Do đây là một chuỗi bài viết về những tác phẩm đặc sắc của Hirokazu Koreeda, nên mình xin phép trích lại một số thông tin chung về ông cũng như phong cách nghệ thuật chủ đạo của vị đạo diễn này từ những bài viết mình đã đăng tải trước đó. Mong bạn đọc thông cảm!
Hirokazu Koreeda là một đạo diễn tài năng của Nhật Bản với rất nhiều giải thưởng trong nước cũng như quốc tế, tiêu biểu là giải Cành Cọ Vàng cho sự xuất sắc của tác phẩm Shoplifters. Con người, gia đình là yếu tố chủ đạo trong các tác phẩm của ông, từ nền tảng về những mảnh đời bình thường không có gì nổi trội, ông đã gửi gắm vào đó những thông điệp sâu sắc, nhức nhối về xã hội cũng như gia đình theo một góc nhìn trực diện.
Chủ đề của bài viết lần này sẽ là Still Walking - một tác phẩm nhẹ nhàng đậm chất Shōshimin-eiga tại Nhật Bản, Shōshimin-eiga là thể loại phim của Nhật Bản mà cốt truyện chủ đạo xoay quanh cuộc sống thường ngày của tầng lớp trung lưu. Shōshimin-eiga hướng tới những giá trị, bài học nhỏ nhặt mà ta chắt chiu trong cuộc sống thường ngày, đôi khi chỉ là câu nói, hay chỉ là hành động nấu ăn cũng sẽ để lại chút dư vị cho người xem, mà không cần tập trung làm căng thẳng hay đẩy mạnh cao trào của mạch phim. Nhắc tới thể loại này thì không thể không nhắc tới Ozu Yasujirō - bậc thầy của điện ảnh đời thường, và người kế thừa và tiếp nối danh hiệu đó không ai khác ngoài đạo diễn Hirokazu Koreeda.
Cũng phải nói qua rằng Still Walking có nhiều nét tương đồng đối với các tác phẩm khác của cố đạo diễn Ozu Yasujirō, đặc biệt là Tokyo Story. Trả lời giới báo chí, đạo diễn Koreeda cũng đã phát biểu rằng:
“Tokyo Story is one that has some similar aspects, too. It shows the children as not very sympathetic characters. But it also has a very beautiful Ozu-type motif in the widow of the son who died in the war. She still has the picture of the son in her apartment and has not remarried. In Still Walking, the widow of the son who has died has gone off and remarried. She’s no longer in the family. These are the kinds of things that are in Ozu that I try to negate in my film.”
Vì kĩ năng dịch thuật còn hạn chế nên mình xin phép để nguyên tác tiếng anh để tránh dịch sai tới bạn đọc.
Quay trở lại với Still Walking, bộ phim là câu chuyện ngắn ngủi xảy ra khi gia đình nhà Yokoyama tụ họp tổ chức đám giỗ cho người con trai trưởng Junpei đã mất từ lâu về trước khi cố cứu một đứa trẻ ngoài biển. Chỉ gói gọn trong không gian một căn nhà mà bộ phim đã lột tả hết được những xung đột, tiếc nuối cũng như tính cách đặc trưng của từng nhân vật. Dù ngôi nhà không hề thay đổi, bữa cơm mẹ nấu vẫn ngon như thế nhưng các thành viên góp mặt trong buổi lễ đó lại có sự thay đổi bất ngờ. Những chi tiết này có thể đối chọi lại với nhau trong một số tình huống nhưng đến cuối cùng cũng chỉ là những lần lưu luyến, cảm giác bâng khuâng xâm chiếm tâm trí người xem dù không có lời thoại nào thể hiện rõ ràng việc đó.
Theo một bài phỏng vấn vào năm 2009, Hirokazu Koreeda tiết lộ với báo giới rằng Still Walking được tạo ra dựa trên nguyên mẫu chính gia đình của ông.
Đó cũng là cách giải thích hợp lý cho việc các nhân vật trong bộ phim đều có chất riêng của mình, những loại tính cách đa dạng đan xen giữa các thành viên trong gia đình đều được bộc lộ chân thật, không hề có một chút gượng gạo, một phần là do tài năng của dàn diễn viên, phần còn lại là cách triển khai tính cách nhân vật trên một hình mẫu thực tế mà tác giả đã tiếp xúc, điều này dẫn đến câu chuyện trong phim diễn ra mạch lạc, những câu thoại sắc bén đều có chủ đích thay vì chỉ thoại vu vơ để làm tăng tính kịch cho câu chuyện.
Những câu chuyện…
Điểm hay của Still Walking là tính bao quát xung đột giữa các thành viên trong gia đình về cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Câu chuyện cãi cọ giữa bố và con trai, hay mẹ chồng và con dâu… Koreeda đã tận dụng tối đa không gian để gia tăng sự kịch tính cho các xung đột này mà không cần những phân cảnh khoa trương hay quá khích của nhân vật. Tất cả chỉ bằng lời nói và những cử chỉ nhẹ nhàng.
Ngôi nhà của gia đình Yokoyama ngày giỗ Junpei chả khác nào chiếc hộp chứa những viên bi màu sắc mà bọn trẻ hay có. Hãy tưởng tượng tương tác giữa các thành viên trong nhà như việc những viên bi va chạm mạnh mẽ vào nhau khi chiếc hộp bị rung lắc, liên hồi và mãnh liệt, xung đột của các thành viên gia đình Yokoyama cũng vậy, người này lại liên đới tới người kia, tạo thành một chuỗi phản ứng mà lời nói người này lại vô tình tổn thương tới người khác.
Quay lại với tuyến nhân vật, chúng ta thấy ông bố càu nhàu khó tính, niềm nở với người ngoài nhưng lại khắc khẩu với chính gia đình của mình, chính cái tính khinh người của ông mà đôi lúc đã làm cho người khác thấy buồn lòng. Bà mẹ nhẹ nhàng, chăm lo cho gia đình chu toàn như những bà mẹ đáng kính khác nhưng đằng sau sự dịu dàng, nhường nhịn ấy lại là cả một bầu tâm sự nặng trĩu lên đôi vai và qua ánh mắt đượm buồn của bà. Được biết nguyên tác người mẹ được dựa trên chính mẹ của đạo diễn Koreeda, đây cũng là cách mà vị đạo diễn tri ân người mẹ quá cố của mình. Đứa con gái thứ đã lập gia đình và có 2 con nhỏ muốn chuyển về sống cùng bố mẹ. Nhân vật chính Ryota là một nhà bảo tồn tranh ảnh hiện đang thất nghiệp thay vì làm bác sĩ như kỳ vọng của gia đình. Đây cũng là lý do dẫn tới sự mâu thuẫn giữa anh và bố mẹ của mình. Hơn thế nữa, anh còn lấy một người đàn bà góa chồng có con riêng, đây là điều cấm kỵ trong xã hội Nhật Bản thời bấy giờ.
Mạch phim là dòng chảy tự nhiên của oán hận, niềm vui, nỗi bất an lan truyền nhẹ nhàng khắp mọi thành viên trong gia đình tạo thành một câu chuyện lắng đọng, sắc sảo về tình cảm gia đình mà cũng tác động sâu sắc về mặt cảm xúc.
Đứa con không hoàn hảo
Phải kể từ Ryota vì đây là nhân vật có nhiều luồng xung đột nhất với các thành viên khác trong gia đình. Anh luôn cảm thấy bị so sánh với người anh Junpei của mình, điều này được đặc biệt thể hiện qua tương tác của bố mẹ anh. Đây cũng là điều dễ hiểu vì tại thời điểm đó không chỉ văn hóa Á-Đông nói chung, văn hóa Nhật Bản nói riêng, con cái luôn luôn sống cho tương lai của bố mẹ. Tương lai họ được tự hào với những người con giỏi giang, chức cao vọng trọng. Điều này cũng xuất phát từ việc ông bố là một bác sĩ, ngay cả khi nghỉ hưu ông vẫn muốn người khác gọi mình là bác sĩ và còn từ chối đi chợ giúp vợ vì ông sợ người khác sẽ phán xét mình. Chính sự thiên vị đối với anh trai mà khiến khoảng cách giữa anh và bố mẹ ngày càng xa và anh cũng có những mặc cảm nhất định. Theo sau đó là đối với người vợ của mình, cô cũng không được chào đón trong gia đình, bởi cô là một góa phụ đã có con riêng, cảm giác những lời nói đầy ẩn ý từ phía bố mẹ khiến cô con dâu như bị gai đâm hàng loạt nhưng vẫn cố gượng cười trước sự công kích ấy, đây cũng là điều Ryota sợ vợ và con mình sẽ phải chịu đựng cùng với anh. Và với tư cách là một người con Ryota cũng kỳ vọng ngược lại bố mẹ sẽ thấu hiểu, cảm thông cho mình. Nhưng có lẽ điều đó là không thể, cũng phần nào giải thích lý do tại sao Ryota luôn có chút gượng gạo, né tránh khi nói đến chuyện về nhà và trong cách nói chuyện với bố mẹ.
Người mẹ
Xuyên suốt bộ phim ta đã thấy những lời nói bóng gió của người mẹ, có hơi chút độc đoán, xéo xắt nhưng hãy thử nhìn lại xem điều gì đã khiến một người mẹ đáng kính phải trở nên độc hại như vậy.
“Mẹ muốn có ai đó để đổ lỗi”
Đây chính là lời giải thích của người mẹ về việc năm nào bà cũng mời Yoshio - thằng bé được Junpei cứu về dự ngày giỗ. Ngay chính lúc này đây không chỉ mình mà mình tin chắc mọi khán giả khác đều có cái nhìn cảm thông đối với tình hình hiện tại của người mẹ. Nỗi đau của bà mẹ mất con còn đau đớn hơn những gì người ngoài có thể nhìn thấy. Tuy không thể hiện ra nhưng đâu đó trong lời nói của bà, ta vẫn cảm nhận được những giọt nước mắt, giọt nước mắt từ trong trái tim của bà.
Ở phân đoạn đầu phim, khi cùng con cái chuẩn bị bữa ăn, bà cũng đã nói:
“Với lại, cưới người đã ly hôn còn hơn cưới góa phụ Người ly hôn thì chủ động bỏ chồng.”
Hay như khi bà cùng gia đình Ryota đi thăm mộ gia đình Junpei, bà đã nói:
“Hai con có định có con không ? Cứ nghĩ đi, có con sẽ khó ly dị hơn.”
Phải xâu chuỗi những chi tiết này với phân cảnh mọi người bàn đến âm nhạc trong bữa ăn. Ông bố luôn miệng chê bai người vợ của mình không biết gì về âm nhạc bằng những từ ngữ nặng nề. Chỉ đến khi lời bài hát yêu thích của bà phát lên qua đĩa nhạc, bầu không khí bữa ăn mới có chút thay đổi.
“Ánh đèn phố thật đẹp phải không anh Yokohama. Ánh đèn Yokohama Ở bên anh thật hạnh phúc”
Nghe rất tình tứ, nhưng thật tiếc đây không phải bài tình ca của bà và chồng. Đây là bài hát phát ra khi bà cõng Ryota tới tìm ông nhưng lúc đó ông với tình nhân đang tình tứ trên nền bài hát Yokohama, sau đó bà chỉ lẳng lặng ra về. Nếu như thế, thì có phải người mẹ bao dung ấy thật đáng thương không? Ngay cả một bài hát yêu thích của bà cũng là bài hát giữ lại những kỉ niệm đau buồn ấy.
Giờ ta đã hiểu những câu nói của bà có ý nghĩa như thế nào, cá nhân người viết thấy rằng, một phần nào đó trong những lời nói ấy, bà đang ám chỉ chính mình. Mình cũng thấy rất vui khi nhân vật người mẹ có những tiến triển tích cực xuyên suốt mạch phim vì bà đã nói ra những ấm ức của lòng mình bằng cách này hay cách khác, bằng lời trách móc hay bài tình ca lãng mạn…
Tuy vậy, đạo diễn Koreeda cũng đã rất tinh tế trong việc cài cắm những chi tiết ẩn trong phim, ông muốn cho khán giả thấy một người mẹ gai góc, độc đoán nhưng cũng muốn ngầm nhắn nhủ rằng thực chất người mẹ, dù cho đó có là người mẹ quá cố của ông hay những bà mẹ khác, bản chất của họ vẫn rất thương yêu con cái mình, chỉ có cuộc đời nhiều biến cố đã khiến cách thể hiện của họ khác nhau.
Như ở đoạn cuối phim, vợ Ryota trách rằng bà vẫn chưa xem mình là con trong nhà và không đối xử niềm nở với con trai của cô khi bà chỉ mua đồ ngủ cho Ryota. Nhưng mấy ai để ý rằng ngay từ đầu phim khi ta đã thấy bà chuẩn bị dũa đánh răng cho 2 vợ chồng nhà Ryota và còn ưu ái mua một chiếc dũa trẻ em hình con ếch cho thằng nhóc. Chính điều này đã làm mình có cái nhìn khác về người mẹ. Sâu trong trái tim, bà vẫn là một người phụ nữ hiền hậu, bà cũng yêu quý vợ và con của Ryota nhưng vì những yếu tố ngoại cảnh bên ngoài như định kiến xã hội thời bấy giờ, hay kỳ vọng của bà đặt lên cậu con trai… đã khiến bà phải tiết chế tình thương đó lại, bà vẫn yêu thương nhưng chỉ ở mức độ cho phép. Mình nghĩ rằng đó chính là lý do tại sao, bà chỉ chuẩn bị đồ ngủ cho Ryota.
Những con bướm chuyển vàng
“Những con bướm sống sót qua mùa đông sẽ chuyển thành màu vàng vào năm sau”
Đây là một hình ảnh ẩn dụ rất hay mà cá nhân người viết nghĩ rằng là ý nghĩa chủ đạo xuyên suốt bộ phim. Lớp trẻ rồi sẽ thành người trung niên, người trung niên rồi sẽ thành người già, giống như vòng tuần hoàn của tạo hóa, sinh ra rồi lại mất đi.
Cũng có thể hiểu rằng ý đạo diễn Koreeda muốn nói ở đây là sự chuyển dịch thế hệ. Lấy nhân vật Ryota làm mốc, anh đã đấu tranh rất nhiều để thoát khỏi định kiến của xã hội cũ, của lớp người cũ, từ việc anh chọn làm công việc mình thích, cho tới người vợ anh cưới, tất cả đều phạm vào tiêu chuẩn của xã hội thời đó. Cũng giống như những con bướm mà thôi, nếu sống sót được, chúng sẽ có hình dạng mới.
Đây cũng là một cách để Koreeda tri ân cho quá khứ, cho thế hệ cũ, dù không có những hình ảnh gợi nhớ lại quá khứ nhưng qua cách kể chuyện, câu chuyện nhà Yokohama vẫn sinh động theo từng mốc thời gian mà không hề bi lụy hay u uất.
“Ba năm sau, bố tôi qua đời. Tôi chưa từng đi xem đá bóng cùng bố. Bố mẹ vẫn cãi nhau vặt cho đến ngày bố mất, nhưng không lâu sau mẹ cũng qua đời. Tôi chưa từng chở mẹ đi chợ bằng ô tô.”
Đây là câu tự sự của Ryota hay nói đúng ra hơn là tâm sự của chính tác giả Koreeda. Câu nói là lời thừa nhận những nuối tiếc trong quá khứ, nhưng chỉ khi ta thẳng thắn với chính bản thân, với chính quá khứ ta mới có thể can đảm bước tiếp.
Lập luận này càng được củng cố hơn khi cuối phim ta thấy cảnh 3 con người tượng trưng cho ba thế hệ, đó là ông bố, Ryota và con của anh cùng đứng chung một khung hình.
Trong một cuộc phỏng vấn năm 2015 với nhà phê bình phim Peter Bradshaw, đạo diễn Koreeda cũng đã nói rằng:
“Trong 15 năm qua, tôi đã mất cha, mất mẹ và tôi có một đứa con gái. Tôi đã trở thành một người cha. Khi ấy tôi nhận ra rằng chúng tôi luôn cố gắng để lấp đầy những khoảng trống. Từ thế hệ trước sang thế hệ sau.”
Thay cho lời kết
Still Walking là một bộ phim ý nghĩa về tình cảm gia đình, nhưng ẩn dưới đó lại là những tầng ý nghĩa khác: sự hi sinh của người mẹ, sự chuyển dịch thế hệ, lời tri ân cho thế hệ trước, lời tạm biệt với quá khứ... chỉ với bối cảnh một căn nhà với từng ấy con người mà ý nghĩa lại sâu xa đến như vậy. Mình không ý kiến gì nhiều chỉ mong toàn thể bạn đọc có thể trải nghiệm phim để có một cái nhìn rõ hơn về những gì đạo diễn Hirokazu Koreeda muốn nói.
Movie
/movie
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất