Tầng nghĩa ẩn trong The Ones Who Walk Away from Omelas của Ursula K. Le Guin
Trong cái bài review về The Ones Who Walk Away from Omelas của Ursula K. Le Guin, mình có đề cập đến việc cái truyện này chứa đựng...
Bài viết được đăng lại từ Hội thích truyện Sci Fi (khoa học viễn tưởng/giả tưởng) cùng với một số chỉnh sửa về nội dung. Link bài gốc được đăng ở cuối bài.
Trong cái bài review về The Ones Who Walk Away from Omelas của Ursula K. Le Guin, mình có đề cập đến việc cái truyện này chứa đựng rất nhiều tầng nghĩa, trong đấy có một tầng rất dễ bỏ lỡ nếu không để ý và không biết chút chút về thị trường SFF. Hôm nay mình sẽ bàn sâu hơn một tí về cái khoản đó.
Lẽ đương nhiên, cái bài phân tích này sẽ spoil từ đầu đến cuối câu chuyện, thế nên anh em nào chưa đọc The Ones Who Walk Away from Omelas thì hãy dành tầm 15’ gì đó đọc qua nó đi, xong hẵng quay lại đây. Để một tác phẩm như vậy bị đọc sau khi spoil thì uổng vkl.
Giờ thì vào vấn đề chính này.
The Ones Who Walk Away from Omelas có thể được đọc theo hai cách, và cả hai đều có sức hút riêng của nó. Cách đọc thứ nhất là cái cách mà hầu như ai lần đầu đọc truyện này đều làm: chỉ đọc cái nội dung “đen” của nó.
Cụ thể hơn, nội dung “đen” của truyện chính là cái cốt thuần của nó. Tác phẩm được trình bày dưới dạng một câu chuyện cổ tích kể bên đống lửa, do một người dẫn vô danh trực tiếp kể lại cho độc giả nghe. Thứ người dẫn ấy đề cập đến là một thành phố đầy thịnh vượng mang tên Omelas, nơi người dân luôn luôn hồ hởi, vui mừng, và đắm chìm trong hạnh phúc. Tầm phân nửa mẩu truyện, người dẫn xoáy rất mạnh vào một cái lễ hội của Omelas, liên tục trưng ra những thứ hào nhoáng và tươi vui về thành phố này, để ta có thể thực sự thấm thía cái sự tuyệt diệu cũng như sung túc của nơi đây. Dựa trên những miêu tả ấy, ta có thể thấy chốn này chẳng khác nào một thiên đường cả.
Nhưng đùng một cái, người dẫn liền ngay lập tức tiết lộ rằng thiên đường này có một mặt trái cực kỳ dã man. Sự hoàn hảo của Omelas không tự nhiên mà có, mà nó chỉ tồn tại chừng nào người dân trong thành phố còn sẵn sàng tra tấn một đứa trẻ.
Để đảm bảo hạnh phúc cho phần còn lại của thành phố Omelas, một đứa trẻ tầm mười tuổi không rõ nam hay nữ gì đấy sẽ bị tống vào một tầng hầm kín mít, với độc một cánh cửa nơi người ta có thể thi thoảng quẳng cho nó một tí thức ăn và nước uống, vừa đủ để nó tiếp tục sống, nhưng không hơn thế. Đứa bé trở nên còi cọc, ốm yếu, phải sống ngập ngụa trong chính cứt đái của chính mình, vĩnh viễn không bao giờ được nhìn thấy thế giới bên ngoài hay giao tiếp với bất kỳ ai. Tởm lợm thay, đứa bé đấy gốc cũng là một công dân Omelas như bao ai khác, từng biết giọng người, biết hơi ấm của mẹ, thế nên việc chúng nó bị tước khỏi thế giới và tống vào nhà ngục này càng thảm thiết tợn. Thỉnh thoảng, đứa trẻ cố gắng phều phào van lạy, bảo rằng nó hứa sẽ ngoan, và năn nỉ bất cứ ai ngoài kia hãy cho nó ra khỏi phòng. Nhưng những lời van xin của nó chẳng được ai đoái hoài, và nó cứ phải tiếp tục vạ vật trong cô đơn, đói khổ, và bẩn thỉu.
Đáng chú ý nhất, đây không phải là một dạng thông tin tuyệt mật hay gì cả. Ngay khi bất kỳ công dân Omelas nào đủ lớn khôn, họ sẽ lập tức được kể về đứa trẻ trong phòng. Thậm chí, họ còn được trực tiếp đưa đến quan sát cái đứa trẻ khốn khổ đấy, và giải thích rằng hạnh phúc của chính họ cũng như mọi người thân quen của họ đều phụ thuộc vào việc đứa trẻ kia phải bị giữ trong tình trạng đấy. Tất thảy những ai được đưa đến quan sát đứa trẻ đều trải qua những cơn sốc rất mạnh, và thấy hàng bao cảm xúc mãnh liệt rộ lên trong phòng. Tuy nhiên, không một ai giải thoát đứa trẻ khỏi phòng giam đó hết, bởi vì cứu một sinh mạng cũng đồng nghĩa với hủy diệt cả trăm ngàn cuộc đời khác, chưa kể đứa bé đã bị nhốt quá lâu trong phòng, thế nên chưa chắc nó sẽ thích nghi được với thế giới bên ngoài.
Và cứ thế, cái nỗi bệnh hoạn mang tên Omelas tiếp tục tồn tại. Một thiên đường xây dựng từ sự khổ đau tột cùng của một đứa trẻ vô tội.
Khi đọc thuần phần nội dung trên, anh em sẽ thấy The Ones Who Walk Away from Omelas là một tác phẩm Utopia/Dystopia gần như rất tiêu chuẩn. Nó có khởi đầu là một thế giới hoa lệ, nhưng ngay sau đó lộ rõ bản chất là “hoa” và “lệ” ở đây đứng tạch bạch hẳn với nhau. Nhưng bất chấp sự “rập khuôn” của nó, The Ones Who Walk Away from Omelas vẫn là một tác phẩm hết sức ấn tượng. Ngay cả nếu dừng lại ở tầng nội dung này thôi, anh em cũng đã có cả một câu chuyện đầy ý nghĩa rồi. Có hàng bao câu hỏi triết lý về thế giới và đạo đức có thể được rút ra từ đây, và cái sự mập mờ cũng như chung chung của câu chuyện cho phép mọi người có thể áp nó vào gần như tất thảy mọi khía cạnh của đời sống. Nhìn vào Omelas và cái hệ thống kinh khủng của nó, anh em có thể ngẫm nghĩ về những thứ mang tầm vĩ mô như cách nhân loại trục lợi từ nhau trên mọi cấp độ, nhưng chừng nào số đông được hưởng lợi thì thiểu số có bị chà đạp cũng chẳng sao; hoặc anh em có thể nghiền ngẫm về bản chất của con người nói chung, và việc gieo rắc đau khổ cho đồng loại sẽ luôn là một phần cố hữu của chúng ta, bất luận có tiến hóa lên cỡ nào; không thì anh em cũng có thể ngẫm về những thứ mang tính vụn vặt hơn, chẳng hạn như nhìn nhận lại xem niềm hạnh phúc cá nhân mà mình đang được trải nghiệm trong đời phải được đánh đổi bởi mồ hôi nước mắt của những ai, hoặc đơn giản chỉ là ngẫm về những kiếp đời bất hạnh, chẳng hề thua kém mình về bất cứ phương diện gì, nhưng chỉ vì một xui xẻo ngẫu nhiên mà rơi xuống tận cùng của tuyệt vọng.
Nếu đây mà là một tác phẩm Utopia/Dystopia bất kỳ nào khác, hẳn tác giả sẽ rất sẵn lòng để mọi thứ dừng lại ở đó, và lấy làm mãn nguyện với một câu chuyện khơi gợi nhiều suy nghĩ như trên.
Nhưng The Ones Who Walk Away from Omelas không hề dừng ở đấy. Nó còn một cái tầng nội dung “bóng” nữa, và nếu tinh ý nhìn ra cái tầng thứ hai này, anh em sẽ bàng hoàng nhận thấy The Ones Who Walk Away from Omelas thậm chí còn chẳng phải là truyện Utopia/Dystopia.
Nó là truyện Meta Fiction.
Để hiểu như vậy tức là sao, trước tiên cần phải nói qua về cái từ “meta” trước đã. Cái meta này không dính dáng gì đến vũ trụ ảo mà thằng đĩ bợm thằn lằn đang xây dựng đâu. Nó là một tiền tố trong tiếng Anh, dịch thô ra sẽ là “vượt trên” hoặc “siêu.” Khi cái tiền tố meta đấy được ghép cặp với một danh từ bất kỳ, ta sẽ có một danh từ mới, chỉ cùng một loại sự vật như cái danh từ cũ, nhưng ở cấp cao hơn một bậc so với danh từ cũ.
Nói như trên nghe hơi lằng nhằng, giờ để mình nêu ra một vài ví dụ cho anh em dễ hiểu nhé:
“Data” là dữ liệu, tức một tập hợp các thông tin dùng để phản ánh đặc tính của một đối tượng nhất định. Chẳng hạn, nếu anh em mở một file excel ra, bên trong liệt kê tiền vào tiền ra của tháng, thì các cái số tiền lưu trong đấy chính là data. Tuy nhiên, nếu đóng cái file excel đấy lại, bấm chuột phải vào file, chọn mục property từ bảng menu, mọi người sẽ mở ra một hộp thoại, trong đấy chứa thông tin về đường dẫn của file (nó nằm ở folder nào trong máy tính), dung lượng của file (nó nặng bao nhiêu MB), người khởi tạo file, lần cuối nó được edit,… Những cái thông tin đấy cũng chính là dữ liệu, có điều chỗ dữ liệu này lại phản ánh về đặc tính của một nhóm những dữ liệu khác. Nói cách khác, nó là một dữ liệu ở tầng “cao cấp” hơn, dùng để miêu tả dữ liệu ở tầng thấp hơn. Cái dữ liệu siêu cấp đấy chính là “metadata”: dữ liệu bàn về các dữ liệu khác.
Tương tự với nó, ta có “discussion,” là thảo luận, còn “meta-discussion” là một cuộc thảo luận về bản chất của các cuộc thảo luận khác. Ví dụ, nếu mình với mọi người ngồi chém về cái series Witcher của Netflix, đưa ra các giả thuyết về diễn tiến của season tới, về việc nó sẽ tiếp tục phá nát cái thế giới gốc của truyện ra sao, và về sự nhọ của Liam Hemsworth khi phải cáng đáng vai Geralt sau khi Henry Cavill bỏ của chạy lấy người, thì đó sẽ là một “discussion.” Tuy nhiên, nếu mình với mọi người ngồi chém về việc dạo này, gần như mọi cuộc bàn luận của fan trong cộng đồng phim Witcher đều có chiều hướng tiêu cực, không chửi series vì nó xa rời bản gốc thì cũng chửi series vì kịch bản quá ngu xuẩn, thì đó lại là một “meta-discussion,” bởi vì chúng ta đang ngồi ở một cái tầng cao hơn, nhìn xuống dưới các cuộc bàn luận khác, và từ đấy bàn về bản chất của những cuộc bàn luận mình trông thấy bên dưới.
Và Meta Fiction (hoặc còn được viết là Metafiction/Meta-fiction) cũng có cái kiểu như thế: một tập hợp những câu chuyện “siêu cấp.” Các tác phẩm Meta Fiction sẽ có hai tầng: một tầng chứa đề tài hoặc câu chuyện trọng tâm, và một tầng cao hơn để nhìn xuống cái đề tài hay câu chuyện đó. Tác giả có thể quyết định để cho hai cái tầng này xuất hiện một cách rất trực tiếp trong tác phẩm, chẳng hạn như để cho câu chuyện chính là một chuyến phiêu lưu hay hành trình truyền thống nào đó, nhưng các nhân vật trong cái câu chuyện đó tự biết mình là nhân vật trong một câu chuyện hư cấu, và liên tục bình phẩm về cách câu chuyện diễn tiến hay gì đó.
Ví dụ nổi tiếng nhất mà anh em ai cũng biết về một Meta Fiction trực tiếp chính là Deadpool. Các truyện về Deadpool luôn có hai tầng: một tầng là cái câu chuyện phiêu lưu siêu anh hùng truyền thống, một tầng là cái chỗ cao hơn nơi thằng Deadpool nó ngồi, và từ đấy bình phẩm là thằng tác giả/biên kịch viết ngu vkl, nhắc đến các sự kiện ngoài tác phẩm như hạn chế trong kinh phí hoặc mực in khiến cho hiệu ứng trông cùi bắp, hay thậm chí còn sửa luôn tác phẩm để có cái kết có lợi cho mình.
Nhưng Meta Fiction cũng có thể được xây dựng theo một kiểu ngấm ngầm hơn. Sẽ vẫn có hai tầng nội dung xuất hiện như thế đấy, nhưng không có nhân vật nào trong đứng ra nói thẳng tuột rằng đây là truyện hư cấu, và mình là nhân vật hư cấu hay gì tương tự thế hết. Thay vào đó, tác giả vẫn viết câu chuyện như một câu chuyện bình thường, nhưng có rải một số manh mối như các mô típ quen thuộc bị làm theo một kiểu quá lố, hoặc để cho giọng dẫn của câu chuyện có một sắc thái nhất định. Mục tiêu của họ là làm người thưởng thức hoặc ý thức được rất rõ mình đang thực hiện hành động đọc/xem một tác phẩm giả, hoặc liên tưởng đến một/một nhóm các tác phẩm khác.
Nổi tiếng nhất trong khoản làm Meta Fiction theo kiểu gián tiếp như thế sẽ là bộ tiểu thuyết Discworld của Terry Pratchett. Tất cả những quyển truyện trong cái series này đều được tác giả viết dưới dạng một câu chuyện phiêu lưu Fantasy truyền thống hết, nhưng Pratchett luôn khiến người đọc biết rằng mình đang đọc một câu chuyện Fantasy, chứ không chỉ đơn thuần trải nghiệm một chuyến phiêu lưu Fantasy. Ông anh làm điều đó bằng cách nào ư? À thì, hoặc là thanh niên sẽ làm thật lố bịch một số thứ lên, khiến ta dứt khoát không thể nào không nhận ra là cái thế giới này không thể tự nhiên mà hình thành, mà cần có bàn tay đầy chủ đích của một ông nhà văn ngoài đời thực tô vẽ thành; hoặc là ông anh sẽ lèo lái câu chuyện sao cho nhân vật được đưa vào những tình huống hay gặp trong các truyện Fantasy khác, xong để nhân vật bàn luận, với một số đề ra những hướng giải quyết thường gặp trong Fantasy, xong chế nhạo sự bất khả thi hoặc thậm chí là ngớ ngẩn của chúng theo một cách không đến mức cho thấy các nhân vật này biết mình là nhân vật trong truyện, nhưng cũng đủ để độc giả nhận thấy đây là tác giả đang cố ý châm chính và đá xoáy các tác phẩm Fantasy khác; hoặc không thì ông anh cũng sử dụng những phép so sánh nghe hiện đại và lệch tông đến kệch cỡm trong lời dẫn của mình, từ đấy khiến người đọc buộc phải biết rằng đây là truyện do một tác giả đương thời nghĩ ra;…
Nói chung là nếu anh em nào mà muốn nghiên cứu Meta Fiction một cách nghiêm túc, mọi người hãy cứ nghía qua Discworld nhé.
Ok, giờ đã hiểu Meta Fiction là gì rồi, giờ hãy quay lại với The Ones Who Walk Away from Omelas nào.
Lúc mới đọc The Ones Who Walk Away from Omelas, mình không để ý thấy nó là Meta Fiction đâu, và chỉ đọc truyện theo đúng kiểu nó là một tác phẩm Utopia/Dystopia, trình bày dưới dạng lời kể của một người từng ghé thăm Omelas. Tuy nhiên, trong lúc đọc, có một điều cứ khiến mình thấy lấn cấn, ấy chính là cái lối ăn nói của người dẫn.
Cái thứ nhất, người này có kiểu ăn nói sao mà cứ… trực tiếp thế nào ấy. Nó liên tục làm mình ý thức về lời dẫn theo một kiểu mơ hồ, tựa như mình liên tục bị kéo tuột ra ngoài câu chuyện, nhưng không đến mức tuột ra theo kiểu làm cụt hứng, mà chỉ như mình biết đây là… câu chuyện. Hay nói đúng hơn, thứ mình cảm thấy là sự thiếu vắng của một “rào ngăn” nhất định, chia tách mình với tác giả. Cảm giác của mình luôn là đây không phải là một câu chuyện được viết, mà là bằng cách nào đó, mình đang ngồi trong phòng khách của Le Guin và hầu chuyện bà cụ.
Cái thứ hai, người dẫn truyện không chỉ kể lại một câu chuyện đơn thuần, mà như thể đang nói đến đâu bịa đến đấy. Nó cứ có cái kiểu tăng tiến từng nấc, từng nấc một, như thể khi bị hỏi đến chỗ đấy thì người dẫn mới bắt đầu nghĩ tiếp để nói thêm, hoặc khi nhìn thấy mặt ta tỏ dấu hiệu không tin hoặc nhàm chán thì bắt đầu bịa mới để cố níu giữ sự hứng thú của người nghe. Nó cũng mang một sắc thái hơi giống năn nỉ thuyết phục. Không phải là người dẫn đang quỵ lụy luồn cúi, cầu xin chúng ta hãy tin lời hay gì đâu, nhưng rõ ràng là người dẫn đang có một kỳ vọng nhất định về việc ta sẽ tin và chấp nhận lời của họ là sự thật.
Chính những điều này đã thôi thúc mình đọc lại mẩu truyện này sau khi đã đọc hết nó một lượt. Và trong lần thứ hai ấy, tất cả mọi thứ chợt khớp đánh tách vào với nhau, và mình đã nhận ra một sự thật kinh hoàng về câu chuyện vừa đọc, và nó làm mình thậm chí còn choáng váng hơn cả vụ đứa trẻ bị bạo hành kia.
The Ones Who Walk Away from Omelas không phải là một câu chuyện về Omelas. Nó LÀ Omelas!
Cụ thể hơn, trong The Ones Who Walk Away from Omelas, không hề có người dẫn thứ ba nào ở đây cả. Le Guin quả thực đã trực tiếp ra hầu chuyện với độc giả. Lúc đầu, bà cụ chẳng muốn làm gì ngoài dựng lên một xứ thiên đàng đích thực, một nơi tất cả mọi người đều sẽ được hạnh phúc. Chính vì thế, trong nửa đầu của câu chuyện, Le Guin chẳng làm gì ngoài mô tả về cái sự thuần khiết và phồn hoa của Omelas. Nó thực sự không hề tì vết, không hề có bất cứ vấn đề gì cả.
Nhưng rồi trong quá trình nói chuyện, Le Guin nhận ra một điều thế này: độc giả không ai tin vào cái thành phố ấy hết. Không ai nghĩ nó lại có thể tồn tại. Xét cho cùng, thứ bà vẽ ra là một thành phố Utopia điển hình, trong khi tất cả chúng ta đều đã quá quen thuộc với các tác phẩm Utopia/Dystopia rồi. Ai cũng “biết” là trong những câu chuyện về các thành phố hoàn hảo, kiểu gì cũng có một pha bẻ lái nào đấy, một tội ác hay bí mật tày trời nào đó khiến thành phố kia lộ mặt là một Dystopia giả nai. Chính vì thế, chúng ta không tin lời Le Guin, không tin rằng Omelas kỳ thực chỉ đúng như thế thôi: một thành phố tuyệt vời, với những con người tuyệt vời.
Le Guin rất cố làm chúng ta tin vào Omelas. Bà cụ cố gắng tô vẽ thêm những thứ đẹp đẽ về Omelas, cố gắng gạt bỏ một số hạn chế tiềm tàng có thể khiến Omelas trở thành một thành phố chỉ hoàn hảo nếu nhìn từ một góc độ nhất định. Nhưng rốt cuộc, mọi nỗ lực của bà đều chỉ vô ích. Chúng ta đã quá quen với việc nghi ngờ sự hoàn hảo, quá quen với việc mọi thứ chỉ là sự mào đầu cho một cú plot twist nào đấy, thế nên chỉ đón nhận Omelas dưới dạng một cái vỏ bọc, một bộ lông cừu khoác trên mình một con sói xấu xa, và vẫn cứ chờ màn vạch trần tất yếu sẽ đến.
Và Le Guin cũng nhận ra điều ấy. Bà biết chúng ta không thể nào tin được một Omelas thật sự hạnh phúc và tuyệt diệu lại có thể tồn tại. Cái sự thật này đã khiến bà cay đắng thốt lên rằng:
“Khốn nạn là chúng ta mắc một cái tật xấu, ấy là coi hạnh phúc như một thứ xuẩn ngốc. Cái tật này còn bị bè lũ thông thái rởm và phường bẻm mép ngụy biện cổ xúy nữa chứ. Chỉ có đau đớn mới là thông thái, chỉ có tàn ác mới là thú vị. Dân làm nghệ thuật đã mắc phải cái tội thế này: từ chối thừa nhận rằng cái ác kỳ thực chỉ là một thứ tầm phào, và đau đớn chỉ là một thứ nhàm chán phát khiếp. Không cưỡng lại được thì đành ngả theo chiều gió vậy. Cứ lôi những cái gây đau đớn ra mà lặp đi lặp lại thôi. Nhưng ca ngợi tuyệt vọng sẽ đồng nghĩa với lên án niềm vui, chấp nhận bạo lực sẽ đồng nghĩa với đánh mất mọi thứ khác. Và chúng ta đã gần mất sạch rồi; chúng ta không còn có thể mô tả một người hạnh phúc, hay tán dương niềm vui theo bất cứ cách nào nữa rồi.”
Và khi biết chúng ta không thể chấp nhận một sự hạnh phúc thuần khiết, Le Guin đã làm gì nào? À thì, chính bà đã nói đấy thôi: “Không cưỡng lại được thì đành ngả theo chiều gió vậy.” Đây là lúc Le Guin cho chúng ta thứ chúng ta muốn: cái sự ghê tởm của Omelas. Đây là lúc một đứa bé ngây thơ bị nhẫn tâm giật thẳng ra khỏi vòng tay mẹ nó và tống vào một ngục tù đen tối, lúc một mầm non bị chà đạp chỉ để phục vụ cái sự hạnh phúc của một đám người lạ mặt.
Và đó chính là cái điều kinh dị nhất về tác phẩm này. Nếu chúng ta đơn thuần chấp nhận rằng Omelas có thể tồn tại, rằng hạnh phúc và giàu có đích thực sẽ có thể đạt được mà không phải làm điều gì trái với luân thường đạo lý, thì đã chẳng có đứa bé nào phải chịu đau đớn dày vò gì. Tất cả những gì chúng ta phải làm là chấp nhận một cảm giác không thỏa mãn, một chút phật ý vụn vặt, và thế là xong. Nhưng không, chúng ta muốn được cảm thấy đắc chí, muốn được có một câu chuyện mà cá nhân coi là hay ho. Ta tự đặt sự sung sướng của mình lên trên tất cả, thế nên ta đã dồn ép Le Guin đến bước đường phải đưa cái plot twist vô nhân đạo ấy vào trong câu chuyện, trong khi nó hoàn toàn chẳng việc gì phải xuất hiện cả. Tự tay ta đã tạo ra cái Omelas quái thai đấy. Toàn bộ câu chuyện về The Ones Who Walk Away from Omelas chính là cái thành phố bị nguyền rủa mà ta đã gián tiếp đặt từng viên gạch để xây dựng lên. Đến ngay cái giọng văn của Le Guin khi phải đưa đứa trẻ vào hầm tối cùng nhuốm một vẻ cay đắng, như thể bà đang muốn hét lên rằng, “Đấy, Omelas của các người đấy! Một đứa trẻ ngây thơ nay đã mất trắng tương lai, phải sống thua cả con vật, chỉ để các người có một câu chuyện hay đấy. Các người sướng chưa? Thỏa mãn chưa? Thấy cái Omelas này nó đủ ‘thật’ để hầu các người chưa?”
Và một khi đã nhận ra cái điều Le Guin làm với The Ones Who Walk Away from Omelas rồi, mọi người sẽ càng thêm giật mình khi nhìn vào phản ứng của người dân thành phố Omelas khi họ biết về đứa trẻ.
Hãy nhớ, lúc nhìn thấy đứa trẻ con, ai ai ở Omelas cũng cảm thấy sốc và thương hại nó. Nhưng rốt cuộc, bọn họ chẳng làm cái gì cả. Họ tiếp tục để nó chịu khổ, và tiếp tục để cái hệ thống đấy đứng vững. Và còn chúng ta thì sao? Một khi đã biết cái sự thật rằng không có một Dystopia văn chương nào thực sự cần phải tồn tại cả, mà chúng hoàn toàn có thể là những Utopia thuần túy, chúng ta sẽ làm gì đây? Liệu ta có ngưng tìm đến với các tác phẩm Dystopia với cơ chế bệnh hoạn, ngưng hy vọng một Utopia đẹp đẽ kỳ thực sẽ có một bí mật ác ôn, ngưng cho các tác giả động lực hoặc sức ép để vẽ ra những trò mọi rợ, những chính sách bất nhân không?
Tất nhiên là không rồi.
Chúng ta sẽ vẫn tìm đến với Dystopia, vẫn thấy đã đời khi được đọc các tác phẩm với những cú twist tăm tối, vẫn sẵn tay đạp những đứa trẻ tội nghiệp xuống dưới đáy địa ngục chỉ để thỏa mãn niềm hạnh phúc của bản thân. Sẽ có thêm cả trăm, cả nghìn Omelas mới được tạo ra mỗi ngày, tất cả chỉ vì chúng ta không đủ dũng khí để trở thành “những người dứt áo rời Omelas.”
Chính cái phần nội dung “bóng” này cùng với những chỉ trích đậm chất meta về dòng văn Utopia/Dystopia cũng như fan hâm mộ nó đã khiến The Ones Who Walk Away from Omelas của Ursula K. Le Guin trở thành một trong những tác phẩm ấn tượng nhất mình từng có cơ hội được đọc. Một lần nữa, nếu có anh em nào đọc bài này khi chưa đọc The Ones Who Walk Away from Omelas, mình chân thành khuyên mọi người hãy dành ra cho nó đúng tầm chục phút thôi. Dẫu bài này đã spoil rất nghiêm trọng mọi thứ về truyện rồi, mình tin nó sẽ vẫn có thể khiến mọi người tái nhìn nhận mối quan hệ của bản thân với các tác phẩm văn học khác đấy.
Và nhân tiện, đâu tầm năm ngoái, mình có làm một bài về việc liệu các tác phẩm SFF có thể vẽ lên một tương lai tươi sáng hay không. Nếu anh em nào ưng mấy thứ mang tính meta của Omelas thì rất nên tham khảo thêm bài đấy ở đây nhé:
Xem bài viết gốc tại:
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất