Cuối tuần này chưa tìm được cuốn sách hay ưng ý nào, và nhân dịp đọc được một bài báo có nhiều ý khá hay về Tim Cook và Steve Jobs, nên tôi lôi cuốn sách cũ mà tôi tâm đắc ra review vậy.
Phải nói rằng trước đó tôi không quá có hứng thú với Steve Jobs, tôi chỉ biết tới ông như một người nổi tiếng, một cái tên gắn liền với iphone, macbook, ipad, và đó hầu như là tất cả những sản phẩm công nghệ cá nhân mà tôi đang xài. Khi đọc về ông rồi, Steve Jobs nhảy lên đầu danh sách những con người tôi ngưỡng mộ, bởi nhiều khía cạnh.
Với tôi, một cuốn sách tiểu sử hay không chỉ kể lại câu chuyện về nhân vật, mà còn làm rõ được cái nhìn về identity – bản ngã của nhân vật đó: những yếu tố nào xây dựng nên con người họ, khiến họ trở thành con người mà họ trở thành. Cuốn sách về Jobs với tôi thậm chí còn hay hơn bởi lẽ những yếu tố xây dựng nên con người ông đều đặc biệt.
Jobs bị cho đi làm con nuôi từ khi mới sinh ra. Tuy được nuôi nấng bởi cha mẹ nuôi tuyệt vời, nhưng rõ ràng một đứa trẻ không biết nguồn gốc của mình sẽ phải đối mặt với sự hoài nghi dữ dội, với sự tổn thương về cái tôi khó bù đắp nổi. Tôi cũng từng bị bỏ rơi – không phải bởi người thân mà chỉ bởi một anh chàng tầm tuổi không còn hứng thú với mình nữa – và đó đã là một đợt rung lắc ghê gớm về sự tự tin của bản thân rồi. Sự so sánh thật khập khiễng, bởi nếu là những người sinh ra mình, cái sự rung lắc đó còn phải âm ĩ, dữ dội, triền miên khó chấm dứt ra sao. Điều này có lẽ là nguồn thôi thúc Jobs trong suốt những năm tháng trưởng thành, luôn luôn cố gắng tìm kiếm sự giác ngộ và bản ngã của mình. Con đường tìm kiếm ấy có cần sa và chất kích thích, có cả sự theo đuổi thiền và tâm linh phương đông, chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt và cả những thói quen hippie quái gở. Và nếu kể nguồn gốc cho niềm tin vào bản thân mãnh liệt và sức mạnh ý chí có thể lay chuyển thực tại sau này của Jobs, tôi nghĩ nó đến từ hành trình tìm hiểu “tôi là ai” đó.
Jobs trưởng thành trong thời điểm mà nền kinh tế dựa trên công nghệ cao bắt đầu bùng nổ, thời điểm mà ngành công nghệ sản xuất chip ra đời và thay đổi bộ mặt vùng đất từ đó mang cái tên “Thung lũng Silicon”.
Jobs lớn lên ở trong lòng thung lũng đó, nơi “ngay cả những kẻ chẳng làm nên trò trống gì cũng có khuynh hướng làm kỹ sư”. Ông sống trong một khu dân cư mà hầu hết các ông bố đều làm về quang điện, điện tử. Công nghệ tích luỹ và hình thành trong con người ông tự nhiên như môi trường sống đó. Nếu có cái gọi là thiên thời địa lợi thì đây hẳn là trường hợp như vậy.
Bản ngã và tính cách ông còn được nhào nặn bởi nhiều sự kiện và con người khác, nhưng yếu tố khiến tôi ấn tượng nhất phải kể đến ảnh hưởng từ cha ông và bài học về việc tạo ra những sản phẩm hoàn hảo, ngay cả những chi tiết ẩn bên trong cũng cần phải đẹp đẽ tinh tế. Niềm đam mê sự hoàn hảo luôn thôi thúc Jobs trong suốt sự nghiệp của mình và thúc đẩy bản năng kiểm soát của ông, cũng như việc luôn định vị bản thân và những sản phẩm mình tạo ra vào điểm giao cắt giữa nghệ thuật và công nghệ. Jobs đã lựa chọn cho Apple một hệ sinh thái đóng, hạn chế tối đa sự tuỳ chỉnh, sửa đổi, cài cắm nhiều thiết bị vào những sản phẩm của mình. Phần cứng và phần mềm phải là một tổng thể, những sản phẩm của apple phải là những sản phẩm hoàn hảo của nghệ thuật sáng tạo, bảo toàn trải nghiệm đồng bộ của người dùng và không để những lập trình viên kém cỏi can thiệp, làm chúng biến sắc. Ông đòi hỏi sự hoàn hảo ngay cả trong những chi tiết tưởng như vô hình với người dùng thông thường, như việc sắp xếp bảng mạch bên trong chiếc máy tính chẳng hạn. Sự khắt khe tới mức cực đoan đó dẫn dắt apple tạo ra những sản phẩm mà, bây giờ tôi nhìn lại, có vẻ như vẫn là những tác phẩm tiêu dùng đẹp đẽ nhất trong căn phòng của mình.
Có một điều mà thực tế đã hướng sự tò mò của tôi tới cuốn sách này, và cũng là một khía cạnh khiến tôi ngưỡng mộ Jobs, đó là khả năng “bóp méo phạm vị thực tại” (reality distortion field) mà tôi thấy nhắc đến trong Bad Blood - một cuốn sách hay khác. Jobs có thể thản nhiên nói về một thực tế khác, như thể điều đó mới là sự thật (mà dùng ngôn ngữ thông thường chúng ta có thể gọi là nói dối trắng trợn). Người ta có biết ông đang bóp méo không? Có chứ, nhưng người ta vẫn bị mê hoặc và bị thuyết phục làm bất cứ điều gì ông thuyết phục họ làm. Ông thậm chí có thể đánh lừa chính mình, thôi thúc người khác tin vào quan điểm của mình, và nhiều lần điều đó khiến đội ngũ của ông làm ra những điều tưởng chừng như không thể, bởi vì họ không nhận ra điều đó là không thể. Đó là một phong cách lãnh đạo thiếu thực tế, khác thường, cuốn hút mà tôi chưa từng đọc được trong cuốn sách nào về quản lý và kinh doanh trước đó.
Jobs là tổng hoà của những khả năng phi thường, tính cách cay nghiệt, cực đoan và bất ổn. Vì lẽ đó câu chuyện xoay quanh sự nghiệp của ông mới thú vị và tốn nhiều giấy mực như vậy. Quãng đường không ngừng làm việc từ khi sáng lập nên Apple, bị đẩy khỏi chính công ty của mình, thành lập NeXT, mua lại Pixar tới khi trở lại Apple và cho ra đời những sản phẩm làm thay đổi bộ mặt của nhiều ngành công nghiệp – máy tính cá nhân, di động, âm nhạc, nội dung... là quãng đường thăng trầm và cảm xúc, chỉ đáng tiếc kết thúc hơi sớm một chút.
Đây là cuốn sách 5/5 sao với gu sách của tôi: một câu chuyện đặc biệt và hấp dẫn, giàu thông tin và bài học, truyền cảm hứng. Tiểu sử viết bởi một người thứ ba thú vị ở chỗ, dù nó thể hiện ít hơn thế giới nội tâm của nhân vật, nhưng kết hợp được nhiều chiều của câu chuyện. Walter Isaacson đã làm rất tốt điều đó, và tôi nghĩ rằng dù bạn đã thấy nhiều phần của nó khắp nơi trên báo đài rồi, sẽ không hề lãng phí thời gian của bạn đâu khi đọc lần nữa về hành trình cuộc đời Steve Jobs.
Đọc thêm: