______________________

Hiệu ứng gợn sóng

Nếu bạn là một trong những công ty xe hơi lớn, vốn đã tồn tại hàng thập kỷ, sống thư thái an nhàn trong vùng đất riêng, chỉ thi thoảng cải thiện chút này chút nọ cho các dòng sản phẩm của mình – thì liệu điều gì trên thế giới này khiến bạn thấy khó chịu hơn Tesla nữa nhỉ?
Hãy nhớ rằng, các công ty xe đều biết về EV và lợi ích của chúng. Hầu hết trong số họ đã chế tạo một mẫu EV vào những năm 1990 khi California buộc họ phải làm, và sau đó, khi các chỉ thị bị gỡ bỏ, họ đúng nghĩa đen là đã thu hồi và nghiền nát những chiếc xe. Sau đó, họ vất chúng vào bãi rác và phủ lên trên đó một tấm khăn trải bàn trong khi giương ra vẻ mặt “không nhiệm vụ miễn xem nha”. Sự sợ hãi đã qua và họ có thể quay trở lại vùng thoải mái của mình, sản xuất thêm đủ thứ xe chạy bằng xăng.
Cảm xúc của họ về EV là hoàn toàn hợp lý:
Các đại lý tạo ra một lượng lớn lợi nhuận từ việc sửa chữa động cơ xăng, bộ lọc dầu và thay dầu – số tiền mà họ sẽ chẳng kiếm được nếu các công ty bán những chiếc EV có động cơ hiếm khi bị hỏng.
Các công ty xe đã quá hiểu tất tần tật mọi thứ liên quan đến xe xăng, và họ đã thành thạo nghệ thuật chỉ tạo ra một vài thay đổi mới mới nhỏ nhỏ thường niên, để sao cho các mẫu năm sau sẽ chỉ tốt hơn một chút so với năm trước. Nhưng EV với họ là một thế giới mới, và những gì họ biết về cách tạo ra một hệ thống truyền động tốt hoặc cải thiện mật độ năng lượng pin cũng chỉ ngang với Tesla – mà thực tế họ thậm chí biết ít hơn, bằng chứng là cả Toyota và Mercedes đều mua lại hệ thống truyền động cho EV của Tesla để dùng cho sản phẩm của mình. Hẳn bộ phận R&D của họ cũng phải đập đầu vào bàn kha khá.
Quan trọng nhất, từ trước đến giờ thế giới đã luôn mua xe xăng. Chả cần thuyết phục ai về bất cứ điều gì – chỉ cần thả vài đoạn quảng cáo cơ bản lên tivi để trưng ra thương hiệu và thông báo cho khách hàng về các bản cập nhật sản phẩm mới nhất là xong. Nhưng EV là thứ mới mẻ và khá đáng sợ với khách hàng, và điều khó nhằn nhất cần phải đương đầu là giáo dục thị trường về lý do tại sao họ nên mua một chiếc. Nhưng vấn đề thực sự ở đây là để có thể quảng bá EV được tốt, bạn cần làm y hệt như những gì tôi đang làm trong bài viết này, tức là liệt kê và giải thích tất tần tật các lý do tại sao EV lại là một bước tiến lớn – mà thế tức là gửi đi thông điệp, “Xe xăng ô nhiễm, bất tiện và lỗi thời.” Không hẳn là điều ai đó muốn làm khi cái cần câu cơm hiện tại của họ đang bán ra 10 triệu chiếc xe xăng mỗi năm.
Và ai lại muốn ôm việc này vào người nếu đàng nào Tesla cũng sẽ xử lý vấn đề đó, và họ chỉ việc ngồi không cũng được.
Franz von Holzhausen đã làm việc tại ba trong số các công ty khác. Theo góc nhìn của anh, “họ tự trói mình với quá trình sản xuất truyền từ đời này qua đời khác, tự trói động cơ xăng vào cần câu cơm, tự trói mình với mô hình đại lý, và họ bị mắc kẹt trong lịch sử của chính họ.”
Musk thì coi đó là sự thiếu can đảm và kém độc đáo: “Những công ty xe lớn chỉ là những kẻ phái sinh. Họ ngồi chờ xem liệu nó (EV) có hiệu quả hay không trước đã, rồi sau đó mới đầu phát triển dự án cho bước tiếp theo.”
Nhưng cái cây Tesla đang đâm lên trên rất nhanh, và sự bùng nổ có khả năng xé rách tán lá cao nhất của nó sắp xảy ra khiến toàn ngành sợ hãi. Chúng ta biết sự sợ hãi này là chắc chắn, bởi vì khi chiếc Tesla Roadster đầu tiên xuất xưởng vào năm 2008, không có công ty EV lớn nào trên thị trường. Ngày nay, Ford, Chevy, Nissan, BMW, Mercedes, Volkswagen, Fiat, Kia, Mitsubishi và Smart tất cả đều đã có mẫu EV riêng. Đâu phải tự nhiên mà thế đúng không.
Vậy những mẫu EV khác có gì hay?
Đáng chú ý nhất là Nissan Leaf, được giới thiệu vào năm 2010, đây là chiếc EV bán chạy nhất trên thế giới trong những năm gần đây (mặc dù chiếc Tesla Model S đắt hơn nhiều đã đứng đầu trong ngành về số lượng EV bán được đến hiện tại trong năm 2015). Leaf có giá khoảng 30,000 đô la (22,500 đô la sau ưu đãi thuế) và có phạm vi di chuyển 84 dặm. Giám đốc điều hành Nissan Carlos Ghosn suốt một thời gian đã luôn là một trong số ít những người trong ngành ủng hộ mạnh mẽ cho EV ngoài Tesla. Ông từng nói rằng hiệu ứng “cul-de-sac” sẽ bắt đầu đẩy doanh số EV tăng nhanh – ví dụ, người ta thường sẽ ghen tị vì người hàng xóm của họ có một chiếc xe hiện đại xịn xò làm sao và nó không cần đổ xăng, vì thế họ sẽ hỏi thông tin, và sau đó rất có thể sẽ mua cho mình một chiếc.
Chiếc BMW i3 mới được giới thiệu gần đây hiện là mẫu bán tốt nhất xếp sau Leaf và Model S. Nó có giá 43,000 đô la (35,500 đô la sau ưu đãi thuế) và có phạm vi chạy 81 dặm. Giám đốc điều hành BMW, Norbert Reithofer, đã đu theo trend EV và nói rằng, “Bạn phải nhìn vào tương lai 5, 10, 15, 20 năm nữa…..mẫu xe như BMW i3 là phải có.”
Ngoài ra không có mẫu EV nào có doanh số đáng kể nữa. Tôi có hỏi quan điểm của Musk về hai mẫu xe trên. Anh nhận xét về chiếc Leaf, “Phạm vi chạy quá thấp, nhưng nếu họ cứ tiếp tục cố gắng thì sẽ làm được thôi”. Về i3, “Họ cũng đang thử làm vài thứ hay ho. Phạm vi chạy còn thấp, nhưng đó là một bước đi đúng hướng, nếu họ cứ tiếp tục thì sẽ làm được thôi.”
Cái giọng đúng kiểu “Ôi bé Johnny giỏi quá đã biết tè vào bô rồi, lần tới hãy cố gắng không để bắn ra ngoài nữa là nhóc sẽ làm được thôi” này có biểu cảm giống như khi Musk đánh giá các nỗ lực với EV của toàn ngành.
Volkswagen vừa mới thuê cựu Giám đốc điều hành của BMW, và dường như cũng đang tự tin bắt đầu với EV, và GM đang hứa hẹn những điều lớn lao với mẫu EV sắp tới của họ, Chevy Bolt.
Các công ty xe hơi khác vẫn chưa bị thuyết phục. Giám đốc điều hành của Mercedes, Dieter Zetsche, cho biết ông đánh giá EV sẽ không bán tốt được lâu, bởi “khách hàng nhận được một chiếc xe có phạm vi chạy thấp hơn, thời gian tiếp nhiên liệu dài hơn, ít không gian hơn và giá cao hơn.” Các công ty lớn của Nhật Bản, Toyota và Honda, đều hoài nghi về EV và đã dồn lực cho tương lai của họ vào xe hybrid và xe hydrogen. Giám đốc điều hành Fiat Chrysler, Sergio Marchionne, thì anti-EV đến nỗi ông khuyên mọi người đừng mua chiếc Fiat 500e EV của họ, và nói họ chỉ bán chiếc xe vì các quy định bắt buộc phải thế.
Nếu EV sẽ là mẫu xe thống trị trong tương lai, thì chúng vẫn còn một chặng đường dài cần phải đi. Tính đến tháng 1 năm 2015, đã có tổng cộng 740,000 EV lăn bánh trên toàn thế giới. So với bức tranh lớn – hơn 80 triệu xe được bán ra trên thế giới hàng năm và hơn một tỷ chiếc xe đã và đang lưu thông – EVs chỉ chiếm 1% ngành công nghiệp xe hơi. Nhưng chúng đang vào đà:


Vì vậy, chúng ta hoặc đang ở đầu ngọn sóng của kỷ nguyên xe hơi mới do EV thống trị hoặc ở giữa một bong bóng EV nhỏ khác trước khi chúng biến mất một lần nữa – và như bạn có thể thấy trong các trích dẫn ở trên, ngành công nghiệp xe hơi hiện đang bị chia rẽ bởi những con đường mà họ đánh cược vào.
Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ sớm học được nhiều điều, bởi vì kẻ gây rối tiềm năng chưa thực sự thành hình để ra mắt thế giới. Vấn đề với Tesla hiện tại là hầu hết mọi người không thể mua được nó, và vấn đề với tất cả mẫu EV khác là phạm vi chạy rất tệ. Tình hình kiểu như thế này:


Trung bình thực tế, một người Mỹ bình thường lái 37 dặm/ngày, và với rất nhiều người con số có thể là trên 80 dặm. Nhưng 80 dặm thì dường như là chưa đủ hấp dẫn với các khách hàng tiềm năng, và con số đó chắc chắn sẽ không thu hút được đại trà người mua.
Kế hoạch của Tesla là làm ra một chiếc xe ngay lập tức sẽ nằm trong Ô 4 của biểu đồ trên, và đó là những gì họ tuyên bố sẽ làm trong năm 2017 khi Model 3 ra mắt. Một số nhà sản xuất ô tô khác, bao gồm Nissan, Volkswagen, và GM đều đã tuyên bố ý định sẽ sớm cho ra mắt một mẫu EV chạy-được-xa-mà-không-đắt-lắm. Ta vẫn chưa thể biết liệu có bất kỳ công ty nào trong số trên sẽ có thể lọt được vào Ô 4, nhưng nếu mà họ làm được thì…
Nếu có một chiếc EV chất lượng cao, giá cả phải chăng, đồng thời có quãng đường di chuyển xa xuất hiện…
Tôi không thể nghĩ ra dù chỉ một lý do cho bất cứ ai để tiếp tục mua xe xăng.
Một chiếc xe chất-lượng-như-xe-Tesla có mức giá phù hợp tầng lớp trung lưu dường như chỉ có có toàn ưu điểm:
Ưu điểm của một chiếc EV giá vừa tầm, chất lượng cao, chạy được xa so với một chiếc xe xăng tương đương:
  • Lái tốt hơn. Mô-men xoắn tức thời của EV giống như phát đạn nổ. Không có thời gian trễ giữa lúc bạn đạp chân vào bàn đạp và cảm nhận được chiếc xe tăng tốc dần. Vì không có bánh răng, quá trình tăng tốc diễn ra cực kỳ mượt. Cảm giác điều khiển cực kỳ phê. Và chiếc xe hoạt động êm ru.
  • Thuận tiện hơn. Không cần đổ xăng hàng ngày. Ít phải đưa xe đi bảo dưỡng hơn. Không cần thay dầu. Vì không tốn không gian cho động cơ, mui xe biến thành cốp trước.
  • An toàn hơn. Không có động cơ, toàn bộ phần phía trước của chiếc xe trở thành bộ phận hấp thụ va cham. Đó là một phần lý do tại sao Model S đã thổi bay các xếp hạng an toàn.
  • Giá rẻ hơn. Không tốn tiền xăng dầu, và ít phải bảo trì. Bye bye bài ca xăng tăng giá.
  • Thân thiện hơn. Không gây khói bụi trong các thành phố, thứ mà gây ra rất nhiều và rất rất nhiều vấn đề sức khỏe.
  • À và vâng, và cả ưu điểm vượt trội trong việc giúp người ta thoát được mấy cái thảm họa về môi trường, kinh tế hoặc địa chính trị gì đó nữa.
Nhược điểm của một chiếc EV giá vừa tầm, chất lượng cao, chạy được xa so với một chiếc xe xăng tương đương:
  • Khiến những người thích dùng tay đẩy-gạt cần số vì làm thế ngầu như những cảnh trên phim không thể tiếp tục làm thế được nữa.
  • Năm ngày một năm, khi bạn lái xe đường dài, bạn phải dừng lại 30 phút sau mỗi ba giờ thay vì 5 phút sau mỗi bốn giờ – một nhược điểm khá là tranh cãi vì thực tế người ta vẫn hay dừng lại 30 phút sau mỗi vài giờ.
Nhưng EV chưa tiên tiến đến mức đó. Và tại thời điểm này. Những khuyết điểm trên là không thể chối cãi. Nhưng chỉ vài năm nữa thôi, EV sẽ rẻ hơn, thời lượng pin sẽ ngày càng dài hơn, Supercharger sẽ mọc lên ở rất nhiều nơi hơn cho đến khi đâu đâu cũng thấy chúng, và thời gian sạc sẽ giảm dần nhờ công nghệ chắc-chắn-sẽ tiến bộ. Có lẽ vẫn còn gì đó mà tôi quên đề cập, và tôi chắc chắn rằng rất nhiều các chuyên gia tìm sâu năng nổ sẽ chỉ rõ cho tôi biết trong phần bình luận, nhưng với tôi điều này là không thể chối cãi: kỷ nguyên của xe xăng đã qua, và EV mới chính là tương lai.

Gã khổng lồ quạu quọ

Các công ty xe hơi, như tôi đã đề cập, chả lấy gì làm vui vẻ về việc này – họ hành động như một đứa bé đang cầm bánh cupcake nhưng bị bố mẹ ép ăn rau.
Nhưng còn ngành dầu thì sao?
Không giống như các công ty xe hơi, ngành công nghiệp dầu mỏ không thể nuốt mớ thực tế này, đu theo trend EV, và sau khi nuốt trôi xuống bụng, tiếp tục phát triển mạnh. Nếu EV thực sự bắt kịp và trở thành loại xe hơi phổ biến, các công ty dầu mỏ sẽ dính đòn trọng thương. 45% lượng khai thác dầu của toàn thế giới là dùng cho hoạt động giao thông vận tải, nhưng ở các nước phát triển, con số này thậm chí còn cao hơn nhiều – ở Mỹ, 71% lượng dầu khai thác được dùng cho ngành giao thông vận tải, và phần lớn là cho ô tô.
Vì vậy, nếu dùng ví dụ như trên, thì ngành công nghiệp dầu mỏ là đứa nhóc đang có một chiếc bánh cupcake nhưng lại bị bố mẹ ép cạp đất mà ăn. Ngành công nghiệp ô tô sẽ phản đối món rau và có một chút giận dữ trước khi miễn cưỡng từ bỏ – ngành công nghiệp dầu mỏ sẽ lồng lộn đòi móc mắt những người đang ép nó phải làm việc này, vì với nó, đây là chuyện sống chết.
Và đó chính là ấn tượng mà ngành công nghiệp dầu mỏ có với EV – một nùi đất cát bẩn thỉu. Và em bé khổng lồ này sẽ không chấp nhận nhai nuốt cái thứ ấy khi chưa chiến đấu quyết liệt.
Chúng ta đã thấy điều tương tự trước đây. Các công ty thuốc lá đã tử chiến bằng cả nanh và vuốt để có thể sống lâu sống khỏe hết mức có thể khi tình hình chống lại với họ. Và chính ngành công nghiệp dầu mỏ đã và đang dùng răng và móng để chiến đấu suốt một thời gian dài với một chiến thuật tương tự – tung sát chiêu để khiến mọi người bối rối không biết sự nóng lên toàn cầu liệu có thật hay là không.
Thông thường trong những trường hợp này, kẻ gây chiến đang cào cấu tìm đường sống biết rằng họ sẽ hết thời. Nhưng vì họ đang kiếm được tiền, và càng kéo dài thêm thời gian trước khi công chúng hoàn toàn hiểu được tình hình, thì càng có thêm thời gian trước khi công chúng quay lưng với họ là một, các chính trị gia chống lại họ là hai, và cuối cùng tiền ngừng chảy vào túi là ba. Thời gian là rất nhiều tiền bạc trong những tình huống thế này.
Chiến thuật để tồn tại được lâu hơn luôn luôn chỉ có một – lan truyền thông tin sai lệch để tạo ra sự nhầm lẫn, và khiến nó nhuốm đậm màu chính trị đến nỗi một nửa đất nước cảm thấy như họ đang “đánh lại người nhà” nếu họ chống lại ngành công nghiệp.
Cách thức siêu thông minh mà họ dùng để tạo ra sự nhầm lẫn là khiến công chúng có cảm giác rằng đang có một cuộc tranh luận thực sự giữa các nhà khoa học. Đó là cách để khiến cho một chủ đề đã được 97% các nhà khoa học đồng thuận trông giống như một câu hỏi mở:


Chiến thuật tương tự đã được sử dụng cách đây vài thập kỷ khi 98% các nhà khoa học đều nói hút thuốc lá gây ung thư phổi, nhưng ngành công nghiệp thuốc lá đã thuyết phục công chúng trong một thời gian dài rằng “các nhà khoa học vẫn chưa thống nhất được” liệu hút thuốc có hại hay không. Cuốn sách Những tay buôn hoài nghi (Merchants of Doubt) liệt kê chi tiết có bao nhiêu “nhà khoa học” ủng hộ hút thuốc sau một thế hệ đã trở thành các khoa học gia phe “sự nóng lên toàn cầu là không có thực” – hóa ra tất cả bọn họ đều là rượu cũ.
Khi Quy định Không khí thải ở California năm 1990 bắt buộc các công ty xe phải tạo ra EV để được tiếp tục bán xe ở CA, ngành công nghiệp dầu mỏ đã coi đó là một khối u nhỏ mà họ cần phải nhanh chóng cắt bỏ trước khi nó di căn. Chẳng mấy chốc, đã có những tiếng nói xuất hiện, một chiến dịch cấp cơ sở có tên là “Người California Phản đối Việc lạm dụng Công ty dịch vụ công cộng” (CAUCA). Chiến dịch đã tổ chức các cuộc biểu tình để phản đối đề xuất dùng tiền đầu tư tiện ích công cộng để hỗ trợ các phương tiện thay thế của bang. Họ đồng thời tuyên truyền rằng “những lợi ích về môi trường của ô tô điện không thực sự rõ ràng”. Nhưng như ta có thể đoán được, CAUCA được tạo ra bởi một công ty PR được thuê và tài trợ bởi ngành dầu mỏ. Và cuối cùng, quy định đã bị bãi bỏ, EV biến mất và khối u đã bị tiêu tan.
Hiện tại, ngành công nghiệp dầu mỏ có thêm một khối u mới – Elon Musk. Tesla đang trực tiếp cho công chúng thấy rằng EV mới là tương lai và họ chính là nguyên nhân cho sự phát triển của công nghệ giúp EV trở nên tốt hơn bất kỳ ai có thể nghĩ. Một quy định của chính phủ thì còn dễ đối phó – nhưng với những chủ xe Model S bị ám ảnh với chiếc xe của họ thì không chút nào.
Nhưng một lần nữa, ngành dầu mỏ không cần phải đá bay EV thì mới có lý do để phát động cuộc chiến – họ chỉ cần trì hoãn “tương lai EV” càng lâu càng tốt. Nhiệm vụ của Tesla là “thúc đẩy sự ra đời của công nghệ vận tải bền vững bằng cách đưa dòng xe điện có sức hấp dẫn với thị trường đại chúng ra thị trường càng sớm càng tốt.” Còn nhiệm vụ hiện tại của các anh đại dầu mỏ là “trì hoãn sự ra đời của công nghệ vận tải bền vững bằng cách khiến mọi người nghĩ EV không thực sự tốt hơn cho môi trường so với xe xăng.”
Nhưng vì EV chắc chắn là tốt cho môi trường hơn, ngành công nghiệp dầu mỏ đã sử dụng đến một công cụ quan trọng.



Chúng ta đang có cả đống những quan niệm sai lầm trôi nổi khắp nơi. Nhưng tôi không né tránh – mỗi lần nghe được ý kiến gì đó về lý do tại sao EV lại tệ hại, tôi mổ xẻ chúng và bắt đầu tìm đọc thêm, nhưng lần nào cũng thế, những ý kiến này có rất ít cơ sở đáng tin. Một số ví dụ về những tin đồn sai sự thật liên quan đến EV nói chung và Tesla nói riêng:
Quan niệm: Việc xử lý pin EV rất nguy hiểm.
Thực tế: A) Các viên pin lithium-ion được sử dụng trong ô tô không đặc biệt nguy hiểm và được phân loại là an toàn để vứt rác, B) Gần như tất cả pin đều được tái chế và C) Chúng sẽ tiếp tục được tái chế, vì pin xe đã qua sử dụng vẫn cực kỳ có giá trị, hoặc là dùng làm pin trạm sạc hoặc là dùng làm nguyên liệu thô.
Quan niệm: Sản xuất một chiếc Tesla gây ô nhiễm hơn nhiều so với sản xuất một chiếc Prius hoặc nhiều mẫu xe xăng khác.
Thực tế: Sản xuất xe đắt tiền thì sẽ gây ô nhiễm hơn xe rẻ tiền. So sánh việc sản xuất xe Tesla với xe Prius thì chẳng khác gì nói rằng “Xe Prius là xe “bẩn” vì sản xuất một chiếc Prius gây ô nhiễm hơn là một chiếc xe golf.” Nếu so sánh trong cùng một hệ về mức ô nhiễm, thì việc làm ra một chiếc Tesla cũng chẳng hơn chẳng kém một chiếc xe sang có giá tương tự.
Quan niệm: EV là một gánh nặng rất lớn đối với hệ thống điện lưới.
Thực tế: Mạng lưới điện có khả năng chịu được 1 giây tệ nhất trong một ngày tệ nhất trong một năm tệ nhất (*ý là giả như toàn bộ nước Mỹ đồng thời sử dụng tối đa công suất điện trong 1s) – vậy nên, thường có rất nhiều công suất dư thừa. Bạn có thể cung cấp được số lượng điện đủ để EVs chạy được quãng đường tương đương 70% tổng quãng đường mà xe xăng chạy ở Mỹ mà chẳng gây xi nhê gì đến mạng lưới điện quốc gia. Tỷ lệ đó sẽ còn tăng cao hơn nữa khi có thêm nhiều gia đình lấy điện từ pin mặt trời.
Quan niệm: Tesla sử dụng rất nhiều than chì để sản xuất pin, điều này góp phần gây ra ô nhiễm ở Trung Quốc.
Thực tế: Logic ở đây là: “Pin của Tesla sử dụng than chì; nguồn than chì lớn nhất thế giới là ở Trung Quốc; Trung Quốc có mức độ ô nhiễm khủng khiếp; do đó, Tesla chịu trách nhiệm một phần cho sự ô nhiễm ở Trung Quốc.” Nghe cũng có lý, ngoại trừ sau khi làm một chút tìm hiểu, tôi phát hiện ra Tesla sử dụng than chì tổng hợp được sản xuất chủ yếu ở Nhật Bản và Ba Lan, và trung bình một chiếc Model S sử dụng hết 100kg loại nguyên liệu này. 100kg đó sẽ tồn tại trong mười năm, do đó, lượng than chì được sử dụng để tạo ra một chiếc Model S cũng tương đương với số lượng than bạn dùng nếu bạn tổ chức vài bữa tiệc nướng mỗi năm.
Nhưng có một quan niệm ‘huyền thoại’ có hiệu quả và sức lan tỏa mạnh mẽ hơn bất kỳ tin đồn nào trong số trên – thuyết ống bô nối dài.
Đâu đâu cũng thấy cái thuyết này. Bất cứ ai không thích EV đều ngay lập tức nhắc đến nó. Vậy thuyết đó là gì? Tôi xin trân trọng dành việc giải thích cho Greg Gutfeld đến từ Fox News:
“Toàn bộ những lý do gốc rễ để sản xuất loại xe ngu ngốc này đều là dối trá, vì điện được sản xuất từ than. Trong một số trường hợp, một số nghiên cứu cho thấy những thứ này có thể gây ô nhiễm nhiều hơn động cơ đốt trong.”
Mới nghe thì câu này cũng có lý. Ta hãy cùng xem lại lưu đồ phát thải nước Mỹ để xem ý của Greg là gì:


Ở phần phía trên của bài này, chúng ta đã xác định được hai nguồn phát thải CO2 lớn nhất: ô tô chạy bằng xăng và nhiệt điện than. Logic của thuyết ống bô nối dài nói rằng tất cả những gì EV làm chỉ là chuyển nguồn cung năng lượng từ loại ô nhiễm số 1 sang loại ô nhiễm số 2. Vì than là nguồn nguyên liệu sản xuất điện nhiều nhất thế giới, và than thải ra lượng carbon gấp khoảng 1,5 lần so với dầu trên mỗi Jun năng lượng được sản xuất, EV thực ra là kẻ gây phát thải tồi tệ hơn so với ô tô xăng.
Khi bạn đọc hoặc nói chuyện với họ về EV, bạn sẽ được nghe thuyết này lặp đi lặp lại hết lần này đến lần khác, rồi lần khác nữa, rồi lần khác nữa nữa.
Mặc dù vậy, bạn sẽ nhận ra mỗi khi có ai đó phát điên vì lượng phát thải EV gây ra do hiệu ứng kéo dài, họ thường sử dụng những từ như, “có thể” và “thường xuyên” và, trong trường hợp của Greg, “trong một số trường hợp, một số nghiên cứu cho thấy.” Ấy là bởi người ta buộc phải dùng những từ như thế khi họ mong ước rằng những điều mình nói là thật, nhưng thực ra là không.
Lấy Mỹ làm ví dụ, tôi sẽ phân tích tại sao họ lại sai:
1) Việc sản xuất điện của Mỹ là đến từ nhiều nguồn, không phải chỉ có mỗi than. Than chỉ chiếm 39% sản lượng điện của Mỹ. Và con số đó sẽ tiếp tục giảm:


Khí đốt tự nhiên, vốn thải ra ít hơn một nửa lượng CO2 so với than, hiện chiếm hơn 1/4 sản lượng điện của Mỹ. Năng lượng hạt nhân và năng lượng tái tạo gần như không thải khí CO2 và hiện đang sản xuất ra 1/3 sản lượng điện của Mỹ.
2) Việc sản xuất năng lượng trong nhà máy điện hiệu quả hơn trong động cơ xe hơi. Ví dụ với cùng loại nhiên liệu có nguồn giống nhau, đốt khí đốt tự nhiên trong nhà máy điện có hiệu suất khoảng 60%, nghĩa là 40% năng lượng sinh ra bị mất đi trong quá trình sản xuất năng lượng. Trong một chiếc xe hơi, việc đốt khí đốt có hiệu suất dưới 25%, với phần lớn năng lượng chuyển thành nhiệt và mất đi. Hệ thống phức tạp và lớn hơn tại nhà máy điện sẽ luôn luôn thu nhiệt thải tốt hơn nhiều so với bộ động cơ xe hơi nhỏ xíu xiu. Sự chênh lệch hiệu suất này có nghĩa rằng ngay cả khi một chiếc xe chạy hoàn toàn bằng điện sản xuất từ than thì vẫn sẽ thải ra lượng carbon ở mức tương đương với một chiếc xe xăng đạt hiệu suất 30 dặm/gallon – tức là sạch hơn đáng kể so với một chiếc ô tô bình thường.
Vì thành phần nguồn năng lượng sẽ khác nhau ở từng bang, EV ở một số nơi sẽ thân thiện hơn so với những nơi khác. Bộ Năng lượng Hoa Kỳ có một công cụ cực kỳ đỉnh để đánh giá chính xác lượng năng lượng tiêu thụ, và thành phần nguồn của lượng năng lượng đó của EV so với xe xăng tại bất kỳ đâu trên toàn quốc.
Ở các vùng sử dụng rất ít than, như ngoại ô New York, lượng khí thải gây ra bởi EV ít hơn rất nhiều so với xe xăng (HEV = xe hybrid truyền thống, PHEV = xe hybrid cắm sạc):


Ở các bang sử dụng than nặng nhất, như Colorado, EV gây ra lượng khí thải CO2 nhiều hơn rất nhiều nhưng vẫn ít hơn so với xe xăng:


Theo mức trung bình toàn quốc, EV gây ra lượng khí thải bằng 61% lượng khí thải của xe xăng:


Ủy ban Các nhà khoa học Quan tâm đã đưa ra một cách để so sánh trực tiếp lượng phát thải do xe hơi, không phân biệt chúng là loại nào – dùng một hệ số đo gọi là “tương đương [dặm/gallon],” hoặc MPGghg (ghg là viết tắt của khí nhà kính – greenhouse gases).
MPGghg thể hiện bao nhiêu [dặm/gallon] mà một chiếc xe xăng sẽ cần phải đạt được để tương đương với lượng khí thải carbon của một chiếc EV (với EV, lượng khí thải đến từ các nhà máy sản xuất điện). Nói cách khác, nếu một chiếc EV đạt 40 MPGghg, thì có nghĩa là nó phát ra lượng carbon chính xác ngang bằng với một chiếc xe xăng đạt 40 MPGghg.
Một chiếc xe xăng mới trung bình đạt 23 MPGghg. Với xe xăng, trên 30 MPGghg là cực kỳ tốt, còn dưới 15 hoặc 17 là tệ. Để so sánh, hãy nhớ rằng một chiếc EV chỉ chạy bằng điện sản xuất từ than sẽ có MPGghg là 30 (vậy là ngay cả khi chạy hoàn toàn bằng năng lượng sản xuất từ than, EV vẫn đạt hiệu suất tương đương với một chiếc xe xăng có hiệu suất cao), và EV chỉ chạy bằng điện sản xuất từ khí đốt tự nhiên sẽ có MPGghg là 54 và vượt lên cả Toyota Prius, mẫu xe đạt mức 50 MPGghg.
Đây là một bản đồ hữu ích khác cho thấy chỉ số MPGghg EV đạt được ở các khu vực khác nhau của Hoa Kỳ:


Như vậy là ngay cả ở trong nhóm 17% thuộc những nơi dùng than nhiều nhất, EV vẫn đánh bại hầu hết tất các mẫu xe xăng. Biểu đồ này sẽ giúp tóm tắt lại:


Và điều quan trọng là, cứ mỗi năm, thanh màu xanh đang-ở-vị-trí-rất-tốt này sẽ thực hiện một cú nhảy sang phải. Bởi hệ thống sản xuất điện ngày càng sạch hơn qua từng năm, điều đó có nghĩa là EV sẽ ngày càng thân thiện hơn theo thời gian. Những chiếc xe xăng thì bị chôn chặt chân, và sẽ phải chứng kiến tương lai ngày càng xa rời.
___________
Trước khi dành nhiều thời gian gần đây để tìm hiểu, tôi không thấy tha thiết gì với chủ đề này lắm – nhưng giờ sau khi đã đổ công nghiên cứu, tôi bắt đầu nghĩ rằng khả năng duy nhất mà ai đó có thể cảm thấy lạc quan về tương lai của xe xăng là khi 1) họ hiểu sai, 2) quan tâm đến khía cạnh tài chính kiếm được từ xe xăng, 3) cổ lỗ sĩ quá khả năng cứu chữa, 4) quá mê đắm chính trị, hoặc 5) chỉ đơn giản là một kẻ khốn nạn – đúng không? Người ta ắt hẳn phải là một trong năm trường hợp trên thì mới cực kỳ ủng hộ xe ô tô xăng đến thế – nhỉ?
Trận chiến đang diễn ra không phải là giữa xe xăng và xe điện. Kết quả của trận chiến đó đã ngã ngũ rồi. Đây là một cuộc chiến về thời gian. Các công ty dầu mỏ sẽ cố gắng trì hoãn mọi thứ, và họ có thể làm chậm mọi thứ – nhưng họ sẽ không bao giờ thắng. Tôi không nhìn thấy một tương lai khả dĩ nào mà họ có thể. Một công ty sản xuất nhiên liệu cho đèn lồng có thể sống tốt được một thời gian bằng cách ngăn không cho công chúng biết bóng đèn là gì, nhưng đến cuối cùng, mọi người đều sẽ biết và mớ đèn lồng kia sẽ bị xếp xó, kéo theo các công ty nhiên liệu đèn lồng đằng sau. Những mui xe đầy dầu mỡ, âm thanh ồn ào khi tăng tốc, động cơ quá nóng, thay dầu…tất cả những thứ ấy đã quá cổ lỗ rồi, và rất sớm thôi mọi người sẽ nhận ra điều đó. Một chuyến đi tham quan vui vẻ vào năm 2050 sẽ giống kiểu đưa con cháu đến xem một trạm xăng cũ kỹ từ thế kỷ 20 và giải thích cách nó hoạt động. Lái xe xăng sẽ giống như xả rác ở nơi cắm trại, hút thuốc trên máy bay và ném một đống giấy trong thùng rác, và chỉ còn là vấn đề thời gian cho đến khi nó bị liệt vào ‘danh sách những việc phát ghê’ của công chúng.

Nhìn lại bức tranh lớn

Quá trình học cách khai thác con rồng mang tên Lửa đã đặt nền móng cho thế giới hiện đại ngày nay, và cho đến giờ, chúng ta vẫn sống trong thời đại của đốt và cháy. Nhưng chúng ta cần phải tiến lên – chúng ta cần ngừng sống dựa vào nguồn quỹ và phải tự kiếm việc nuôi thân. Con chó cần phải rời cái hang. Chúng ta cần học cách tạo ra năng lượng theo cách của một người trưởng thành – bền vững.
Tương lai của một thế giới năng lượng bền vững – vùng màu vàng trong biểu đồ dòng thời gian đã được nhắc đến trước đó trong bài này – rất đơn giản. Nó kiểu như thế này:
1) Gần như tất cả mọi thứ chúng ta sử dụng sẽ chạy bằng điện.
2) Gần như tất cả lượng điện sẽ được sản xuất từ các nguồn bền vững.
Đó là một thế giới chạy bằng ánh sáng Mặt Trời và điện, và không còn chút bóng dáng nào của đốt hoặc cháy nữa.
Quá trình chuyển đổi này sẽ diễn ra theo từng bước, theo thời gian. Ở đầu bài, chúng ta đã xác định hai vấn đề khẩn cấp nhất cần giải quyết: 1) Hoạt động sản xuất điện có quy mô rất lớn và hầu như là bẩn, 2) Hoạt động giao thông vận tải có quy mô rất lớn và gần như bẩn hoàn toàn.
Chúng ta cũng đã dành phần còn lại của bài viết để tập trung vào Vấn đề 2 để tìm hiểu xem mọi thứ diễn ra như thế nào, hiện trạng được giữ nguyên như thế nào, và tại sao chúng ta rất có thể đang chứng kiến khoảnh khắc cuối cùng thì nó cũng thay đổi.
Hôm nay chúng ta sẽ không đào sâu vào Vấn đề 1 – nhưng cả Musk, thông qua công ty lắp đặt tấm pin năng lượng Mặt Trời hàng đầu Hoa Kỳ mà anh đồng sáng lập, SolarCity, và Tesla, cùng với sản phẩm mới của họ, bộ pin tĩnh Powerwall, đang dẫn đầu trong phần nửa này của phương trình năng lượng 2 biến số trên. Dành cho những ai quan tâm, tôi có viết một bài đăng nhỏ về năng lượng Mặt Trời và SolarCity.
Mọi người vẫn chưa nhận ra được tất cả việc này, nhưng vào thời điểm hiện tại, một gia đình hoặc doanh nghiệp đã có thể lựa chọn để tự mình tiến đến tương lai bền vững. Chỉ với việc sử dụng các sản phẩm do SolarCity và Tesla sản xuất, ngày nay bạn có thể dùng pin năng lượng Mặt Trời để cung năng cả cho ngôi nhà bạn đang ở và chiếc xe bạn đang lái, sống hoàn toàn dựa vào ánh sáng Mặt Trời. Musk và các công ty của anh đã xây lên một con đường gạch nhỏ màu vàng dẫn lối ra khỏi Kỷ nguyên Nhiên liệu hóa thạch cho bất cứ ai muốn rời đi. Và nếu công nghệ hiện đại có thể cho phép từng cá nhân, doanh nghiệp hoặc thậm chí cả thành phố sống mà không cần nhiên liệu hóa thạch, thì đó là dấu hiệu cho thấy rằng thời đại duy nhất mà tất cả chúng từng sống trong nó có thể sắp kết thúc.

Cách thay đổi thế giới

Nghiên cứu về Tesla không phải là để nói về một mẫu xe hoặc một công ty xe – mà để nói về cách mà những sự thay đổi diễn ra như thế nào. Và về lý do tại sao điều đó đặc biệt.
Trực giác thưởng bảo chúng ta rằng công nghệ, các chuẩn mực xã hội, các phong trào và ý tưởng sẽ luôn tiến về phía trước theo thời gian. Cũng giống như những chiếc bè trôi trên mặt sông bị nước đẩy về phía trước. Chúng ta luôn luôn ngầm ấn định rằng thêm thời gian thì cũng thêm tiến bộ, đến nỗi ta dùng thuật ngữ “tương lai” để diễn tả “tốt hơn”, một phiên bản nâng cấp của hiện tại.
Trên thực tế, nếu một tương lai tiến bộ hơn có xảy ra đi nữa, thì đó là vì tương lai đó được nhen nhóm bởi một số người dũng cảm trong hiện tại. ‘Hiện tại’ của chúng ta hiện nay không cởi mở với tương lai phiên-bản-nâng-cấp cho lắm, bởi ‘hiện tại’ đang chịu sự áp đặt của một tán cây dày tạo thành từ những ý tưởng, chuẩn mực và công nghệ của quá khứ. Đúng là có một số điều chỉnh tăng lên và lặp lại một chút chút về các khái niệm đã được chứng minh, tạo cảm giác như chúng ta đang tiến tới tương lai, nhưng thực ra chúng ta chỉ đang ăn mày quá khứ.
Khi sự thay đổi thực sự đến, chúng ta chắc chắn sẽ biết. Nó là một cảm giác khác biệt và phấn khởi khi bạn chứng kiến một nhà cải cách phá vỡ tán cây cao nhất và bứt lên. Tôi đã có cảm giác đó khi xem Steve Jobs giới thiệu iPhone vào năm 2007. Trước đó, tôi đã cho rằng những Blackberry, những Nokia và Razor là trần công nghệ tiên tiến của thế giới – nhưng bài phát biểu đó là một bản hùng ca về việc những bụi bặm quá khứ đã gieo phủ lên những mẫu điện thoại đó dầy như thế nào. Chúng ta chẳng biết chiếc Blackberry của mình cùi bắp thế nào cho đến khi iPhone xuất hiện. Cảm giác khi chứng kiến bài phát biểu đó giống với cảm giác như hồi tôi lên sáu và lần đầu tiên thấy ai đó gõ văn bản trên vi tính, những từ cuối cùng trên một dòng sẽ tự động nhảy xuống đầu dòng bên dưới một cách kỳ diệu khi nó chạm vào lề. Máy đánh chữ, vốn là bình thường sáng hôm đó, đột nhiên thật cổ xưa. Điều tương tự cũng xảy ra khi tôi nhìn thấy chiếc iPod đầu tiên và ngay lập tức chán ghét chiếc CD hộp nhựa khủng khiếp và phiền phức của mình.
Tôi đã có cảm giác ấy một lần nữa, vào tháng trước, khi lái thử chiếc Tesla Model S. Chiếc xe cho thuê mà tôi lái đến nhà máy Tesla sáng hôm đó có cảm giác giống như một chiếc xe hoàn toàn mới, nhưng khi rời nhà máy, tôi có cảm giác như nó từ năm 1982. Bây giờ tôi hiểu tại sao Matthew Inman gọi chiếc Model S của anh ấy là “một chiếc xe không gian ma thuật” – vì cảm giác đúng là như thế. Một công nghệ mới, mang tính cách mạng luôn luôn đem đến cảm giác ấy. Thế giới hiện đại của chúng ta trở nên tiên tiến như ngày nay không phải bằng cách nhờ được một dòng sông tiến-lên-nghĩa-là-tiến-bộ đẩy đi, mà bởi một chuỗi những khoảnh khắc khi một người hoặc công ty nào đó làm một điều gì đó khiến cả thế giới há hốc mồm.
Nhưng những khoảnh khắc thay đổi thế giới này không chỉ đơn giản là lướt qua: những bước nhảy vọt tới tương lai thường phải tự bứt phá qua tán cây và sau đó chiến đấu để tồn tại ở đó. Quá khứ, vốn thích lảng vảng lang vang ở hiện tại, sẽ ghét khi một phần của tương lai bùng nổ sớm, bởi vì điều đó phơi bày ra bộ mặt thật của quá khứ – chỉ là những gì đã qua. Vì vậy, một công nghệ mới và đột phá thường gặp phải sự thù địch khi nó xuất hiện, vì tán cây hiện tại sẽ làm bất cứ điều gì có thể để loại bỏ tận gốc kẻ gây rối tiềm năng trước khi nó có thể vào đà và bắt đầu lan rộng. Kẻ bảo thủ già nua biết rằng một khi kẻ gây rối đã có chỗ đứng và bắt đầu nhanh chóng truyền bá ý tưởng của hắn, luật chơi sẽ thay đổi hoàn toàn – và một khi gió đã đổi chiều, giờ đây, thay vì cố gắng đè bẹp kẻ gây rối, tất cả sẽ phải tranh giành để cố gắng theo chân kẻ đó.
Những gì Tesla đang làm ngay bây giờ là một ví dụ gần gũi về toàn bộ những điều đó.
Ý tưởng thay đổi ngành công nghiệp xe hơi bắt đầu từ những sóng não râm ran trong đầu Elon Musk, như Christie Nicholson đúc kết, nhưng chỉ một mình Musk thì không thể làm được gì nhiều. Để biến ý tưởng thành hiện thực, anh ấy phải mở rộng những sóng não đó và anh làm điều đó bằng cách xây dựng Tesla. Và thế là một người chơi mới xuất hiện trên sân của ngành công nghiệp xe hơi, được điều hành bởi một siêu bộ não hình thành từ 11.000 nhân viên Tesla, những người, thật tình cờ làm sao, cũng nghĩ rất nhiều về xe điện.
Thay đổi không xảy ra trên một khu phố quen thuộc – thay đổi phải tạo ra khu phố. Đây là một phần lý do những thách thức mà Tesla đã phải đương đầu là siêu khổng lồ. Henry Ford không chỉ tạo ra một chiếc xe hơi – ông đã tạo ra một khu phố mang tên xe hơi. Kể từ đó, các công ty xe đã loanh quanh trong phạm vi khu phố của Ford. Xin nhắc lại những gì Musk đã nói về Ford – Ông là kiểu người mà nếu gặp chướng ngại, ông sẽ tìm ra cách để giải quyết, và ông sẽ tìm được. Ông luôn luôn tập trung vào những gì khách hàng cần, ngay cả khi họ không biết mình cần gì – và rõ ràng đây chính xác là những gì mà Musk và Tesla đang làm. Chưa có đủ các trạm sạc cho các chuyến đi dài? – xây dựng một mạng lưới Supercharger. Khả năng mở rộng bị kìm hãm bởi giá pin lithium-ion cao? – xây dựng một nhà máy để tăng gấp đôi nguồn cung trên thế giới để giảm giá. Làm bất kể điều gì để đạt được mục tiêu.
Nhưng với một mục tiêu đầy tham vọng như “thúc đẩy nhanh chóng sự ra đời của giao thông vận tải bền vững” và một tầm nhìn cực khủng là “một nửa số xe hơi mới là xe điện", xây dựng một công ty xe hơi tuyệt vời là không đủ. Để đưa ý tưởng ban đầu của Musk lên cấp độ tiếp theo, Tesla sẽ cần phải tự mở rộng quy mô. Để làm được điều đó, Tesla đang chế tạo một dòng xe hơi tuyệt vời đến nỗi nó sẽ thay đổi những kỳ vọng của cộng đồng về những gì một chiếc xe nên có, và toàn bộ ngành công nghiệp sẽ phải điều chỉnh theo kỳ vọng mới đó.
Và bằng cách giải quyết rất nhiều vấn đề đặc thù của EV trên những chiếc xe của riêng mình, Tesla đã tạo nên con đường dẫn đến một thế giới nơi EV thống trị cho tất cả các công ty khác bước theo. Một công ty đang cố gắng vươn lên dẫn đầu sân chơi sẽ giữ kín những bí mật về sự tiến bộ – nhưng vì mục tiêu của Tesla là thay đổi ngành công nghiệp, nên vào năm 2014, họ đã công khai miễn phí tất cả các sáng chế của họ cho bất kỳ ai muốn dùng.
Các công ty khác rất quan trọng đối với nhiệm vụ này, bởi vì mục tiêu của Tesla, tăng sản lượng lên tới 500.000 xe, chỉ chiếm khoảng 0,5% tổng số xe được sản xuất mỗi năm. Musk giải thích, “Những tác động mà Tesla có thể tạo ra sẽ khá nhỏ. Có lẽ nó sẽ thay đổi nhận thức của mọi người, nhưng nó sẽ không thay đổi thế giới. Nhưng nếu có một số lượng lớn người chọn mua Model 3, và các công ty xe hơi thấy rằng không còn vướng mắc nào nữa vì phạm vi chạy, khả năng xử lý và tăng tốc của xe tốt hơn toàn diện so với xe chạy bằng xăng, và mức giá thì vừa phải – và mọi người khá chắc chắn đây là thứ họ muốn mua – đó là điều sẽ thúc đẩy các công ty xe hơi thực sự đầu tư tiền vào các chương trình xe điện của họ, và gián tiếp, bằng cách thúc đẩy cạnh tranh, Tesla có thể là chất xúc tác dẫn đến sự thay đổi dây chuyền với cường độ tăng dần làm toàn bộ ngành công nghiệp chuyển hướng sang xe điện.”
Đó là cách mà sóng não của một cá nhân truyền sang một ngành công nghiệp lớn và đại chúng toàn cầu – và đến lúc đợt sóng đó đã tỏa đi khắp các ngách, người ta sẽ nghĩ rất nhiều về xe điện.
Có thể tôi có sai sót gì đó, hoặc có thể một điều bất ngờ xảy ra, nhưng từ những gì tôi đã thấy, đọc và nói về chủ đề này, tôi tin rằng Tesla sẽ hoàn thành nhiệm vụ và thay đổi thế giới. Nó sẽ thúc đẩy nhanh chóng sự ra đời của giao thông vận tải bền vững bằng cách đưa dòng xe điện có sức hấp dẫn với thị trường đại chúng ra thị trường càng sớm càng tốt. Nếu Model 3 sẽ tuyệt vời như họ nói, thì tôi không nghi ngờ gì về việc xe điện sẽ trở thành một tiêu chuẩn trong thời gian sớm hơn nhiều so với dự tính. Điều đó có nghĩa là, theo đà, 50 năm nữa, mức CO2 của khí quyển có thể sẽ thấp hơn so với trước đây, các thành phố sẽ ít khói hơn so với trước đây, nhiệt độ toàn cầu theo đó cũng sẽ thấp hơn so với trước đây, chú gấu bắc cực buồn bã sẽ lại được chén thịt hải cẩu, cùng với khoảng 12 tác động tích cực khác có ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống của chúng ta. Thực lòng thì, với tôi đây là một định nghĩa khá chuẩn về thay đổi thế giới.