Chào các bạn, lại là mình - điệp viên thường trú tại Trung Quốc đã trở lại rồi đây :)) Sau một thời gian dài không cập nhật những bài viết về đề tài China's inside, mình cũng đã cân bằng được cảm xúc để ngồi viết lại, trở lại đường đua của bản thân và come back ngoạn mục hơn. 2020 là một năm khá tough đối với mình, nhưng cũng trong chính những khoảng tăm tối của giai đoạn này, mình có cơ hội nhìn kỹ lại để đưa ra những kế hoạch và bước đi mới phù hợp.
Quay trở lại với "series điệp viên Trung Quốc", các đề tài về 2 ông lớn Tencent, Alibaba  được đón nhận khá nồng nhiệt, và cũng từ gợi ý của một người bạn, mình chắp bút viết về Xiaomi - cái tên vàng trong làng Start up của Trung Quốc. Vậy Xiaomi là ai? Tập đoàn này có gì hay ho để trở thành Apple trứ danh của Châu Á? Cùng theo chân siêu điệp viên xinh gái cute (không ai công nhận) để cùng tìm hiểu nhé! :p
Trước đây, chỉ cần nói đến các sản phẩm đến từ Trung Quốc, người dùng đã tỏ rõ thái độ ác cảm. Cái mác "Made in China" đã để lại một ấn tượng rất xấu rằng, nếu chúng không phải đồ nhái, thì chắc chắn cũng có chất lượng rất kém, dùng được "ba bữa, nửa tháng" là hỏng. Vậy nên, cho dù có rẻ đến mấy, người dùng cũng không bao giờ tỏ vẻ hứng thú với một sản phẩm như vậy. Thế nhưng, định kiến này đã bị thay đổi trong vài năm trở lại đây. Từng có thời điểm không ai nghĩ rằng mình lại có thể gật đầu trước việc chọn mua một chiếc điện thoại "tàu". Ấy thế mà vào thời điểm 2016, các sản phẩm của Xiaomi, Meizu, Lenovo... lại được sử dụng hết sức rộng rãi, thậm chí còn nhận được nhiều lời khen từ người dùng.
Thành lập vào giữa năm 2010 và mới chỉ du nhập vào Việt Nam trong khoảng bốn năm trở lại đây, từ một thương hiệu "vô danh tiểu tốt", giờ đây các sản phẩm Xiaomi từ những thứ nhỏ nhặt như sạc dự phòng, tai nghe, phát Wi-Fi cho đến smartphone, TV, laptop... đều được người dùng hết sức ưa chuộng. Vậy, Xiaomi đã có thứ "ma lực" gì mà thu hút đến vậy?
Có lẽ một vài bạn ở đây đã biết Xiaomi có nghĩa là "hạt gạo nhỏ", tuy nhiên cái tên này chưa dừng lại ở sự giản đơn đó. Trong tiếng Trung, 小 - Xiao và 米 - Mi (đọc là mỉ) còn có nghĩa đen là "cây kê nhỏ" (một thứ ngũ cốc giống như gạo). Từ cái tên đó, đội ngũ thành lập công ty cố gắng liên kết rồi chuyển vị từ Trung ngữ sang ký tự Latin để vẽ nên logo chữ "Mi" huyền thoại. Mặt khác, ký hiệu tiếng Trung của chữ Mi khá giống với một ký hiệu khác - 心 nghĩa là "trái tim". Bởi vậy, công ty đã quyết định tách cụm danh từ Xiaomi ra để vẽ nên logo chỉ mỗi chữ Mi. Kèm theo đó là đặt tên các dòng sản phẩm thường là Mi, Mi Note hoặc RedMi để thể hiện một ý tưởng tích cực - "một sản phẩm làm bằng trái tim".
Xiaomi được thành lập năm 2010 dưới dạng hợp tác giữa 8 đối tác trong đó có nhà phát triển "chip" điện thoại Qualcomm và Temasek Holdings, dưới sự sở hữu của chính phủ Trung Quốc. Kể từ khi phát hành điện thoại thông minh đầu tiên của mình vào tháng 8 năm 2011, Xiaomi đã giành được thị phần tại Trung Quốc đại lục và mở rộng sang phát triển một phạm vi rộng lớn hơn của thiết bị điện tử tiêu dùng, bao gồm cả một hệ sinh thái thiết bị nhà thông minh (IoT). Theo IDC, Xiaomi là nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ 3 thế giới; trong năm 2019, Xiaomi đã bán 70,8 triệu đơn vị và chiếm gần 5% thị trường điện thoại thông minh thế giới. 
Xiaomi đa tài không kém gì Samsung - con rồng Châu Á và Apple - gã khổng lồ xứ sở cờ hoa. Cụ thể, ngoài nổi danh với các smartphone cấu hình cao - giá hạt dẻ, Xiaomi nay còn lấn sân sang làm tai nghe "triệu like" hay sản phẩm giày thông minh, tay cầm chơi game,... Đặc biệt là những máy bay không người lái như chiếc Mi Drone ra mắt gần đây!
Xiaomi còn đang cho thấy mình là một công ty "đa di năng" khi tung ra sản phẩm ở mọi lĩnh vực, và rất nhiều trong số đó tuy nhỏ nhặt nhưng đem lại giá trị rất lớn cho cuộc sống như Repeater Wi-Fi, ổ cắm điện, bút thử chất lượng nước, camera giám sát, loa bluetooth... Chính sự đa dạng này đã giúp cho Xiaomi là một trong số ít những tập đoàn công nghệ sở hữu cho mình một hệ sinh thái sản phẩm đầy đủ nhất hiện nay.
Bản thân mình cũng đang dùng tivi của Xiaomi 65 inch, màn hình phẳng, mỏng, nét, cấu hình mượt, nhiều ứng dụng tích hợp, cập nhật film ảnh mới liên tục miễn phí. Đặc biệt Xiaomi tivi rất chịu khó update giao diện để thân thiện hơn với người dùng. Tiền ít mà vẫn được hít cần thơm là có thật nha :v
 
Sinh sau đẻ muộn, nên những nhà sáng lập của Xiaomi đã có tiêu chí vô cùng cụ thể để phát triển hãng:  NGON - BỔ - RẺ. Cũng như nhiều thương hiệu Trung Quốc khác, Xiaomi đánh mạnh vào tâm lý người tiêu dùng nhờ vào các sản phẩm có mức giá rẻ. Ví dụ rõ ràng nhất có thể thấy là ở lĩnh vực smartphone, khi mà với mức giá khoảng 3.5 triệu, người dùng đã có thể sở hữu chiếc Redmi Note 3 Pro với vỏ kim loại, cấu hình mạnh, màn hình 5.5 inch, cảm biến vân tay và pin lên đến 4100mAh. Hay Xiaomi Mi 5, sở hữu chip Snapdragon 820 như Galaxy Note 7 hay HTC 10 nhưng có mức giá chỉ... 6 triệu đồng. 
Tuy nhiên, rẻ không đồng nghĩa với chất lượng thấp. Các sản phẩm của Xiaomi đều được đầu tư rất bài bản từ thiết kế bên ngoài cho đến linh kiện bên trong. Từ những vật dụng có giá trị nhỏ, chỉ khoảng 250.000 đồng như cục sạc dự phòng, Xiaomi cũng trang bị cho nó vỏ nhôm nguyên khối và cell pin đến từ các nhà sản xuất tên tuổi như Panasonic, Sanyo, LG... Hay ngay cả chiếc laptop Mi Notebook Air cũng được Xiaomi sử dụng các linh kiện cao cấp từ Samsung, Intel, AKG... mà ít laptop nào trong cùng tầm giá có được.
Nhờ những yếu tố trên, Xiaomi đã thu về cho mình rất nhiều thành công mặc dù có tuổi đời còn hết sức non trẻ. Tên tuổi của hãng đã vượt xa biên giới Trung Quốc và có tầm ảnh hưởng đến toàn thế giới. Trên các mặt báo lớn, những tin tức, đánh giá về Xiaomi cũng hiên ngang cạnh những cái tên tầm cỡ trên thế giới khác như Apple, Google, Microsoft... đủ để thấy sự bành trường của hãng trong thời gian qua là lớn đến mức nào. 
Trên thực tế, công ty này có một thứ gọi là "chất dẫn dụ đặc biệt" để lôi kéo những người tài và có nhiều kinh nghiệm về đầu quân cho mình. Vào cuối năm 2013, Xiaomi đã "lấy lòng" được Phó chủ tịch Google và cũng là người đứng đầu dự án Android lúc đó - ông Hugo Barra. Một cái tên khác cũng nổi đình nổi đám là Steve Wozniak - một trong ba người đã sáng lập Apple cũng được mời về giúp Xiaomi vươn tầm quốc tế. Đặc biệt, ban lãnh đạo Xiaomi sở hữu Lei Jun - Lôi Quân, nhà sáng lập kiêm CEO của Xiaomi cũng là một cái tên có máu mặt trong làng công nghệ thế giới - cựu CEO của Kingsoft. 
Hiện nay, 70% doanh thu của Xiaomi đến từ smartphone, 20% từ đồ gia dụng và 10% từ dịch vụ Internet. Xiaomi đang chuẩn bị IPO (phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu) vào mùa hè năm nay. Theo các chuyên gia đây có thể là đợt IPO lớn nhất thế giới trong 4 năm gần đây kể từ sau thương vụ của Alibaba. 
Vậy tại sao sản phẩm Xiaomi tốt nhưng lại có giá rẻ đến vậy?
Thứ nhất, công cụ marketing hiệu quả của Xiaomi là các diễn đàn. Xiaomi  là một số ít những tập đoàn công nghệ tập trung hoàn toàn vào mô hình kinh doanh qua mạng (e-commerce). Trong khi các hãng như Apple hay Samsung đều có chuỗi cửa hàng bán lẻ có quy mô lớn và trải dài trên khắp toàn thế giới, thì đối với Xiaomi, hãng này dựa trên sức mạnh của Internet để làm tất cả những điều trên.
Trong năm 2013, Samsung từng gây sốc khi công bố ngân sách mà hãng dành ra cho marketing lên đến 14 tỷ USD, lớn nhất từ trước đến nay và thậm chí là còn lớn hơn GDP của một đất nước như Iceland. Những chiến dịch quảng cáo với sự tham gia của các ngôi sao nổi tiếng trên thế giới, kèm theo việc là nhà tài trợ những sự kiện lớn như Olympics, đã khiến Samsung tiêu tốn một khoản chi phí lớn. Và để bù đắp lại cho phần chi phí đó, giá bán mỗi sản phẩm của hãng trên thị trường đều bị đội lên.
Trong khi đó, Xiaomi thì hoàn toàn ngược lại. Không chiến dịch quảng cáo, không cần người nổi tiếng, mà hãng chỉ dựa vào sức mạnh của Internet, của mạng xã hội, của các diễn đàn, hội nhóm để từ đó chuyển đi thông điệp. Điều này giúp tiết kiệm rất nhiều chi phí, từ đó cho phép hãng giảm giá bán sản phẩm.
Xiaomi cũng không có chuỗi cửa hàng hoành tráng như Apple. Tư vấn mua máy? Không cần nhân viên, đã có website. Có thắc mắc cần hỏi đáp? Đã có diễn đàn với hàng trăm ngàn thành viên lo. Trải nghiệm sản phẩm? Cứ mua đi, nếu không hài lòng thì gửi trả lại sản phẩm. Nhờ việc không phải lo vấn đề mặt bằng hay trả lương cho nhân viên, Xiaomi tiếp tục tiết kiệm thêm một khoản chi phí rất lớn nữa. Ngoài ra, việc tự mình bàn giao sản phẩm đến tay người tiêu dùng cũng giúp hãng bỏ qua các nhà phân phối và bán lẻ - hai mắt xích khiến nguồn thu lợi nhuận bị rò rỉ.
Thứ hai, một trong những chiêu của Xiaomi là "flash sale". Cụ thể, với mỗi sản phẩm mới, Xiaomi sẽ chỉ bán một số lượng hàng rất ít ỏi trong một khoảng thời gian nhất định trên website của mình. Người dùng sẽ phải nhanh tay, nhanh chân mới có cơ hội sở hữu nó.
Hình thức này của Xiaomi được coi là "một mũi tên, trúng hai đích": Xiaomi sẽ không bao giờ phải lo đến chuyện phải bỏ ra thật nhiều tiền để xây dựng kho chứa hàng, vì... làm gì có hàng đâu để mà bán! Sản xuất tới đâu, bán hết tới đó mà. Cùng lúc đó, nó cũng giúp cho Xiaomi đẩy mạnh tiếng vang của mình thông qua các bài báo dạng "Sản phẩm Xiaomi X cháy hàng chỉ trong Y giây", khiến cho nhiều người khác lại tỏ ra tò mò: "Xiaomi là hãng gì mà sản phẩm hot quá vậy?" Hiệu ứng dây chuyền cũng cứ thế mà được tạo ra.
Thứ ba, bí quyết cuối cùng trong mức giá rẻ Xiaomi được chính vị phó chủ tịch Lôi Quân chia sẻ, đó là kéo dài vòng đời sản phẩm. Để giải thích cho vấn đề này, hãy cùng nêu lên một ví dụ cụ thể là chiếc Redmi Note 2. Ra mắt hồi 8/2015, sản phẩm này đã tạo nên được tiếng vang lớn khi sở hữu cấu hình mạnh với chip Helio X10, màn hình 5.5 inch Full HD, camera 13MP mà giá chỉ khoảng 3 triệu đồng. Người dùng đã ngay lập tức đổ xô đi mua Redmi Note 2, biến đây thành một trong những chiếc điện thoại bán chạy nhất tại thị trường xách tay.
Tuy nhiên chỉ 4 tháng sau, Xiaomi tiếp tục ra mắt Redmi Note 3 với mức giá tương đồng. Sở hữu những nâng cấp về vỏ kim loại, cảm biến vân tay và thời lượng pin, nó khiến cho mọi người dùng Redmi Note 2 lại cảm thấy thèm thuồng và quyết định nâng cấp. Nhưng trong số đó, không phải ai cũng biết rằng: họ thực chất đang mua một chiếc điện thoại đến hai lần. Đằng sau những nâng cấp kia của Redmi Note 3, thì những thành phần cốt lõi khác như con chip, camera và màn hình vẫn là y hệt so với Redmi Note 2: Helio X10, màn hình 5.5 inch Full HD và camera 13MP.
Như vậy, ban đầu Xiaomi sẽ nhập một số lượng linh kiện rất lớn từ một nhà sản xuất nhằm mục đích giảm giá thành. Từ số linh kiện trên, hãng sẽ có thể tạo ra không chỉ một, mà là nhiều dòng điện thoại khác nhau với rất ít sự thay đổi, và liên tục ra mắt chúng trong một khoảng thời gian không dài. Điều này sẽ giúp Xiaomi rút gọn đến mức tối đa chi phí cho linh kiện, trong khi vẫn thỏa mãn nhu cầu của người dùng với một sản phẩm giá rẻ. Đỉnh cao tiết kiệm thông minh cho một cái tên mới mẻ trong làng công nghệ! (Y)
Thứ tư, chính sách bán hàng của Xiaomi là một điểm sáng. Trước khi ra mắt sản phẩm Xiaomi tuyển những người đam mê công nghệ dùng thử, những khách hàng này giúp sức không nhỏ cho việc hoàn thiện sản phẩm ngoài ra họ chắc chắn sẽ trở thành fan của Xiaomi. Về phần mềm, trước khi ra mắt bản ổn định, người dùng sẽ có quyền sử dụng phiên bản dành cho nhà phát triển để kiểm tra các tính năng mới nhanh hơn, đồng thời báo lỗi về cho công ty.
Trong lễ ra mắt, những nhà sản xuất khác thường mời những vị khách VIP đến lễ ra mắt – Xiaomi mời khách hàng bình thường và dành cho họ nửa số ghế. Cánh nhà báo thì lót dép ngồi sau :)) Điều đó cho thấy Xiaomi cưng fan của họ như thế nào, và sau này fan của họ sẽ luôn luôn ủng hộ họ.
Nếu bạn mua nhiều sản phẩm của Xiaomi bạn sẽ được tặng mã 'F' (kiểu mã khuyến mãi). Có mã này chúng ta sẽ được ưu tiên mua trước và hưởng nhiều ưu đãi khác từ công ty. Thế này bảo sao có cả Mi fanclub :p
Hệ điều hành MIUI
Nói đến Xiaomi mà không nhắc đến MIUI - MI User Interface, dịch ra là giao diện người dùng của Xiaomi thì quả là một thiếu sót vô cùng lớn. MIUI là bản stock và hệ điều hành tùy chỉnh cho điện thoại thông minh và máy tính bảng dựa trên hệ điều hành Android của Google, tuy nhiên MIUI bao gồm nhiều tính năng và theme hơn Android thuần túy. 
Khác với tất cả các thiết bị chạy Android gốc có các ứng dụng Google được cài đặt sẵn, không thể gỡ cài đặt được gọi là bloatware. Hầu hết các thiết bị này bị thiếu các ứng dụng cơ bản như trình quản lý tệp và các ứng dụng thư viện và nhạc phù hợp.  Với MIUI, thiết bị của bạn có một bộ sưu tập tích hợp, trình phát nhạc, ghi chú, ghi màn hình, ứng dụng la bàn và các ứng dụng khác như Mi Store, ứng dụng Mi, Mi Community, Mi Drop và Mi Security,... Những ứng dụng này có sẵn ngoài các ứng dụng của Google giúp bạn quản lí điện thoại tốt hơn.
Không gian thứ 2 trên hệ điều hành MIUI
Đặc biệt, với tính năng bổ sung - Không gian thứ hai (Second space), bạn có thể tạo một không gian mới tách biệt hoàn toàn không gian bạn đang sử dụng trên điện thoại. Hiểu một cách đơn giản là trên cùng một chiếc smartphone, bạn có thể dùng một không gian để giải trí, xem phim, nghe nhạc… Và một không gian còn lại để học tập, làm việc, tùy vào mục đích của bạn. Ngoài ra, điểm khác biệt duy nhất của không gian thứ hai trên Xiaomi so với tính năng đa người dùng của Android gốc là chỉ giới hạn 2 không gian, còn lại đều được chia sẻ chung bộ nhớ trong và tài nguyên RAM.
Con người là yếu tố cốt lõi sau mỗi thành công của những sản phẩm lớn. Trong nội dung bài viết này, mình muốn nói về Lôi Quân - CEO của Xiaomi, người được mệnh danh ''Steve Jobs Trung Quốc''. 
Lôi Quân trong một buổi ra mắt sản phẩm của Xiaomi
Lei Jun sinh năm 1969 tại Hồ Bắc. Ông theo học chuyên ngành Khoa học máy tính tại Đại học Vũ Hán. Bước chân vào giảng đường đại học, Lei Jun tình cờ đọc được cuốn sách về Steve Jobs và ngành công nghiệp máy tính. Chính cuốn sách này đã truyền cảm hứng cho ông theo đuổi ước mơ mở một công ty tầm cỡ thế giới như Apple.
Để hiện thực hóa giấc mơ, Lei Jun đặt ra mục tiêu rõ ràng là hoàn thành tất cả các khóa học về khoa học máy tính, tài chính, đầu tư trước năm 27 tuổi. Ông chỉ mất 2 năm để hoàn tất chương trình đại học với vị trí thứ 6 trong 100 sinh viên toàn khóa. Năm 1992, sau khi ra trường sớm hơn dự kiến, Lei Jun đầu quân cho Kingsoft, một công ty khởi nghiệp công nghệ Trung Quốc. Sau 5 năm làm việc hiệu quả và có công lớn đẩy mạnh doanh thu công ty, Lei Jun được bổ nhiệm vị trí CEO của Kingsoft.
Trong thời gian điều hành Kingsoft, Lei Jun startup dự án Joyo.com, nền tảng bán sách trực tuyến. Chỉ sau 4 năm, startup này được Amazon mua lại với giá 75 triệu USD. Lei Jun cũng chứng tỏ bản thân là nhà đầu tư mát tay khi thực hiện hàng loạt thương vụ thành công vào các startup như: YY, UC và Vancl. Đồng thời Lei cũng rót vốn vào hơn 70 dự án khởi nghiệp khác, thu về hàng chục triệu USD.
Năm 2007, ông bất ngờ thông báo rời Kingsoft sau 16 năm gắn bó. Thời điểm ấy Lei Jun đã là một triệu phú và có thể sống cuộc đời an nhàn. Thế nhưng, Lei Jun là người ghét cuộc sống nhàm chán, ông tiếp tục thực hiện các thương vụ đầu tư và lên ý tưởng cho dự án khởi nghiệp mang tầm quốc tế.
Để bắt đầu dự án khởi nghiệp sản phẩm điện thoại thông minh, Lei Jun dành nhiều thời gian chiêu mộ nhân tài. Trong số đó, người đầu tiên gắn bó với Lei là Lin Bin, từng phụ trách hoạt động của Google, Microsoft tại Trung Quốc. Lei Jun và Lin Bin có nhiều tháng lên kế hoạch về hoạt động kinh doanh của Xiaomi trước khi công ty chính thức thành lập. "Bước qua tuổi 40, tôi bắt đầu ước mơ của mình và đã tính toán 90% mô hình kinh doanh trước khi thực hiện nó", Lei Jun chia sẻ. Trong khi Pony Ma, Jack Ma là những đối thủ cùng thời đã đạt được những thành tựu huy hoàng, thì hướng kinh doanh của ông khác hẳn so với các đối thủ cùng ngành.
 Trong khi các nơi khác chỉ chăm chăm “tẩy não” khách hàng, Lôi Quân lại nhiệt tình phổ biến kiến thức khoa học công nghệ về phần cứng, các linh kiện cho người dùng. Ban đầu, các đối thủ coi thường Xiaomi đến mức không thèm để mắt đến, để rồi sau đó chính họ lần lượt phải học theo. Tôn chỉ “nâng cấp tiêu dùng không phải là bán sản phẩm ngày càng đắt hơn mà là mua được sản phẩm tốt hơn với cùng mức giá” là điều mà Lôi Quân luôn tâm niệm. Điều này đã giúp ông thực hiện thành công ước mơ “thay đổi cái nhìn của người Trung Quốc về sản phẩm nội địa”.
Năm 2010, Lei Jun chính thức thành lập Xiaomi cùng 7 kỹ sư là các chuyên gia từng làm việc tại nhiều công ty công nghệ hàng đầu gồm Google, Motorola, Kingsoft. Đồng thời Xiaomi cũng kêu gọi vốn thành công từ quỹ đầu tư Yunfeng Capital Management với số tiền lên đến 1 tỷ USD.
Năm 2016 là giai đoạn khó khăn của Xiaomi khi hãng mất vị trí số một tại thị trường smartphone nội địa vào tay Oppo. Tuy nhiên, Lei Jun đã nhanh chóng vực lại vị thế của Xiaomi khi ra mắt 2 dòng sản phẩm mới. Cùng năm này, Lei Jun đã đưa ra tuyên bố sẽ "bán lại nồi cơm điện cho người Nhật Bản" sau khi cảm thấy phẫn nộ khi nhìn thấy cảnh người Trung Quốc tranh nhau mua nồi cơm điện của Nhật Bản. 
Nhiều người đã coi đây là một tuyên bố mạnh miệng, khoe khoang và không đáng tin. Bởi ở thời điểm này, người dân Trung Quốc phần nhiều vẫn mang trong tư tưởng sùng bái hàng nội địa Nhật Bản. Các sản phẩm gia dụng từ Nhật Bản, dù đã qua sử dụng, vẫn luôn được người dân nước này chào đón. Thậm chí có cả cảnh đổ xô, giành giật tranh cướp nhau khi mua đồ giảm giá tại một số sự kiện thương mại. Trên mạng xã hội, nhiều người dùng còn nói đùa rằng "người Trung Quốc sẽ đến Nhật Bản chỉ để mang nồi cơm điện và nắp bồn cầu về".
Tuy nhiên ba năm sau, lời tuyên bố này đã trở thành thực hiện. Theo thông tin được công bố, nồi cơm điện Mijia IH của Xiaomi sẽ có giá 9.999 yên (khoảng 2,1 triệu đồng), cao hơn một chút so với giá bán ở Trung Quốc. 
Lôi Quân là người không bao giờ nói chơi, và phong cách làm việc của ông cũng vô cùng đặc biệt. Tại Xiaomi, Lôi Quân sẽ là vị khách hàng đầu tiên trải nghiệm các sản phẩm mà hãng làm ra. Không giống như một số lãnh đạo công ty smartphone khác chỉ lựa chọn các mẫu flagship cao cấp hàng đầu, Lôi Quân lựa chọn cách kiểm tra cẩn thận và không từ bỏ sản phẩm nào.
Trước khi điện thoại di động được phát hành ra công chúng, ông luôn đảm bảo mình là người đầu tiên được cầm trên tay. Đó là lý do mới đây trên Weibo, vị chủ tịch này đã hé lộ số tài sản kỹ thuật số của mình trong năm qua, và đó là 15 mẫu điện thoại của hãng.
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, năm 2020, Theo Forbes, Lei Jun hiện sở hữu khối tài sản 12,5 tỷ USD và nắm giữ 77,8% cổ phần Xiaomi. Nếu Xiaomi IPO thành công, Lei Jun có thể sẽ vượt qua Mã Hóa Đằng, người sáng lập ra Tencent. Đến lúc này, người ta mới giật mình cảm phục sức bền và bản lĩnh của ông trùm công nghệ tài ba. "Hạt gạo nhỏ" từng bước khẳng định tên tuổi của mình, rẻ nhưng không bèo, cũng như CEO của hãng - tôi không bao giờ nói cho vui miệng! 
Bên cạnh những thành công vang dội, Xiaomi cũng dính nhiều lùm xùm liên quan đến "gián điệp". Xiaomi đã bị tố cáo bởi nhiều công ty về việc xâm phạm nội dung. Ericsson từng kiện Xiaomi và đã chiến thắng và buộc Xiaomi phải dừng hoạt động kinh doanh tại Ấn Độ. Ericsson theo đó đã kiện Xiaomi đã xâm phạm bản quyền về một công nghệ mạng không dây, mà 2 công ty đã có thời gian tranh cãi về vấn đề bản quyền từ trước. Trang web Video Youku Tudou cũng từng kiện Xiaomi hồi tháng 10/2013 vì đã cho phát những video không bản quyền từ trang này.
Phó chủ tịch phụ trách thiết kế của Apple Jony Ive cũng từng bình luận rằng Xiaomi chỉ giỏi sao chép thiết kế của Apple.
Bỏ qua những lùm xùm về đạo nhái - tình trạng chung ở tất cả các hãng công nghệ Trung Quốc, tại buổi họp báo kỷ niệm 10 năm của Xiaomi vào ngày 11/8 vừa qua, sự ra mắt bất ngờ của chiếc TV trong suốt đã khiến tất cả mọi người vô cùng ngạc nhiên. Việc sản xuất hàng loạt TV trong suốt của Xiaomi dường như là một nhiệm vụ bất khả thi, nhưng dựa trên nhiều năm tích lũy trong công nghệ TV, công ty Trung Quốc này cuối cùng đã trình làng một sản phẩm kỳ diệu ra thế giới. Đây cũng là dấu ấn chính thức ghi nhận Xiaomi đã trở thành "tập đoàn đầu tiên trên thế giới" có thể sản xuất TV OLED trong suốt.
Chiếc TV OLED mới nhất của hãng
Tóm lại, chỉ sau 7 năm, Lei Jun (Lôi Quân) đưa Xiaomi trở thành một trong bốn hãng điện thoại di động lớn nhất thế giới, cạnh tranh với Apple và Samsung. Thành công của Xiaomi - phượng hoàng Trung Hoa dựa trên nhiều yếu tố: nhà cung cấp phụ kiện là những đối tác quan trọng nhất, chuỗi cung ứng đúng lúc, đúng số lượng, và cuối cùng nhưng cũng là nền móng quan trọng nhất: Mi-fans. Bên cạnh đó, chiến lược marketing của Xiaomi - "bán sản phẩm cao cấp với giá bình dân" đã cách mạng hóa ngành công nghiệp smartphone.
Lợi nhuận từ phần cứng rất ít nhưng họ có chiến lược rõ ràng để khai thác doanh số từ các ứng dụng gia tăng. Các kỹ sư của Xiaomi được khuyến khích thường xuyên nói chuyện với người tiêu dùng về sự hữu ích của các ứng dụng. Trên mạng xã hội của Xiaomi, liên tục xuất hiện các ứng dụng mới. Rõ ràng khách hàng đã mua điện thoại với giá rẻ nhưng liên tục trả thêm tiền cho các ứng dụng và dịch vụ gia tăng.
Trong thời buổi kinh tế bị ảnh hưởng của Covid, người người nhà nhà live tream, đến cả Jack Ma cũng thường xuyên live stream, Lôi Quân vừa thực hiện buổi live stream đầu tiên hôm qua 18/8/2020 vô cùng thành công trên nền tảng Tiktok. Buổi livestream kéo dài 2 tiếng đồng hồ, thu hút tới 50 triệu người xem cùng lúc và giúp Xiaomi thu về 210 triệu nhân dân tệ (khoảng 30 triệu USD). Xiaomi luôn không ngừng nỗ lực và đổi mới chính mình, đây cũng là nguồn cảm hứng cho nhiều doanh nghiệp Trung Quốc thời điểm hiện tại khi một năm kinh tế buồn gõ cửa khắp mọi nơi. 
Đến Jack Ma còn live stream bán son nhé. Các anh mạnh dạn lên :p
Kết, mặc dù hiện nay tốc độ phát triển của Xiaomi đã chững lại với rất nhiều khó khăn và sự cạnh tranh cả trong và ngoài nước. Nhưng những gì Xiaomi đã làm xứng đáng được ghi vào một trang của lịch sử kinh doanh hiện đại, khi mà một công ty nhỏ bé từ Trung Quốc chỉ trong vài năm đã phát triển mạnh mẽ trở thành một thế lực đáng gờm của ngành công nghiệp điện thoại trên thế giới. 
Hy vọng rằng, năm Covid đầu tiên sẽ sớm qua, và bài viết về Xiaomi này sẽ truyền cảm hứng cho nhiều startup đã và đang khởi động. Rằng cứ cố gắng, nỗ lực và đổi mới liên tục, rồi bạn sẽ thành công. Chứ như một cái start up con con của mình đã toang rồi :v Viết bài này cũng để tưởng niệm cho sự chết yểu của em nó. Có sao đâu, ngã ở đâu thì đứng lên ở đó, và còn trẻ thì cứ thử, cứ đo độ lì đòn với đời đi. Phải để đời nó chán mình, rồi nhân lúc nó không để ý mà vả lại cho bõ tức :v Cuối cùng, chúc cả thế giới mạnh khỏe, chứ Trái Đất ốm hơi lâu rồi, nhanh khỏe mạnh để cùng tạo ra những kỳ tích nhé!
From Cherish with lots of love!
P/S: Bài viết có tham khảo nhiều nguồn