Có bao giờ bạn coi đi coi lại một bộ phim cả trăm lần chỉ để xem lại một hay hai phân đoạn nào đó chưa. Bởi vì nó mang sức nặng của toàn bộ ý nghĩa xuyên suốt bộ phim, bởi vì lời thoại của nhân vật quá hay, bởi vì góc quay và cả âm nhạc quá hoàn hảo, vì nó là cảnh gỡ rối toàn bộ nút thắt một cách hợp lý, hay vì nó khớp với câu chuyện cá nhân của bản thân bạn, vì nó quá cảm xúc.
Series này sẽ tổng hợp những cảnh ấn tượng nhất trong các phim mà bản thân mình đã xem từ trước đến nay cùng giải thích ( nếu có thể và cần thiết).
À quên! Oscar này là Oscar tự phong đấy :d không phải mấy cảnh phim lấy ra từ các tác phẩm đoạt giải Oscar đâu!

Because he is the Dark Knight - THE DARK KNIGHT (2008)

Có một câu mình cực kỳ thích khi nói về phản diện trong các phim siêu anh hùng, "A good made villain can hurts the heroes from the outside, but a great villain will break them from the inside.". Tạm dịch, một kẻ phản diện được làm tốt có thể tổn thương các anh hùng từ bên ngoài, còn một phản diện vĩ đại sẽ phá hủy họ từ bên trong.

Joker của Nolan đã cướp đi hiệp sĩ trắng của Gotham và tạo ra một tình huống mà hiệp sĩ bóng đêm của chúng ta không thể thắng. Nhưng để thành phố này không mất đi hy vọng mà Harvey đã tạo ra, Bruce sẵn sàng trở thành bất cứ điều gì mà Gotham cần, kể cả việc trở thành một phản diện. 
Trường đoạn này không chỉ hay ở âm nhạc, ở việc xen kẽ giữa cảnh Jim Gordon giải thích cho con và cảnh truy đuổi Batman, việc Batman không bao giờ giết người nhưng lại sẵn sàng nói dối, để bảo vệ một điều gì đó vĩ đại hơn, mà còn xuất sắc ở cả lời thoại của Jim, kể cả khi Bruce yêu cầu ông nói dối, ông vẫn đã nói sự thật, dù là ở lễ truy điệu của Harvey hay khi ông giải thích với con trai mình những chuyện đang xảy ra.
Cả hai nhân vật hiệp sĩ của Gotham đều xuất hiện trong một câu nói của Jim, giống như các Anagram (đảo ngữ), dù bạn có xoay chữ như thế nào thì vẫn sẽ có nghĩa, cả hai hiệp sĩ của Gotham đều đã là anh hùng, là hai mặt của một đồng xu, và đều là sự thật.

Đọc thêm:


No one will hit you harder than life - ROCKY BALBOA (2006)

Cảnh tiếp theo nằm trong một series phim về đấm bóc (boxing) - Tay đấm huyền thoại, đây là một series phim nhiều phần nhưng bạn có thể không cần coi hết tất cả để hiểu nội dung của trích đoạn này.
Là câu chuyện mà bất kể gia đình nào cũng có thể gặp phải, lời thoại cũng đơn giản, nhưng với chất giọng và diễn xuất của Sylvester Stallone (người giữ cả vai trò đạo diễn và diễn viên chính của phim),  cùng một vài nốt Piano ngân lên ở cuối. 
Những lời của Rocky có thể là động lực cho bạn, hay bất kể người nào bên cạnh bạn đang cảm thấy sự tồi tệ của cuộc sống này. Cho những người đang cảm thấy (nói theo ngôn ngữ của đấm bóc) như bị cuộc đời này đấm vào mặt mỗi ngày.

Trích lời một comment trên Youtube: "Ông ấy không chỉ nói với con trai của mình, ông ấy đang nói với tất cả chúng ta."

It was because of me, a poor, raised by a single mother, low class, immigrant, nobody - CRAZY RICH ASIANS (2018)


Một cô gái ở tầng lớp lao động, một thái tử nằm ở tầng lớp 1% dân số, với một câu chuyện tình chỉ có trong tiểu thuyết và Giới siêu giàu Châu Á đã gây được tiếng vang lớn khi ra mắt năm 2018.
Không chỉ là một câu chuyện tình yêu thần tiên như những bộ phim của Disney bạn được xem từ nhỏ, ngoài bối cảnh được đầu tư kỹ lưỡng, thì Crazy Rich Asians đã thật sự tạo ra một nút thắt và cách giải quyết tuyệt vời, thực tế, đồng thời khiến khán giả thỏa mãn.
Đoạn Rachel mời bà Eleanor đến chơi Mahjong là cảnh giải quyết toàn bộ mâu thuẫn của phim, nó được làm để khán giả có thể hiểu thông qua lời thoại của nhân vật thay vì những chuyện đang diễn ra xung quanh, bối cảnh và cả cách chơi Mạc chược. 
Chỉ riêng lời thoại cũng đủ hay rồi, nhưng nếu bạn có thêm hiểu biết về Mahjong và văn hóa phương Đông, thì bàn cờ trong phân cảnh đó có thể đẩy độ hay này lên nhiều mức nữa.

Đọc thêm:


Mình từng đọc giải thích này trên facebook nhưng hiện tại tìm lại thì thấy ở trang này. Nên xin phép trích lại từ blog của chính chủ tuyettunglukas tại đây.
Mặc dù là một cảnh phim “cộng thêm”, nhưng việc dàn dựng và biên kịch của cảnh quay này đã chuyển tải được rất nhiều “thâm ý” của đạo diễn trong mối quan hệ của Rachel và “mẹ chồng tương lai”. Ngay từ những phút đầu tiên khi Eleanor bước vào bàn chơi Mạt Chược, bà đã được Rachel chừa chỗ cho ngồi “cửa Đông”. Cần phải biết bàn chơi Mạt Chược thường được chia ra làm 4 cửa “Đông, Tây, Nam, Bắc” và người ngồi ở vị trí cửa Đông được xem là “nhà cái” và có khả năng nắm quyền kiểm soát rất nhiều trong ván chơi. Trong khi đó, Rachel ngồi ở vị trí đối diện, là cửa Tây, và là một “nhà con”. Việc nhường vị trí cửa Đông cho Eleanor là một cách để Rachel đang show off cho thấy cô đang “nhường” cho Eleanor, ngoài ra, Đông và Tây cũng là hai thái cực cho thấy Eleanor đang đại diện cho những giá trị truyền thống của châu Á (phương Đông), và Rachel là đại diện cho những giá trị của phương Tây.
Ngay khi bắt đầu chơi, sẽ có thể thấy rõ Eleanor đang thực hiện chiến lược tìm kiếm cho mình những bộ “phỗng” (pong), tức là kết hợp những con bài có quân “giống nhau” lại với nhau (Tương tự như chơi bài Phỏm, thì “phỗng” là việc kết hợp các con đồng chất – ví dụ như 3 con chất rô, 3 con chất cơ… thì là 1 phỏm – Troong Mạt Chược thì phỏm được gọi là phu. Có hai loại Phu: Phu phỗng là kết hợp các con giống nhau về cả chất và số – Phu Phình là kết hợp các con đồng chất và có số liên tiếp. Phỗng khó kiếm hơn Phình nhưng được ưu tiên ăn trước Phình trong trường hợp có hai người cùng muốn ăn 1 con). Điều này ẩn dụ tới việc Eleanor là người rất coi trọng sự giống nhau, đồng nhất về mặt văn hóa, chung một nhà. Và nó được thể hiện qua phần thoại dẫn một câu thành ngữ của người Phúc Kiến của Eleanor về việc “our kind of people” khi trả lời cho Rachel biết là bà không coi Rachel là “our kind of people”, nên đó là lý do bà từ chối Rachel.
Sau đó, một số cảnh quay cho thấy những quân Sách đang nằm trên bàn. Quân Sách được biểu thị bằng những thanh tre, thanh trúc nên tiếng Anh gọi quân này là quân Bamboo, còn tiếng Trung thì gọi là quân Trúc (hoặc Tre?). Việc loại bỏ quân Sách và cho nằm rải rác trên bàn bên cạnh những quân Đông & Tây là một cách liên hệ đến hình ảnh của Rachel trong mắt Eleanor: Tây không ra Tây, ta không ra ta. Cần nhớ rằng người Quảng Đông thường có một thuật ngữ để gọi những người Mỹ gốc Á là 竹升 (jook-sing), nghĩa là “trúc rỗng”. Từ này tương đương với từ “banana” với hình ảnh ẩn dụ da thì vàng nhưng ruột thì trắng. Ý cho thấy bề ngoài thì châu Á nhưng bên trong đã lai căng, mất gốc, không còn miếng Á nào, rất “rỗng”. Cho nên quân Sách (Trúc) đại diện cho Rachel là vì vậy.
Sau đó, trong lúc tiết lộ về việc Nick Young đã cầu hôn mình, Rachel rút lên được một con “Bát Sách” (An eight of Bamboo). Tại sao lại là con Bát? Có lẽ vì số 8 là số rất quan trọng trong văn hóa của người Á Đông (chắc khỏi lý giải tại sao nhỉ). Và con Bát Sách này cũng sẽ là con cờ giúp Rachel thắng trước Eleanor. Tuy nhiên, sau một thoáng suy tính, Rachel biết được đây cũng chính là con mà Eleanor cần để thắng (nên nhớ, Rachel là giáo sư lý thuyết trò chơi – điều này đã được giới thiệu trong cảnh đầu tiên Rachel xuất hiện trong phim). Cùng với việc khẳng định rằng “hạnh phúc sau này của Eleanor và Nick” phụ thuộc vào chính sự “rời bỏ” của mình, Rachel đã quăng xuống bàn con Bát Sách – để cho Eleanor lấy lên và “Ù”. Sau đó, trước khi rời đi, Rachel lật bài và cho thấy thực ra cô đã Ù trước Eleanor, và Eleanor được ù ván này chính là nhờ Rachel đã “folds a winning hand” – theo cách nói của Eleanor khi bà nghe về việc Rachel đã turn down lời cầu hôn của Nick.

Đọc thêm:

It's also the only place that you can get a decent meal - READY PLAYER ONE (2018)

Ready Player One là một phim dành cho những người yêu thích pop culture nhưng không có nghĩa nó chỉ bỏ một đống references vào trên nền những trận chiến tràn ngập kỷ xão. Dù là một bộ phim đậm chất "ẢO", nhưng thông điệp mà RPO đưa ra lại vô cùng thực tế.
Speilberg thừa nhận mình cũng là một người mê pop culture, và cũng từng là một "gamer" trong những năm tháng còn trẻ, tầm nhìn của ông với Ready Player One của Ernest Cline là tạo ra một phim mà ông sẽ ngồi từ hàng ghế của khán giả thay vì một đạo diễn, cân nhắc xem sẽ dùng những trò chơi và phim ảnh nào, và nghĩ xem khán giả muốn điều gì từ nó.

Mặc cho việc vẫn có các bình luận trái chiều về việc các nhân vật thiếu chiều sâu vì phim đã dành quá nhiều thời gian cho những sự kiện diễn ra trong Oasis, mọi người đều có thể đồng tình rằng cảnh cuối của Ready Player One là một phân đoạn khó quên, đặc biệt là với những người coi thế giới ảo là tất cả đối với họ.
Kể cả phản diện chính của phim, Sorrento cũng mỉm cười khi Perzival hoàn thành các thử thách của Anorak và cầm quả trứng vàng trong tay. Kể cả một phản diện cũng mỉm cười là vì hắn biết chuyện này "nên" xảy ra, Perzival nên là người chiến thắng, một người chơi tử tế "nên" thắng, đó là luật.
Căn phòng của Halliday lúc nhỏ hòa trộn vào thế giới của Oasis là một chi tiết tuyệt vời, nó khiến cho các tầng của hiện thực đan xen vào nhau và rất khó để hiểu, hiện thực - ảo - hiện thực. Nhưng đây là lúc mà người xem không cần phải hiểu,cần cảm nhận đúng như những gì đang diễn ra.
Tôi đã sợ hãi cả đời, đến cả lúc tôi sắp chết.
Bản thể của Halliday lúc nhỏ cũng là đại diện cho những người thấy nhiều ý nghĩa của thế giới ảo hơn hiện thực này, thế là ông sợ hãi, rụt rè, khép kín, bởi vì ông không hiểu mối quan hệ giữa con người với con người là như thế nào. Ông có thể làm tất cả, chỉ cần chuyện đó không liên quan tới người khác.
Thế là ông tạo ra cả một thực tại của riêng ông, như một vị thần, nhưng cuối cùng ông nhận ra rằng nó vẫn không giải quyết được gì cả, bởi vì nếu làm thế này thì vẫn là ông đang trốn tránh vấn đề, còn vấn đề ông muốn là có thể dũng cảm sống ở thế giới thật.
Thông qua lời của James Halliday, Ready Player One (tuy là một phim tràn ngập những thứ từ thế giới ảo) muốn mọi người đừng sợ hãi hiện thực, muốn mọi người có thể nhận thức được rõ ràng thực tại này, dù có như thế nào đi nữa, cũng là nơi duy nhất bạn có thể có một bữa ăn đàng hoàng, và là một nơi đáng để sống.