Mình có ấn tượng về quyển sách này và đã từng download bản tiếng Anh về kindle để đọc, nhưng phần vì dài, phần vì chưa thấy ngấm lắm nên bỏ dở. Gần đây khi tham gia nhiều vào hoạt động điều hành công ty và các vấn đề liên quan đến định giá doanh nghiệp rồi gọi vốn nên mình tò mò (lại) về quyển này. May sao lại tìm thấy bản dịch tiếng Việt nên mình đặt mua luôn.
Bản mình mua có bìa màu trắng, trông đỡ đen tối hơn so với bản bìa màu đen. Nhưng nội dung thì vẫn khiến mình không khỏi đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên kia
Bản mình mua có bìa màu trắng, trông đỡ đen tối hơn so với bản bìa màu đen. Nhưng nội dung thì vẫn khiến mình không khỏi đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên kia
Cuốn sách đi theo trình tự thời gian, kể từ khi Elizabeth Holmes (gọi tắt là Elizabeth) học ở Stanford, nhen nhóm về việc thành lập một công ty (tên là Theranos) tiên phong trong việc xét nghiệm máu, cho đến khi vận hành công ty, gọi vốn, đưa nó thành 1 startup tỷ đô và cuối cùng sụp đổ. Trong suốt quá trình đó là những lời nói dối, dối từ cơ quan nhà nước, những nhà đầu tư, nhân viên, và mình không biết là Elizabeth có tự dối lòng mình không nữa. Cô dùng các biện pháp an ninh, rồi các luật sư danh tiếng chỉ để đe dọa và chèn ép bất kỳ ai có ý định chống đối, hoặc đơn giản chỉ là mảy may nêu ra 1 hoài nghi về công việc hay hiệu quả của những phương pháp xét nghiệm mà Theranos đang theo đuổi. Tất nhiên thì lưới trời lồng lộng, thưa mà khó thoát. Sau tất cả, những gì dối trá nhất cũng đã bị phát hiện, những nhân viên, đặc biệt là khách hàng và đối tác của Theranos cũng lên tiếng vì sự thôi thúc trong người họ. Cho đến khi bị phát hiện rồi, Elizabeth vẫn tiếp tục “già mồm” để kiện lại Wall Street Journal, tờ báo đã phát hiện ra chân tướng vụ việc. May thay, công lý đã chiến thắng, cơ quan nhà nước đã vào cuộc và kéo theo sự sụp đổ của 1 startup được định giá 9 tỷ đô, của 1 nữ tỷ phú tự thân với khối tài sản 4.5 tỷ đô.
Một số điều cũng khiến mình ngạc nhiên sau khi đọc xong cuốn sách này đó là:
1. Theranos huy động được rất nhiều tiền, theo thống kê ở đây thì Theranos đã huy động được 724 triệu đô, mà trong số đó rất nhiều nhà đầu tư và quỹ có tên tuổi trên thế giới. Mình cũng có tham gia gọi vốn rồi thì có biết nhà đầu tư hỏi kỹ như thế nào trong các buổi thẩm định (Due Dilligence), rồi còn 1 loạt các quy định khác trong các thỏa thuận cổ đông. Không hiểu cách mà Theranos qua mặt các nhà đầu tư như nào. Và có chăng các nhà đầu tư bị ấn tượng bởi đội ngũ ban lãnh đạo hùng hậu mà Theranos có nên bỏ qua các nghi vấn? Điều này có thể xảy ra vì tâm lý con người dễ có suy nghĩ như vậy.
2. Bổ sung thêm 1 điểm đọc được nữa (link và link), đó là Theranos chưa từng được kiểm toán báo cáo tài chính lần nào (hoặc nói đúng hơn là đã từng thuê KPMG làm nhưng không phát hành được báo cáo). Vậy mà được định giá 9 tỷ đô và ký được rất nhiều hợp đồng làm ăn lớn đến hàng trăm triệu đô. Không biết có quá không khi gọi đây là 1 vụ Enron thứ 2 trong lịch sử
3. Có rất nhiều nhân vật nổi tiếng tham gia vào ban cố vấn của Theranos: 2 Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger và Geogre Shultz, Larry Ellison của Oracle, rồi rất nhiều tỷ phú, nhà đầu tư khác. Và họ cũng bị Elizabeth bịt mắt trong cả một thời gian dài. Thật không thể hiểu nổi
4. Khá nhiều nhân viên của Theranos cũng toàn học trường top ở Mỹ ra, mà qua miêu tả của tác giả thì làm ăn vớ vẩn, nịnh bợ để được thăng chức.
Có thể nói các nội dung của quyển sách đã thể hiện được đúng những cái gọi là ảo tưởng, tham vọng, sự dối trá của Elizabeth Homes. Cách thức kể chuyện cũng đi theo mạch thời gian làm cho người đọc cảm thấy dễ theo dõi. Một cuốn sách hay, cuốn hút và xứng đáng điểm 9/10