70 - đó là số năm trung bình mà một người có thể có trên cuộc đời hữu hạn này. Đồng nghĩa, chúng ta có 25 550 ngày để thực hiện một sứ mệnh gọi là sống. Nhưng đã bao giờ bạn tự hỏi, sống thế nào mới là đúng?
Như bao loài linh trưởng khác, con người là loài động vật sống bầy đàn. Nhờ chính thứ bản năng mà tạo hoá đã trao tặng, ta vô tình bị cuốn theo cái thứ gọi là tiêu chuẩn xã hội.
Sự cố gắng vươn lên như một con dao hai lưỡi, khi nó có thể đưa ta vào con tàu tâm trí, lái ta đến những vùng đất màu mỡ, cho ta thứ hormone hạnh phúc mang tên Dopamine. Để rồi, khi con tàu thực sự đến trạm ga cuối cùng, ta nhận ra nó chỉ là một vùng đất trống được bao phủ bởi sự cô đơn. Hoá ra nơi mà bao người ao ước cũng chả hạnh phúc như ta nghĩ.
Có lẽ không ít người ngoài kia cũng đang trên một con tàu tâm trí, chỉ khác một điều, họ lên tàu nhờ một người khác. Đó có thể là bất kỳ ai, dù là chiến hữu hay kẻ thù. Ta mãi đi trên một cuộc hành trình mà chính ta chả biết nó là gì. Nhưng...
Bạn có nhảy xuống khi bạn đã biết rằng nó cũng sẽ chẳng đưa bạn tới nơi bạn cần đến?
Con người là loài có trí tuệ, nhưng cũng chính trí tuệ khiến con người trở nên ngu ngốc.
Ta biết, khi nhảy xuống, những viên sỏi bên đường có thể làm ta bị thương
Ta biết, khi đã chọn lối đi riêng, đồng nghĩa với việc sẽ không một ai đưa cánh tay ra khi ta mấp mé vực thẳm
Và ta biết, sẽ chẳng ai màng tới sống chết của ta ở cái cõi tạm này nữa
Đó có lẽ cũng là lý do, khiến chúng ta chọn ở lại tàu, dù cho nó có thể mang lại bao nhiêu đau khổ đi chăng nữa. Sự ngu ngốc lớn nhất của con người là biết, nhưng vẫn làm.
Quay về hiện thực, đã bao giờ bạn không dám lên tiếng thể hiện bản thân chỉ vì nó khác với tất cả mọi người?
Điều đó sẽ chẳng là gì lớn lao cho đến khi bạn chứng kiến những thứ mang lại sự hạnh phúc nhỏ nhoi cho mình, bị sỉ nhục bởi người đời. Công bằng có thực sự tồn tại khi mà ai cũng muốn áp đặt tư tưởng của bản thân vào người khác.
Chính sự chèn ép đó đã đẩy ta đến thứ gọi là đấu tranh. Vậy tại sao con người cần phải đấu tranh?
Câu trả lời chính là quyền lợi. Trong một xã hội mục nát thì sẽ luôn tồn tại những kẻ dưới đáy sâu, cố đứng dậy để đấu tranh với tư tưởng mang lại sự bình đẳng. Nhưng hỡi bạn ơi, liệu bạn có dám thành thật với tôi rằng, bạn chỉ đấu tranh vì cái thiện?
Dù không thể tồn tại nếu thiếu đồng loại, nhưng trong mỗi cá thể, ta đều mang cho mình sự ích kỷ. Con người sẽ không bao giờ đấu tranh nếu như lãnh thổ của mình không bị xâm phạm. Những người nghèo khổ sẽ không bao giờ vươn lên nếu họ không biết rằng, rồi một ngày họ sẽ chết vì bị đào thải.
Kể cả những người ẩn danh, sống một cuộc đời âm thầm, không đấu tranh, thì bên trong họ cũng mang một sự ích kỷ nhất định, và họ không muốn đánh đổi sự bình yên của bản thân để nhận lại chỉ toàn tiêu cực.
Có lẽ tôi chưa đủ thẩm quyền để phán xét ai hết, nhưng tôi cũng là một kẻ ích kỷ đang đấu tranh, và tôi nhận ra, sự ích kỷ nó không xấu như ta vẫn tưởng.
Tôi đấu tranh vì LGBTQ+, vì nó có ảnh hưởng tới những người mà tôi yêu thương
Tôi đấu tranh cho người da màu, vì chính bản thân tôi cũng có một màu da khác biệt so với nơi tôi đang sinh sống
Tôi đấu tranh cho những kẻ yếu thế, có lẽ vì tôi cũng chả hơn gì họ
Nhưng bước ngoặt lớn nhất khiến tôi phải chuyển hoá những suy nghĩ của bản thân ra một thứ hữu hình như thế này là vì tôi ngộ ra rằng, những kẻ mà tôi đang phải ngày ngày chống chọi, cũng đang đấu tranh như tôi.
Lý do vì sao có những người da trắng vẫn kỳ thị người da màu, đơn giản là vì sâu trong thâm tâm họ sợ bản thân sẽ bị giảm đi quyền lợi.
Những người phản đối LGBTQ+ cũng không khác là bao, khi họ sợ rằng càng nhiều người là gay hay les, thì họ càng khó để tìm được bạn đời, thứ có thể khẳng định ít nhiều giá trị của họ.
Đương nhiên, những lý do trên chỉ là một trong hằng hà sa số mà họ sẽ nêu ra để thuyết phục rằng tư tưởng của họ là đúng, là lẽ phải.
Vậy, sống một cuộc đời thế nào mới là đúng?
Câu trả lời hợp lý nhất mà tôi có thể nói cho bạn, đó là không có câu trả lời nào hết. Kể cả trong đầu của những tên tội phạm hay những kẻ bạo chúa, độc tài, thì lẽ phải là thứ mà chúng ta tự định nghĩa.
Nếu bạn vẫn còn mơ hồ thì hãy quay về thời khắc mà bạn được đưa đến với thế giới này. Mỗi đứa trẻ sau khi rời khỏi bụng mẹ, đến với đôi tay của bác sĩ, đều có những cách khác nhau để nói lời chào với nhân loại. Có những đứa khóc một cách nhỏ nhẹ, nhưng cũng có những đứa khóc to đến nỗi mà ai ở bệnh viện cũng nghe thấy. Mỗi người đều có quyền chọn cho mình một cách sống. Bạn có quyền nhảy khỏi tàu, hoặc bạn sẽ tận hưởng chuyến tàu đó mà không màng tới đích đến. Bạn có thể đứng lên đấu tranh hoặc chỉ sống một cuộc đời mà bạn cho là đúng. Có một sự trùng hợp đó là một ngày trước khi tôi viết bài này, thì diễn viên James Michael Tyler cũng đã ra đi sau một thời gian chống chọi với căn bệnh ung thư. Ông được biết đến nhiều nhất với vai Gunther trong bộ phim sitcom nổi tiếng "Friends". Nếu bạn đã từng xem qua series này thì sẽ biết dù chỉ là nhân vật phụ, Gunther lại là một nhân vật miêu tả rõ nhất phần lớn chúng ta trong xã hội này. Ông làm một công việc ít người để ý, yêu đơn phương và cũng có tật xấu. Gunther chưa bao giờ thực sự đấu tranh và bày tỏ quan điểm một cách rõ ràng như các nhân vật chính, nhưng sẽ chẳng ai có thể quên được một gã đầu vàng luôn ở đó, lắng nghe khi bạn cần.
Cuộc đời này sẽ không bao giờ thực sự hoà bình, vì sự ích kỷ của mỗi cá thể vẫn còn đó. Suy cho cùng, sau bao nhiêu cuộc chiến, thì ta vẫn chỉ mong muốn hướng đến sự công nhận cũng như an yên trong tâm hồn. Sống thế nào mới là đúng, chắc các bạn cũng đã có câu trả lời cho riêng mình.

R.I.P Gunther

Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất

duongAQ

Có một số điều rất buồn (cười) mà anh nhận ra: đó là những mong muốn, mục tiêu, đúng-sai lại thay đổi bởi chính bản thân mình qua thời gian.
Ví như 20 tuổi muốn có 1 công việc để khẳng định giá trị bản thân. Rồi đến 30+ tuổi lại thấy giá trị bản thân chẳng là cái khỉ khô gì, sự tồn tại của mình cũng không khá hơn 1 bài post trên mxh, dù hay dở thế nào thì sau 1 thời gian nó cũng chìm vào quên lãng, chỉ còn là câu chữ mà rất khó khăn mới có ai đó đọc lại.
Những thứ mình từng cho là vĩ đại, là giá trị, những thứ mình tôn thờ rồi đến lúc nào đó nó lại tầm thường, nghi ngờ, thậm chí quay lưng với nó.
Điều đó khiến anh thấy việc "Sống sao cho đúng" cũng trở thành 1 thứ mang tính thời điểm mà thôi. Nếu không có 1 tham chiếu đúng-sai rõ ràng tại thời điểm đó, sẽ không biết mình đang làm đúng hay sai. Mỗi thời điểm thì quan niệm đúng-sai lại khác, tự mình thay đổi nó chứ chẳng phải do ai tác động.
Anh cũng từng nghĩ rằng: nếu đã cho là đúng thì sao lại trở thành sai được? cái gì là chân lý thì phải luôn đúng chứ. Điều đó tạo ra 1 thứ gọi là "cố chấp". Đã gọi là "sống" thì luôn biến đổi. Nếu bỏ qua sự nghi ngờ, đánh giá lại những gì mình cho là đúng, thì đến 1 lúc nào đó, nó trở thành sai và bản thân ta bị rơi vào vực thẳm. Có những giai đoạn ta phải nhắm mắt đi qua mà không biết ta đang làm đúng hay sai. Đó là lúc ta tâm niệm rằng: đó cũng là 1 biểu hiện của "sự sống".
- Báo cáo

Bảo Phúc
E hoàn toàn đồng tình với ý kiến của a. Và có một số điều khá buồn (cười) mà e cũng nhìn thấy đó là vì con người có trí óc, nên điều đó ít nhiều ngăn cản việc họ nhìn nhận và đánh giá lại sự đúng sai. Đương nhiên e ko đánh đồng ai hết, nhưng e cá là ko ít người ngoài kia mà sự đúng sai của họ bị ảnh hưởng bởi người khác. Cá nhân e chả thấy có vấn đề gì với việc một người sống theo thứ chân lý mà họ luôn tôn thờ nếu nó ko ảnh hưởng trực tiếp tới e.
Đã là con người thì luôn tồn tại song song cả phần con và phần người. Với góc nhìn của một đứa chưa thực sự trải đời như e, sự cố chấp cũng góp phần tác động vào sự biến đổi. Biến đổi sẽ chẳng là cái gì nếu từng cá thể chưa bao giờ có chính kiến hay lý tưởng. Còn về giai đoạn nhắm mắt đi qua mà ko biết đúng sai, đối với e, nó như một khoảng lặng mà ai cũng cần để nhận dạng lại bản thân và sẵn sàng đối mặt với sự thay đổi lẫn sự chấp nhận. Cái tâm của mỗi người là thứ khó đoán, nên e ko chắc là sẽ có một chân lý nào đúng hay tồn tại mãi mãi. Cảm ơn a đã đóng góp một phần cho bài viết này, cũng như đã đọc đến đây. Respect 🙏
- Báo cáo

ThePresentMinds
Nếu như những con sóng thử thách ập tới hay những khoảnh khắc tuyệt vọng đến với bạn nhưng bạn vẫn điềm tĩnh sống giữa nghịch cảnh thì mình nghĩ việc sống một cuộc đời sao cho đúng đâu còn quan trọng nữa.
- Báo cáo