Nếu có người nói với mình hồi cấp 3
Bài viết được truyền cảm hứng từ bài Giá mà có người nói với tôi hồi Đại học . Mình đã tốt nghiệp cấp 3 được 2 năm,...
Bài viết được truyền cảm hứng từ bài Giá mà có người nói với tôi hồi Đại học.
Mình đã tốt nghiệp cấp 3 được 2 năm, kinh nghiệm tuy không thể nói là nhiều nhưng nhìn thấy các bạn học sinh năm nay phân vân trước nhiều lựa chọn, mình cũng muốn chia sẻ chút lời khuyên của bản thân. Hy vọng thông qua đó có thể giúp các bạn nhìn nhận rõ hơn về con đường sắp tới.
Hãy tham gia hoạt động ngoại khóa
Mình học cấp 3 tại một trường chuyên của tỉnh (không giàu lắm :))) vậy nên các hoạt động ngoại khóa của trường mình khá ít và không thực chất, phần lớn tham gia với mục tiêu vui là chính. Nhưng may mắn cho mình, năm mình vào cấp 3, một nhóm các anh chị đã về quê và thành lập một câu lạc bộ chuyên về hướng nghiệp. Nhờ tham gia câu lạc bộ đấy, mình đã lần đầu hiểu được cách một tổ chức vận hành với những ban chuyên biệt. Mình học cách sử dụng drive, excel, học thiết kế, viết bài,.. Quan trọng hơn, vì câu lạc bộ có hoạt động Switch Program (bạn có thể chọn chuyển sang một ban mới) nên mình cũng đã thử làm trong tất cả các ban từ Ban Dự án, Nhân sự đến Truyền thông, Thiết kế. Nhờ vậy, mình cũng nhận ra bản thân mình phù hợp với công việc gì.
Nói cái này lại phải hơi dông dài một chút. Hồi đấy Ban Dự án được xem là ban đầu não, chị Founder còn nhắn nhủ với bọn mình là chị kỳ vọng những thành viên ban này sẽ là những người thông mình nhất. Mình thì lại là đứa phù phiếm thèm hư danh nên cũng đâm đầu vào. Sau này mới nhận ra, ừ thì vào ban nào mình cũng học được điều mới, nhưng sẽ có những công việc mình làm tốt hơn người khác, dù cả hai đều cùng có điểm xuất phát.
Vậy nên mình nghĩ tầm quan trọng của hoạt động ngoại khóa là nó giúp bạn bước đầu định hình bản thân mình muốn làm gì và có thể làm tốt điều gì. Hai yếu tố này chính là điều bạn cần thật sự cân nhắc khi chọn ngành học.
Sau này khi lên đại học, mình nhận ra bản chất hoạt động ngoại khóa cũng không thay đổi nhiều. Những kiến thức căn bản về chức năng của ban thì câu lạc bộ nào cũng gần giống nhau, chỉ khác về chuyên môn mà câu lạc bộ bạn hướng tới sẽ cung cấp cho bạn những kiến thức chuyên biệt hơn.
Nếu tham gia hoạt động ngoại khóa từ những năm cấp 3, bạn có thể có nền tảng về kiến thức và kỹ năng mềm để apply những câu lạc bộ được xem là xịn xò (như AIESEC với tỷ lệ đậu rớt vô cùng cạnh tranh) hay đi làm thực tập sinh từ năm nhất.
Nếu khu vực bạn sống không có nhiều hoạt động, mình nghĩ bạn hoàn toàn có thể tham khảo các page về opportunity, scholarship với rất nhiều trại hè dành cho các bạn trẻ ở mọi vùng miền, nhiều cơ hội tham gia các dự án toàn quốc hay nhiều câu lạc bộ cũng đã tổ chức tuyển thành viên online.
Hãy học Tiếng Anh
Phải thú thật một điều mình là đứa chưa bao giờ thích việc học. Trừ hồi cấp 1 cấp 2 chưa hiểu chuyện, bố mẹ thầy cô bảo gì làm nấy thì đến năm cấp 3, trong một nỗ lực cố gắng lý giải vì sao mình phải học và không tìm được câu trả lời, mình đã thật sự trở thành đứa cà lơ phất phơ, không xem môn nào ra gì.
Hồi đấy mình học chuyên Anh nhưng căn bản điểm bài thi chuyên của mình không cao, do các môn khác kéo lên mới vất vưởng được được vào lớp. Hồi đầu vào thật sự bị áp lực nên cũng rất cố gắng để học môn chuyên, bằng bạn bằng bè. Sau đấy mình cũng đi thi tỉnh, được giải xong thì đâm ra tâm thế ồ mình cũng oke mà nhỉ. Đấy báo hại cho con nhỏ như mình cứ tưởng vậy là ngon, cộng thêm việc hồi đấy cứ thấy ngày nào cô giáo cũng lặp đi lặp mấy bài giảng chán chết, đi học bồi thì phải bịt kín như ninja, lao ra ngoài đường vào lúc 1 giờ kém 15 giữa cái nắng gió lào của đất miền Trung nên đâm ra mình lười. Lên lớp 11 thì mình không học hành gì tử tế, chỉ cố gắng để qua môn.
Cái sự nghiệp học hành vất vưởng đấy đi theo mình đến tận đại học. Lúc đấy mình mới hiểu rằng 3 năm cấp 3 kiến thức trôi qua không đọng lại gì nhưng tiếng Anh thì nhất định phải học cho tử tế. Đến giờ mình vẫn chưa biết có ngành nào muốn phát triển lên chức cao, đi đấy đi đó mà lại không cần tiếng Anh.
Tất nhiên cái này hoàn toàn là trải nghiệm cá nhân vì lên đại học, mình học chuyên về truyền thông, không ứng dụng nhiều những kiến thức được học từ cấp 3. Mình vẫn thật sự rất ngưỡng mộ những bạn học hành chăm chỉ, cố gắng hết sức trong việc học. Chỉ là nếu như bạn cũng như mình, mình hy vọng ít nhất bạn hãy dành nhiều thời gian và công sức cho việc học tiếng Anh.
Chọn Ngành rồi hãy chọn Trường
Hồi mình học cấp 3 đã dự định sẽ thi ngành báo chí. Nhưng sau đấy vì chính mình cũng không chắc có theo được ngành báo không nên chọn một ngành có tên chung chung, không rõ làm gì nhưng đồng thời có vẻ làm được nhiều nghề là truyền thông. Sau khi xác định học truyền thông, mình chỉ suy nghĩ chọn trường nào có ngành truyền thông mà điểm đầu vào cao nhất để làm nguyện vọng 1, rồi cứ thế giảm dần. Suy nghĩ thật sự rất đơn giản. Mình nghĩ học trường nào chắc cũng chán thế thì cứ vào trường top đi vậy.
Đây cũng là suy nghĩ chung của nhiều bạn bè mình. Hồi đấy đứa nào cũng hừng hực khí thế, chỉ nghĩ nhất định phải vào trường top đầu, phải đậu ngành nào điểm cao để làm... bố mẹ vui.
Sau đấy mình cũng vào được trường nguyện vọng 1 để rồi cay đắng nhận ra à hình như có gì đó không đúng. Đến thời điểm đó mình mới biết Truyền thông quốc tế thiên về truyền thông đối ngoại, truyền thông văn hóa, là kiểu truyền thông cho các bộ các ngành. Trường mình lại là trường chính trị nên cứ 1 môn truyền thông là lại học thêm 1 môn về đối ngoại. Thậm chí hồi năm nhất mình còn học về công tác lễ tân (hay tên gì na ná thế) mà không biết để làm gì.
Tất nhiên những kiến thức học được về chính trị cũng giúp mình nhận mọi việc một cách khách quan hơn nhưng nếu được chọn lại, mình sẽ cân nhắc nhiều hơn về đặc thù ngành học.
Mình muốn nghiêng về thực hành hay muốn theo hướng nghiên cứu? Mình muốn làm báo chí truyền hình hay PR quảng cáo? Suy nghĩ xem đâu là hướng bạn muốn theo và chọn ngành học thật sự sát với hướng đi ấy.
Đến lúc chọn trường, ngoài việc ngành học trường ấy như thế nào (bạn có thể tham khảo bằng cách hỏi anh chị đi trước, các trang confession, tư vấn giải đáp), ngành mũi nhọn của trường là gì (ngành học lâu năm nhất, signature của trường), các chế độ học bổng, học phí, cơ hội du học, trao đổi cho sinh viên,..
Trường phù hợp nhất sẽ là trường đảm bảo được các yếu tố như trên, không phải cứ vào trường top là sẽ oke.
Đừng lo, mọi chuyện sẽ ổn thôi
Dù hồi đấy vừa ngốc nghếch, tự ti, hay suy nghĩ lại vừa ngẩn ngẩn ngơ ngơ, không rõ ràng rành mạch điều gì, mình vẫn thật sự rất yêu quý con nhỏ cấp 3 ấy. Đến giờ nhìn lại, mình không hối tiếc về bất cứ điều gì mình đã làm. Mỗi lần sai cho mình thêm một bài học, một cơ hội để làm lại.
Không biết mình muốn gì thì cứ thử tất cả mọi thứ đi.
Không biết mình giỏi gì thứ cứ cố gắng làm tốt nhất có thể điều mình đang làm.
Không biết cũng đâu có sao, mình còn cả quãng đường dài phía trước để tìm hiểu mà. Thi đại học suy cho cùng cũng chỉ là một mốc nhỏ trên đoạn đường ấy thôi. Bạn chỉ mới 17, 18 tuổi, còn rất nhiều thời gian, rất nhiều cơ hội.
Nên là đừng lo lắng quá, mọi chuyện sẽ ổn thôi.
Ôm bạn thật nhiều. ><
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất