I. Kant là một trong nhiều triết gia trung tâm của thời kỳ Khai Sáng ở phương Tây. Những công trình chuyên sâu và có hệ thống của ông về nhận thức luận, siêu hình và mỹ học đã tạo nên ảnh hưởng to lớn đến văn minh nhân loại. Mặc dù sự lộng lẫy trong triết học Kant đã làm say mê hằng bao thế hệ học giả, nhưng đối với đại đa số, triết học của ông trước nay vẫn là những điều xa xôi và không dễ hiểu, đặc biệt là ở Việt Nam nơi chúng ta chỉ được tiếp xúc với triết khi lên đến đại học hoặc tương đương (và gần như chỉ được biết về triết học Marx – Lennin và tư tưởng Hồ Chí Minh).
Immanuel Kant (1724 - 1804)
Immanuel Kant (1724 - 1804)
Bản thân người dịch cũng chỉ biết đến ông khi học tập các ý niệm về đạo đức lúc còn trên ghế giảng đường. Dù biết Kant là một vĩ nhân không chỉ trong lĩnh vực triết học, nhưng hình dung của mình về tầm vóc và sức ảnh hưởng của ông đối với thế giới dường như còn rất nông cạn.
Bài dịch không chuyên mang tính tự lưu trữ và hy vọng có thể phần nào đó hòa cùng không khí tìm hiểu triết học đang ngày một sôi động ở quanh ta.
-----------------------------------------------------------

Sự Phát Triển Của Triết Học Kant

Xuất bản đầu tiên vào Thứ Hai, ngày 3 tháng 11 năm 2003; điều chỉnh lớn vào Thứ Sáu ngày 22 tháng 11 năm 2019
Triết học cận đại bắt đầu với Kant, và cũng từ đây, ông đánh dấu sự kết thúc của kỷ nguyên “Cận Đại” trong lịch sử của triết học (từ năm 1600 đến năm 1800 Sau Công Nguyên)[1]. Sự xuất hiện của Phê Phán Lý Tính Thuần Túy vào năm 1781 đã ghi dấu sự kết thúc của thời kỳ cận đại và sự khởi đầu của một điều gì đó hoàn toàn mới. Ngày nay, những văn bản của ông được đọc trên tất cả các lục địa, và tư tưởng của ông đã tạo nên sự ảnh hưởng sâu rộng lên gần như mọi cuộc thảo luận triết học sau này. Năm 2004 - hai trăm năm sau ngày mất của ông, đã được kỷ niệm tại các hội thảo ở Úc, Canada, Trung Quốc, Pháp, Đức, Hungary, Nhật Bản, Iran, Ý, Mexico, New Zealand, Paraguay, Phần Lan, Bồ Đào Nha, Nga, Senegal, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Đài Loan và Thổ Nhĩ Kỳ.
Giống như đặc điểm của những bước ngoặc lịch sử khác, Kant đã đóng góp vào công cuộc định hình văn minh thế giới, và hình dung của chúng ta đối với thế giới ngày nay. Những ý tưởng thực tiễn của ông, ví dụ như Mệnh Lệnh Tuyệt Đối và những gợi ý của nó (1785), đã cung cấp cơ sở cho Tuyên Bố Toàn Cầu về Nhân Quyền (1948), Hiệp Ước Chính Trị Và Kinh Tế (1966) và Tòa Án Hình Sự Quốc Tế (2002). Những khám phá của ông về khoa học tự nhiên và những ý tưởng siêu hình học, đặc biệt là trong giai đoạn tiền-cao-trào của ông (1747-1770), là đáng kinh ngạc. Kant đưa ra giải thích đầu tiên về thuyết tương hỗ không-thời gian và động lực-năng lượng, và tạo nên định luật chung đầu tiên của trường bức xạ (1747). Ông đề xuất giải pháp nhận thức cho vấn đề tam thể (three body problem), thứ xuất hiện trong sự tác động qua lại lẫn nhau giữa Trái Đất, Mặt Trăng và Mặt Trời (1754). Ông là người đầu tiên xây dựng một thuyết vũ trụ tiến hóa luận chi tiết (1755). Các ý tưởng của ông về động lực sinh quyển (biospherical dynamics) cho phép ông có thể dự đoán được các nhịp điệu của gió mùa và sự dao động của gió ven biển (coastal winds) (1755-1757). Ông đề xuất rằng các viên gạch xây dựng nên vật chất là những bong bóng năng lượng (energy bubbles) (1756) – một ý tưởng hữu dụng cho đến ngày nay trong thuyết siêu dây (superstring theory) trong hình dạng các Calabi-Yau đa tạp (Calabi-Yau manifolds).
Một số phát hiện gần đây đã giúp làm sáng tỏ hơn sự phát triển của triết học Kant.
Đầu tiên, về khoa học, rõ ràng rằng siêu hình học của ông đã đứng vững trước thử thách của thời gian. Trong khi những học giả truyền thống đều gạt bỏ triết học bản thể luận (holistic ontology) của ông trước Phê Phán Lý Tính Thuần Túy, những phát kiến trong khoa học về môi trường và vật lý đã xác nhận các tuyên bố của Kant chính là những nhận thức chân thực về cách mà thế giới tự nhiên vận hành. Thuyết vũ trụ tiến hóa của ông ngày nay được xem như “cốt lõi của các mô hình hiện đại” trong vũ trụ học (Coles 2001:240), và triết học tự nhiên của ông được nhìn nhận là viên gạch cuối cùng của triết học phương Tây ngay trước khi nó “hạ xuống” chủ nghĩa hoài nghi (skepticism) (Hawking 2003, 166). Liên quan đến vấn đề biến đổi khí hậu, sẽ là hợp lý khi cho rằng sự thấu hiểu của Kant đối với động lực học sinh quyển (biospherical dynamics) và các chính sách bảo tồn sẽ thúc đẩy sự trở lại của triết học Kant trong tương lai gần.
Thứ hai, về tôn giáo, các phát hiện quan trọng gần đây cho thấy có một sự mâu thuẫn trong tư tưởng của ông, nếu không muốn nói là có một sự không-thích-Thiên-Chúa-Giáo (dislike of Christianity) – điều mà những người viết tiểu sử trước đó của ông (toàn bộ đều theo giáo phái Lutheran – một giáo phái trong số những người theo đạo Tin Lành) đã hứng chịu nhiều chỉ trích khi từ chối tiết lộ.[2] Kant có thể được xem là người theo thuyết phiếm thần (pantheism), chủ nghĩa tự nhiên, sự tiến hóa, thuyết vũ trụ giãn nở, và triết học chính thể luận (holism), mặc dù làm như vậy không hề tương xứng với sự nghiệp học thuật của ông.
Vào thế kỷ XVIII, hệ thống trường đại học bảo vệ những quan điểm nêu trên thường dẫn đến kết cục bị giải thể và/hoặc thiếu thốn sự ủng hộ. Bản thân Kant đã luôn cẩn thận khi viết về những đề tài như vậy. Dưới tác động của chính sách kiểm duyệt, những người viết dường như đều trở nên thận trọng. Để tránh rắc rối, họ có thể xuất bản thứ gì đó một cách ẩn danh; hoặc họ có thể tạo ra những nhận xét gián tiếp thay vì những lời khẳng định trực tiếp; hoặc họ có thể thay đổi ý kiến và rút lại những khẳng định trước đó. Kant đã làm tất cả ba điều này. Tuy vậy, đối với những độc giả trong hàng trăm năm sau đó, chúng ta rất dễ bỏ qua sự tinh tế và các ẩn dụ của Kant.
Thứ ba, về văn hóa, những quan điểm ban đầu của Kant có thể được đặt trong một bối cảnh toàn cầu hơn là chỉ thuần túy ở phương Tây. Các nghiên cứu gần đây đề xuất rằng những ý tưởng cốt lõi trong triết học tự nhiên của Kant cũng bắt nguồn từ những suy nghĩ về đạo Lão (Taoist), đạo Phật, đạo Hindu và đạo Khổng (Confucian), những điều đã được phổ biến ở Châu Âu bởi những thầy tu thuộc dòng Tên (Jesuits – một dòng tu của Giáo hội Công giáo) tại Trung Hoa, được truyền bá bởi Leibniz và Wolff, và phát triển hơn nữa bởi Bilfinger, một người đệ tử thân Trung Quốc của Wolff[3]. Một ví dụ đó là ý tưởng về các phép biện chứng mà Bilfinger tìm thấy trong các kinh điển Trung Hoa, và đó cũng là những thứ Kant gặp phải trong các báo cáo học thuật của Nga. Sự du nhập và đánh giá nghiêm túc các ý tưởng phương Đông vẫn còn trong trứng nước trong suốt giai đoạn cuối của thời kỳ cận đại, và Kant đã không nhận thấy những khái niệm có gốc rễ từ phương Đông xa xôi đã ảnh hưởng ông như thế nào. Sự mỉa mai mang tính lịch sử là ông đã gạt bỏ văn-hóa-không-phải-phương-Tây trong khi lại bị ảnh hưởng sâu sắc bởi các quan niệm của chúng.
Các học giả chia sự phát triển của Kant thành các bước sau đây:
1. Giai đoạn tiền-cao-trào (1745-1770), trong thời gian này Kant làm việc trong truyền thống của Leibniz/Wolff và viết những tác phẩm ấn tượng ban đầu về hiện tượng tự nhiên;
2. “thập kỷ im lặng” (1770-1781), trong thời gian này Kant kìm lại việc xuất bản những ấn phẩm ngoài các quảng cáo và các xác nhận cho những lớp học;
3. Giai đoạn cao trào (1781-1791), đánh dấu thời kỳ nhận thức hoặc “thập kỷ kinh ngạc” (Beck 1969:433) của triết học phê phán của ông; và
4. Giai đoạn hậu-cao-trào (1798-1802), thường được biết đến với các tác phẩm trong giai đoạn tuổi già.[4]
Các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng sự phát triển của triết học Kant đã rất thống nhất (Schönfeld 2000), và, mỗi giai đoạn đều có sự liên quan tiếp diễn sâu hơn với các giai đoạn trước đó (Edwards 2000). Ngay từ khi bắt đầu, Kant đã thúc đẩy một lịch trình độc nhất. Một số nghiên cứu gần đây tranh luận rằng những tác phẩm đầu tiên nhất của Kant không chỉ không xứng và không tương thích với các tuyên bố sau đó của ông, mà còn chỉ ra một vài sự kỳ dị trong giai đoạn cao trào, ví dụ như Sự Tương Tự Thứ Ba (Third Analogy) của Phê Phán Lý Tính Thuần Túy.[5] Bức tranh mới về sự phát triển của Kant chỉ ra rằng quỹ đạo trí tuệ của ông đã không đứt đoạn và thất thường như các học giả đã từng thừa nhận, và nó cũng cho thấy rằng Kant đã không sai lầm, thay vào đó, ông đã tiên phong ngay từ ban đầu.
Những nội dung dưới đây bao gồm sự phát triển của Kant từ giai đoạn tiếp nhận những sự giáo dục đầu tiên tới giai đoạn cao trào của ông. Chủ đề của nó là công thức trí tuệ của ông: những ảnh hưởng trong thời trẻ và sự giáo dục; quan điểm về triết học tự nhiên, bản thể học và vũ trụ học được hình thành trong suốt giai đoạn đầu của tuổi trưởng thành; những câu hỏi theo đuổi sau đó; và số phận lịch sử của những câu trả lời của ông.[6]
1. Thời thơ ấu: “Bầu Trời Sao Phía Trên Tôi và Luật Luân Lý Ở Trong Tôi” (“The Starry Sky Above Me and the Moral Law Within Me”)
2. Tuổi niên thiếu: “Bên Trong Sự Quy Phục Của Người Cuồng Tín” (“In the Servitube of Fanatics”)
3. Những năm sinh viên: “Đánh Dấu Con Đường Phải Đi” (“Marking Out the Path to Be Taken”)
4. Màn Ra Mắt Sôi Động: “Sự bức xạ trong Khối Vuông Nghịch Đảo” (“Radiation in the Inverse Square”)
5. Ngắm Sao Theo Cách Của Newton: “Sự Lộng Lẫy của một Quy Tắc Phổ Biến Đơn Nhất” (“The Splendor of a Single Universal Rule”)
6. Vũ Trụ Học Có Hệ Thống: “Tất Cả Mọi Điều Trong Vũ Trụ Đều Kết Nối Lẫn Nhau” (“All Things in the Universe Interactively Connect”)
7. Khủng Hoảng Và Phê Phán: “Dò Dẫm Giữa Những Khái Niệm Thuần Túy” (“Groping Among Mere Concepts”)
--------------
1. Thời thơ ấu: “Bầu Trời Sao Phía Trên Tôi và Luật Luân Lý Ở Trong Tôi”
(Còn tiếp...)
[1] Triết học phương Tây sau thời Trung Cổ (thế kỷ V – XV Sau Công Nguyên) có thể được chia thành bốn thời kỳ: Phục Hưng (Renaissance), Khai Sáng (Enlightenment) hoặc triết học cận đại, triết học thế kỷ XIX, và triết học thế kỷ XX hoặc thời kỳ đương đại. Trong khi xác định giới hạn của các thời kỳ còn là một vấn đề đang gây tranh cãi, chúng ta có thể nói rằng thời kỳ Phục Hưng đã kết thúc vào đầu những năm 1600; rằng thời kỳ Khai Sáng hoặc cận đại kéo dài từ cuối những năm 1600 đến cuối những năm 1700; và rằng triết học thế kỷ XIX bắt đầu với sự phê phán lý tính thần học và siêu hình của Kant, trong khi triết học thế kỷ XX bắt đầu với sự khởi đầu của chủ nghĩa thực chứng và Vòng tròn Vienna (the Vienna Circle – gồm một nhóm các học giả ủng hộ khoa học trên cơ sở thực chứng, logic, toán học). Nhiều câu hỏi triết học trong thời kỳ cận đại đã mất đi vẻ hào nhoáng vì các phê phán của Kant, và chúng ta cũng tìm thấy nhiều câu trả lời của triết học thế kỷ XIX và triết học thế kỷ XX cho sự biến chuyển của các luận thuyết triết học trong những công trình của Kant.
[2] Các phát hiện về sự mâu thuẫn trong tư tưởng của Kant đối với Thiên Chúa Giáo (được thu thập trong suốt cuộc đời của Kant) là nhờ những nỗ lực của Manfred Kuehn, Đại học Marburg. Những người viết tiểu sử đầu tiên của Kant là L.E. Borowski, R.B. Jachmann, và E.A.C. Wasianski. Những ghi chép của họ có tại Königsberg, trong năm Kant mất (ngày 12 tháng 02 năm 1804). Với tư cách là những người viết biết rõ chủ thể của họ với tư cách cá nhân - Borowski đã từng là vị khách thường xuyên đầu tiên của ông; Jachmann từng là trợ lý nghiên cứu của ông; và Wasianski từng là trợ lý và là người thi hành thừa kế của ông (executor of will) – sự miêu tả của họ đã được chấp thuận là có căn cứ. Cả ba đều có bằng cấp trong lĩnh vực thần học; Jachmann chủ trì các buổi lễ nhà thờ, Wasianski là người trợ tế, và Borrowski là người quản trị nhà thờ. Họ đẩy tầm quan trọng của lòng mộ đạo cho Kant và thể hiện ông như là một người ngoan đạo. Sự bóp méo này một phần là do những tư tưởng được ưu tiên hơn một cách vô tội của những người ghi tiểu sử, nhưng ở một chừng mực nào đó, nó cũng là một nỗ lực có hệ thống để thay đổi sự thật, đặc biệt là trong trường hợp của Borowski. Borowski lo sợ rằng liên kết giữa ông và Kant có thể làm tổn hại sự nghiệp của mình, và đã cố gắng qua mặt các nhà phê bình, vì sự khinh miệt của Kant dành cho những người theo trào lưu chính thống của tôn giáo (Schwärmer) đã rất rõ ràng, và sự ảnh hưởng của ông là nguyên nhân cho những nhà thờ trống hoang trong thị trấn. Kant đã lãnh đạm với Thiên Chúa Giáo và không ủng hộ các học thuyết này. Về sự bóp méo mối quan hệ giữa Kant và Thiên Chúa Giáo, xem Kuehn 2001: 2-16. Về sự khinh thường của Kant đối với những tổ chức tôn giáo, sự không tin tưởng vào cuộc sống sau cái chết, và sự phủ nhận của một vị Chúa duy nhất, xem Kuehn 2001: 45-55, 328, 369-78, 382, và 392.
[3] Xem các bài viết trong Schönfeld 2006c, đặc biệt là các tác giả Wenchao Li/Hans Poser, Thomas Fuchs, Gregory Reihman, và Martin Schönfeld
[4] Các công trình của Kant kéo dài hơn nửa thế kỷ, từ 1745 đến 1801. Giai đoạn tiền-cao-trào kết thúc với Inaugural Dissertation (1770) (tạm dịch: “Bài Nghị Luận Khai Mạc”); giai đoạn cao trào bắt đầu với Critique of Pure Reason (Phê Phán Lý Tính Thuần Túy) (1781). Trong giai đoạn tuổi già, với Strife of Faculties (tạm dịch: “Sự xung đột của các ngành khoa học”) và Opus Postumum (được viết chủ yếu từ 1799 – 1801), ông đã phát triển các tuyên bố mà dường như đã được xem là xung đột với các hạn chế quan trọng được tán thành trước đó; do đó được gọi là “giai đoạn hậu-cao-trào”.
[5] Một điều kỳ lạ đáng chú ý là luận điểm của Kant nói rằng không gian là một trường lực (một “khoảng đầy” (a plenum), thay vì hoàn toàn trống không). Những khẳng định ban đầu của Kant nói rằng lực tạo ra không gian bằng cách tự kéo dãn chúng ra như là một thể liên tục. Những khẳng định sau đó của Kant nói rằng các công cụ nhận thức tạo nên trải nghiệm là các mặt ảnh hưởng lẫn nhau của một cấu trúc năng lượng và vật chất. Trường năng lượng duy trì ý thức và không gian nhận thức-năng lượng là điều kiện tiên quyết của trải nghiệm. Ngay cả trong Phê Phán Lý Tính Thuần Túy cũng có những đề xuất tương tự, nhưng chúng mâu thuẫn với tinh thần cẩn trọng của công trình này (chẳng hạn như những điều kiện của nhận thức là những ý niệm, không phải mang tính vật lý, hoặc cấu trúc bên dưới của khung vật chất là không thể chạm tới được). Về những khẳng định ban đầu, đối chiếu với Thoughts on the True Estimation of Living Forces, #1–10 (1:17–25). Về những khẳng định sau đó, đối chiếu với các tài liệu liên quan đến the Opus Postumum, đặc biệt là Reflexion 3986 (17:376–7), Oktaventwurf (21:378–9, 383); Transition 1–14 (21:219, 223–4, 226–30, 233, 247, 535, 539, 547–8, 564–5, 588–9, 592); Fascicle 11 (22:425–31, 440, 457);  cũng cần so sánh với ascicle 1 (21:87.29–31 và 21:101.5–12). Về “bằng chứng cho “khoảng đầy”” (“plenum-proof”) trong Phê Phán Lý Tính Thuần Túy bản đầu tiên, đối chiếu với cf. A211/B256–A214/B261; về một bản phân tích thông tin, xem Edwards 2000: 13–47, esp. 38–40. Về một sự giải thích cho sự kỳ lạ bản thể học này trong bối cảnh đa văn hóa, so sánh Edwards và Schönfeld 2006.
[6] Về những quan điểm của Kant trong giai đoạn cao trào và sau đó, xem các bài viết sau: Kant's critique of metaphysicsKant's transcendental argumentsKant's views on space and time.