Đợt này mình đang cày cuốn History of Philosophy của Bertrand Russell, một cuốn sách cực kỳ chi tiết về lịch sử triết học phương Tây, chi tiết nhiều lúc đến … phát nản. Nhưng quan trọng là có 1 đoạn về sự hình thành của Stoicism (Chủ nghĩa khắc kỷ). Thực ra cũng giống khá nhiều những trường phái triết học hậu Socrates, Chủ nghĩa khắc kỷ ra đời khi thế giới bắt đầu trở nên quá hỗn loạn với chiến tranh, dịch bệnh và các thứ tương tự, khiến con người phần lớn không tìm được định hướng và hoang mang do thiếu cảm giác kiểm soát được tình hình. Còn thậm tệ hơn (cũng giống tình trạng mấy ngày nay), bạn có thể nhận thấy rõ hoang mang sẽ lây lan và mang tính bầy đàn. Vậy nên những người thông thái mới mong muốn tạo ra một trường phái hướng con người ta vào bên trong, với các giá trị cốt lõi, từ đó có thể vững vàng trong cuộc đời.

Trở lại với hiện tại, chắc bạn cũng đồng ý rằng giờ đây thế giới cũng hỗn loạn không kém. Có lẽ vì vậy nên Stoicism mới trở nên phổ biến hơn rất nhiều trong mấy năm nay, đặc biệt sau sự lan truyền từ Silicon.

Tuy nhiên, phần lớn mới chỉ biết đến Stoicism, mà chưa thực sự biết cách áp dụng nó vào cuộc sống. Vậy nên bài này mình muốn chia sẻ vài thứ có thể làm trong tình huống cụ thể hiện nay, hy vọng đem lại cho các bạn được cái nhìn về một cách xử lý tình huống theo Stoicism.


1.  Bạn đã nhắc lại điều quan trọng nhất của Stoicism chưa: Đâu là thứ bạn có thể kiểm soát được, và đâu là thứ bạn không thể kiểm soát?

Mình cũng phải dừng lại và tự hỏi bản thân câu này. Theo mình thì tốc độ lây lan của virus' tỷ lệ chết của người nhiễm; những người share tin tạp vì mục đích cá nhân, hay vì lo lắng cho cộng đồng; hay ngay cả những biện pháp mang tầm quốc gia, là những thứ mình không thể kiểm soát được.
Vì vậy nên, thứ nhất, mình cần coi nó là "indifferent" (thuật ngữ Stoic), tức là đừng để nó ảnh hưởng đến cảm xúc của mình. Thứ 2, khi đã không kiểm soát được, mình sẽ hạn chế bàn hay share điều gì về nó. Vì nếu bạn nhìn nhận kỹ, việc bàn về nó ngay lập tức sẽ khiến bạn hoang mang, và như đã nói ở trên, hoang mang sẽ mang tính bầy đàn, tức là ngay lập tức bạn sẽ có xu hướng tìm kiếm những thông tin (kiểu mới cập nhật, chưa rõ độ chính xác) để share, từ đó khiến cái tôi cảm thấy nhẹ nhõm hơn khi ở giữa những người cùng hoang mang như bạn.

Một lý do nữa để tập theo cái "indifferent" này của Stoicism, là khi mà bạn hoang mang, đảm bảo bạn sẽ không thể tập trung vào những thứ quan trọng được. Tức là bạn khiến những thứ không thể kiểm soát được ấy làm chậm quá trình phát triển của bản thân, và điều này nghiệm ra thì không những không có lợi ích gì mà thậm chí còn có hại.

Tuy nhiên, những điều ấy không có nghĩa là mình không làm gì. Thứ mà mình có thể kiểm soát được là hành động của bản thân, tức là cố gắng cẩn thận hơn và tuân thủ nghiêm ngặt những biện pháp phòng chống virus. Và cái này thì dễ dàng kiểm chứng về thông tin hơn rất nhiều so với những thông tin về tốc độ lây nhiễm hay tình trạng tồi tệ của căn bệnh. Cách đơn giản nhất là tìm đến các trang uy tín, nếu cẩn thận thì đối chiếu 2 3 trang gì đó, nếu thấy giống nhau thì quất. Điều thú vị là bản thân mỗi người thậm chí cũng đoán được những biện pháp này mà, đúng không? Đeo khẩu trang, tránh chỗ đông người, rửa tay thường xuyên, duy trì tập luyện và ăn uống điều độ. Chỉ những biện pháp như cố gắng giữ nhiệt độ trên 25 độ là cần đến lời xác nhận của chuyên gia thôi.


2.  Hãy chấp nhận rằng bạn không biết rất nhiều thứ, và điều đó chả sao cả

Epictetus, trong The Enchiridion đã viết:
“If you want to improve, be content to be thought foolish and stupid with regard to external things. Don't wish to be thought to know anything; and even if you appear to be somebody important to others, distrust yourself. For, it is difficult to both keep your faculty of choice in a state conformable to nature, and at the same time acquire external things. But while you are careful about the one, you must of necessity neglect the other”.
Đại ý ở đây là hãy chấp nhận bạn chả biết thứ gì bên ngoài (tức là bất cứ thứ gì không phải phẩm cách – virtues), ngay cả khi người ta nói bạn ngu ngốc hay điên khùng. Vì chỉ có bạn biết bạn đang tập trung đến những thứ giá trị hơn mà thôi.
Nếu tự nhắc lại những lời ấy trong trường hợp này, cũng sẽ giảm được kha khá động thái hùng hùng hổ hổ đi tìm thông tin (mà thiếu đi thời gian kiểm chứng), rồi share, rồi hoang mang, rồi tranh cãi tùm lum. Vì khi ta đã thừa nhận ta không biết những thông tin cụ thể, mà chỉ cố gắng cẩn thận hơn và phòng ngừa, thì … ai bàn gì kệ họ, ta vẫn cứ “Keep calm and Stoic on” thôi.

3.  Tập bài “Negative Visualization”

Seneca có nhắc đến trong một bức thư nào đó, là nếu một điều gì xấu có thể xảy ra, hãy nghĩ như thể nó chắc chắn sẽ xảy ra. Vậy, ở đây, mình thử nghĩ sẽ thế nào nếu mình bị lây bệnh và hy sinh. Thú thực thì chả vui vẻ gì khi bị chết bởi 1 con virus, mà lại còn là virus của bọn Tàu. Tuy nhiên, nếu nghĩ lại thì chết cách này có lẽ không quá đau đớn, ít nhất theo mình là tốt hơn việc đi đường bị bê tông rơi vào đầu hay bị đánh đập cho đến chết. Nghe có vẻ buồn cười, nhưng chắc bạn cũng đồng ý rằng có rất nhiều cách chết khác lãng nhách hay đau đớn hơn rất nhiều.
Đồng thời, nếu rủi mà bị chết bởi corona, mình tưởng tượng liệu mình có thể chết trong bình thản được như tư tưởng Stoicism hay không, hay là lúc ấy bù lu bù loa “bác sĩ ơi bố mẹ ơi con virus hại đời con” các kiểu. Nếu mình bình thản được, ít nhất, cái chết của mình cũng chứng tỏ cho mình là bản thân không chỉ nói, mà còn làm được theo thứ mình tin tưởng.

Hình như hơi lan man rồi. Nhưng có lẽ bạn cũng thấy, càng vào tình huống càng có thứ để ta kiểm nghiệm về tư tưởng của mình. Và tất nhiên còn rất nhiều cách hay lời dạy khác của Stoicism mà các bạn có thể áp dụng nhé. Vậy nên, thay vì hoang mang lo sợ, hãy tập trung vào đọc, luyện tập tư tưởng, và thực hành những điều mình cảm thấy đúng đắn, bạn nhé :)

A Dreamer

👉 ĐỂ HIỂU THÊM VỀ CHỦ NGHĨA KHẮC KỶ VÀ THỰC HÀNH CÙNG SENECA, BẠN CÓ THỂ ĐẶT MUA BỘ SÁCH NGAY TẠI ĐÂY: