--- 3. Những năm sinh viên: “Đánh Dấu Con Đường Phải Đi”

Khi Kant được nhận vào Đại học Königsberg vào năm 1740, ông đã mười sáu tuổi. Điều kiện tài chính tại quê nhà khiến ông không có nhiều lựa chọn. Cha ông trả các khoản thuế một cách khó khăn. Nhưng, Richter, một người chú làm nghề đóng giày bên ngoại, đã hỗ trợ việc học của Immanuel. Thêm vào đó, Immanuel còn làm thêm công việc gia sư cho những sinh viên đồng trang lứa khác. Ông thường làm việc này miễn phí, nhưng trong một vài dịp, Kant sẽ chấp nhận một khoản tiền để chi trả cho những nhu cầu tối thiểu nhất. Ông là một sinh viên khiêm tốn và kiệm lời, không tham gia vào những hoạt động phù phiếm thường thấy của sinh viên đại học. Tuy nhiên, Kant cũng không hề sống tẻ nhạt. Ông thích chơi billiards, và chơi giỏi đến mức ông và đồng đội thường thắng những khoản tiền nhỏ để trang trải cuộc sống. Là một sinh viên đại học, Kant đã tiến lên một thứ bậc mới trong xã hội. Ông được hưởng đặc quyền của tầng lớp này và được miễn trừ một số nghĩa vụ, ví dụ như nghĩa vụ quân sự, mà những tầng lớp thấp hơn buộc phải thực hiện. Đối với một người có thể trạng yếu ớt và mong manh, địa vị xã hội cao của Kant cùng với sự miễn trừ này rất có thể đã cứu mạng ông.
Pastor Schulz đã hi vọng rằng cậu sinh viên đại học Kant sẽ theo đuổi một nghề nghiệp liên quan đến nhà thờ, tuy nhiên ông lại tham gia những môn học gồm logic, đạo đức, siêu hình học, luật tự nhiên, và toán học. Martin Knutzen (1713-1751), cố vấn của Kant, giới thiệu cho ông quyển Principia (1687) và Optics (1704), và có lẽ người này đã dẫn ông đến với những suy nghĩ về triết học tự nhiên. Thêm vào đó, Kant tham gia những lớp học cùng Johann Gottfried Teske (1704-1772), người bạn theo học các lớp về điện và vật lý thực nghiệm này đã truyền cảm hứng cho bài nghị luận tiến sĩ của Kant về De Igne hay Mediations on Fire (1755).
Trong bốn năm đại học của ông, gia đình Kant đã phải trải qua một bước lùi nữa. Vào năm 1744, cha của Kant bị đột quỵ. Immanuel, hai mươi tuổi và giờ ông là trụ cột của gia đình, chăm lo cho sức khỏe của cha ông và dừng việc theo học các lớp vào năm sau. Ông bắt đầu viết về triết học tự nhiên trong thời gian này, cố gắng để xác định các thành phần của lực (force), một chủ đề được nghiên cứu rộng rãi lúc bấy giờ. Vào năm 1746, ông chôn cất cha mình, viết phần lớn công trình đầu tiên của ông, và nộp nó cho bên kiểm duyệt, và một nhà phát hành bảo đảm. Một năm sau, vào năm 1747, ông hoàn thành tác phẩm Thoughts on the True Estimation of Living Forces (tạm dịch: “Suy Tư Về Sự Đánh Giá Đúng Đắn Của Động Lực”), giải quyết các công việc gia đình, tìm nhà cho em trai và ba người em gái, và chuyển đến sống ở nơi mới với một sinh viên khác. Living Forces là văn bản đầu tiên được biết đến của ông, lần đầu xuất bản, và là quyển sách đầu tiên.
Văn bản này ngày nay được dịch và tổng hợp lại cùng với những bài viết khác của Kant bởi Đại Học Cambridge trong quyển Natural Science. Có thể được tải miễn phí trên Academia.edu.
Văn bản này ngày nay được dịch và tổng hợp lại cùng với những bài viết khác của Kant bởi Đại Học Cambridge trong quyển Natural Science. Có thể được tải miễn phí trên Academia.edu.
Nhưng khi Kant hoàn thành nó, ông rời khỏi trường đại học. Trong năm 1748, ông rời thành phố để làm gia sư cho một gia đình giàu có ở miền quê, mà không có một bằng cấp nào.
Thật dễ dàng để giải thích cho sự thất bại trong con đường học vấn của Kant là do các lý do kinh tế - cha ông mất và những đứa trẻ không có một khoản tiết kiệm nào. Có vẻ là Kant phải chịu trách nhiệm cho không chỉ một mình ông, mà còn cho cả những người em. Tài chính eo hẹp. Tuy nhiên, nhà Kant có một ân nhân là chú Richter của họ, người đã trả học phí khi Kant theo học và cấp vốn cho việc xuất bản sau khi Kant rời đi. Richter vẫn tiếp tục hỗ trợ ông và thanh toán chi phí cho quyển sách thứ hai của ông cho nhà in (1755). Sự nghèo khổ, vì vậy, có lẽ không phải là lý do cho việc ông rời trường. Cũng như đó không phải là lý do cho sự thiếu vắng của một luận văn. Living Forces là một luận văn ngắn, dài 256 trang trong ấn bản năm 1749, còn hơn cả đủ cho một bằng thạc sĩ (Magister).
Tuy nhiên, mặc dù cấp trung học đã cung cấp cho ông những kỹ năng triết học xuất sắc, Kant đã viết quyển sách bằng tiếng Đức, không phải tiếng Latin – thứ tiếng được yêu cầu cho những công trình học thuật như vậy. Có vẻ ông đã không có ý định nộp Living Forces cho luận văn thạc sĩ của mình. Vì sao?
Nội dung của nó chứa đựng câu trả lời. Ông tuyên bố rằng ông sẽ phê bình Leibniz và Wolff. Ông phủ nhận học thuyết về sự hài hòa tiền định mà theo đó các vật chất không tương tác với nhau, phủ nhận tuyên bố của Leibniz (trong Đơn Tử Luận - Monadology) [1]. Ông cũng phủ nhận tuyên bố của Leibniz cho rằng vật chất không có “khoảng trống”. Đối với Kant, chúng có. Tiếp nối Knutzen (người đã có được bằng tiến sĩ với một phê bình tương tự vào năm 1735), ông nói rằng vật chất thay đổi trạng thái của nhau bằng các tác động tương hỗ. Ông cũng phủ nhận ý niệm của Wolff về một “lực quán tính” (“moving force” hay vis motrix). Kant lập luận rằng lực và sự chuyển động có rất ít mối liên hệ với nhau. Lực không liên quan nhiều đến chuyển động, mà là liên quan đến sự tồn tại của nó (có hay không có lực). Vì vậy một “lực quán tính” là một thuật ngữ dùng sai. Kant cho rằng động năng (“living force” hay vis viva)[2] thì nên được mô tả như là các nguồn động lực cho tự nhiên, một “lực tác động” (“active force” hay vis activa).
Việc Kant phê bình Leibniz và Wolff lẽ ra đã phải làm tăng cơ hội tốt nghiệp của ông. Knutzen cũng đã đặt câu hỏi cho những quan điểm của họ. Và việc đánh giá theo hướng phê bình Leibniz và Wolff là một điều đúng nên làm, ngay cả trong không khí Pietist ôn hòa tại trường đại học của Kant. Nhà thần học Lange tại Halle đã đứng đằng sau việc trục xuất Wolff khỏi Đông Phổ (1723) và kích hoạt một chuỗi giận dữ đối với các ý tưởng của Leibnizian (1723 – 1740). Những Pietist khác làm theo điều này và bác bỏ Wolff vì sự ủng hộ của ông đối với ý niệm về hài hòa của Leibnizian. Điều này, cùng với cách nhìn của Wolff về thế giới như là một mạng lưới của những vật chất đồng dạng, có dấu vết của dị giáo. Wolff được coi là một người cấp tiến nguy hiểm. Nhưng lý do mà Kant phê bình Wolff lại khác – Wolff không cấp tiến đủ.
Kant trình bày quan điểm của ông trong mười đoạn đầu tiên. Mọi thứ bắt đầu bằng lực. Nó thậm chí còn trước cả sự “mở rộng” (“extension” hay extensio)[3], như Leibniz đã nói trước đó. Tại đây, Leibniz đã đúng, Kant nghĩ rằng, và khen ngợi ông ta, vì đã làm sáng tỏ khái niệm của Aristotle về mục đích tự thân (entelechy), và vì Leibniz đã tìm lại được điều cơ bản làm nên hình dạng vật chất. Tuy nhiên Leibniz đã không đi đủ xa. Các đơn vị trong tự nhiên là những lực tác động. Tác động của chúng mang tính xây dựng; chúng tạo thành và duy trì kết cấu của tự nhiên. Thế giới là một tấm thảm của năng lượng cô đọng. Các lực thống trị mọi thứ, không chỉ là những chuyển động chất điểm (bodily motions), mà là toàn bộ các hoạt động. Việc này gồm cả những tương tác giữa tâm trí và cơ thể - chủ yếu sản sinh ra ý tưởng và những hành động có ý thức.
Động lực (dynamic action) chắc chắn là cốt lõi. Các lực tạo ra tác động của chúng bằng việc hành động hướng ngoại (acting externally hay ausser sich wirken), và, trong nghĩa đầy đủ của từ ngữ, hành động hướng ngoại định vị lực. Một lực tác động bằng cách phát xạ tác động của mình; nó trải rộng ảnh hưởng của mình ra (ihre Wirkugen von sich ausbreiten), và việc trải rộng này quyết định lực chính là cội nguồn bên trong của nó, định vị lực với tư cách tác động của nó. Từ tác động đem đến vị trí, từ vị trí đến không gian, và từ không gian đến cả vũ trụ - và không điều nào có thể, nếu không có lực. Các lực xác định (localized forces) thêu dệt nên thế giới, và bằng cách đó các dạng tương tác giữa chúng tạo thành mạng lưới, bện nên những mối liên kết, trật tự, và không gian. Lực là khởi nguyên (primum), đan nên không gian và mọi thứ trong nó.
Vì một nguồn lực tương tác với thứ bên ngoài nó, nhiều nguồn lực sẽ tương tác lẫn nhau. Chúng làm vậy khi trường của chúng giao nhau. Ví dụ, ném hai hòn sỏi vào trong một cái ao và xem các gợn sóng tương tác: đầu tiên, hai điểm nguồn lực tiếp xúc tác động của nhau tại biên giới của sự lan tỏa; sau đó, những con sóng, khi đánh vào nhau, đều bị điều chỉnh. Sự điều chỉnh ngoại tại của một sự lan tỏa ảnh hưởng đến yếu tố nội tại sinh ra nó. Vì lực là một xung tác động, và, đối với Kant, môt tác động mô tả lực đúng hơn bất kỳ thứ gì khác, ông cho rằng một sự va chạm với trường khác sẽ tạo thành ảnh hưởng cơ bản tới tác động gốc ban đầu. (Xem xét thời tiết – khi các khối không khí giao nhau, chúng ảnh hưởng đến điểm ngưng sương, nhiệt độ hoặc áp suất của nhau). Do đó, Kant kết luận rằng tác động giữa các điểm lực (force-point) sẽ làm trạng thái bên trong chúng thay đổi lẫn nhau.
Sự mở rộng và tương tác của động lực qua các vị trí khác nhau tạo nên không gian, và các tác động lẫn nhau này tạo nên kết cấu. Điểm lực kéo dãn, kẹp chặt, và giữ lấy, và những tương tác này điều chỉnh lẫn nhau tạo nên sự kết nối giữa chúng. Điều này tạo ra các hệ quả. Rằng lực, bởi vì những hành động của nó, làm cho khái niệm “một nơi nào đó” gợi ý đến một liên kết giữa lực và không gian. Liên kết tương tác này tạo thành cốt lõi của thực tại.
Những ý tưởng táo bạo này hủy diệt tác phẩm. Một cố vấn Cơ Đốc, ngay cả với một người có tư tưởng mở, cũng không bao giờ chấp nhận nó. Động lực bản thể học trong Chương 1 đối lập với nguyên do về cội nguồn tìm thấy trong Kinh Thánh. Theo Kinh Thánh, Chúa sáng tạo ra tất cả. Nhưng Kant gợi ý rằng lực mới tạo ra mọi thứ - lực, không phải Chúa, mới là đấng tạo hóa của tự nhiên. Tệ hơn nữa, lực có thể được mô hình hóa một cách toán học, như ông lập luận tại Chương 2, và nó có thể được quyết định bởi hai đại lượng, như ông lập luận tại Chương 3. “Chúa” chỉ là danh từ thay thế để chỉ căn nguyên của lực.
Giờ Kant nói về Chúa như là một đấng tạo ra nhiều vũ trụ khác nhau, như là vị kỹ sư của các chiều không gian, và bịt kín thế giới này khỏi những vũ trụ không khả dĩ khác. Nhưng cùng lúc đó, ông làm cho lực phải chịu trách nhiệm cho những việc đó. Và ông cũng đã cho thấy ý định này của mình trong lời khen dành cho mục đích tự thân. Theo Aristotle, các mục đích tự thân là những chương trình của những trật tự tự phát và là chất bổ của sự vật, một động lực (dynamis) tạo ra năng lượng (en ergon, enrgeia).
Kant luyên thuyên về Chúa và lực cho phép chỉ hai cách hiểu. Không cách nào có thể làm yên lòng những người theo Cơ Đốc chân chính: hoặc Chúa là lực sáng thế, hoặc Chúa tạo ra lực sáng thế. Theo giải thích của Kant, cách hiểu đầu tiên ngụ ý rằng Chúa là một thực thể có thể được mô tả bằng một đại lượng vật lý. Cách hiểu thứ hai có ý nói rằng lực, không phải Chúa, tạo ra vũ trụ. Bất kỳ người nào đề xuất điều này đều không phải là một người ngoan đạo, và không xứng đáng được tốt nghiệp dưới sự hướng dẫn của một cố vấn Pietist, ngay cả một cố vấn có tư tưởng tự do cũng không.
Vì vậy Kant đã bỏ qua nó. Knutzen không bao giờ đề cử ông, và trong thư của Knutzen cho Leonard Euler (1707-1783), ông không nằm trong danh sách những sinh viên xuất sắc. Vị giáo sư này có những người được ưu ái phổ thông khác, như Johann Weitenkampf (sinh năm 1726) và Friedrich Buck (1722 – 1786), người tiếp quản vị trí của Knutzen.
Kant tự mỉa mai và trả thù cho mình bằng cách không bao giờ đề cập đến thầy giáo của mình lần nào nữa – không bao giờ. Sau đó nhiều năm (1770), sau khi Knutzen chết, khi Kant cuối cùng đã được công chúng công nhân, ông đã cứu vãn khao khát có được học vị giáo sư bằng cách ký một thỏa thuận với chính quyền để tranh thủ vị trí của Knutzen từ Buck, đẩy cậu sinh viên ngoan ngoãn sang một vị trí khác mà không thèm hỏi ý cậu ta.
Có một câu nói của Seneca mô tả nên bản sắc cho màn ra mắt của Kant – “Không có gì quan trọng hơn việc đi đến nơi mà một người muốn đi, thay vì làm theo bầy đàn, như gia súc, và đi đến bất cứ đâu chúng đi” (“Nihil magis praestandum est, quam ne pecorum ritu sequamur antecedentium gregem, pergentes, non qua eundum est, sed qua itur”). Kant giải bày hy vọng của ông rằng “tự do mà tôi nắm lấy, dù có đối lập với những con người vĩ đại, sẽ không là một tội ác”. Ông cần hy vọng bởi vì ông đã quyết tâm. Ông biết việc ông đang làm, và ông ương ngạnh. “Cơ sở của tôi như sau”, ông viết, “tôi đã đánh dấu con đường mà tôi phải đi. Tôi phải tiến lên và không gì có thể làm tôi dừng việc này lại.”
[1] “monad” theo tiếng Latin nghĩa là “một, duy nhất”. Leibniz viết trong Đơn Tử Luận: “Đơn tử, cái mà tôi sắp nói ra đây, không có gì khác hơn những thực thể đơn giản tạo nên những phức hợp, “đơn giản” nghĩa là không có bộ phận”. Như vậy đơn tử có vẻ như là nguyên tử ngày nay. Tuy nhiên, Đơn tử ở Leibniz khác so với nguyên tử ở chỗ, nguyên tử giống nhau về chất còn đơn tử khác nhau về chất, mỗi đơn tử là một thế giới riêng. Trong khi nguyên tử có quán tính, kích cỡ, còn đơn tử không có kích cỡ về không gian và không tồn tại trong không gian và thời gian. Nguyên tử là vật chất, còn đơn tử là những “linh hồn”, vận hành theo một cách thức phi vật chất.
[2] Là một khái niệm sơ khai mà Leibniz sử dụng trong Đơn Tử Luận vào năm 1687, tương ứng với cách hiểu về động năng của một vật ngày nay.
[3] Một khái niệm trong siêu hình học mô tả việc “mở rộng” và sau đó là “chiếm lấy không gian”, và gần đây cũng được hiểu là việc lan tỏa nhận thức tinh thần nội tâm của một người ra thế giới bên ngoài.
-------------------------

4. Màn Ra Mắt Sôi Động: “Sự bức xạ trong Khối Vuông Nghịch Đảo”

(Còn tiếp...)