Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng từng ấp ủ một mẫu người yêu lý tưởng để làm thước đo tìm kiếm tình yêu mình muốn. Đó có thể là một cô gái dịu dàng, nấu ăn giỏi; một chàng trai cao ráo, có công việc ổn định. Riêng tôi, tôi muốn tìm một người mà mình có thể trò chuyện hòa hợp với nhau, như là nhân vật Jesse và Celine trong series phim “Before Sunrise”, “Before Sunset” và “Before Midnight”.
Đây là series phim về tình yêu mà theo tôi nghĩ là đẹp nhất, do đạo diễn Richard Linklater thực hiện. Đẹp không chỉ ở sự lãng mạn, ngọt ngào thường thấy trong tình yêu mà còn rất thực tế, rất đời thường. Thế nên phim quen thuộc với mỗi chúng ta, dù ở lứa tuổi 20 mộng mơ hay đã trải qua nhiều sóng gió cuộc đời ở tuổi 40.

“Before Sunrise” kể về một anh chàng người Mỹ Jesse và cô nàng người Pháp Celine tình cờ gặp nhau trên một chuyến tàu. Qua cuộc trò chuyện làm quen ngắn ngủi, Jesse đã đề nghị Celine cùng xuống Vienna đi dạo với nhau cho đến sáng hôm sau. Cô đã đồng ý, và rồi cả hai phải lòng nhau. Hai người hứa hẹn sẽ gặp lại vào sáu tháng sau, cũng tại Vienna. Nhưng vì một lý do nào đó, họ mất liên lạc. Lúc này họ đang ở độ tuổi 20.

“Before Sunset” kể về khoảng thời gian của chín năm sau. Jesse trở thành nhà văn nổi tiếng, đang ở Paris để quảng bá cho quyển tiểu thuyết lấy cảm hứng từ cuộc gặp gỡ định mệnh với Celine ở Vienna. Nhờ đó mà hai người gặp lại nhau. Lúc này, chàng và nàng đã không còn là những cô cậu đầy cuồng nhiệt, lãng mạn như năm 20 tuổi nữa, mà trở nên mất hy vọng vào tình yêu. Jesse thì đang bế tắc trong một cuộc hôn nhân chỉ vì trách nhiệm. Celine lại mất niềm tin sau những cuộc đổ vỡ trong tình yêu. Chính vào thời điểm ấy, họ gặp lại nhau, nối tiếp câu chuyện còn dang dở vào chín năm trước.

Tiếp tục chín năm nữa trôi đi. Với “Before Midnight”, hai nhân vật chính đã không bỏ lỡ nhau mà nắm lấy cơ hội số phận đã ban. Họ quyết định xây tổ ấm với hai cô con gái đáng yêu. Jesse vẫn tiếp tục sự nghiệp ra sách viết lách, còn Celine đang băn khoăn trước các lựa chọn sự nghiệp. Tình yêu của họ giờ đây đã trở nên thực tế hơn và chịu nhiều thử thách hơn. Các cuộc cãi vã diễn ra thường xuyên vì thiếu sự lắng nghe và thấu hiểu lẫn nhau.
Một điểm độc đáo của series phim Before là từ đầu đến cuối chỉ xoay quanh những cuộc nói chuyện của hai nhân vật chính. Không có kịch tính, cao trào hay nút thắt. Mạch phim chậm rãi và từ tốn nhưng vẫn khiến người xem không thể rời mắt. Bởi diễn xuất rất đỗi tự nhiên, tựa như họ không phải diễn mà là đang sống một cuộc đời thực. Gặp một người xa lạ. Mời người ấy cùng trò chuyện. Bối rối trong lần đầu nói chuyện. Rồi dần dần mối liên kết xuất hiện. Cảm giác ngượng ngùng biến mất. Thay vào đó là sự thân thuộc. Dường như họ không phải cố suy nghĩ chủ đề để nói. Họ cứ đi bên nhau, trò chuyện về những điều rất vụn vặt như kỷ niệm thời thơ ấu, gia đình, sự nghiệp cho đến quan điểm về cuộc sống, tình yêu, hôn nhân…
Tôi ngưỡng mộ cái cách họ lắng nghe nhau, chia sẻ mọi quan điểm, chuyển từ chủ đề này sang chủ đề khác một cách tự nhiên. Dù đôi khi câu chuyện có phần lan man hay chỉ là những “suy nghĩ lung tung” nhưng người kia vẫn lắng nghe chăm chú. Nghe bằng cả ánh mắt và trái tim. Những cuộc đối thoại liên tục, dù bị đứt quãng chín năm nhưng khi gặp lại, họ vẫn kết nối với nhau, tiếp tục kéo dài chuỗi câu chuyện ấy.
Tôi nghĩ họ hòa hợp với nhau đến vậy không phải vì có tính cách giống nhau hay cùng chung sở thích. Mà do khả năng lắng nghe và dành sự chân thành trong những câu chuyện của đối phương. Ngay cả khi ở phần cuối “Before Midnight”, đời sống hôn nhân với bao trách nhiệm và khó khăn đã khiến họ dần mất đi sự lắng nghe và thấu hiểu, chỉ còn những cuộc đối chọi hơn là đối thoại. Nhưng cuối cùng, nhờ sự bình tĩnh trò chuyện cùng tình yêu đã níu giữ được họ, chấp nhận kiềm chế cái tôi, nhường nhịn nhau để duy trì cuộc hôn nhân. Tôi nhớ nhất câu nói của Jesse khi Celine đang trên đà giận dữ:
Em làm bạn với anh hai giây để ta nói chuyện được không?
Vì vậy, mấu chốt để có một mối quan hệ bền vững, theo tôi là ở khả năng đối thoại. Ta dùng lời nói, thái độ, cử chỉ để chia sẻ suy nghĩ, cảm xúc rõ ràng cho người kia có thể hiểu. Ngược lại, ta dùng trái tim và sự chân thành lắng nghe những gì người kia nói. Đối thoại trong tình yêu cũng giống như chất dinh dưỡng đối với sự sống vậy. Nếu thiếu đi sẽ chỉ khiến tình yêu trở nên nghèo nàn, rồi dễ dẫn đến những hiểu lầm, buồn chán và xa cách.
Có không ít bạn trẻ than phiền rằng, lúc mới yêu họ trò chuyện với nhau rất nhiều. Nhưng sau một thời gian, họ cảm thấy không còn chủ đề gì để nói với nhau nữa. Gặp nhau hỏi han vài ba câu về công việc, sau đó là một khoảng im lặng kéo dài. Tình yêu cứ thế phai nhạt dần. Và nếu “cố chịu đấm ăn xôi” để kết hôn với nhau thì đời sống vợ chồng bận rộn sẽ chỉ khiến ta càng có ít thời giờ trò chuyện với nhau. Và tôi sẽ không muốn sống cả đời với một người mà chẳng thể nói chuyện với nhau được ba mươi phút. Cuộc hôn nhân như thế thật sự là cơn ác mộng.
Khi viết những dòng này, đột nhiên tôi nhớ đến bài thơ “trải chiếu ngắm trăng” của nhà thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh, được minh họa bởi họa sỹ Nguyễn Thành Phong, kể về hai cụ già “cãi yêu” trong một đêm trăng sáng:
cụ bà trải chiếu giữa sân
cụ ông đập đập hai chân vào ngồi
chán ghê hết thuốc lào rồi
trưa vừa rào lại đấy thôi, quên à
tôi bảo hết thuốc lào mà
vừa cơm xong nấu cháo gà gì ông
điếc rồi, thế có chán không
giờ này còn định ra sông tắm trời
ông đúng là đồ dở hơi
dở hơi mà lại biết bơi đấy bà
ông bảo gì mà cháy nhà
phỉ phui cái miệng không là chết oan
Chúng ta sinh ra, trưởng thành, gặp người mình yêu, kết hôn, sinh con. Con cái rồi cũng rời xa bố mẹ, để tuổi già chỉ còn ta với người bạn đời. Khi ấy, ta cũng chẳng còn minh mẫn để đọc sách, viết lách hay làm bất kỳ thú vui gì. Vậy chẳng phải điều khiến cho tuổi già đỡ cô quạnh chính là có thể cùng người bạn đời đi dạo ngắm trăng, cùng nói những câu chuyện tủn mủn vụn vặt, không đầu không đuôi mà vẫn rất vui đó sao?
.Ngưn.