Chào các bạn, đến hẹn lại lên, phóng viên thường trú tại Thâm Quyến Trung Quốc đã trở lại rồi đây. Thời gian qua, Spiderum có nhiều drama xoay quanh chất lượng các bài viết, thế hệ top - writers mới, thị hiếu của người đọc, vân vân và mây mây... Mình từ trước đến nay không thích tham gia những cuộc tranh luận không hồi kết, đơn giản mình thuộc tuýp người " cứ làm tốt việc của mình đã ". Mình vẫn viết và đưa tin theo góc nhìn của một điệp viên thường trú, mục sở thị và lia lăng kính chân thực nhất để cung cấp những bài viết có giá trị về thông tin đến độc giả - những người theo dõi và ủng hộ mình từ những ngày đầu viết trên Spiderum. Spiderum đem đến cho mình nhiều điều thú vị, những người bạn mới, những cơ hội việc làm, cả những sự giúp đỡ hào phóng mà mình không tài nào kể xiết. Thật tuyệt vời khi qua một nền tảng của những kẻ yêu văn hóa đọc - viết, bạn có thêm khối kiến thức đa dạng từ rất nhiều lĩnh vực khác nhau. Chỉ cần thế thôi, mình đã có lý do để viết tiếp, viết cho đến khi về già, lượm lặt lại được 1 vài cuốn sách khoe với con cháu, rằng thì là "bà ngày xưa cũng top writer 1 thời đấy cháu à" :D
Trụ sở Tencent tại Thâm Quyến
Thôi, miên man mở màn mãi, lý do mà mình viết bài này là do slogan quảng cáo mới "Buy everything at Shopee", từ KOL CR7 huyền thoại gần đây. Hẳn các bạn còn nhớ chiến dịch quảng cáo của Shopee với " Bảo Anh ơi... ", rồi " cùng Shopee pii piii piii, nào ta mua mua mua...". Quảng cáo của Shopee mang tính viral rất cao, toàn là những từ ngữ hết sức bình thường, nhưng mật độ phủ sóng khiến nhận diện thương hiệu của nó trở lên vô cùng phổ biến. Shopee mời hẳn anh Ro 7 về làm đại diện chiến dịch mới, đủ biết độ chịu chơi nhà giàu như thế nào. Và dĩ nhiên, vượt xa cả Lazada - một công ty con của Alibaba, vốn được rót vốn 2 tỷ USD và thay cả CEO với mong muốn làm trùm thương mại điện tử. 
Đẹp trai thì mới có nhiều đứa mua :v
Vậy tại sao Shopee lại được chi mạnh tay, chỉ nguyên dàn Shopee chi nhánh Hà Nội thuê cả mặt bằng 2 tòa tháp Lotte với mức thuê cả tỷ đồng một tháng? Đơn giản vì, đứng sau sàn thương mại điện tử Shopee là tập đoàn Tencent - đối thủ của Alibaba từ nhiều năm nay. 
Cùng đi phân tích sâu xa về mối quan hệ của hai ông lớn, tranh nhau ngôi vương người giàu nhất Trung Quốc này nhé. Nếu như bạn biết đến Alibaba Group với 4 con gà đẻ trứng vàng: Alibaba, Alipay, 1688, Taobao, thì bạn mới biết một nửa về thị trường thương mại điện tử Trung Quốc. Bởi ở cán cân bên kia là Tencent Holdings với Wechat, QQ,  Riot Games‎, ‎Epic Games‎, ‎Superc.... We Chat - với 1/7 dân số thế giới sử dụng, không phải là yếu tố duy nhất khiến các nhà đầu tư hứng thú với Tencent. “Gã khổng lồ” công nghệ Trung Quốc đã mở rộng hoạt động sâu hơn vào các lĩnh vực khác bao gồm trò chơi trên điện thoại thông minh, thanh toán di động và nhạc trực tuyến.  Ngoài ra, Tencent cũng đang đầu tư mạnh vào các công ty công nghệ khác trên thế giới. Được biết, Tencent đang nắm giữ 5% cổ phần của Tesla và 12% cổ phần của Snap, công ty mẹ của ứng dụng SnapChat. 
Qùy lạy, làm quả đồ họa như End Game :D
Truyền thông đại chúng thế giới quen mặt với các tờ báo viết về Alibaba, về câu chuyện start-up của Jack Ma, vì nó mang tính cổ tích, và cực kỳ hợp để trình bày trong các talk show khởi nghiệp.  Từ góc độ cá nhân, mình rất tâm đắc với một câu nói của Mã Vân:" nếu khóc lóc có thể giải quyết được vấn đề, thì ngày nào tôi cũng khóc" :v Đúng vậy, và chỉ vậy thôi. Khi bạn 25 tuổi, bạn không còn hào hứng với những câu chuyện khởi nghiệp được truyền thông thổi phồng nữa. Bạn thích giá trị của sự im lặng để thành công hơn. Chính vì vậy, mình tìm hiểu về Mã Hóa Đằng - Pony Ma, một CEO quyền lực, người giàu nhất Trung Quốc và châu Á năm nay, kín tiếng về đời tư và chỉ dành thời gian để tạo ra thành quả.
Ma Huteng (Mã Hóa Đằng) hay thường được biết đến với tên gọi Pony Ma sinh năm 1971, là đồng sáng lập và Giám đốc điều hành của Tencent. Ông lớn lên tại miền Nam Trung Quốc, cha ông là giám đốc một cảng biển quốc doanh lớn. 
Ông Mã Tencent và ông Mã Alibaba hoàn toàn không có quan hệ họ hàng huyết thống gì với nhau nha các bạn. Một ông ở Hàng Châu, còn một ông ở Thâm Quyến. Trong khi Jack là cái tên siêu phổ biến, được Mã Vân chọn làm tên tiếng Anh, thì Mã Hóa Đằng lại chọn cái tên Pony - trong tiếng Anh có nghĩa là ngựa con. Cả tên Pony, Tencent và họ Ma của ông đều liên quan đến ngựa. Trong tiếng Trung Quốc, "Ma" nghĩa là ngựa còn Tencent phiên âm là "teng xin", nghĩa là "một kỷ nguyên nhắn tin với tốc độ như 10.000 con ngựa đang chạy".
Đẹp trai ạ :)
 Ma Huateng từng theo học tại Đại học Thâm Quyến ngành khoa học máy tính. Ngay từ khi còn trẻ, ông đã chơi chứng khoán và thu được những khoản lợi nhuận đáng kể. Sau khi tốt nghiệp năm 1993, với thành tích xuất sắc, Ma Huateng nhanh chóng tìm được công việc lập trình viên phần mềm. Ông bắt đầu sự nghiệp với công việc lập trình viên cho CMMobile -một công ty cung cấp dịch vụ máy nhắn tin điện thoại với mức lương không nhỏ tại thời điểm bấy giờ.
5 năm sau khi tốt nghiệp, ông cùng 4 người bạn thời đại học đồng sáng lập Tencent. Ban đầu, họ lập ra phần mềm chat có tên QQ, cùng ra đời với Google năm 1998. Phần mềm này nhanh chóng trở thành nền tảng chat lớn nhất Trung Quốc. Tuy nhiên, những ngày đầu, QQ không mấy vẻ vang với scandal "vua copy". Cũng giống như nhiều startup công nghệ Trung Quốc, thành công của tỷ phú Ma Huateng bắt nguồn từ các ý tưởng sao chép từ nước ngoài. Ông từng tuyên bố:"sao chép có thể hiểu là học tập, là một kiểu tiếp thu, một kiểu lấy dài bù ngắn". Ông sử dụng kiến thức và kinh nghiệm để xây dựng phần mềm nhắn tin tức thời OICQ, sau này đổi tên thành QQ. Sản phẩm này giống với ICQ, ứng dụng được phát triển bởi công ty Mirabilis của Israel vào năm 1996. QQ là ứng dụng trò chuyện của Trung Quốc trước khi WeChat được giới thiệu vào năm 2011. Sau đó, Tencent bắt đầu kiếm được tiền nhờ quảng cáo và thu phí hàng tháng với người dùng cao cấp. Đến năm 2001, họ đã huy động được hơn 32 triệu USD vốn đầu tư, và niêm yết tại Hong Kong năm 2004. 10 năm sau, họ ra mắt ứng dụng nhắn tin trên di động - WeChat, và hoàn toàn độc lập với QQ. 
QQ = CUTE CUTE
WeChat thường xuyên được so với Facebook, vì độ phổ biến ở Trung Quốc. Facebook và ứng dụng chat WhatsApp của hãng này hiện vẫn bị cấm ở đây. Tuy nhiên, mô hình “siêu ứng dụng” của WeChat còn có nhiều tính năng hơn Facebook. Nó cho phép gần 1.7 tỷ người dùng hàng tháng nhắn tin, gọi điện, chơi game, gửi tiền, mua hàng, thanh toán hóa đơn nhà hàng, gọi xe và thậm chí hẹn hò online. Tháng 4/2017, WeChat và ứng dụng chị em là Weixin có 938 triệu người dùng tích cực hàng tháng. Về cơ bản, hai ứng dụng này là một. Weixin dành cho các số điện thoại Trung Quốc còn WeChat có thể đăng ký bằng số điện thoại nước ngoài. Tencent hiện còn lấn sân sang mảng ngân hàng và game. Công ty này đang sở hữu WeBank. Đây là ngân hàng tư nhân đầu tiên và duy nhất tại Trung Quốc chỉ thực hiện các giao dịch kỹ thuật số. 
Tencent cũng là nhà phát triển game hàng đầu Trung Quốc và thế giới. Tựa game thành công nhất của hãng là "Honour of Kings". Game này phổ biến đến mức được chính phủ Trung Quốc gọi là "thuốc độc". Tencent buộc phải giới hạn giờ chơi với game thủ. Người chơi dưới 12 tuổi chỉ được chơi một giờ, người chơi từ 12 đến 18 tuổi chỉ được chơi 2 giờ mỗi ngày. 
Bên cạnh đó, Tencent cũng là cổ đông lớn của các trang thương mại điện tử của Châu Á như Shopee, Tiki... Đừng băn khoăn tại sao dạo này Tiki và Shopee quảng cáo rầm rộ, hơn hẳn Lazada vốn nổi tiếng từ năm ngoái khi được Alibaba đỡ đầu. Phân tích một cách đơn giản, về giao dịch thương mại,  Alibaba "làm trùm" nhờ Taobao và 1688 với các chiến dịch siêu khuyến mãi liên tục, và chủ yếu phục vụ xứ sở tỷ dân. Riêng hai con gà đẻ trứng vàng này đã quá đủ để Alibaba hô mưa gọi gió, chưa kể Alibaba là nền tảng bất bại trên thị trường Wholesale quốc tế. Lazada chỉ là một công ty nhỏ, họ chưa cần thiết phải chi mạnh tay. 
Ngược lại, ngoài Wechat thành công vang dội, Tencent chuyên về mảng game, và họ đang có tham vọng mở rộng thị trường ra toàn châu Á, bắt đầu từ Shopee và Tiki. Đặc biệt, Tencent cực kỳ thông minh khi hỗ trợ đầu tư thành lập Garena vào năm 2009 - được đổi tên thành SEA Ltd từ ngày 8/5/2017. Mặc dù được "khai sinh" bởi ông chủ gốc Trung Quốc, đặt trụ sở tại Singapore nhưng trên giấy tờ, SEA Ltd và kể cả Garena trước đây lại được đăng ký pháp nhân tại quần đảo Cayman Islands - một “thiên đường thuế”. Yếu tố trụ sở Singapore khiến Shopee dễ dàng xâm nhập vào thị trường châu Á, đặc biệt là Việt Nam hơn. Bởi có một sự thật bất thành văn là ai cũng e dè chủ đầu tư Trung Quốc. Công ty mẹ Tencent thiên biến vạn hóa, bình mới rượu cũ và đang làm rất tốt công cuộc khai hoang thị trường giao dịch điện tử thương mại này.
Hai tỷ phú trong cùng một khung hình
Hoạt động kinh doanh của Sea bao gồm 3 mảng chính là Garena Digital Entertainment (được biết đến với game Liên Minh Huyền Thoại); Shopee ; Airpay (ứng dụng Ví điện tử di động cho phép người dùng mua thẻ game, thẻ điện thoại, thanh toán hóa đơn)… Giống như Tencent, công ty cung cấp những tựa game miễn phí sau đó kiếm tiền thông qua việc bán những đồ vật trong game (như vũ khí) cho người chơi. Với mảng kinh doanh thương mại điện tử, Sea kiếm tiền chủ yếu từ hoa hồng và quảng cáo.
Sơ đồ các trang thương mại điện tử tại VN - NGUỒN : Google
Ở Việt Nam, cả 3 lĩnh vực hoạt động đã được công ty triển khai. Garena được thành lập ngày 8/5/2009 và ngay sau đó 1 tháng, công ty con của Garena là Công ty Cổ phần Phát triển Thể thao Điện tử Việt Nam (Esport., JSC) được thành lập ngày 9/6/2009. Esport hoạt động trong lĩnh vực thể thao điện tử, thương mại điện tử và giải trí trực tuyến. Một số sản phẩm tiêu biểu của Vietnam Esports: Garena Plus (G+), GCafe, Vietnam Esports TV, Liên Minh Huyền Thoại, FIFA Online 3...
Một tựa game đã quá đỗi quen thuộc
Sau đó hai năm, Garena tiếp tục thành lập Công ty Cổ phần Giải trí và Thể thao Điện tử Việt Nam vào ngày 5/10/2011, tiền thân là Công ty Cổ phần Tin học Hòa Bình (Hòa Bình). Đến tháng 2/2015, công ty con Shopee Company Limited ra đời. Shopee chính thức ra mắt thị trường Việt vào ngày 8/8/2016 với mục tiêu cạnh tranh trên đấu trường thương mại điện tử Đông Nam Á như Lazada. 
Gần nhất, SEA thu hút sự chú ý của giới kinh doanh khi thâu tóm đến 82% cổ phần của Foody - một startup nổi danh thành công trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ đặt nhà hàng và giao thức ăn ở Việt Nam. Giá trị thương vụ này lên đến 64 triệu USD. Mô hình ban đầu của Shopee Việt Nam là C2C Marketplace - trung gian trong quy trình mua bán giữa các cá nhân với nhau. Tuy nhiên, hiện nay Shopee Việt Nam đã trở thành mô hình lai khi có cả B2C (doanh nghiệp đến người tiêu dùng). Shopee không tính phí của người bán/hoa hồng và phí đăng bán sản phẩm.
Như vậy, Sea - hay con cưng thị trường châu Á của Tencent đã xâm nhập rất thành công vào thị trường game và thương mại điện tử tại Việt Nam. Đặc biệt, giới streamer đang kiếm bộn tiền từ việc chơi game, và gamer cũng đang được định hình là một nghề nghiệp. Shopee cũng khiến các bà mẹ bỉm sữa, hay nhân viên văn phòng tiết kiệm thời gian đi mua sắm ở siêu thị hay các cửa hàng tạp hóa truyền thống. Nói theo cách khác, Tencent là trùm cuối của các sản phẩm chúng ta đang sử dụng hàng ngày. Tencent không quảng cáo về chính công ty mẹ, như kiểu nhắc đến Lazada là con của Alibaba, kiểu bố nó làm to đấy :v Shopee là Shopee, rồi bố của Shopee là Garena (SEA), ông của Shopee mới là Tencent :D
Về đời tư, Pony Ma là một người rất kín tiếng, đi làm bằng một chiếc ô tô Volvo S80L được sản xuất tại Trung Quốc. Mã Hóa Đằng cũng là Đại biểu Quốc hội giàu nhất Trung Quốc, với tổng tài sản ròng trị giá 38,8 tỷ USD, nằm trong top 20 người giàu nhất thế giới theo danh sách mới công bố của Forbes (tính đến ngày 5/3/2019). Mã Hóa Đằng là một người chăm hoạt động xã hội, ông từng cam kết tài trợ hơn 2 tỷ USD cho hoạt động từ thiện ở Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực, bao gồm y tế, giáo dục... Ngoài ra, đối mặt với một số tin đồn là con trai của tỷ phú Wanda - tập đoàn bất động sản hàng đầu Trung Quốc Wang Sicong đang hẹn hò với con gái mình, Pony Ma tránh xa những lời đồn đại bằng cách sử dụng nền tảng chia sẻ riêng tư WeChat Moments.
Pony Ma cũng là người rất quan tâm đến nhân viên của mình. Dịp Tết Nguyên đán 2018 vừa qua, hàng nghìn nhân viên của  Tencent Holdings đã xếp hàng bên ngoài trụ sở công ty ở Thâm Quyến vào sáng mùng 8 Tết âm lịch để nhận tiền mừng tuổi từ chủ tịch Ma Huateng và một số giám đốc cấp cao khác. 
Được biết, Pony Ma đã thuê NBBJ, công ty nổi tiếng của Mỹ thiết kế trụ sở mới cho Tencent. Đây cũng là công ty từng thiết kế cho Alibaba, Amazon, Google và Samsung. Nằm đối diện với Đại học Thâm Quyến, công trình độc đáo này được lấy cảm hứng từ ý tưởng khuôn viên thẳng đứng. Nó bao gồm một tòa tháp 50 tầng và một tòa tháp 39 tầng, được thiết kế để thúc đẩy sự kết nối, sáng tạo và tri thức. Thâm Quyến đã giàu nay lại càng giàu hơn :D 
Đã từng có dịp đi qua khu này, và chỉ tròn mắt vì đẹp :p
Ở tuổi 48, Mã Hóa Đằng nhìn vẫn khá trẻ trung, gương mặt phúc hậu ưa nhìn, ít khi phát biểu với truyền thông. Nếu hỏi giới doanh nhân Trung Quốc, đa phần họ sùng bái Pony Ma hơn Jack Ma, vì cái gì nghe thấy riết cũng nhàm. Hoặc cũng vì những tin buồn liên tiếp ập tới trong năm 2019 với Trung Quốc, gần nhất là bại trận liên tục ở thế vận hội Olympic bóng rổ quốc tế, hay trận thua bóng đá U22 Việt Nam, người Trung giờ yên lặng hơn. Sự im lặng và những lo lắng mơ hồ về tương lai của nền kinh tế, thời vận nước nhà. 
Kết, đằng sau mỗi câu chuyện lập nghiệp thành công vang dội đều là những câu chuyện rất dài. Có người kể những câu chuyện ấy để truyền cảm hứng cho người khác, có người miệt mài hoạt động cho đến khi thành công và  không ngừng bước đi trên con đường mình đã chọn. Thực ra nếu kể, ắt hẳn mọi người sẽ chê bôi :" giàu sẵn rồi, có gì mà kể". Bởi vậy cứ im lặng và tạo ra thành quả là hay hơn cả. Mỗi người lựa chọn thành công theo một cách riêng, và cá nhân mình, vẫn ngưỡng mộ những con người dám nghĩ dám làm như vậy. Pony Ma, là một tỷ phú đem lại cảm hứng cho nền kinh tế Trung Quốc nhất ở giai đoạn này, âm thầm lao động và dùng kết quả để chứng minh. Tin rằng, Tencent là một trong những tấm gương lớn mà Huawei nên nhìn theo, để tránh tổn thất lớn sau chiến tranh thương mại vừa rồi. Gáy sớm thì ăn hành. Meme chế cấm có sai :))) 
Nhìn chuyện Tàu, lại nói sang chuyện Ta. Mình mới đọc được bài báo về giải Nhất Start Up Wheels 2019 cho dự án Airiot của bạn trẻ Trần Nguyễn Duy Tuấn mà thấy vui mừng khôn xiết. Tuổi trẻ tài cao, đẹp trai lai láng :))) Cần lắm lắm những start up công nghệ có tính ứng dụng cao, và giá thành tốt để cách mạng hóa thói quen sử dụng các thiết bị thông minh trong ứng dụng hàng ngày. Hay Spiderum, cũng là một start up rất ra gì và này nọ, khi có đến 2 đầu sách từ một nền tảng online đến sản phẩm offline. Đây đều là những tương lai của thế hệ trẻ Việt Nam, và là một người trẻ lập nghiệp ở nước ngoài, mình tự hào về những người trẻ khác giỏi giang và bản lĩnh như vậy. Hy vọng những người đã, đang và sẽ lập nghiệp, học được những bài học xương máu từ anh bạn láng giềng, cứ âm thầm miệt mài cống hiến, rồi một ngày Forbes sẽ xướng tên bạn :D
Bài này hơi nhiều ảnh trai đẹp :p
P/s: Bài viết có tham khảo nhiều nguồn trên mạng, không phải là sản phẩm sao chép và không có yếu tố cà khịa, thề! :v
Theo dõi các bài viết khác cùng series của mình: