Steve Jobs: Một con người "dám" đơn giản
Từ những lát cắt về cuộc đời Steve Jobs, ông để lại cho chúng ta những gì?
Steve Jobs đã để lại gì cho chúng ta sau khi ông qua đời?
Apple, đứa con do bàn tay Steve Jobs nhào nặn, đã trở thành công ty công nghệ có vốn hóa lớn nhất thế giới. Từ sự dẫn dắt của ông, Apple đã định hình và thống trị thế giới công nghệ hơn một thập kỷ qua. Từ chiếc Ipod đơn giản, chiếc Iphone mang tính cách mạng, cho đến chiếc kính Vision Pro mới nhất, chạm vào chúng, chúng ta vẫn còn cảm nhận được một nguồn cảm hứng vô tận mà Steve đã để lại trong đó.
Chúng ta còn nhận được gì từ người đàn ông vĩ đại này? Đó là những bài học từ Steve. Cách ông quản trị công ty, cách ông học hỏi, cách tạo ra và phát triển sản phẩm, cách ông tiếp cận đổi mới và rủi ro - tất cả đều là những điều mà chúng ta có thể học hỏi từ Steve Jobs. Ông không chỉ là một nhà sáng lập và một nhà lãnh đạo, mà còn là một người tinh thần dẫn đường, khích lệ hàng triệu người trên khắp thế giới để theo đuổi đam mê của họ và không ngừng tìm kiếm sự hoàn hảo.
Ngày mà Steve Jobs chào tạm biệt thế giới, cũng là một ngày hi hữu, khi cả thế giới cùng chia sẻ một sự mất mát. Những chiếc ảnh đại diện được đổi sang logo Apple màu đen, những dòng tweet “isad”, và cả những bó hoa được đặt trước các cơ sở Apple Store. Hóa ra, trong tâm trí nhiều người, hình tượng của Steve Jobs đã lớn hơn cả hình bóng của một nhà quản trị hay một người truyền cảm hứng.Di sản của Steve Jobs có lẽ vượt ra ngoài những chiếc Iphone, hay những câu từ khen ngợi về ông. Di sản của Steve, chính là câu chuyện về cuộc đời của ông. Trong bài viết này, hãy cùng mình xem lại những lát cắt trong thước phim về cuộc đời của Steve, điều gì đã tạo nên người đàn ông mê nhạc Bob Dylan vĩ đại như vậy. Đầu tiên, hãy bắt đầu với câu hỏi: Steve đã có một tuổi thơ như thế nào?
Thời thơ ấu
Steve Jobs được sinh ra vào ngày 24/2/1955, tại San Francisco, Hoa Kỳ.
Bố của Steve là Paul Reinhold Jobs. Ông lớn lên trong một trang trại bò sữa ở Wisconsin. Paul đã không học hết trung học mà bỏ ngang để xin vào làm thợ máy, đến năm 19 tuổi, ông chính thức gia nhập lực lượng cảnh sát biển. Mẹ của Steve là bà Clara. Bà sinh ra tại New Jersey, sau đó cả gia đình bà phải chuyển đến khu trung tâm ở San Francisco khi Clara còn là một đứa trẻ.
Paul gặp Clara sau khi đã giải ngũ khỏi lực lượng Cảnh sát biển. Cả 2 đã xây dựng nên một gia đình hạnh phúc và kiểu mẫu như ở thập niên 50 thế kỷ trước. Duy chỉ một điều làm cho bức tranh cuộc sống của họ bị khuyết đi một phần, bà Clara không thể có con. Và vì thế, họ đã nhận nuôi Steve.
Từ khi còn nhỏ, Steve Jobs đã biết được sự thật mình là con nuôi. Và những ý nghĩ xoay quanh câu chuyện này đã ảnh hưởng đến cậu bé Steve rất nhiều.
Năm 6-7 tuổi, cô bạn nhà đối diện đã hỏi Steve rằng “Cậu được nhận nuôi vì bố mẹ đẻ không cần đến cậu nữa phải không?”. Jobs chạy về nhà và khóc nức nở. Nhưng bố mẹ nuôi đã nhìn thẳng vào mắt Steve và nói một cách nghiêm nghị: “Chính chúng ta đã đặc biệt muốn nhận nuôi con”.
‘Bị bỏ rơi’, ‘Được lựa chọn’, ‘Đặc biệt’. Những khái niệm đó đã trở thành một phần trong con người của Jobs, và ngay cả trong phong cách sống của ông. Những người bạn thân của ông cho rằng, chính những tổn thương này đã thúc đẩy Steve muốn kiểm soát hoàn toàn mọi thứ do ông tạo ra. Nhưng cũng chính những nỗi đau này cũng giúp ông tự lập hơn, giúp ông “chọn một hướng đi khác biệt để rồi vượt lên trên hẳn những gì cuộc đời ban cho ông từ khi sinh ra.”Không chỉ cho Steve sự tin tưởng, Paul Jobs còn truyền lại tình yêu cơ khí và sửa chữa máy móc của mình cho cậu con trai. Ông đã chỉ vào một khu bàn trong gara của ông và nói “Steve, từ giờ, đây sẽ là bàn làm việc của con.”
Steve còn bị ấn tượng bởi khả năng khéo léo và sự lành nghề của cha mình. “Ông ấy thích làm mọi thứ một cách hoàn hảo. Ông ấy quan tâm đến cả những phần mà thông thường mọi người không để ý.”
Những lần làm việc cùng cha trong gara đã cho Steve những trải nghiệm đầu tiên về điện tử, máy móc. Ngoài ra, tính cách tỉ mỉ của Paul cũng ảnh hưởng lên ông rất nhiều, nuôi dưỡng trong Steve niềm đam mê sáng tạo những sản phẩm có thiết kế tinh tế.
Cách nhà của Steve 7 dãy nhà có một người hàng xóm đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến Steve, ông ấy tên là Larry Lang. Larry là một kỹ sư làm việc tại HP mà Steve đã mô tả ông là “một kỹ sư am hiểu điện tử lỗi lạc.” Trong một lần đi cùng Lang, Steve đã được giới thiệu về một hệ thống micro và loa không dây. Điều này hoàn toàn trái ngược với những gì mà cha ông đã dạy, rằng một chiếc micro thì luôn cần một chiếc âm ly điện tử.
Đó là lần đầu tiên, Steve nhận ra một sự thật rằng ông thông minh và nhạy bén hơn cha mẹ mình. Không lâu sau đó, ông phát hiện thêm, chính cha mẹ ông cũng nhận ra sự thật này. Steve đã lớn lên trong sự giằng xé của hai cảm giác, của một đứa trẻ bị bỏ rơi và của một người đặc biệt. Có lẽ điều này đã tác động lớn lên việc hình thành tính cách sau này của Steve Jobs.
Đại học
Càng trưởng thành, Steve càng tỏ ra là một người ‘đặc biệt’ trông rõ. Những năm cuối của ở trung học, Steve đã thử nghiệm chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt, chỉ bao gồm rau và hoa quả. Điều này đã làm cho ông gầy và mảnh khảnh như một chú chó đua Whippet. Ông để một mái tóc ngắn ngang vai, một bộ râu lởm chởm, càng tô đậm tính cách ‘điên khùng’ lên vẻ ngoài của ông hơn.
Mười bảy năm trước, khi nhận nuôi Steve, ông bà Paul và Clara đã cam kết sẽ cho ông học đại học. Vì vậy, họ đã tích góp đủ một số tiền, tuy không nhiều, nhưng là đủ để Jobs có thể theo học sau khi tốt nghiệp trung học. Nhưng mọi việc không suôn sẻ đến vậy.
Steve đã đùa cợt rằng ông sẽ không học đại học, làm cho cha mẹ phản ứng một cách gay gắt. Steve thậm chí không quan tâm đến việc chọn trường, kể cả Stanford, ngôi trường ngay gần nhà và rất có thể sẵn sàng dành cho ông một suất học bổng. Steve là Steve, ông có sự táo bạo của mình. Và ông đã khăng khăng sẽ đăng ký vào Đại học Reed, một ngôi trường khoa học xã hội ở Portland với mức học phí gần như đắt nhất nước Mỹ. Cha mẹ ông dĩ nhiên đã phản đối vì rào cản tài chính đó. Nhưng cả 2 lại phải nhượng bộ trước bức tối hậu thư của Steve: Nếu không học ở Reed thì sẽ chẳng học ở đâu nữa.
Lên đại học, Steve càng tìm hiểu sâu hơn về thế giới tâm linh. Ông thừa nhận mình chịu ảnh hưởng sâu sắc từ nhiều của sách mang chủ đề này, đặc biệt là cuốn Be Here Now của Ram Dass, cuốn sách dẫn dắt người đọc vào thế giới của thiền định và các loại thuốc gây ảo giác.
Sự gắn bó của Jobs và thế giới tâm linh phương Đông, đặc biệt là Thiền Phật giáo không phải chỉ là những đam mê nhất thời. Ông theo đuổi nó hết mình như tính cách vốn có của ông. Chúng ta có thể thấy được điều này thông qua khiếu thẩm mỹ đơn giản và tinh tế của Jobs.
Bên cạnh những cuốn sách về tâm linh, ăn chay cũng là điều mà Steve đã theo đuổi trong suốt những đầu đại học. Cuốn sách đã gợi lên thói quen này cho Jobs là Diet for a Small Planet. Theo lời mô tả của người bạn, Steve lúc này sống chỉ dựa vào ngũ cốc Roman Meal, ông thường mua cả hộp lớn để có thể sử dụng được trong một tuần.
Thói quen này của Steve còn trở nên điên rồ hơn khi ông đọc cuốn Mucusless Diet Healing System (Ăn chay không niêm dịch chữa lành cơ thể). Ông tin rằng nếu không ăn gì ngoài trái cây và rau sẽ giúp ngăn chặn cơ thể tiết ra niêm dịch gây hại. Điều đó có nghĩa ông cũng chấm dứt ngay cả ngũ cốc Roman Meal, hay các loại bánh mì, hạt.
Những biểu hiện của sự điên cuồng, như tìm hiểu về tâm linh, hành thiền, sử dụng chất kích thích và ăn chay của Steve như một nỗ lực trong hành trình tìm kiếm sự giác ngộ của thời đại.
……
Rất nhanh sau đó, Steve cảm thấy Reed không như những gì ông tưởng tượng. Ông cảm thấy chán vì bị bắt buộc phải học những môn trường yêu cầu. Jobs chỉ muốn học những gì ông muốn, chẳng hạn lớp học nhảy để thỏa mãn tính óc sáng tạo của mình và có cơ hội gặp gỡ các cô gái. Thật sự, Jobs không hề muốn rời Reed, ông chỉ muốn được thoát khỏi những môn học mà ông không hề cảm thấy hứng thú.
Bất ngờ thay, trường Reed lại đồng ý với yêu cầu đó. Người phụ trách quản lý sinh viên, Dudman, đã cho phép Jobs tham gia dự thính ở các lớp học và ở kí túc xá thậm chí khi ông đã ngừng đóng học phí.
Kể từ thời khắc đó, Steve được tự do tham gia những môn học ông muốn. Trong số đó, có một môn học đã mài dũa nét tinh tế trong con người ông, và còn ảnh hưởng trực tiếp đến các thiết bị của Apple sau này. Đó là môn thư pháp.
“Tôi học về cách viết các kiểu chữ có chân và không chân, về cách tùy chỉnh khoảng cách giữa các ký tự và cách biến những con chữ cách điệu trở nên ấn tượng hơn. Nghệ thuật thư pháp thật đẹp, cổ điển và giàu tính nghệ thuật một cách tài tính, điều mà khoa học không thể nắm bắt được. Và tôi cảm thấy rất hấp dẫn.” Đây là điều Steve đã chia sẻ về khóa học thư pháp, cũng là dẫn chứng rõ ràng cho thấy con người Steve là sự giao thoa một cách hài hòa giữa 2 vòng tròn, một bên là nghệ thuật và phía bên kia là công nghệ.
Apple
Ý tưởng
Stephen Wozniak là một người bạn mà Steve quen từ thuở trung học. Tuy Woz lớn hơn Steve đến 5 tuổi, nhưng cả hai đều chia sẻ sở thích chung về công nghệ và cả âm nhạc. Xét về độ hiểu biết về thiết kế điện tử, Woz đã đi trước Steve nhiều bước. Ở độ tuổi mà Steve còn thắc mắc về chiếc micro carbon mà cha ông không thể giải thích, Woz đã sử dụng bóng bán dẫn để xây dựng hệ thống kết nối liên lạc. Nếu Steve là linh hồn, thì Woz là trái tim đã tạo nên Apple.
Wozniak và Steve
Thời kì những năm 1960 là những năm tháng bùng nổ công nghệ ở Mỹ. Các nhà thầu quân sự, tiếp sau đó là các công ty điện tử, các nhà sản xuất vi xử lý, các nhà thiết kế trò chơi điện tử,... đã tạo nên một văn hóa mới gắn liền với công nghệ hiện đại. Nhưng cũng có những đứa trẻ cảm thấy lạc lõng ở giai đoạn chuyển giao này, điều này đã tạo nên một luồng văn hóa nổi loạn ở chiến tuyến bên kia.
Ban đầu, dân công nghệ và những đứa trẻ nổi loạn không có quan hệ tốt với nhau. Nhiều thành viên trong phong trào phản văn hóa coi máy tính là thứ đáng nghi ngại và có khả năng lấy đi sự tự do của cuộc sống.
Tuy nhiên, đến đầu thập niên 70, xã hội lại có sự chuyển biến. Khi nhiều nhà phân tích đã chứng minh rằng, máy tính đang dần trở thành một biểu tượng của cá tính và sự tự do. Những tập đoàn khổng lồ thời bấy giờ đối xử với máy tính một cách rập khuôn. Nhưng những người theo phong trào văn hóa thì khác, những kẻ “chơi thuốc”, đi dép lê ấy nhìn nhận mọi thứ theo cách riêng - nổi loạn. Họ là những người tạo ra thế kỷ 21.
Tháng 1 năm 1975, chiếc máy tính cá nhân đầu tiên được ra mắt trên một tờ tạp chí. Nó được gọi là Altair, bao gồm một khối các bộ phận được hàn với một tấm bảng mạch được làm đơn giản. Nhưng dân công nghệ khi nhìn Altair đã hiểu rằng, đây là sự báo hiệu cho bình minh của một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của máy tính cá nhân. 2 tháng sau, Woz đã được tận mắt chứng kiến chiếc máy tính này.
Câu lạc bộ máy tính Homebrew được xem là sự hợp nhất giữa phong trào công nghệ và phản văn hóa. Cuộc họp đầu tiên của clb diễn ra vào ngày 5/3/1975, trong đó có một buổi dành cho việc ra mắt sản phẩm máy tính Altair mới. Woz đã tham gia vào cuộc họp này, đó là một trong những buổi tối quan trọng nhất cuộc đời ông. Woz đã nhìn thấy được những bản thông số kỹ thuật cho bộ vi xử lý cua Altair. Từ đó, ông như được khai sáng.
Ông bắt tay vào thiết kế một thiết bị đầu cuối, với một bàn phím và màn hình có khả năng kết nối với máy tính mini từ xa. Wozniak sử dụng một bộ vi xử lý trong thiết bị, giúp nó sở hữu một phần khả năng của máy tính mini từ xa. Bàn phím, màn hình, và máy tính, tất cả được tích hợp. “Toàn bộ ý tưởng về chiếc máy tính cá nhân đã nảy ra trong đầu tôi,” ông nói. “Đêm đó, tôi bắt đầu phác thảo ra giấy những gì sau này được gọi là Apple I.”
Jobs đã hết sức ấn tượng khi được biết đến chiếc máy tính của Woz. Jobs hồ hởi bắt tay vào hoàn thiện một số phần liên quan đến bộ nhớ. Tuy nhiên, Woz là một người ngây thơ và tin vào triết lý của CLB máy tính. “Chủ đề của câu lạc bộ,” ông nói, “là hãy giúp đỡ người khác.” Nhưng Steve thì không như vậy, ông không chấp nhận quan điểm rằng những phát minh của Wozniak là để miễn phí. Đó là sự khác nhau giữa 2 người. Woz chỉ luôn đặt mình ở vị trí trung bình, nhưng Steve thì luôn có chỗ cho tham vọng của ông.
Sau cùng, Woz đã bị Steve thuyết phục, cả 2 bắt đầu bắt tay vào làm những chiếc máy tính thương mại đầu tiên của mình. Những chiếc máy tính được tích hợp hoàn chỉnh, được thiết kế thân thiện để khiến một thiết bị xa lạ trở nên thân thiện và cần thiết cho mọi gia đình thời bấy giờ. Woz với khả năng kỹ thuật vượt trội, với sự lãnh đạo tài tình và tầm nhìn “bóp méo thực tại” của Jobs, cả hai đã mở ra kỉ nguyên mới của máy tính cá nhân.
Sự ra đời
Apple Computer. Ai lại nghĩ ra sự kết hợp nực cười này nhỉ? Nó thậm chí còn chẳng có nghĩa.
Steve là như vậy. Cái tên ấy đã phản ánh con người ông. Táo (Apple) là loại quả mà ông lựa chọn cho chế độ ăn chay hà khắc của mình. Đặt cạnh từ máy tính (computer), cái tên này mang lại cảm giác thân thiện, vui vẻ, và có sinh khí cho một khối máy móc vô hồn.
Ngày 1 tháng 4 năm 1976, Apple computer được thành lập với ba thành viên sở hữu cổ phần, bao gồm Steve Jobs, Stephen Wozniak, và Ronald Wayne. Nhưng sau đó không lâu, Wayne đã rời khỏi, để con tàu Apple lại cho bộ đôi Steve chèo lái. Woz được giao trách nhiệm chính về việc điều hành kĩ thuật điện tử, trong khi Jobs sẽ phụ trách những việc liên quan đến kinh doanh, marketing.
Apple I lần đầu tiên được Jobs và Woz giới thiệu trong một buổi thuyết trình tại clb máy tính Homebrew. Woz đã trình bày những gì Apple vượt trội hơn các máy tính đối thủ, một chiếc máy tính có bàn phím dễ dùng và tất cả thành phần được tích hợp. Chỉ có rất ít khán giả để tâm đến sản phẩm của Apple, nhưng trong số đó, lại có Paul Terrell.
Paul là chủ của chuỗi cửa hàng máy tính tên Byte Shop, ông đã khá ấn tượng với Apple I và quyết định đặt 50 chiếc sau khi thảo luận với Jobs. Và vậy là, Apple Computer đã có đơn hàng đầu tiên.
Ngôi nhà của Jobs ở Los Altos đã trở thành điểm lắp ráp 50 bảng mạch của Apple I. Tất cả nhân lực được huy động: Jobs, Woz, người bạn thời trung học Kottke và bạn gái cũ của anh Elizabeth Holmes, cùng với cô em gái Patty của Jobs.
Steve không chỉ làm ra 50 chiếc máy tính cho đơn hàng đặt của Paul, mà còn làm thêm 50 chiếc để bán cho bạn bè, và 100 chiếc để bán lẻ. Mức giá buôn mà Jobs và Paul đã thỏa thuận là 500$ cho mỗi chiếc Apple I. Nhưng khi bán lẻ, Jobs đã nâng mức giá lên 666,66$, điều này đã gây mâu thuẫn với Woz khi ông cho rằng họ chỉ nên bán chúng với mức giá vừa đủ để bù đắp cho chi phí sản xuất. Steve thì khác, ông muốn lãi cao, và mức giá 666,66$ mà ông chọn đã gấp 3 lần chi phí sản xuất.
Thành công của Apple I không chỉ đến từ việc nó là một trong những máy tính cá nhân đầu tiên được bán ra thị trường, mà còn bởi cách mà Jobs và Wozniak tiếp cận việc bán hàng và tiếp thị sản phẩm. Mức giá 666,66$ mà Jobs đặt ra có thể gây tranh cãi, nhưng nó cũng phản ánh chiến lược kinh doanh của Jobs: tạo ra giá trị, không chỉ thông qua sản phẩm mà còn qua cách sản phẩm được giới thiệu và bán ra thị trường. Điều này đã giúp tạo ra một hình ảnh về Apple như một công ty đột phá, sẵn sàng thách thức quy ước và đưa ra những sản phẩm không chỉ mạnh mẽ về mặt kỹ thuật mà còn vượt trội về mặt thiết kế và trải nghiệm người dùng.
Những sự mâu thuẫn
Rút kinh nghiệm từ Apple I, Steve Jobs và cộng sự của mình đã làm ra chiếc máy tính Apple II mang tính cách mạng. Jobs nhận ra tầm quan trọng của một “chiếc máy tính trọn gói hoàn chỉnh”, được tích hợp toàn bộ tính năng. Apple II đã thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. 16 năm kể từ khi ra mắt, gần 6 triệu thiết bị Apple II đã được bán ra thị trường, mở ra một ngành công nghiệp máy tính cá nhân.
Apple bấy giờ đã trở thành một trong những công ty tiên phong ở thung lũng Silicon, và Steve vẫn đảm nhiệm vai trò Chủ tịch và Giám đốc điều hành cho đứa con của mình. Nhưng Steve Jobs có vẻ vẫn xoay sở với chiếc áo trách nhiệm lớn thêm mỗi ngày của mình. Áp lực khiến ông dần bộc lộ sự nóng giận và cư xử như một đứa trẻ. Steve sẽ không ngần ngại nói rằng những sản phẩm do nhân viên làm ra là thứ rác rưởi.
Jobs còn có vấn đề về vệ sinh. Ông vẫn tiếp tục duy trì chế độ ăn chay hà khắc, và cho rằng chế độ này sẽ giúp ông không phải tắm thường xuyên. Thỉnh thoảng, để giảm bớt căng thẳng, Jobs còn rửa chân trong bồn cầu, một hành động không mấy dễ chịu.
Sự căng thẳng xảy ra ở cả trong mối quan hệ giữa Woz và Steve. Woz ghét tính cách trẻ con và những xung đột, bất hòa mà Steve gây ra. Trong quá trình thiết kế chiếc Apple II, Woz đã xung đột với Steve, ông cho rằng chiếc máy cần có 8 khe cắm để giúp người dùng có thể cắm thêm các thiết bị ngoại vi. Steve thì chỉ muốn con số 2 khe cắm, lần này Woz đã kiên quyết và không thỏa hiệp. Sau cùng ý tưởng của Woz được chấp thuận, nhưng ông cũng thấy quyền lực của mình đã bị Steve lấn án trong công ty.
Khao khát kiểm soát Apple và thái độ thiếu cẩn trọng với quyền lực của Jobs thực sự là một vấn đề đối với ban quản trị. Có thể Steve đã mất kiểm soát khi gánh trên vai là một Apple đang tăng trưởng quá nhanh, cũng có thể đây vốn là con người của Steve.
Sự ra đi
Năm 1985, Apple đã thực sự trở thành gã khổng lồ trong thế giới điện tử. Những thiết bị làm say lòng người như Apple II, Apple III, Lisa và Mac đã đưa danh tiếng của Apple đi lên, dĩ nhiên, kéo theo đó là tên tuổi của Jobs. Tuy nhiên, dưới ánh sáng chói lóa của sự thành công, bóng tối của sự bất đồng và mâu thuẫn cũng dần hiện hình.
Macintosh đã được sinh ra trong sự mâu thuẫn ấy. Steve đã sử dụng cái mà người ta hay gọi là “khả năng bóp méo thực tại” để tạo ra một chiếc máy tính Macintosh mang vẻ đẹp tao nhã bên ngoài và sức mạnh khổng lồ bên trong.
“Ông ấy muốn mọi việc phải được hoàn thành vào tháng 1 năm 1982, sớm hơn kế hoạch 1 năm!” - “Thật điên rồ. Không thể nào làm vậy được!” Đó là phản ứng của nhóm phát triển Mac khi nghe về yêu cầu của Jobs. Nhưng kỳ lạ thay, cả nhóm dường như bị mắc vào cái bẫy của Jobs.
Một ngày, Jobs lao vào phòng của một kỹ sư đang phát triển hệ điều hành của Macintosh và phàn nàn rằng hệ thống đang khởi động quá lâu. Anh kỹ sư Kenyon bắt đầu giải thích nhưng Steve lại cắt ngang lời ông, “nếu đủ cứu mạng sống một người, liệu anh có giảm bớt thời gian khởi động đi 10 giây không?” Steve hỏi. Kenyon nói ông có thể. “Vậy, nếu có 5 triệu người sử dụng mac và nếu giảm được 10 giây khi khởi động máy hằng ngày, thì ta có thể tiết kiệm 300.000 giờ mỗi năm, tương đương với hàng trăm mạng sống có thể được cứu mỗi năm.” Kenyon thật sự ấn tượng, vài tuần sau đó, ông quay trở lại và Mac đã khởi động nhanh hơn trước 28 giây. Mãi đến tận sau này, Steve vẫn sử dụng phương pháp này để chỉ rõ sự ảnh hưởng trên bức tranh lớn.
Nhiều người cho rằng gốc rễ của hành vi này hình thành ngay từ tuổi thơ của Jobs. Thuở bé, ông đã “bóp méo thực tại” bằng tính cách ương ngạnh của mình để đạt được những thứ ông muốn. Khi lớn lên, Steve càng sử dụng khả năng này nhiều hơn trong công việc.
Cách Jobs sử dụng "khả năng bóp méo thực tại" trong công việc không chỉ là áp đặt ý chí của mình lên người khác; nó còn là cách ông khơi gợi niềm tin và đam mê trong mỗi cá nhân. Ông luôn tìm cách để kích thích sự sáng tạo, khuyến khích đội ngũ của mình nhìn thấy những gì có thể, không chỉ những gì hiện tại.
Wozniak hiểu điều này “Khả năng bóp méo thực tại của Jobs được thể hiện khi ông nghĩ đến một kế hoạch thiếu hợp lý trong tương lai, như việc ông nói với tôi rằng tôi có thể thiết kế trò chơi Breakout chỉ trong vài ngày. Chúng ta hiểu rằng đó là một điều bất khả thi, nhưng bằng cách nào đó ông ấy đã biến nó thành điều có thể.”
Hay ở quá trình tạo nên Iphone, Apple đã tạo nên đột phá khi trình làng một thiết bị di động có khả năng cảm ứng đa điểm, một công nghệ quá đỗi xa lạ khi những đối thủ thời bấy giờ vẫn còn trung thành với bàn phím vật lý.
Không chỉ ở Apple, Steve còn biết cách áp dụng hành vi này lên đối tác của ông. Trong hành trình tìm kiếm đối tác gia công mặt kính cho thế hệ Iphone đầu tiên, Jobs đã gặp gỡ với các lãnh đạo của Corning Glass. Tại đó, ông đã được giới thiệu một loại kính với tên gọi Gorilla Glass, có độ bền và khả năng chịu lực cao. Tuy nhiên, vì không tìm được thị trường tiêu thụ nên loại kính này đã bị Corning bỏ đi. Ấy vậy, Jobs đã yêu cầu Corning sản xuất số lượng nhiều nhất có thể trong vòng sáu tháng. Ban đầu, ban lãnh đạo của Corning đã bất ngờ, nhưng rồi, Corning đã tập trung hết những nhà khoa học và kỹ sư giỏi nhất để biến yêu cầu của Jobs thành sự thật.
Steve đã đúng, khả năng “bóp méo thực tại” của ông thực sự có hiệu quả. Duy chỉ một vấn đề xảy đến, dường như Jobs không nhận ra rằng, hành vi này cũng đang “bóp méo” chính tâm hồn ông.
Trong tâm hồn của Steve Jobs, sự ám ảnh về sự hoàn hảo không chỉ là một đặc điểm tính cách; nó là một nguyên tắc cốt lõi điều khiển mọi quyết định. Tuy nhiên, bên trong Steve lại tồn tại nhiều sự mâu thuẫn. “Nếu bạn đuổi theo hai con thỏ cùng một lúc, bạn sẽ không bắt được con nào.” Steve theo đuổi sự hoàn hảo ở cả Macintosh và ở cả cách điều hành công ty, và đó là điều bất khả dĩ.
Những người sát cánh cùng Steve, kể cả Wozniak đã nhận ra vấn đề này ngay ở khi Apple I ra mắt. Apple cần một người chủ tịch đủ kinh nghiệm để phát triển, chứ không phải một Steve thường nổi cáu, hoặc bật khóc trong những cuộc tranh luận.
Theo sự phát triển của máy tính Macintosh, căng thẳng giữa Jobs và Sculley - giám đốc điều hành của Apple lúc bấy giờ - liên tục leo thang.
Scully được được bổ nhiệm làm CEO của Apple vào năm 1983. Steve Jobs đã mời ông từ PepsiCo đến để giúp Apple chuyển mình từ một công ty khởi nghiệp thành một doanh nghiệp lớn mạnh. Lần đầu Sculley thăm Apple, ông cực kỳ bị ấn tượng bởi văn hóa làm việc của Apple, một không khí mộc mạc và thoải mái như phong cách của Steve. Jobs cũng thích sự hiểu ý của Sculley. Cả hai nhanh chóng trở thành “bạn tâm giao”.
Nhưng không lâu sau, Steve nhận ra tất cả chỉ là ảo tưởng.
Jobs cho rằng Sculley không phải là con người của sản phẩm, ông ta không hề nỗ lực để hiểu về những điểm cốt lõi của các sản phẩm họ đang tạo ra. Ngược lại, Sculley cho rằng Steve quá chú tâm vào chi tiết nhỏ nhặt trên các thiết bị, ông tin rằng nỗi ám ảnh này sẽ phản tác dụng.
Cả 2 còn đối nghịch nhau ở cách đối xử với nhân viên trong công ty. Steve, khi chiếc Macintosh gây thất vọng vì chỉ đạt được 10% doanh số dự báo, đã trở nên bực dọc, tức tối đổ lỗi cho tất cả mọi người. Ông lấy những người xung quanh làm nơi để xả cơn giận dữ trong người. Trái ngược với hình ảnh điềm tĩnh của Sculley, ông muốn tránh những cuộc đối đầu trực tiếp với Jobs, và “giữ hòa khí, quan tâm đến các mối quan hệ.”
Căng thẳng liên tục theo thang, Jobs và Sculley tranh giành quyền quản lý bộ phận phát triển Mac. Hiểu rằng quyết định tuyển dụng vị giám đốc điều hành này là sai lầm, Steve âm mưu lôi kéo ban quản trị lật đổ Sculley, nhưng là đã quá trễ.
Một năm trước, Jobs cùng Sculley bay đến Cambridge, Massachusetts để thăm Edwin Land, người sáng lập tập đoàn Polaroid và là thần tượng của Steve. Jobs đã nói rằng “Tất cả những gì ông ấy (Edwin) làm là giúp thay đổi hàng triệu kẻ kém cỏi, và họ đã đá ông ấy ra khỏi công ty của mình.” Giờ đây, Sculley đã làm điều tương tự với Jobs.
Thứ Sáu, ngày 24 tháng 5 năm 1985. Cuộc họp Ban điều hành Apple diễn ra. Kế hoạch đảo chính đã bị lộ, Jobs phải đối đầu trực tiếp với Sculley để định đoạt số mệnh của mình. Jobs vẫn khăng khăng Sculley không hiểu gì về Apple và rằng Scully nên rời khỏi công ty. “Tôi muốn anh ở đây để giúp tôi phát triển, và anh đã chẳng giúp tôi được gì.”
Sculley mất bình tĩnh trước áp lực từ Steve, ông bắt đầu nói lắp bắp và đánh cược một canh bạc lớn. Ông tổ chức một cuộc thăm dò ý kiến của cả ban quản trị, rằng “Tôi hay Steve, các anh bỏ phiếu ai?”. Mãi đến sau này, Steve vẫn tức tối khi nhớ lại: “Anh ta thật ranh mãnh… Trong tình huống đó chỉ có thằng ngốc mới bỏ phiếu cho tôi.”
Đúng là như vậy, mặc dù ai cũng dành sự quý mến đến Jobs, nhưng tất cả đều chọn Sculley.
Jobs bị đá khỏi công ty của mình. Ông bước ra khỏi phòng mà không ai theo sau.
Những ngày tháng sau đó, Jobs ngồi lì trong nhà. Trong hàng giờ liền, ông bật băng nhạc của Bob Dylan, đặc biệt là ca khúc The Times They Are A-Changin'
“For the loser now/ Will be later to win”
Sự trở lại
Trong thần thoại Hy Lạp, Prometheus là vị thần đặc biệt. Prometheus đã tạo ra loài người từ bùn đất, nuôi dưỡng con người, dạy cho họ từ kiến thức thiên văn đến nông nghiệp. Prometheus yêu đàn con của ông hơn cha mình, thần Zeus, do đó ông đã đánh cắp ngọn lửa thần thánh để trao cho nhân loại.
Hành động này của Prometheus khiến Zeus, tức giận. Zeus sau đó trừng phạt Prometheus bằng cách trói ông vào một tảng đá, nơi một con đại bàng hàng ngày đến ăn gan của ông, và gan sẽ mọc lại vào ban đêm để tái diễn đau đớn. Cuối cùng, Prometheus được giải cứu bởi Hercules, một anh hùng của loài người.
Nếu có ai đồng cảm với Prometheus, đó phải là Steve Jobs. Giống như Titan đã mang lửa đến cho nhân loại, Jobs mang đến cho thế giới những công nghệ và sản phẩm đã thay đổi cách chúng ta sống, làm việc và giao tiếp. Cả hai đều đối mặt với sự phản đối và trừng phạt từ những quyền lực cao hơn - Prometheus từ Zeus và Jobs từ hội đồng quản trị Apple.
Sự tương đồng giữa họ còn nằm ở tình yêu sâu sắc dành cho những "đàn con" của mình. Prometheus yêu thương loài người, một tạo vật mà ông đã tạo ra từ bùn đất và đã hy sinh bản thân mình để mang đến kiến thức và sức mạnh. Jobs, mặc dù không tạo ra con người, đã tạo ra những sản phẩm đột phá và đã đặt tất cả tình yêu, sự say mê và tầm nhìn của mình vào chúng.
Cả Prometheus và Jobs đều chịu đựng đau khổ vì những lựa chọn và hành động của mình, nhưng họ cũng đều được nhớ đến như những nhà đổi mới và những người mang lại ánh sáng. Sự đau khổ của Prometheus dưới nanh vuốt của đại bàng hàng ngày tượng trưng cho giá đắt mà sự sáng tạo đôi khi phải trả. Tương tự, Jobs cũng đã trải qua những khoảng thời gian tăm tối từ việc bị sa thải khỏi Apple đến những thách thức khi xây dựng NeXT và Pixar.
Và cuối cùng, cũng như các Prometheus được Hercules giải cứu, Steve cũng có cơ hội để trở về với Apple.
…..
“Sự trở lại của Elvis cũng không thể tạo nên cảm xúc lớn hơn thế”, Jim Carlton, phóng viên của tờ Wall Street Journal đã nói như vậy.
Cả khán phòng đứng dậy, ngập trong tiếng vỗ tay, huýt sáo, hô hào khi chứng kiến Steve trở lại với Apple sau hơn 1 thập kỷ. Ông trở về để cứu lấy công ty, cứu lấy đứa con của mình đang trên đà sụp đổ.
Kể từ ngày Steve bước ra khỏi căn phòng quản trị đó, Apple như đánh mất đi ngọn lửa sáng tạo. Doanh thu giảm sút, cạnh tranh ngày càng gay gắt từ Microsoft và các hãng sản xuất PC khác khiến công ty rơi vào tình trạng tài chính bấp bênh. Sản phẩm của Apple không còn gây được tiếng vang lớn trên thị trường. Cả công ty nhận ra họ cần một nguồn cảm hứng mới, một người lãnh đạo mạnh mẽ với tầm nhìn đột phá có thể đưa công ty trở lại với vị thế hàng đầu. Còn sự lựa chọn nào ngoài Jobs?
Thời điểm này, Jobs không còn vương vấn quyền lực như xưa. Jobs trở lại ban đầu với vị trí cố vấn bán thời gian, và vẫn tiếp tục vận hành Pixar (công ty hoạt hình ông lập nên sau khi rời khỏi Apple). Nhưng giữa một dàn ban quản trị già cỗi, tiếng nói của Steve vẫn mang quyền lực đặc biệt.
Dấu ấn đầu tiên của Steve sau khi quay lại Apple mà công chúng cảm nhận được có lẽ chiến dịch “Think different”. Nó đặc biệt ngay ở cái tên. Nếu viết đúng ngữ pháp, nó phải là “think differently”. Nhưng Jobs muốn sử dụng từ “different” như một danh từ.
Ngoài đoạn quảng cáo thương mại được phát trên truyền hình. Steve còn thực hiện một trong những chiến dịch quảng cáo in đáng nhớ nhất lịch sử. Mỗi tờ quảng cáo là bức chân dung đen trắng của một nhân vật lịch sử với biểu tượng của Logo Apple và dòng chữ “Think Different”. Phần lớn họ là những thần tượng của cá nhân Jobs, đại diện cho sự sáng tạo, chấp nhận rủi ro, đặc cược cuộc đời mình để làm việc theo những cách khác biệt.
Steve đã một lần nữa thắp lên ngọn lửa sáng tạo mà Apple đã đánh mất. Ông bắt đầu dấn thân sâu hơn vào đứa con của mình. Steve Jobs trở thành CEO tạm thời của Apple vào năm 1997 và sau đó chính thức giữ chức vụ CEO vào năm 2000.
Khi quyền lực nằm trong tay, ông đã thực hiện những thay đổi để định hình lại tương lai của Apple. Ông đã cắt giảm hàng loạt dự án không hiệu quả, tập trung nguồn lực vào một số ít sản phẩm có khả năng mang lại sự đột phá. Đầu tiên và quan trọng nhất, iMac được ra mắt vào năm 1998, với thiết kế độc đáo và màu sắc nổi bật, đã nhanh chóng trở thành biểu tượng của sự đổi mới và giúp phục hồi tinh thần và hình ảnh của Apple.
Sau thành công của iMac, Jobs tiếp tục dẫn dắt Apple qua các dự án mới mẻ và mạo hiểm, bao gồm iPod, iTunes, iPhone và iPad. Mỗi sản phẩm đều mở ra một kỷ nguyên mới cho ngành công nghiệp và thói quen tiêu dùng, từ cách chúng ta nghe nhạc đến cách chúng ta giao tiếp và tiếp cận thông tin. Sự thành công của những sản phẩm này không chỉ củng cố vị trí dẫn đầu của Apple trong ngành công nghệ mà còn biến công ty trở thành một trong những thương hiệu giá trị nhất thế giới cho đến ngày nay.
Kết
Sẽ thật hồ đồ nếu mình dám kết luận điều gì về con người của Steve Jobs, vì sự vĩ đại của ông còn vượt xa những gì chữ viết có thể mô tả. Nhưng nếu được chọn một hình ảnh để đại diện cho con người của Steve, mình sẽ chọn một bức tranh về “vòng tròn âm dương”, một hình ảnh mà Steve đã bắt gặp khi nghiền ngẫm cuốn “Be Here Now”.
Thoạt nhìn bức tranh, ta có thể nghĩ nó đang biểu hiện sự mâu thuẫn. Như cách Steve nhìn nhận thế giới một cách nhị phân. Hoặc sản phẩm này là tuyệt vời, hoặc nó là thứ rác rưởi. Hoặc bạn là thiên tài, còn không bạn là đồ bỏ đi. Ông từng chỉ trích cựu tổng thống Obama rằng “Ông ấy có vấn đề trong lãnh đạo vì ông ấy không muốn làm mất lòng mọi người hoặc khiến mọi người tức giận… Đúng vậy, đó không phải là vấn đề mà tôi mắc phải.”
Jobs mạnh mẽ hơn thế, ông có một lý tưởng thống nhất khi nhìn nhận mọi thứ. Và chính sự bộc lộ sức mạnh này lại là động lực để ông thúc đẩy những người nhân viên của mình. Jobs khơi gợi sự xuất sắc từ những người xung quanh mình bằng cách thách thức họ, đôi khi là đến mức khắc nghiệt. Ông đã tạo ra một môi trường mà ở đó, mỗi người đều phải đối mặt với thách thức của việc vươn lên trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.
Bên cạnh sự mâu thuẫn, sự đối nghịch giữa màu trắng và đen, giữa hai thái cực trong một chủ thể, bức tranh còn khơi gợi cho ta ý nghĩa về tầm quan trọng của sự hài hòa.
Steve là sự hòa hợp giữa một gã kỹ sư thiên tài và một người nghệ sĩ thực thụ. Bàn tay ông đã biến những công nghệ thô ráp, xù xì, thành những thiết bị mang vẻ đẹp tinh tế. Và Apple đang kế thừa trọn vẹn tinh thần ấy trong từng sản phẩm mà họ tạo ra. Từ những đường nét uốn cong trên từng chiếc Iphone, cho đến những phông chữ hiển thị đến người dùng, chúng được thấm nhuần những mảnh tính cách Steve Jobs: niềm đam mê, chủ nghĩa hoàn hảo, sự tinh quái, khát khao, tính nghệ thuật, sự liều lĩnh và cả những nỗi ám ảnh của ông.
Jobs còn là một bậc thầy marketing với khả năng kể chuyện thuần thục của mình. Ông biết cách tạo ra câu chuyện xung quanh một sản phẩm, biến nó từ một vật thể vô tri thành một trải nghiệm đầy cảm xúc, kết nối với khách hàng ở một cấp độ sâu sắc. Đoạn quảng cáo cho dòng máy Macintosh năm 1984 là ví dụ điển hình, đám đông khi lần đầu xem xong, đã nhảy ồ lên, la hét và đấm tay vào không trung một cách cuồng nhiệt.
Nhưng nếu lột bỏ đi những lớp áo hào nhoáng ấy, Steve Jobs, vẫn là một đứa trẻ gánh trên vai niềm khao khát sáng tạo tột cùng, niềm đam mê chế tạo ra những sản phẩm có thể đột phá mọi giới hạn.
Ngày 24 tháng 8 năm 2011, Jobs đã phải chấp nhận sự thật rằng mình không còn đủ sức để quay trở lại vị trí giám đốc điều hành của Apple và chuyển giao vị trí này cho Tim Cook. Ở những chương cuối của cuộc đời, Jobs phải vật lộn với căn bệnh ung thư không thể chữa. Nhưng dù trong tình cảnh đấy, ông vẫn luôn giữ trong đầu những suy nghĩ về thứ công nghệ nào ông có thể cải tiến.
Vậy, di sản của Steve Jobs là gì? Chắc hẳn, mỗi cá nhân sẽ có nhận định riêng cho mình khi tiếp cận đầy đủ câu chuyện cuộc đời của ông. Đến mãi tận sau này, người ta vẫn xem lại câu chuyện về cuộc đời của Jobs, một câu chuyện về một nhà phát minh vĩ đại, một người nghệ sĩ thực thụ, hay một cậu bé với niềm đam mê vô tận.
Còn về Steve Jobs, ở buổi phỏng vấn với Walter Isaacson trong tối ngày 24 tháng 8 - ngày mà ông rời bỏ vị trí CEO tại Apple. Khi được Walter hỏi rằng ông cảm thấy như thế nào khi từ bỏ quyền kiểm soát công ty, Jobs đã đáp “Tôi đã có một sự nghiệp rất may mắn, một cuộc sống rất may mắn… Tôi đã làm tất cả những gì tôi có thể.”
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất