Zack Snyder's Justice League: Công lý được thực thi cho DCEU
Chào các bạn, Hùng Lý đây. Đã quá quá quá x (n lần) lâu rồi mới gặp lại mọi người và đón mọi người vào nhà của mình để nghe mình...
Chào các bạn,
Hùng Lý đây. Đã quá quá quá x (n lần) lâu rồi mới gặp lại mọi người và đón mọi người vào nhà của mình để nghe mình than phiền. Và đặc biệt là đã rất lâu rồi mình chẳng review một phim gì mới bởi vì trong vài năm qua chẳng có thứ gì làm mình hứng thú cả (Kể cả Avengers: End Game). Vì nhiều vấn đề cá nhân mà bẵng đi một thời gian mình chẳng update gì ở Spiderum mà chỉ đi viết dạo các channel đây đó, khiến cả ngôi nhà này đầy Mạng Nhện (pun intended).
Lần trở lại review phim này có lẽ là một điều vô cùng đặc biệt với bản thân, khi mà Justice League phiên bản chính gốc của đạo diễn dị biệt Zack Snyder nay đã được công chiếu. Với tư cách là một kẻ mê điện ảnh, một kẻ yêu comics và xem thế giới đại chúng như một phần của cuộc sống như mình thì không có điều gì tuyệt vời hơn. Thành quả 3 năm tranh đấu và chờ đợi thật sự là vô cùng xứng đáng bởi vì Zack Snyder's Justice League một trải nghiệm thật sự đỉnh với những fanboy của DC Comics.
Khi Justice League (JL) ra mắt vào năm 2017, tôi cũng đã xem, đã có chút bị hụt hẫng dù rất rất cố thấu hiểu tình cảnh của phim vào lúc đó. Bài review của mình mình đã cố hết sức để tìm những điểm tích cực, kể cả những thông tin deep cut nhất vào thế giới comics mình cũng đã làm để chống đỡ cho Justice League. Nhưng ai cũng biết rằng đó là một phiên bản cắt ghép, bị thay đổi đến gần như toàn bộ và gây ra 1 drama vô cùng lớn. Vì những việc cá nhân, Zack Snyder rời bỏ cương vị đạo diễn Justice League, Joss Whedon (The Avengers) được đưa vào thay thế và theo lệnh của Warner Bros “tái tạo” lại một phiên bản JL tươi sáng, vui nhộn hơn để theo bước người hàng xóm (thay đổi phải đến 70%), thì đó là lúc all hell broke loose. Nào là CGI lại râu của Henry Cavill (do khi ấy đang đóng Mission Impossible 6), cắt bớt những đoạn khai thác backstory của Flash-Cyborg, Batman thành cây hài vô duyên, Flash nằm lên ngực Wonder Woman, v.v…
Về mặt thương mại Justice League 2017 là một thảm họa, phần vì những drama và chính những fan trung thành với Zack Snyder lẫn DC đã ra sức tẩy chay phim này, để Warner Bros sáng mắt ra. Những drama này về sau lại càng được dấy lên mạnh hơn nữa, đặc biệt khi diễn viên Ray Fisher (trong vai Cyborg) tố cáo những sự thật sau hậu trường về môi trường làm việc không tốt đẹp khi Joss Whedon cầm trịch và reshoot. Riêng đạo diễn Zack Snyder thì trên mạng xã hội Vero, ông liên tục tung những hình ảnh gốc về phiên bản Snyder’s Cut của mình, khiến cho người hâm mộ nóng lòng muốn được xem phiên bản này.
Theo thời gian, các fan bắt đầu đấu tranh cho Zack Snyder, Twitter lẫn các mạng xã hội tràn ngập #ReleaseTheSnyderCut, đến cả chính dàn cast của JL cũng tham gia để phiên bản này được ra đời. Snyder’s Cut gần như trở thành một cái myth của ngành điện ảnh thời hiện đại, nhiều fan Việt Nam thậm chí còn dám tuyên bố chắc nịch “Chẳng có cái thứ gì gọi là Snyder’s Cut”. Dần dà theo thời gian thật sự hy vọng cũng tắt dần.
Cuối cùng, sau 3 năm đấu tranh, vào tháng 5 năm 2020, Zack Snyder trong buổi stream Man of Steel với commentary của mình đã tuyên bố rằng Snyder’s Cut là có thật, và nó sẽ được lên nền tảng HBO Max vào năm 2021. Các fan DC vỡ òa trong sung sướng, sức mạnh của fan là có thật.
Thật lòng mà nói thì động thái cho phép Zack Snyder sản xuất và ra mắt Snyder’s Cut này của Warner Bros thật ra là để tăng lượng đăng ký và theo dõi HBO Max trong thời buổi đại dịch không ai có thể đi xem phim ở rạp, và streaming chính là nguồn thu dồi dào nhất của các hãng thời điểm này chứ cũng chẳng tốt lành gì. Nhưng thế thì đã sao? Quan trọng nhất là chúng ta biết rằng Snyder’s Cut là có thật, rồi vào ngày 18 tháng 3 năm 2021 cả thế giới đã được biết tầm nhìn của Zack Snyder thật sự là thế nào.
Dẫn chuyện quá khứ có lẽ thế là đủ rồi, chúng ta vào phần review phim thôi nào.
Đầu tiên phải nói rằng Zack Snyder’s Justice League (ZS JL) là một bữa đại tiệc thật sự, nó mang đầy đủ tất cả những điểm mạnh nhất của Zack Snyder trong việc lấy nhịp thật chậm và luồn lách vào tâm lý của các nhân vật để khai thác triệt để giúp khán giả nắm bắt và đầu tư vào bọn họ vô cùng tốt. Điều này đúng với cả những phản diện của phim chứ không chỉ các nhân vật chính. Gần như bất kỳ nhân vật nào hễ có sự xuất hiện trên màn ảnh hơn 5 phút thì chắc chắn bọn họ phải có một vai trò gì đó chứ không phải chỉ lên cho đẹp phim hay đầy đủ đội hình. Mà cũng phải thôi, có đến 4 tiếng để chúng ta có thể có sự tập trung vào từng nhân vật thì chắc chắn sự đầu tư của chúng ta với họ phải nhiều hơn và sâu sắc hơn là chỉ qua loa 15-20 phút như đa số phim giải trí khác rồi.
Đây cũng là phim có pacing tốt nhất của Zack Snyder. Rất nhiều lần trong phim của Zack hay có những đoạn transition cụt ngủn qua một chủ đề gần như chả liên quan gì. Ở bản này thì việc đó cũng vẫn còn, nhưng ít hơn hẳn với những đoạn transition khá ổn, ít nhất là không bị đứt ngang mạch cảm xúc và có sự liên quan ít nhiều. Và cũng phải nói là phim gần như chẳng có điểm giữa, kiểu khi chậm thì chậm thôi rồi để người xem thấm hết những gì đang có trước mắt, khi căng thẳng thì rất co tim khi dùng những yếu tố của phim kinh dị để tạo không khí, và khi chiến đấu thì đã mắt thôi rồi. Ngoài ra, phim có một đoạn sử dụng phong cách sản xuất comics khá quen thuộc mà tôi sẽ bàn sau.
Đọc thêm:
Về mặt hình ảnh thì đây là điểm mạnh nhất của Zack Snyder nên tôi không cần phải bàn từng khung hình nó đẹp đến cỡ nào. Cảm giác chung khi xem ZS JL thật sự như được xem một quyển truyện sống với tất cả những điểm mạnh lẫn điểm yếu của việc đọc truyện. Việc sử dụng slow motion tạo ra một cảm giác như một trang truyện với những panel to lớn hiện ra trước mắt để người xem có thể “scan” những chi tiết dù là nhỏ nhất trên trang truyện ấy với tất cả sự tưởng tượng về chuyển động hay tình tiết tiếp theo, điểm yếu là cảnh nào cũng như vậy hơi làm tổn hại độ immersion khi xem. Khung hình 4:3 có thể sẽ khiến nhiều người không vừa mắt, nhưng tôi chả có vấn đề gì. Và chúng ta được xem những pha hành động mãn nhãn đa phần là liền mạch chứ không phải một cú đấm có 80 cut cực kỳ nhức mắt thường thấy ở phim hành động ngày nay. Điểm đáng tiếc cho lẽ là vài đoạn CGI vẫn chưa hoàn thiện do WB chỉ cấp cho Zack Snyder 70 triệu dollar để hoàn thành giai đoạn sản xuất trong 1 năm.
Âm nhạc của phi cũng đã có sự thay đổi khi đa dạng hơn rất nhiều, điều tiết được cảm xúc của người phim trong từng phân cảnh (dù cho có khoảng 10% không phù hợp lắm, thậm chí vô tình gây buồn cười). Nói chung không phải đánh giá thấp hay chê trách Danny Elfman vì vốn dĩ ông đã phải rất vội vàng sáng tác cho bản làm lại, nhưng Junkies XL đã làm phần việc của mình quá tốt.
Rõ ràng, khi chúng ta cho một người làm nghệ thuật sự tự do để hoàn thành tác phẩm của mình, nó sẽ cho ra một kết quả tuyệt vời. Thật sự chính bản thân khi xem xong cũng cảm thấy cực kỳ khó hiểu là tại sao Joss Whedon lẫn WB đã cắt ra những cảnh thể hiện khả năng của các nhân vật để thay vào mấy thứ…. Ôi thôi bỏ qua đi…
Ngoài ra, cả phim này đầy các easter egg tự cổ chí kim, vì như Zack Snyder đã nói bộ phim này là dành cho những fan cứng cựa của DC nói riêng. Có thể chúng dành cho những fan thật, thế nhưng cũng đừng than phiền quá làm gì với những fan service thế này, nó cũng là cách để những người casual tìm hiểu thêm về comics bằng chính sự tò mò và cảm xúc của riêng họ. Hội Quán Marvel & DC đã tổng hợp trong post này:
Dĩ nhiên, phiên bản này của Zack Snyder cũng thật sự không hề hoàn hảo. Nó vẫn mang những điểm yếu cố hữu của hầu hết phim Zack Snyder từ trước đến nay.
Điều đầu tiên nằm ngay trong chính thời lượng của phim. Nếu như mà bạn không quen Netflix and chill, hoặc là xem một phim với thời lượng dài trung bình trên 3 tiếng, thật sự rất khó nuốt phiên bản này. Phim cũng tự nhận thức được điều đó nên Zack đã chia thành 6 phần - mỗi phần khoảng hơn 40 phút như thể bạn đang xem một mini-series. Nhưng phải xem non-stop thì mới thật sự thấm hết toàn bộ câu chuyện theo cách Zack mong muốn. Dẫu cho việc xây dựng nhân vật cuốn hút có thể khiến người xem “tạm quên đi” vấn đề thời gian, nhưng thật sự phim hoàn toàn có thể cắt giảm kha khá cảnh quay lẫn “tăng tốc” để giảm xuống còn khoảng một độ dài cỡ 3 tiếng 40 phút sẽ phù hợp với đại chúng hơn. Chỉ nói riêng về cá nhân thì vốn dĩ tôi cực kỳ thích khi có nhiều thời gian để giúp tôi có thể biết “Tại sao mình phải quan tâm nhân vật sự kiện này trọn vẹn?”, và việc được phát triển cùng họ từ đầu đến cuối thật sự là một trải nghiệm tuyệt vời (nhớ Blade Runner 2049 quá).
Điều thứ hai nằm ở tuyệt chiêu trứ danh của Zack Snyder: Slow motion. Nói cho nghiêm túc thì bảo rằng phim này có quá nhiều slo-mo thật sự là còn… nói giảm nói tránh đấy, vì nó nhiều đến mức quá đáng, đặc biệt ở khoảng nửa đầu phim. Nhiều đoạn slo-mo có khi là khung hình đứng im dịch chuyển từng khung một, khiến cho nếu tính sơ ra cả 15 phút trong tổng 4 tiếng ấy chỉ là những phân đoạn slo-mo. Thật ra thì việc xem slo-mo quá nhiều thì cũng đúng là khá khó chịu, tuy nhiên vốn dĩ là 1 người kiên nhẫn nên mình không có bị thử thách cho lắm, mà thậm chí theo như mọi người xung quanh mình thì không phải ai cũng quá khó chịu vì họ biết đây là món đặc sản của Zack Snyder rồi. Còn những ai bị thử thách kiên nhẫn thì có lẽ đó là do quan điểm lẫn sở thích cá nhân của họ thôi nên mình không phê bình làm gì.
Điều thứ ba nằm trong cách kể chuyện đầy exposition theo cách khá là ngây ngô kết hợp với transition bị ngắt đoạn vốn cũng là một điểm yếu trong phim của Zack Snyder. Có vài nhân vật đúng nghĩa là những cỗ máy phun thoại giải thích trong vòng cả 5 phút luôn. Phim đã có thể giải thích một số đoạn một cách ẩn ý lẫn khéo léo hơn nhưng có nhiều đoạn lại đúng nghĩa là nhồi nhét thông tin. Tôi khó chịu vì có những cảnh Zack đã kể chuyện hình ảnh cực kỳ tốt mà gần như chẳng cần một câu thoại nào, hay ít nhất là những câu thoại có tính ẩn dụ cao (sẽ nói vụ này khi vào sâu chi tiết), nhưng vẫn còn đó những đoạn info dumping như thế.
Điều cuối cùng đó chính là nó không có một sự xây dựng ngầm quá lớn cụ thể để có sự tác động mạnh vào cốt truyện chính, như cái cách Black Freight có ảnh hưởng lên câu chuyện chính của Watchmen. Phân đoạn Knightmare chính là cái mà tôi muốn nói đến, nó lẽ ra đã có thể là thứ như vậy nhưng cuối cùng lại được sử dụng như một mini-series ở cuối mỗi issue truyện để khi kết hợp chúng lại sẽ ra một câu chuyện hoàn chỉnh, như cái cách Shazam New 52 được kể lồng trong các tập Justice League New 52. Vẫn biết rằng việc nhét Knightmare vào giữa phim ở BvS đã gây tranh cãi nên Zack đẩy xuống cuối theo phong cách comics, nhưng thật sự là tôi cũng đã mong mình sẽ thấy Knightmare nhiều hơn. Còn về cốt truyện chính, ZS JL xét ra không hề trật đi quá xa so với bộ khung có từ năm 2017 (Hay nói đúng hơn là 2017 chỉ dựa trên cái khung có sẵn từ ZS JL). Điểm tốt là mạch phim rất dễ xem và không hề dark deep đến như người ta thường đùa về DC, điểm trừ là thì ra nó cũng chẳng có gì khác biệt quá lớn lao - có họa chăng là hành trình chúng ta đi thì đường vòng dài hơn chiêm ngưỡng được lâu hơn thôi.
Bây giờ có lẽ mình sẽ vào phần chi tiết những điểm mình thích lẫn không thích của ZS JL. Từ đây sẽ có spoiler nhiều hơn nhé.
- Lại một lần nữa Zack Snyder tung chiêu "Khởi đầu của phim sau là kết thúc của phim trước" đã từng xuất hiện trong BvS. Tôi thành thật nề phục cái chiêu này vì nó thật sự tạo ra tính nhất quán của những phần phim.
- Như Zack cũng đã nói, Cyborg chính là trái tim của cả phim, và thật sự là như vậy khi Cyborg là nhân vật được phát triển trọn vẹn nhất cả phim với đầy đủ những cung bậc cảm xúc về Victor Stone: sự thiếu thốn tình cảm từ cha, suýt mất mạng sống và bị biến thành “quái vật”, tố chất của bản thân khi đã thành Cyborg và đối xử với việc này như một món quà, và chính là nhân tố quan trọng nhất khi là cỗ máy exposition lẫn là người có tác động lớn nhất về cuối phim. Nghĩ lại thì Ray Fisher bực tức với lãnh đạo WB vì vai trò trong phim của mình bị thay đổi hoàn toàn cũng hợp lí cả thôi.
- Wonder Woman phần này chính là nhân vật mang vai trò cái máy phát exposition thứ hai sau Cyborg, âu cũng vì cô là người có thông tin về cuộc chiến cổ xưa. Phần còn lại để miêu tả thì…. FATALITY! Đến mức hơi show off luôn là khác. And it’s awesome.
- Aquaman có lẽ là nhân vật có nhiều thay đổi nhất khi nhìn phiên bản của Zack Snyder so với bản cũ lẫn bản của James Wan. Đặc biệt chính là sự thiếu đồng nhất trong những câu chuyện bên lề về người Atlantis - hay cụ thể là quá khứ của Mera bị thay đổi chẳng giống bản ra mắt năm 2018. Ngoài ra tính cách của Aquaman cũng bớt “cà rỡn” hơn mà thật sự nửa nghiêm túc nửa phóng khoáng, khá giống với Arthur Curry bản gốc.
- The Flash - Barry Allen quả thực là cây hài của nhóm, đa phần thời gian duyên dáng hơn so với bản cũ, quá khứ và khả năng được khai thác nhiều hơn. Flash phim này chính là dạng nhân vật "Crouching Moron, Hidden Badass" hay "Ngọa Ngốc Tàng Bá Đạo" vì chính Flash mới là vị cứu tinh sau cùng. Nhìn số lượng cảnh bị cắt cực ngầu của Flash để thay thế bằng những trò hài rẻ tiền thật sự không hiểu nổi. Thế nhưng cảnh xuất hiện đầu tiên của Flash cũng... hơi có vấn đề vì lạm dụng ngưng đọng thời gian để đứng ngắm con gái nhà người ta (Iris) thế kia cũng hơi creepy.
- BATMAN IS BACK! Đúng là ở bản cũ tôi đã bảo vệ Batman cũng có crack jokes trong comics, nhưng xét ra chẳng có awkward như bản 2017 đâu. Batman trong cả phim xét toàn cục có vai trò hơi mờ nhạt so với những thành viên mới, nhưng về mặt cá nhân Batman có sự phát triển từ một kẻ lạnh lùng cực đoan sang một người nhẹ nhàng và có niềm tin hơn, là một thủ lĩnh thật sự, hoạt động có chiến lược hẳn hòi, và là thánh support của cả team. Và như để tát vào mặt hater, cảnh nào Batman ngầu nhất, là Batman dùng súng.
- Superman thì có lẽ nhiều người không ngạc nhiên khi chắc anh ta là nhân vật được mong chờ nhất phim sau thảm họa 2017. Điều đáng mừng nhất là chẳng còn cái khuôn miệng CGI trời đánh, việc Clark dần hồi phục trí nhớ cũng được diễn ra có phần tự nhiên hơn, việc tái sinh mang nhiều ý nghĩa hơn khi Clark lần nữa quay lại tàu của mình, và độ OP với bộ suit đen vốn dùng để hút năng lượng mặt trời tốt hơn để đẩy nhanh quá trình hồi phục đã khiến Superman OP hơn bao giờ hết. Chỉ có một điều nhỏ nhặt làm tui khó chịu là cảnh cuối khi Superman vạch áo ra lại vẫn còn là suit đen chứ không phải bộ suit truyền thống.
- Lois là người có sự xuất hiện ít nhất nhưng lại có impact lớn nhất cả ở câu chuyện hiện tại lẫn tương lai (nếu có). Lois có những cảnh kể chuyện hình ảnh rất tuyệt vời đó là ngày ngày cô đến quảng trường Superman trong đau buồn, cô thậm chí chẳng thể làm việc được mà chỉ ôm đồ của Clark... Để rồi một ngày đến đấy lần cuối như để nhắn nhủ với người mình yêu (mà cô không biết đã sống lại) rằng mình đã tìm ra ý nghĩa sống. Và còn có một cảnh "lật kèo" khi ở BvS Lois là người chen ngang ngăn chặn Batman quẫn trí muốn giết Superman, giờ đây cô là người chen ngang ngăn một Superman mất trí suýt giết Batman. Poetic cinema là đây chứ đâu.
- Steppenwolf phiên bản này cũng chẳng phải là “Bố làm điều ác vì bố ác”, mà có lí do hết cả. Các meme có vẻ cũng đã đùa về Steppenwolf đáng thương dám phản bội giờ bị dí deadline đến 50,000 hành tinh để chuộc lỗi rồi, nhưng lồng trong câu chuyện đó chính là kẻ thù lớn nhất đứng phía sau, Darkseid và Anti-Life Equation. Chia sẻ thật lòng, tôi không thích việc nhét Anti-Life vào quá sớm, nhưng đúng là nó tạo cơ sở lớn hơn cho những bước tiếp theo sau phim Justice League. Nhưng liệu có quá nhiều không? Vì fan DC có thể sẽ hiểu, còn người xem thường thì sao?
- Knightmare cuối phim thật sự là sự tri ân của Zack với fan, vì phân cảnh Knightmare có lượng ủng hộ rất lớn, và Zack đã cho Batman và Joker của mình có sự tương tác với nhau vì có thể đây là phim cuối cùng về DC mà Zack được bật đèn xanh rồi. Và tôi sẵn sàng tiếp tục bảo vệ Jared Leto vô cùng có tiềm năng trở thành một Joker mới, chỉ cần có đúng kịch bản là Leto sẽ tỏa sáng.
- Điểm làm tôi bực nhất cả ZS Jl chính là đoạn Martha tâm tình với Lois Lane. Bởi vì ngay sau đoạn cực kỳ cảm động đó lại cho thấy người nói chuyện với Lois thật ra chính là Martian Manhunter chứ không phải Martha Kent thật sự. Nó đã làm giảm đi sức nặng của nỗi lòng của người mẹ Superman cũng suýt chết vẫn muốn bảo vệ và gọi Batman cứu giúp lẫn, và nên nhớ đây là lời dặn dò của bà đến người mà con trai bà yêu nhất. Dù đồng ý là J’onn J’onnzz (tên thật của Martian Manhunter) có khả năng ngoại cảm để có thể biết được nội tâm của Martha mà nói ra những điều thầm kín với Lois, nhưng suy cho cùng đó vẫn không phải là bà đối diện với Lois làm cảnh này bị hụt thế nào ấy.
- Còn điều tôi ngạc nhiên (theo nghĩa tích cực) nhất là Zack Snyder có lẽ đã chi tiết đến buồn cười, khi mà chiếc máy bay Flying Fox của Batman cũng có cho mình một mini subplot về việc nó không thể bay, và còn làm ý nghĩa ẩn dụ về Cyborg nữa chứ. Trong một bộ phim mà gần như nhân vật nào cũng có cho mình sự phát triển, đến một cái máy bay cũng có backstory thì Zack điên thật rồi.
Công tâm thì cũng khó lòng mà trách Joss Whedon hoàn toàn, ông chỉ làm theo những gì mình được giao "Tạo ra một Avengers phiên bản lỗi" như ý WB mà thôi. Bản 2017 cũng có một tí điểm sáng chứ không đến nỗi. Nếu mà để cho mình phải so sánh giữa phiên bản 2017 và 2021, Joss Whedon và Zack Snyder thì mình có thể nêu ra những điểm tích cực mà Whedon đã thực hiện lẫn có thể dung hòa thành 1 FINAL SUPER ULTIMATE CUT như sau:
- Tôi cực thích đoạn intro Everybody Knows. Nó nắm bắt được tình cảnh về một Metropolis và thế giới không có Superman vô cùng hoàn hảo, và nó có chất gì đó giống hệt như Watchmen ngày nào của Zack Snyder. Nếu Joss Whedon không công khai việc này, tôi chắc cũng không nhận ra. Đoạn về Metropolis và Lois hậu cái chết của Superman được làm rất chậm và nên thơ, nó chẳng có gì tệ nhưng có lẽ Everybody Knows có sự hấp dẫn riêng. Nếu có thể, tôi sẽ muốn ngay sau đoạn Superman chết và các Mother Box thức giấc, Everybody Knows về tình trạng thế giới sau đó, cuối cùng đến đoạn Batman tìm Arthur Curry có lẽ sẽ liền mạch hơn (chăng?).
- Nhiều người không thích đoạn này, nhưng tôi cực thích cái cách Bruce Wayne và Diana ở trong phòng riêng tâm sự với nhau mà không để các thành viên khác nghe (Don’t you rule 34 this!). Lúc đấy Batman thể hiện được sự yếu đuối riêng của bản thân mình, kể cả sự hối hận của bản thân về cái chết của Superman. Đúng là chúng ta đã thấy tương tác này giữa Bruce và Alfred, thậm chí nó còn hợp lý hơn hẳn để thể hiện sự thay đổi của Batman, nhưng cái tàu Bat-Wonder này vốn là đứa lớn lên với DCAU thì tôi đẩy tới cùng. Chính Zack còn tease vụ này trong phim mà, nào là vô tình chạm tay nhau rồi lúc nào Wonder Woman cũng là người che chắn cho Batman.
- Tôi thích tạo hình của Steppenwolf ở bản 2017 hơn bản này một chút. Lí do là thế này, trong bản gốc thì tạo hình các New God - Tân Thần dẫu có chút gì đó hơi biến dị nhưng ít ra nhìn họ vẫn ra hình dáng người (humanoid), còn Steppenwolf bản này nhìn như là quái vật thật sự luôn rồi. Chỉ đang nói tạo hình thôi nhé, không nói về xây dựng, chắc chắn Steppenwolf của Zack Snyder trọn vẹn hơn rồi.
Để kết luận, Zack Snyder's Justice League là một phiên bản khá kén người xem vì những đặc điểm nhất định của nó, nhưng về mặt nội dung là một tác phẩm nghệ thuật cực kỳ trọn vẹn lẫn có những sự xây dựng cho tầm nhìn mà ông đã có từ lâu. Quả thật đây là một chiến thắng dành cho fan DC nói riêng và những người có đam mê về siêu anh hùng nói chung khi công lý đã thuộc về fan, nhưng nó là một chiến thắng có phần cay đắng vì Zack có thể xem như chỉ "được quyền" làm trọn vẹn trilogy của mình, còn Warner Bros vẫn còn những kế hoạch riêng lẻ khác về các nhân vật DC chứ không làm một vũ trụ chung nữa.
Nếu bạn cũng như tôi, là những fan của comics và muốn được xem thêm những điều tiếp theo nữa trong DCEU - Worlds of DC, như là Deathstroke chiến với Batman, viễn tượng Knightmare, Darkseid thân chinh đến Trái Đất đoạt Anti-Life Equation, hãy lại tiếp tục đấu tranh cùng rất rất đông những fan DC khác, vì #ReleaseTheSnyderCut đã thành công, giờ đây là thời kỳ cho một chiến dịch mới:
#RestoreTheSnyderVerse
Movie
/movie
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất