Lời tựa: Một cuốn sách khá dày, khá sâu về biến đổi khí hậu. Đọc xong vỡ ra được rất nhiều điều, nhưng cảm xúc thì thực sự cứ xáo trộn không yên: đan xen giữa cảm giác an tâm hơn một chút khi biết được rằng tất cả mọi vấn đề nan giải của con người đều đã có những biện pháp giải quyết; nhưng bên cạnh đó là cái hoang mang tột cùng, về câu hỏi bản lề:
Liệu con người là sản phẩm của tự nhiên, hay sức mạnh của chúng ta thực sự vượt trên cả tự nhiên?
Phụ trách ảnh: Phạm Google
Phụ trách ảnh: Phạm Google

Tóm tắt sách:

Nội dung cuốn sách bàn về hai hướng tiếp cận vấn đề biến đổi khí hậu:
1. Pháp sư - hay niềm tin vào cải cách công nghệ (techno-optimisim): hướng tiếp cận này nhấn mạnh tầm quan trọng của nghiên cứu khoa học và những tiến bộ công nghệ trong việc giải quyết tất cả vấn đề của con người, từ việc thiếu lương thực cho một thế giới với 10 tỷ người vào năm 2050, cho đến sự nóng lên toàn cầu.
2. Nhà tiên tri – hay sự quan trọng của việc bảo vệ hệ sinh thái toàn cầu : hướng tiếp cận này chú trọng đến cái giới hạn tự nhiên (carrying capacity) của hệ sinh thái toàn cầu (ecosystem), và việc chúng ta phải thực sự cẩn trọng không để những tác động của giống loài mình vượt quá mức giới hạn ấy, nếu không thì thảm họa diệt chủng sẽ xảy ra.
Nói cách khác, Pháp sư quan tâm đến việc làm sao chúng ta có thể tận dụng tối đa mọi nguồn lực để phục vụ cho loài người, với yếu tố năng suất được đặt lên trên hết. Trong khi với nhà tiên tri, ít nhất chúng ta còn được nhắc về “mẹ tự nhiên”, và việc phải bảo vệ hệ sinh thái nếu muốn cuộc sống của con người được duy trì trong dài hạn.
Với tất cả các vấn đề của nhân loại, chúng ta đều có thể thấy dấu ấn của hai hướng tiếp cận ấy. Ví dụ như với việc thiếu nước dùng, trong khi Pháp sư chú trọng đến việc xây dựng những con đập lớn để dẫn và điều phối nguồn nước ngọt đến tận những nơi khó khăn nhất, và vào công nghệ lọc mặn nước biển, thì Nhà tiên tri nhấn mạnh đến thái độ của từng người trong việc sử dụng tiết kiệm nước, đồng thời với việc tái sử dụng nước thải, cố gắng tạo ra một hệ thống bền vững và tự tái chế. Với lương thực, trong khi Pháp sư tập trung vào các loại phân bón thuốc diệt cỏ trừ sâu, vào giống lúa có năng suất tốt nhất, chống chọi sâu bệnh tốt nhất, thì Nhà tiên tri chú trọng đến việc kêu gọi và giáo dục để hạn chế tăng dân số, hạn chế bỏ thải thức ăn, hạn chế tiêu dùng, giảm ăn thịt, đồng thời lên án việc dùng phân bón thuốc trừ sâu vì chúng không những làm giảm chất lượng đất mà còn khiến nguồn nước bị nhiễm độc.
Thực ra, mình nghĩ điểm hay nhất của cuốn sách này là việc nó chỉ ra được những bất cập lớn nhất của cả hai hướng tiếp cận. Với Pháp sư, cuốn sách đánh thẳng vào sự tự tin thái quá của chúng ta vào những tiến bộ trong khoa học, công nghệ của mình. Nó lên án việc các nhà khoa học đang quá sống trong phòng thí nghiệm, tập trung vào năng suất, coi đó là tối quan trọng, và không có bất cứ đánh giá nào đến những tác hại mà những tiến bộ công nghệ ấy có thể tạo ra với môi trường. Ngược lại, với Nhà tiên tri, điểm khó khăn nhất nằm ở việc gần như tất cả các phương án mà nhà tiên tri đưa ra đều dựa vào việc giáo dục mọi người, để mỗi cá nhân có được kiến thức và thái độ đúng đắn hơn trong việc bảo vệ hệ sinh thái này; cùng một thái độ cực đoan của Nhà tiên tri với việc tăng dân số, thậm chí nếu không thể thông qua giáo dục thì nhà tiên tri còn ủng hộ kiểm soát sinh đẻ (birth control). Vì thế, những biện pháp của nhà tiên tri thường mang tính cá nhân và gần như không thể đưa ra áp dụng trên diện rộng. Và mình nghĩ có lẽ cũng chính vì những lý do đó mà dù phương án của Nhà tiên tri theo mình là tốt hơn, thì nó cũng rất khó để nhận được vốn tài trợ. Vì, sau tất cả, nếu không hứa hẹn về một hành động vĩ mô giải quyết ngay và luôn vấn đề nan giải, làm sao biệt đội nhà tiên tri có thể thuyết phục chính phủ hay những nhà tài phiệt rót vốn cho họ đây…
Cuối cùng, cuốn sách cũng nhấn mạnh đến một trong những lý do lớn nhất khiến cho việc hành động giải quyết các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu gặp khó khăn: đó chính là yếu tố tương đối của thời gian, khi mà những thay đổi mang tính nhanh chóng mặt của địa chất, lại thực ra rất dài so với đời người. Ngay cả nếu chúng xảy ra trong một thế kỷ tới - một khoảng rất ngắn nếu bạn so với lịch sử của trái đất – thì chúng ta cũng chẳng còn tồn tại để chứng kiến. Tất cả chúng ta, những người đang sống ở hiện tại, lúc đó đều đã chết, và thậm chí là con cháu chúng ta. Vậy có bao nhiêu chính phủ sẽ thực sự lên kế hoạch để đối phó với những tai họa ở thì tương lai xa xôi ấy? Bao nhiêu gia đình? Tác giả còn dùng một hình ảnh so sánh vô cùng ấn tượng để chốt điểm này: “Nó giống như việc bạn hỏi một đứa tuổi teen liệu nó có muốn dành dụm tiền cho chế độ hưu trí của con cháu nó. Hay thậm chí con cháu của người khác chứ chẳng phải của nó”. Cái này cũng phải giải thích một chút, vì dù đúng là tin tức về các thiên tai trên thế giới ngày càng nhiều, thì rất nhiều người dân các nước phương Tây (chính mình cũng đã gặp đến 5 trường hợp) vẫn cho rằng việc biến đổi khí hậu chẳng ảnh hưởng nhiều tới họ, đặc biệt khi họ ở những nước ôn đới được đón mùa hè nắng to hơn, nhiệt độ phiêu hơn.

Về cảm nhận bản thân

Liệu con người là sản phẩm của tự nhiên, hay sức mạnh của chúng ta thực sự vượt trên cả tự nhiên?
Câu hỏi ấy cứ ám ảnh mình mãi. Thực sự “Pháp sư và nhà tiên tri” khiến mình cực kỳ hoang mang, với cái cách mà nội dung cuốn sách như một lời thách thức với cái tư tưởng chủ đạo của Đạo và Stoicism mà mình vẫn luôn trọn vẹn tin theo: Sống thuận với tự nhiên. Vì sau khi đọc xong sách, thực sự mình chẳng còn biết có cái gì là thuần tự nhiên trong cuộc sống không nữa. Đúng, mình hiểu những cải tiến công nghệ đã đi rất xa, nhưng thực sự sốc khi biết chúng ta đang dùng cả tia gamma để thay đổi cấu trúc gen của từng hạt, từng giống thóc lúa; hay vĩ mô hơn, con người đã tính đến cả giải pháp “geoengineering” – thứ mà một số nhà khoa học gọi là “phương pháp hóa trị cho trái đất – chemotherapy for the planet”: biện pháp đối phó với biến đổi khí hậu bằng cách chủ động tạo ra thêm nhiều biến đổi khí hậu hơn nữa, cụ thể như việc làm nguội một trái đất đang nóng lên bằng cách phun khí Sulphur Dioxide vào không khí.
Chẳng biết nữa. Một mặt thì việc biết rằng có cả một phương pháp kinh khủng khiếp như thế, có lẽ sẽ làm dịu được nỗi lo về điều tồi tệ nhất sẽ xảy đến khi biến đổi khí hậu đi quá xa. Nhưng, ở hướng ngược lại, mọi thứ sao cứ có cảm giác điên rồ, dường như đã đi quá xa rồi.

Anw, một vài điểm nho nhỏ khá thú vị khác trong sách

By blending water from below with sunlight and carbon dioxide from above, photosynthesis links Earth to the sky. Dịch: Bằng việc kết hợp giữa nước từ dưới đất và ánh sáng mặt trời cũng như CO2 trong không khí, sự quang hợp như sợi dây vô hình nối liền mặt đất và bầu trời.
A visitor to the palace of Versailles observed in February 1695 that guests wore furs to dinner with the king; at the king’s table, the royal water glasses were filmed with ice. Dịch: Nếu bạn có thể đi ngược thời gian về thăm cung điện Versailles vào tháng 2 năm 1695, bạn sẽ thấy khách khứa choàng nguyên áo lông vũ khi tham dự bữa tối cùng nhà vua; và ở bàn tiệc, những chiếc cốc được bọc ngoài một lớp băng giá vì lạnh.
A Dreamer