng tăm và giá cổ phiếu cao, nhưng thực chất tình hình kinh doanh lại rất tệ. Và ngược lại, có những công ty dù kinh doanh rất tốt, nhưng giá cổ phiếu của họ vì một lý do nào đó lại chưa xứng với giá trị thật. Cũng như đối với một người, chúng ta không thể chỉ đánh giá họ qua danh tiếng, vẻ ngoài, hay những thiên kiến của bản thân và những người xung quanh.
May mắn thay, trong suốt quá trình trưởng thành, mình đã có dịp tiếp xúc với khá nhiều người mà giá trị của họ cao hơn “giá trị được niêm yết”. Mỗi người mình được gặp, là một bài học để mình dần học cách gạt bỏ những định kiến ban đầu cũng như biết chấp nhận sự khác biệt của họ hơn.
Ví như cô bạn thân từ thời Đại học - người trông có vẻ “Yang lake” mà mình từng dán nhãn “không giao du thì hơn” sau này dối với mình lại là người có “giá cổ phiếu cao nhất”.
Nghe - Xem - Nhìn
Khi được tiếp xúc với nhiều luồng thông tin, chúng ta sẽ cảm thấy dễ dàng chấp nhận những điều khác lạ hơn. Nếu cảm thấy chưa đủ kiên nhẫn với một cuốn sách, bạn có thể dành thời gian nghe podcast hoặc chiêm nghiệm từ một bộ phim hay. Với những đứa hướng nội như mình, đọc, nghe, quan sát xung quanh là cách để mở rộng thế giới quan dễ dàng nhất.
Mình cũng nhận ra rằng, để học được sự open mind từ việc nghe/đọc, cũng ta cần open mind từ chính việc đó trước. Tức là, thay vì chỉ chăm chăm vào một số đầu sách thuộc thể loại hoặc tác giả yêu thích, mình sẽ đa dạng nguồn đọc hơn thế. Từ nhiều câu chuyện, vấn đề, tư duy, quan điểm, lập luận khác nhau… mình dần biết cách để bản thân khách quan hơn.
Thay vì nói: 'Không/Nhưng mà…'; Hãy tập cách nói: 'uhm, và rồi sao nữa?'
Trước đây, khi ai đó đưa ra quan điểm trái chiều hay những đề xuất có phần “khác lạ”, mình sẽ ngay lập tức phản bác. Não bộ của mình luôn hoạt động bằng theo cách đưa ra những lập luận hay tư duy để mình nói: Không; hoặc bày tỏ sự e ngại bằng: Nhưng mà, vì lý do A, nhị mà, vì lý do B…
Để khắc phục điều này, mình đã nhắc nhở bản thân phải nói: “uhm, và rồi sao nữa” trước mọi lời đề nghị. Bằng cách này, mình mới có thể đi sâu hơn vào ý tưởng, suy nghĩ của đối phương. Nếu ai thường xuyên tham gia brainstorm sẽ biết, có rất nhiều ý tưởng ban đầu nghe tưởng chừng… ngu xuẩn, nhưng thực chất khi phân tích sâu hơn, chúng lại vô cùng sáng tạo và hữu ích!
Nếu không thể đồng cảm, hãy thông cảm
Có lần khi ngồi bình luận sách với tụi bạn, mình đã cảm thấy rất khó chịu khi một người bạn cho rằng: mình không có đủ sự sâu sắc để cảm nhận được cái hay của cuốn Muôn kiếp nhân sinh.
Mình nghĩ: Đánh giá chiều sâu của một người chỉ qua một cuốn sách thì có phải chủ quan quá không? Nhưng rồi nghĩ sâu hơn, mình thậm chí là đứa hay có những suy nghĩ chủ quan hơn cả bạn mình. Không biết bao lần, mình từng cố gắng thuyết phục người khác về quan điểm, lối sống mà mình cho là hay. Mình cũng không ngại ca thán những người xung quanh khi họ có hành động hay thói quen mà mình cho là xấu. Nhìn nhận lại thì điều này thật bao đồng và kém duyên làm sao :3
Chắc hẳn, chúng ta đều đã từng gặp những tình huống mà cách hành xử của đối phương làm ta thấy không thể lý giải, thậm chí là khó có thể chấp nhận được. Đơn cử như vấn đề nạo phá thai chẳng hạn.
Nhưng mà bạn ạ, hoàn cảnh mỗi người không giống nhau. Bộ não của họ không giống bạn. Cùng một vấn đề, đối với bạn đó là chuẩn mực, đối với người khác nó có thể chỉ là một điều tào lao.
Trải qua nhiều chuyện, mình tâm niệm thế này: chỉ cần hành xử của đối phương không vi phạm pháp luật, không ảnh hưởng đến giá trị đạo đức chung, thì nếu không thể nào đồng cảm, mình cũng sẽ cố gắng thông cảm thay vì lên án.
Viết tới đây thấy mình nói đạo lý nhiều quá. Chắc tại vẫn đang sống như nồi :D. Nhưng mình tin chắc rằng, cuộc đời này sẽ đẹp hơn ít nhiều nếu chúng ta biết cách mở rộng tâm trí và trái tim của mình.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất