Trong thế giới của Game of Thrones, rồng là một loài sinh vật của ma thuật và luôn gắn liền với Đế quốc Valyria. Nhờ có loài sinh vật này mà người Valyria mới có thể thiết lập một đế chế mạnh nhất lịch sử, tồn tại hàng ngàn năm. Những đoạn ghi chép ngắn ngủi về người Valyria cho thấy rằng họ đã tìm thấy loài rồng và thuần hóa chúng thành vật cưỡi.
Nhưng mọi chuyện có đơn giản như thế không? Từ đâu mà người Valyria học được cách điều khiển rồng? Ai đã dạy cho họ cách sử dụng ma thuật để tạo nên một đế chế hùng mạnh như vậy? Vai trò của người Valyria và những con rồng trong lịch sử của thế giới này rốt cuộc như thế nào?
Chúng ta hãy cùng thử trả lời những câu hỏi đó ngay sau đây.

AI ĐÃ DẠY NGƯỜI VALYRIA CÁCH ĐIỀU KHIỂN RỒNG?

“Lịch sử của người Asshai kể lại rằng có một tộc người cổ xưa đến mức không có tên họ là những người đã thuần hóa loài rồng tại Vùng Đất Bóng Tối và đem chúng đến Valyria; tộc người ấy dạy cho người Valyria các kỹ thuật của họ, rồi biến mất khỏi các ghi chép”
Như vậy, dữ kiện đầu tiên chúng ta có là một tộc người cổ xưa là những người đầu tiên thuần hóa loài rồng, đưa chúng đến Valyria và dạy cho người Valyria phương pháp để điều khiển chúng. Không những thế, dường như họ còn dạy cho người Valyria biết nhiều thứ hơn, có thể nói là toàn bộ kiến thức về ma thuật, công nghệ của Valyria đều bắt nguồn từ tộc người cổ xưa bí ẩn này.
Vậy, họ là ai?
Trong Game of Thrones, chủng tộc nào cổ xưa hơn cả con người và có kiến thức sâu rộng về ma thuật? Đó chính là Những đứa trẻ của rừng rậm. Hay nói cách khác, chính chủng tộc này đã dạy cho người Valyria cách thuần hóa rồng, và xa hơn nữa là những tri thức về ma thuật. Có không ít dẫn chứng ủng hộ cho giả thuyết này, mà đầu tiên chính là về chi tiết “không có tên họ”.
Khi lần đầu tiên gặp Những đứa trẻ của rừng rậm, nhân vật Bran Stark đã hỏi tên của họ, và được trả lời như sau:
Ở đây, chúng ta có thể hiểu câu trả lời này là chỉ khi nào cần thì họ mới sử dụng một cái tên. Điều này cũng có nghĩa là bình thường họ không có nhu cầu phải sử dụng một danh xưng nào cả. Và thực chất là sau đó, Bran đã nhận ra rằng bình thường Những đứa trẻ không dùng tên, và cậu phải tự chế ra những tên gọi để giao tiếp với họ.
Tuy nhiên, sự thực thì không phải chủng tộc này không có tên, mà bởi vì tên thật của họ chỉ có thể được nói bằng ngôn ngữ của họ. Con người không thể nào phát âm nổi chúng:
Những đứa trẻ của rừng rậm, đó là tên mà Già Nan sẽ dùng để gọi các ca sĩ này, nhưng họ tự gọi bản thân mình là Những người hát bài ca của đất, trong Chân Ngữ của họ mà không con người nào có thể nói được.
Chi tiết này đồng nghĩa với việc nếu Những đứa trẻ của rừng rậm gặp con người, họ cũng sẽ không nói tên của mình ra, bởi vì con người không thể hiểu và phát âm được. Lâu dần, việc này sẽ biến thành một lối suy nghĩ rằng Những đứa trẻ của rừng rậm không có tên, và phù hợp với mô tả trong lịch sử về “một chủng tộc cổ xưa đến mức không có tên họ”. Hơn nữa, mỗi khi mô tả về Những đứa trẻ của rừng rậm, cụm từ hay được sử dụng là “chủng tộc cổ xưa” - “elder race”.
Như vậy, nhiều khả năng cụm từ “một chủng tộc cổ xưa đến mức không có tên họ” dùng để ám chỉ đến Những đứa trẻ của rừng rậm. Họ là chủng tộc khớp với mô tả nhất, và cũng nổi tiếng vì có kiến thức sâu rộng về ma thuật.
Tuy nhiên, bấy nhiêu vẫn là chưa đủ để kết luận rằng 2 bên là 1.
Bây giờ chúng ta cùng phân tích vế sau - đó là chủng tộc cổ xưa ấy đã “dạy cho người Valyria các kỹ thuật của họ”.
Có những liên kết nào giữa Những đứa trẻ của rừng rậm với người Valyria?
Trong các đoạn ghi chép về lịch sử Thời kỳ Bình Minh của thế giới, có hai đoạn đáng chú ý, và điều đáng nói là chúng cùng nhắc đến cả Những đứa trẻ của rừng rậm lẫn người Valyria.
“Điều này không có ý nói rằng Những người chiêm mộng không biết về những kỹ thuật thất truyền; ví dụ như nhìn thấy các sự việc từ một khoảng cách xa, hoặc giao tiếp với nhau dù cách xa nửa lục địa (giống như những gì mà người Valyria, một chủng tộc xuất hiện mãi về sau, có thể làm được).” “Những đứa trẻ của rừng rậm có nhiều điểm khác biệt và đối nghịch với Người khổng lồ… Họ không biết cách chế tạo thép, nhưng có kỹ thuật thượng thừa trong việc tạo hình cho hắc diện thạch (là thứ mà dân chúng hay gọi là dragonglass, trong khi người Valyria gọi thứ đá này là ‘lửa đóng băng’)...”
Có một cụm từ các bạn cần để ý, là “Những người chiêm mộng”, hay từ gốc là “greenseer”. Đây là danh xưng dùng để chỉ những người có khả năng phi thường thuộc Những đứa trẻ của rừng rậm. Họ có khả năng mơ những giấc mơ tiên tri, nhập hồn vào động vật, nhìn về quá khứ và thậm chí cả tương lai thông qua đôi mắt được khắc trên những thân cây weirwood. Nói một cách đơn giản, những Người chiêm mộng có khả năng cực kỳ mạnh về ma thuật.
Từ hai đoạn văn trên, chúng ta có thể tạm đưa kết luận rằng ít nhất Những đứa trẻ của rừng rậm đã dạy cho người Valyria biết về ma thuật tiên tri, nhập hồn vào cây cối hoặc thú vật, giao tiếp bất kể khoảng cách, và đặc biệt là nghệ thuật chế tác hắc diện thạch. Việc này không phải điều gì quá kỳ lạ, bởi vì Những đứa trẻ của rừng rậm cũng đã dạy cho Tiền Nhân biết những điều tương tự trong quá khứ.
Thế nhưng mọi giả định ở trên chỉ đúng trong trường hợp Những đứa trẻ của rừng rậm và chủng tộc cổ xưa bí ẩn ở Vùng Đất Bóng Tối là một. Vậy có bằng chứng nào ủng hộ cho kết luận này? Nói cách khác, có bằng chứng nào cho thấy Những đứa trẻ của rừng rậm từng tồn tại ở lục địa Essos hay không, khi mà dường như các ghi chép đều cho rằng họ chỉ tồn tại ở Westeros?
Nếu tìm hiểu kỹ về những mô tả ít ỏi về các vùng đất ở Essos, ta sẽ thấy có những bằng chứng khá rõ ràng về việc Những đứa trẻ của rừng rậm đã từng sinh sống ở đây.
Đầu tiên, có một khu rừng rộng lớn ở Essos, nằm về phía bắc Biển Dothraki và thành phố Vaes Dothrak có tên là Ifeqevron. Đây là một khu rừng rậm rạp, trải dài và từng là nơi sinh sống của một chủng tộc rất giống với Những đứa trẻ của rừng rậm. Chủng tộc này đã biến mất khỏi khu vực này từ rất lâu, nhưng vẫn còn tồn tại những ghi chép về họ, và nhiều người tin rằng đây chính là Những đứa trẻ của rừng rậm; hoặc không thì cũng là họ hàng rất gần. Những ghi chép đó như sau:
“... đây là một khu vực rừng rậm từng là nhà của một tộc người rừng nhỏ bé, nhút nhát.” “... trong tiếng Dothraki, tên gọi của chủng tộc đã biến mất này có nghĩa là ‘những người bước đi trong rừng rậm’...” “... họ được gọi là Những người đi rừng, một chủng tộc nhỏ bé và các maester tin rằng là họ hàng gần của Những đứa trẻ của rừng rậm.”
Một bằng chứng nữa là trong chuyến hải trình của mình, lãnh chúa Corlys Velaryon đã từng tới Ifeqevron, và ông xác nhận rằng có rất nhiều thân cây được chạm khắc mặt người, cùng nhiều hệ thống hang động sâu thẳm. Tất cả những điều này đều trùng hợp với các mô tả chúng ta vốn biết về Những đứa trẻ của rừng rậm.
Khu rừng Ifeqevron không phải nơi duy nhất ghi nhận về sự tồn tại của một chủng tộc như vậy. Xa tít về phía đông, ở mãi tận cùng của lục địa Essos, ở phía bắc của Vùng Đất Bóng Tối và Hoang Mạc Xám rộng lớn là một khu rừng rộng khác. Khu rừng này có tên là Mossovy, một nơi tăm tối và được ghi nhận là có tồn tại những Người thay lốt và Thợ săn quỷ.
Cụm từ “Người thay lốt” ở đây gốc là “shapechanger”, và trong thế giới Game of Thrones, nó cũng đồng nghĩa với từ “skinchanger”, tức là “Người đội lốt”. Cả hai cụm từ này đều được dùng để chỉ những người có khả năng nhập hồn vào cơ thể khác. Và trong câu mô tả về khu rừng Mossovy, chúng ta còn cần để ý một cụm từ khác, nghe có vẻ không quen thuộc lắm trong Game of Thrones: “thợ săn quỷ”, hay từ gốc là “demon hunter”.
Trong thế giới Game of Thrones, chỉ duy nhất một nhóm người tự xưng mình là các thợ săn quỷ; đó chính là các hiệp sĩ phụng sự cho Thất Diện Giáo.
Các Con Trai Thần Chiến Binh là một hội nhóm gồm các hiệp sĩ; họ đã từ bỏ quyền sở hữu đất đai, của cải và thề trung thành với Đại Tư Tế [...] Họ là những người sùng đạo, khổ hạnh, cuồng tín; họ là những thầy phù thủy, những kẻ giết rồng, và những thợ săn quỷ.
Nếu như các bạn không thật sự nhớ rõ, thì Thất Diện Giáo là tôn giáo chủ đạo ở các vùng đất phía nam lục địa Westeros. Tôn giáo này có xuất xứ từ Essos, và được người Andal đem sang khi họ di cư đến Westeros. Trong lịch sử, khi di cư đến Westeros, người Andal đã phát động chiến tranh chống lại Những đứa trẻ của rừng rậm và Tiền Nhân. Họ xem những cây weirwood có chạm khắc mặt người là những thứ tà đạo. Họ chặt bỏ, đốt phá các rừng weirwood, đồng thời tàn sát và săn đuổi Những đứa trẻ của rừng rậm. Trong tư tưởng của những tín đồ Thất Diện Giáo, thì Những đứa trẻ của rừng rậm chính là quỷ dữ, họ coi các Cựu Thần là tà giáo. Vì lẽ đó, họ tự phong cho mình là những thợ săn quỷ và tìm mọi cách để hủy diệt và xóa bỏ Những đứa trẻ của rừng rậm cũng như tôn giáo Cựu Thần của chủng tộc này.
Như vậy, với tất cả những dữ kiện đã có, chúng ta hoàn toàn có thể tin rằng chủng tộc cổ xưa bí ẩn đã dạy cho người Valyria tri thức và kỹ thuật thực chất chính là Những đứa trẻ của rừng rậm. Kết luận này căn cứ vào những bằng chứng về việc chủng tộc này đã từng tồn tại ở Essos từ rất rất lâu trước sự trỗi dậy của Đế quốc Valyria.
Tuy nhiên, điều này lại dẫn chúng ta đến một câu hỏi khác: Tại sao Những đứa trẻ của rừng rậm lại dạy cho người Valyria những tri thức của họ, đặc biệt là cách thuần hóa và điều khiển rồng? Nếu giả thuyết này là đúng, vậy thì nó ảnh hưởng đến cách mà chúng ta hiểu về những sự kiện trong bộ tiểu thuyết như thế nào?
Chúng ta hãy giải thích về lý do Những đứa trẻ của rừng rậm dạy cho người Valyria những tri thức về ma thuật. Để hiểu về điều này, đầu tiên chúng ta cần phải hiểu về bản chất của cái gọi là “Bài ca của Băng và Lửa”.

BÀI CA CỦA BĂNG VÀ LỬA THỰC CHẤT LÀ GÌ?

George R.R Martin đặt tên cho bộ tiểu thuyết của mình là “A Song of Ice and Fire”, và như chính ông đã nói trong một bài phỏng vấn hồi năm 2003, cụm từ này có nhiều tầng ý nghĩa ẩn.
Để xác định mối liên kết giữa Những đứa trẻ của rừng rậm với “Bài ca của Băng và Lửa”, các bạn hãy nhớ xem tên gọi thực sự của chủng tộc này là gì? Đúng vậy, danh xưng mà họ tự gọi chủng tộc của mình là “Những người hát bài ca của đất”. Với Những đứa trẻ của rừng rậm, “bài ca” đồng nghĩa với “ma thuật”“sức mạnh”. Trong những ghi chép về việc sử dụng ma thuật liên quan đến Những đứa trẻ của rừng rậm, cụm từ luôn được sử dụng là “ca hát”. Điều này có nghĩa là chủng tộc này sử dụng ma thuật thông qua lời hát; và những ma thuật mạnh mẽ nhất của họ chính là những bài ca.
Như vậy, “Bài ca của Băng và Lửa” có thể còn mang một ý nghĩa rằng thực chất mọi thứ đều liên quan đến Những đứa trẻ của rừng rậm và các bài ca của họ.
Bây giờ, chúng ta phân tích sâu hơn về “Bài ca của Băng và Lửa”. Cụm từ này có hai vế: “Băng”“Lửa”, tượng trưng cho những yếu tố đối nghịch nhau trong bộ tiểu thuyết. Bản thân hai từ đó cũng còn có thể ám chỉ đến hai bài ca riêng lẻ: Bài ca của Băng, và Bài ca của Lửa.
Đầu tiên, Bài ca của Băng là gì? Thứ gì tượng trưng cho Băng trong thế giới Game of Thrones? Đúng vậy, đó chính là chủng tộc White Walker, các Bóng Trắng, hay đúng như tên gọi trong tiểu thuyết gốc, là các Ngoại Nhân. Khác với tạo hình trên phim đầy vẻ ma quỷ và dữ dằn, thực chất các Ngoại Nhân có vẻ đẹp vượt xa tiêu chuẩn con người. Khi được hỏi về chủng tộc này, Martin đã nói rằng các Ngoại Nhân “kỳ lạ, xinh đẹp… một dạng sống khác, không phải con người, tao nhã và nguy hiểm”. Bên cạnh đó, khi xuất hiện, các Ngoại Nhân đem theo giá lạnh khủng khiếp và bóng tối. Mô tả này bất ngờ thay, lại rất giống với cảm giác mà Bran nhận thấy khi nghe Những đứa trẻ của rừng rậm cất tiếng hát:
Bây giờ, để tiếp tục phân tích thêm, chúng ta cần phải tạm đồng ý với nhau về một giả thuyết nổi tiếng: Chính Những đứa trẻ của rừng rậm đã tạo ra Ngoại Nhân. Đây là một chi tiết đã được xác nhận trong Game of Thrones, nhưng ở trong tiểu thuyết gốc, mọi thứ vẫn chưa được hé lộ. Tuy nhiên, nhiều người tin rằng Ngoại Nhân chính là tạo vật do Những đứa trẻ của rừng rậm tạo ra, để làm vũ khí và chiến đấu cho họ. Nếu như vậy, thì Ngoại Nhân chính là Bài ca của Băng. Thế nhưng sức mạnh của Bài ca này dần vượt ngoài tầm kiểm soát của Những đứa trẻ, cuối cùng khiến họ mất kiểm soát với Ngoại Nhân, biến những sinh vật này thành hiểm họa với thế giới. Bài ca của Băng trở nên quá mạnh, và để khôi phục sự cân bằng của thế giới, Những đứa trẻ cần một bài ca khác - Bài ca của Lửa.
Đó chính là lý do mà Những đứa trẻ của rừng rậm dạy cho người Valyria cách thuần hóa, điều khiển rồng. Người Valyria cùng những con rồng chính là Bài ca của Lửa, để chống lại Bài ca của Băng. Ngoại Nhân tượng trưng cho Băng, còn Valyria tượng trưng cho Lửa. Ngoại Nhân được cho là đến từ Vùng Đất Mùa Đông Vĩnh Cửu; còn quê hương của người Valyria có tên là Vùng Đất Của Đại Mùa Hè. Đó đều là những yếu tố trái ngược, đối trọng với nhau.
Chúng ta hẳn đều quen thuộc với truyền thuyết về Đêm Trường, khi Ngoại Nhân tràn xuống và đem đến một mùa đông dài dằng dặc cùng bóng đêm vô tận và giá lạnh khủng khiếp. Thế giới gần như đã bị diệt vong, nhưng rồi sau đó Những đứa trẻ của rừng rậm đã hợp sức cùng loài người và đẩy lui Ngoại Nhân:
“Nhờ vào Những đứa trẻ của rừng rậm, những thành viên đầu tiên của Đội Tuần Đêm đã đoàn kết lại, cùng nhau chiến đấu và chiến thắng Trận Chiến Vì Bình Minh: trận đánh quyết định đã kết thúc mùa đông vô tận và đuổi Ngoại Nhân quay về cực bắc lạnh giá.”
Khi Đêm Trường diễn ra và Ngoại Nhân suýt hủy diệt thế giới, cũng có nghĩa là Bài ca của Băng đã trở nên quá mạnh và mất cân bằng. Những đứa trẻ của rừng rậm chịu trách nhiệm chính cho việc này, và họ phải tìm cách sửa chữa sai lầm ấy. Vậy tức là nếu Đêm Trường xảy ra do Bài ca của Băng, thì một bài ca khác sẽ chấm dứt thảm họa. Trùng hợp thay, theo một truyền thuyết ở Essos, thì để chấm dứt Đêm Trường, một bài ca bí mật đã được hát để đem lại ánh bình minh.
Mọi truyền thuyết đều bắt nguồn từ một phần sự thực. Và khi nhắc đến bài ca có sức mạnh ma thuật, điều đầu tiên chúng ta nghĩ đến chính là Những đứa trẻ của rừng rậm.
Ở phương Bắc của Westeros, truyền thuyết về Đêm Trường của họ cũng nhắc đến một người được gọi là “vị anh hùng cuối cùng”:
“Ở phương Bắc, người ta kể về vị anh hùng cuối cùng, người đã đi tìm kiếm sự giúp đỡ từ Những đứa trẻ của rừng rậm… Mặc cho sự ngăn trở của đám Bóng Trắng, người đó đã một mình tìm thấy Những đứa trẻ, và ai cũng đồng ý thành công của vị anh hùng là bước ngoặt cho cuộc chiến.”
Một điểm chung giữa các câu chuyện về Đêm Trường là nhờ sự can thiệp của Những đứa trẻ của rừng rậm mà tình thế mới được xoay chiều, dẫn đến sự thất bại của Ngoại Nhân. Bài ca bí mật được nhắc đến trong truyền thuyết về Đêm Trường, chính là Bài ca của Lửa, được sử dụng để chống lại Bài ca của Băng. Có một điều chúng ta có thể chắc chắn: Bài ca này liên quan đến người Valyria, cụ thể hơn là thép Valyria.
Ở thư viện của Đội Tuần Đêm, có một vài ghi chép còn sót lại về Đêm Trường. Một trong số chúng kể về việc vị anh hùng cuối cùng đã giết chết Ngoại Nhân bằng một thanh kiếm làm từ thép rồng. Và khi nghe về điều này, cả Jon Snow lẫn Samwell Tarly đều ngay lập tức liên tưởng đến thép Valyria. Thép rồng chỉ là một cách gọi khác, trực tiếp hơn, bởi vì người ta tạo ra thép Valyria nhờ vào ma thuật và lửa rồng. Nói tóm lại, dường như vị anh hùng cuối cùng sở hữu một thanh kiếm thép Valyria, và nhờ vũ khí này, anh ta giết được Ngoại Nhân và thay đổi cục diện cuộc chiến.
Thế nhưng, có một điểm mà chắc nhiều người sẽ để ý đến: thời gian không trùng khớp. Một thông tin hay thường được nhắc đến là Đêm Trường xảy ra khoảng 8000 năm trước, trong khi lịch sử của người Valyria mới chỉ bắt đầu từ cách đây 5000 năm. Như vậy nếu tính đúng theo các con số này, hai mốc thời gian cách nhau tận 3000 năm, không thỏa đáng.
Nhưng điều đó chỉ đúng nếu con số 8000 năm là chính xác.
Bản thân Martin cũng đã thừa nhận rằng những con số như 10000 năm hay 8000 năm chỉ là một phép ước lượng và nói quá, do sự thiếu chính xác trong việc ghi chép lại các mốc thời gian. Trong một cuộc phỏng vấn, khi nhắc đến Đêm Trường, ông đã nói rằng thực chất nó mới chỉ diễn ra khoảng 5000 năm trước; trùng khớp với sự trỗi dậy của người Valyria.
Như vậy, chúng ta có thể tin rằng thép Valyria chính là lý do mà Những đứa trẻ của rừng rậm dạy cho người Valyria những tri thức về ma thuật và đặc biệt là cách điều khiển rồng. Những đứa trẻ của rừng rậm thông hiểu ma thuật và kỹ thuật chế tác hắc diện thạch; nhưng như thế vẫn là chưa đủ để tiêu diệt Ngoại Nhân. Họ cần một loại vũ khí chắc chắn và hiệu quả hơn - đó chính là thép Valyria. Và bởi vì Những đứa trẻ của rừng rậm không biết cách chế tác kim loại, họ đã dạy tri thức về ma thuật cho người Valyria, để họ vận dụng vào việc rèn nên loại thép trứ danh ấy. Thép Valyria chính là Bài ca của Lửa, được tạo nên để chống lại Bài ca của Băng, chống lại Ngoại Nhân.
Bài ca của Băng và Lửa thực chất chính là câu chuyện được viết nên từ những hành động của Những đứa trẻ rừng rậm. Những bài ca và hành động của họ đã định hình thế giới. Bài ca của Băng chính là Ngoại Nhân, và Bài ca của Lửa chính là những di sản của người Valyria. Cùng với nhau, chúng tạo thành Bài ca của Băng và Lửa, tạo nên thế giới như chúng ta đã biết.
Nhưng nếu Bài ca của Băng và Lửa thực chất là cuộc tranh đấu giữa Ngoại Nhân và di sản của Valyria, vậy thì nó sẽ ảnh hưởng đến những sự kiện trong lịch sử Westeros và Essos như thế nào?

GIẢ THUYẾT NÀY ẢNH HƯỞNG ĐẾN CÁC SỰ KIỆN TRONG "A SONG OF ICE AND FIRE" NHƯ THẾ NÀO?

Câu chuyện của thế giới Game of Thrones nổi tiếng vì những yếu tố chính trị và sự khắc họa chiến tranh, mưu kế trong đó. Tuy nhiên, một yếu tố chủ đạo của bộ truyện vẫn luôn là kỳ ảo. Tất cả những đấu đá tranh giành quyền lực chỉ là một sự đánh lạc hướng, khi mà hiểm họa thực sự chính là bóng tối từ Ngoại Nhân. Ta có thể thấy rằng mục tiêu chính của Martin vẫn là khắc họa một cuộc chiến chống lại Ngoại Nhân, giống như câu chuyện về Đêm Trường vậy.
Gần như chắc chắn sự kiện lớn nhất trong toàn bộ truyện sẽ là một Trận chiến vì Bình Minh thứ hai, khi con người đoàn kết lại để đánh bại Ngoại Nhân lần nữa. Và bởi vì Valyria được tạo ra nhằm mục đích làm đối trọng với băng giá của Ngoại Nhân, nên một khi hiểm họa được giải trừ, thì mục đích tồn tại của Valyria cũng không còn nữa. Nếu vậy, rất có thể bộ truyện sẽ kết thúc với sự biến mất hoàn toàn của cả Ngoại Nhân lẫn Valyria. Bài ca của Băng và Lửa cũng sẽ chấm dứt, vì sự cân bằng của thế giới đã được tái lập. Cái giá phải trả cho việc tiêu diệt hoàn toàn Ngoại Nhân sẽ là sự tuyệt diệt thực sự của Valyria. Đây sẽ là một cái kết mang đúng tinh thần bittersweet - điều mà tác giả Martin đã nhiều lần nhấn mạnh rằng ông muốn hướng bộ truyện đến với kết thúc mang âm hưởng như vậy.
Mặt khác, nếu nhìn vào những gì xảy ra trong lịch sử, ta sẽ thấy rằng việc khiến cho cả Valyria cũng biến mất hoàn toàn là điều cần làm. Những đứa trẻ của rừng rậm tạo ra Ngoại Nhân rồi để mất kiểm soát chúng, và họ tiếp tục lặp lại sai lầm ấy, khi tạo ra Valyria rồi cũng không thể khống chế được họ. Valyria được tạo ra để chống lại băng giá của Ngoại Nhân, nhưng rồi họ dần đi chệch hướng, và trở thành một đế quốc hùng mạnh đem tới sự hủy diệt cho hàng trăm ngàn người. Lửa của Valyria đã thiêu đốt vô số nền văn minh, cũng giống như băng giá của Ngoại Nhân đã suýt hủy diệt con người. Chính vì thế, Valyria cũng phải biến mất.
Điều này dẫn chúng ta đến với Ngày Tàn Của Valyria, thảm họa đã khiến toàn bộ đế quốc hùng mạnh ấy sụp đổ.
Về nguyên nhân thực sự gây ra Ngày Tàn Của Valyria, cũng có không ít giả thuyết. Tuy nhiên đó sẽ là chủ đề cho một bài viết khác. Còn hiện tại, chúng ta sẽ tạm đồng ý rằng chính Những đứa trẻ của rừng rậm đã khiến Valyria sụp đổ sau khi chứng kiến Bài ca của Lửa dần vượt khỏi tầm kiểm soát và gây hại tới thế giới.
Để gây ra một thảm họa diện rộng khiến toàn bộ một vùng bán đảo bị hủy diệt, cần một ma thuật cực kỳ mạnh. Trùng hợp thay, Những đứa trẻ của rừng rậm khi xưa cũng đã từng sử dụng ma thuật để đánh đắm phần eo đất nối liền giữa Essos và Westeros ở Dorne. Đoạn văn viết về việc eo đất ấy bị đánh tan như sau:
Những mô tả này gần như hoàn toàn trùng khớp với mô tả về Ngày Tàn Của Valyria:
“Những vết nứt khổng lồ xuất hiện trên mặt đất; chúng nuốt chửng cung điện, đền đài và thị trấn… rồi sau đó nước biển dâng lên.”
Ngày Tàn Của Valyria là một chuỗi các thảm họa với quy mô lớn, trong đó có cả việc phun trào đồng loạt của hệ thống 14 ngọn núi lửa ở bán đảo Valyria. Điều đáng nói là dường như chuỗi thảm họa này đột ngột diễn ra chứ không hề có dấu hiệu gì rõ ràng từ trước. Hệ thống 14 ngọn núi lửa ấy đã ổn định suốt hàng ngàn năm, và giờ nó đột nhiên bùng nổ mà không hề có một dấu hiệu nào. Động đất và sóng thần cũng vậy - chúng đột nhiên kéo đến khiến Valyria không kịp trở tay. Đây chính là kết quả từ ma thuật của Những đứa trẻ của rừng rậm. Chứng kiến Valyria dần bành trướng quá mức và vượt khỏi tầm kiểm soát, họ buộc phải hành động trước khi quá muộn.
Tuy nhiên, mối nguy từ Ngoại Nhân vẫn còn đó, và vì thế Những đứa trẻ của rừng rậm vẫn còn cần một phần nhỏ của Valyria sống sót để kết thúc cuộc chiến trong tương lai. Đó là lý do mà họ báo mộng cho một gia tộc duy nhất của Valyria biết về Ngày Tàn - gia tộc Targaryen. Câu chuyện làm sao họ thoát khỏi Ngày Tàn đã quá nổi tiếng rồi: Daenys Targaryen được báo mộng về một loạt các thảm họa sẽ hủy diệt cả đế quốc. Ngay khi biết về điềm báo này, lãnh chúa Aenar Targaryen đem cả gia đình và toàn bộ của cải di cư đến đảo Dragonstone. Nhờ vậy, nhà Targaryen trở thành gia tộc Chúa Rồng duy nhất sống sót sau thảm họa. Và rồi sau này, Những đứa trẻ của rừng rậm tiếp tục báo mộng cho Aegon Targaryen biết về thảm họa từ phương Bắc của Ngoại Nhân. Trong bài viết về giả thuyết “Giấc mơ của Aegon”, chúng ta đã biết rằng một phần lý do mà Aegon chinh phạt Westeros là để đoàn kết lục địa nhằm chống lại Ngoại Nhân. Giả thuyết này càng được củng cố nếu những người báo mộng cho Aegon chính là Những đứa trẻ của rừng rậm. Họ cần cảnh báo để nhà Targaryen chuẩn bị đối phó với Ngoại Nhân trong tương lai.
Thế nhưng một lần nữa mọi chuyện lại có xu hướng đi chệch khỏi dự tính. Nhà Targaryen quả là đã thành công trong việc thống nhất Westeros, nhưng chính bản thân họ lại vướng vào một cuộc nội chiến kinh hoàng mang tên Vũ Điệu Của Rồng. Hậu quả của cuộc chiến là khiến toàn bộ rồng của họ bị tuyệt diệt. Mà bên cạnh thép Valyria, thì rồng là vũ khí cần thiết để chống lại băng giá của Ngoại Nhân. Chưa hết, sau cuộc nội chiến, nhà Targaryen tiếp tục vướng vào những tranh đấu trong nội bộ, khiến gia tộc này ngày càng suy yếu. Vì vậy, Những đứa trẻ của rừng rậm buộc phải can thiệp một lần nữa.
Để tiếp tục phân tích sâu hơn, trước tiên các bạn cần phải biết về một nhân vật tương đối bí ẩn trong bộ truyện, và không được xuất hiện trên phim. Đó là một bà lão có tên là Bóng Ma High Heart. Đây là một người phụ nữ già nua, bị bạch tạng, thấp bé và sống lang thang ở High Heart - một vùng đồi ở khu vực Riverlands. Nơi đây được xem là rất linh thiêng đối với Những đứa trẻ của rừng rậm. Bà ta có đôi mắt màu đỏ, và thường xuyên có những giấc mơ tiên tri. Bà ta có thể không phải một Đứa trẻ của rừng rậm, nhưng chắc chắn có liên quan tới chủng tộc này.
Vậy, Bóng Ma High Heart có liên quan gì đến nhà Targaryen?
Trước khi trở thành Bóng Ma High Heart, bà ta được mọi người biết đến với vai trò là một phù thủy rừng, đồng thời là bạn của một cô gái có tên Jenny Của Oldstones. Jenny là tình nhân và sau này trở thành vợ của Vương tử Duncan Targaryen - con trai cả của vua Aegon Đệ Ngũ. Vương tử Duncan yêu Jenny đến mức anh sẵn sàng từ bỏ quyền kế vị Ngai Sắt chỉ để cưới cô. Và khi họ kết hôn, Jenny đem theo bà lão đến triều đình. Có một chi tiết rất quan trọng là chính bà ta là người đưa ra lời tiên tri rằng Hoàng Tử Được Chọn sẽ sinh ra từ dòng dõi của Aerys và Rhaella. Aerys sau này chính là Vua Điên, cha của Vương tử Rhaegar, và đồng thời cũng là ông nội của Jon Snow. Hoàng Tử Được Chọn trong lời tiên tri lại chính là vị anh hùng Azor Ahai tái sinh, hiện thân cho Bài ca của Băng và Lửa, và là người sẽ lãnh đạo loài người chống lại Ngoại Nhân lần nữa. Như vậy, bằng việc truyền đạt lời tiên tri thông qua Bóng Ma High Heart, Những đứa trẻ của rừng rậm muốn chắc chắn rằng Hoàng Tử Được Chọn phải được sinh ra từ dòng dõi cuối cùng của người Valyria.
Bên cạnh đó, Những đứa trẻ của rừng rậm cũng muốn tìm cách để hồi sinh lại loài rồng. Điều này có liên hệ trực tiếp tới một thảm kịch nổi tiếng trong lịch sử nhà Targaryen - thảm kịch Summerhall. Đó là khi vua Aegon Đệ Ngũ tập hợp 7 quả trứng rồng và cố gắng tìm cách ấp nở chúng bằng ma thuật và wildfire. Tuy nhiên mọi chuyện vượt khỏi tầm kiểm soát, gây ra vụ cháy kinh hoàng ở lâu đài Summerhall. Trong thảm kịch ấy, vua Aegon Đệ Ngũ, Vương tử Duncan cùng Jenny, và rất nhiều người khác bỏ mạng. Bóng Ma High Heart cũng có mặt tại Summerhall, như chính bà ta đã nhiều lần nhắc lại với vẻ đau buồn. Như vậy, ta có thể tin rằng Bóng Ma High Heart đã cố gắng giúp nhà Targaryen hồi sinh loài rồng, nhưng không thành, vì ma thuật của bà ta không đủ mạnh như Những đứa trẻ của rừng rậm.
Như vậy, nếu đi theo hướng phân tích của giả thuyết này, ta có thể thấy rằng thảy mọi thứ quan trọng đều là những cố gắng của Những đứa trẻ của rừng rậm. Và điều quan trọng nhất mà họ đang cố gắng đạt được là trả lại sự cân bằng cho thế giới bằng cách triệt tiêu vĩnh viễn Bài ca của Băng và Lửa. Đó là cố gắng cuối cùng để sửa chữa sai lầm của họ, trước khi chủng tộc này chịu chung số phận như Bài ca của họ: biến mất vĩnh viễn.

KẾT

Tóm lại, toàn bộ giả thuyết này xoay quanh việc thực chất câu chuyện của bộ tiểu thuyết “A Song of Ice and Fire” có liên quan tới Những đứa trẻ của rừng rậm. Chính họ là chủng tộc đã dạy cho người Valyria cách thuần hóa, điều khiển rồng và vận dụng ma thuật; cốt tủy nhằm để chống lại mối hiểm họa từ Ngoại Nhân. Mục đích cuối cùng của họ chính là sửa chữa sai lầm năm xưa khi đã tạo ra và mất kiểm soát chủng tộc Ngoại Nhân. Vì lẽ đó, Những đứa trẻ của rừng rậm đã trực tiếp và cả gián tiếp tác động đến rất nhiều sự kiện trong lịch sử thế giới Game of Thrones.
Tất nhiên, mối liên quan giữa Những đứa trẻ của rừng rậm với các sự kiện đã và sẽ xảy ra trong bộ truyện còn nhiều và phức tạp hơn. Tuy vậy, chúng sẽ là chủ đề cho một bài phân tích giả thuyết khác. Còn trong khuôn khổ bài viết này, chúng ta sẽ chỉ tập trung vào giả thuyết về mối liên quan giữa Những đứa trẻ của rừng rậm, người Valyria và Ngoại Nhân mà thôi.
Các bạn có cảm nghĩ như thế nào về những phân tích này? Xin hãy chia sẻ cảm nhận và nêu ra ý kiến nhé. Và nếu có một chi tiết, sự kiện thú vị nào đó mà các bạn muốn nghe mình phân tích và nêu giả thuyết, cũng đừng ngần ngại bình luận, biết đâu đó sẽ là chủ đề cho bài viết tiếp theo thì sao?