Ở phần trước của Sơ lược cấu trúc một cuốn sách thì mình có nói về những tên gọi bộ phận của sách phổ biến mà bạn có thể dễ dàng nghe và sử dụng. Các tên gọi đó không khác gì mấy cho dù sách của bạn có là bìa mềm, bìa cứng, được làm bằng máy hay thủ công. Ngoài cách thức trang trí bìa (và, dĩ nhiên là nội dung của nó) ra thì có lẽ không còn gì mấy để nhận xét. Tuy nhiên khi một người có con mắt chuyên môn cầm sách trên tay thì những gì nằm ở bên trong - cấu trúc của cuốn sách đó đôi khi lại được đánh giá kỹ lưỡng hơn cả.
Bài viết này mình sẽ nói chi tiết hơn về các lối đóng : nguồn gốc, cấu trúc, ưu, nhược điểm của từng loại và cả trải nghiệm, đánh giá cá nhân của mình về chúng.

I. Case binding

1.Bắt đầu với lối đóng phổ biến nhất của thế kỷ 20,21 mà các bạn đều quen thuộc. Case binding - được biết ở Việt Nam với tên gọi "bìa cứng". Theo từ điển các từ ngữ ngành đóng sách của Etherington & Roberts thì Case binding là một tên gọi chung cho các cuốn sách mà lõi và bìa được làm hoàn toàn tách biệt, sau đó được ráp lại với nhau bằng keo. Công đoạn đó được gọi là vào bìa (casing-in), tách biệt với những lối đóng truyền thống khác mà bìa được nối trực tiếp và làm song song cùng lõi sách. Đây là một lối đóng mang tính công nghiệp được giới thiệu tại Anh quốc trong khoảng những năm 1820, và dần được ưa chuộng bởi các nhà xuất bản.
- Về cấu trúc : Cuốn sách có thể được khâu máy hoặc khâu tay, tuy nhiên hiện tại đa phần đều được thực hiện bằng máy, không có đai hỗ trợ. Nó có thể được làm tròn và gõ nấm (gáy tròn - roundback) hoặc để không (gáy vuông - flatback). Bìa sách (case) được tạo nên bằng 2 tấm bìa với một tấm "gáy giả" (fake-spine) bằng carton ở giữa, sau đó bọc bằng da, vải hoặc giấy. Lõi sách được dán vào với bìa qua 2 tờ gác ở mặt trước và sau. Dưới đây là hình minh họa bóc tách của một cuốn sách case binding với gáy vuông, khâu trên đai hỗ trợ và có bìa được bọc bằng vải.
Fig1 : Minh họa cấu trúc một cuốn sách case binding. Nguồn : Society of Bookbinder
Fig1 : Minh họa cấu trúc một cuốn sách case binding. Nguồn : Society of Bookbinder
Một đặc điểm mà các cuốn sách case binding đều sở hữu đó là gáy sách được làm "rỗng" (hollow-back). Tức là gáy không được dán liền với chất liệu bọc, khi mở ra sẽ để hở phần trong của cấu trúc.
Fig2 : Gáy rỗng - Hollow back. Nguồn : Google
Fig2 : Gáy rỗng - Hollow back. Nguồn : Google
Một trong những đặc điệm khác, phân biệt giữa các kiểu case-binding với nhau đó là "rãnh" (groove). Ở những loại case binding thông thường hay xuất hiện một khoảng cách giữa bìa và gáy sách, tạo thành một đường máng với chiều rộng khoảng 5-7mm, đó chính là rãnh. Nó có tác dụng giúp cho bìa cuốn sách được mở một cách linh hoạt, ít tạo lực căng cho tờ gác bên trong. Còn ở phân khúc cao cấp hơn thì lõi sách sẽ được làm cong và đóng nấm, khi đó bìa và gáy sách sẽ đặt liền kề nhau, và rãnh của cuốn sách không tồn tại (flush joint). Để làm được điều này thì vật liệu bọc sẽ cần phải được lạng khá mỏng ở đoạn khớp, nếu không bìa sách sẽ gặp rất nhiều lực cản khi mở ra.
- Ưu điểm : Như đã nói, Case binding là một lối đóng công nghiệp. Nó sinh ra để tăng tiến độ sản xuất của sách, bằng cách tối ưu và lược giản các thành phần trong cấu trúc. Làm một cuốn sách với lối đóng này khá đơn giản, nhanh gọn. Bìa sách có thể được trang trí trước khi hoàn thiện cuốn sách. Gáy rỗng khiến cho cuốn sách luôn có độ mở tốt.
- Nhược điểm : Chính vì là một cấu trúc được lược giản đi nhiều phần, nên case binding là một kiểu đóng rất yếu. Nó không được coi là một trong những kiểu đóng thực thụ và được đánh giá thấp bởi người làm nghề. Với những quyển được làm có rãnh thì gáy sách không được đỡ bởi bìa, và kèm với việc sử dụng gáy rỗng, ruột sách sẽ dần bị trọng lực kéo xuống, dẫn đến xệ bụng sách. Bìa và ruột của cuốn sách chỉ được nối với nhau qua tờ gác, thế nên bìa chắc chắn sẽ rời ra khi tờ gác trở nên quá cũ. Tóm lại đây là một lối đóng sẽ không tồn tại tốt qua thử thách thời gian.
Fig 3 : Gáy sách bị biến dạng do sức nặng. Nguồn : Reddit
Fig 3 : Gáy sách bị biến dạng do sức nặng. Nguồn : Reddit
- Cá nhân mình không thích kiểu đóng này lắm. Không biết do mình ít làm nên chưa quen hay sao nhưng cảm giác làm kiểu đóng này cũng lâu không khác gì các lối chắc chắc hơn. Có lẽ là do vẫn khâu tay nên vậy. Với những người mới bắt đầu thì đây cũng là một kiểu đóng khá khó để làm tốt, bạn sẽ phải làm quen với cách đo đạc tính toán và cả cách mà vật liệu bọc hoạt động. Một lỗi mà mình hay thấy mọi người mắc phải đó là để khoảng các giữa gáy giả và bìa quá gần. Tuy nhiên nếu làm và rút kinh nghiệm vài lần chắc các bạn sẽ quen ngay thôi.
Cuốn sổ tay được đóng năm 2019, sau đó được trang trí và tặng cho một quán cà phê vào năm 2021.
Cuốn sổ tay được đóng năm 2019, sau đó được trang trí và tặng cho một quán cà phê vào năm 2021.
Thêm một điều nữa, các loại case-binding được các nhà xuất bản phát hành dưới dạng giới hạn còn có thể được gọi là Publisher-binding, hay là Edition-binding. Các loại sách bìa mềm không nằm trong mục này.

II. Laced-in board binding

Đây là tên gọi chung cho các cuốn sách được đóng với các đai hỗ trợ được nối thẳng vào với bìa qua đai gia cố như dây cói, đai linen, đai da (thongs). Chúng đa phần có gáy "chật" (tight-back), tức là vật liệu bọc được dính trực tiếp vào với gáy sách (với ngoại lệ là kiểu German tube/Oxford hollow), khớp không có rãnh (flush joint). Đây là kiểu đóng đã có từng hơn 1000 năm trước, và được cho là cách tốt nhất để làm một cuốn sách. Theo mình biết thì có 2 phân loại chính cho kiểu đóng laced-in binding, đó là flexible spinerigid spine.

1. Flexible spine

Đây là minh họa hình dáng của gáy sách trước và sau khi được mở ra. Bạn có thể thấy gáy sách được dán liền với da bọc, và chúng cử động cùng nhau khi mở. Các cuốn sách sử dụng kiểu này thường được khâu với dây cói (cords), tạo ra các gân nổi lên ở sau gáy (khác với gân giả được gắn vào với mục đích trang trí) và luôn luôn được bọc bằng da. Phần lót gáy được làm ít lớp, sử dụng vật liệu mềm mại như vải linen hoặc da được đánh ráp để có được độ mở linh hoạt.
- Ưu điểm : Đúng với tên gọi Flexible (linh hoạt) thì kiểu đóng này cho cuốn sách độ mở cải thiện mà không hy sinh sự chắc chắn trong cấu trúc. Gáy sách mở lên thành hình vòng cung (concave) khiến cho những cuốn sách có lề chữ sát mép không bị che khuất. Việc khâu với đai hỗ trợ như dây cói khiến cho lõi sách có độ bền rất cao, và chất liệu da bọc cũng là điểm mạnh của lối đóng này.
Các công đoạn đóng sách theo lối này cũng diễn ra rất trơn tru và tự nhiên. Đôi lúc bạn còn không cần phải đo đạc gì vì chỉ cần ướm bằng chính cuốn sách.
- Nhược điểm : Mặc dù đây là một trong những lối đóng có tuổi thọ sách cao nhất thì nó cũng sở hữu một số vấn đề đáng nói. Việc biến dạng da bọc ở vị trí gáy liên tục lâu ngày khiến nó bị các vết nhăn gây mất thẩm mỹ, làm giảm độ nét của vàng nếu nó được mạ sau gáy. Dần dần nếu không được bảo quản, thoa dưỡng thường xuyên thì da bọc có thể bị khô và rạn nứt. Ví dụ dưới đây là một điển hình
Fig 5 : Cuốn sách Remains: of Sir Walter Raleigh: viz. Maxims of state... Sir Walter Raleigh. 1681. Nguồn : <a href="https://www.adelaide.edu.au/library/special/exhibitions/cover-to-cover/spine-lining/">The University&nbsp;<i>of</i>&nbsp;Adelaide</a>
Fig 5 : Cuốn sách Remains: of Sir Walter Raleigh: viz. Maxims of state... Sir Walter Raleigh. 1681. Nguồn : The University of Adelaide
- Dù với những nhược điểm trên thì đây vẫn là một lối đóng được đánh giá cao, nó đã tự chứng minh được sự vững chắc của mình qua hàng thế kỷ. Đây là kiểu đóng đầu tiên mình được học. Dần dà mình ít sử dụng nó hơn nhưng với các trường hợp đặc biệt như dưới đây thì việc sử dụng nó là cần thiết. Đó là lần mình thực hiện đóng lại cuốn đại từ điển, rất dày, rất nặng.
Fig 6: Cuốn Đại từ điển Tiếng Việt của Nguyễn Như Ý (1999). Đóng lại năm 2021.
Fig 6: Cuốn Đại từ điển Tiếng Việt của Nguyễn Như Ý (1999). Đóng lại năm 2021.
Cuốn sách dày gần 8cm (chưa kể bìa) khiến việc có một độ mở tốt là điều cực kỳ thiết yếu. Và để đỡ được sức nặng của lõi sách thì mình gia cố bằng cách khâu nó với dây cói chập đôi (double cords). Kết quả là có một cuốn sách chắc chắn và có độ mở hết sức ưng ý.

2. Rigid spine

Fig 7 : Minh họa độ mở của sách có gáy kiểu rigid. Nguồn : <a href="https://cool.culturalheritage.org/coolaic/sg/bpg/annual/v06/bp06-01.html">The movement of the bookspine - Tom Conroy</a><br>
Fig 7 : Minh họa độ mở của sách có gáy kiểu rigid. Nguồn : The movement of the bookspine - Tom Conroy
Khác với dạng Flexible, thì gáy của sách theo kiểu này được làm cho cứng lại thành một khối chắc chắn. Mình không tìm lại được tài liệu nói về nguồn gốc của kiểu đóng này, nhưng có nhớ rằng đây là phong cách mà người Pháp rất ưa chuộng vào khoảng thế kỷ 17 trở đi. Lý do cho sự ưa chuộng đó là bởi khi gáy được làm cứng lên thì sẽ thành một nơi rất tuyệt vời để mạ vàng. Nó bất động khi sách mở ra, cho nên những họa tiết cầu kỳ không bị ảnh hưởng như với sách tight back.
Fig 8 : Cuốn sách năm 1640  được đóng bởi một trong những thợ đóng sách huyền thoại, Le Gascon. Nguồn : <i><a href="http://cyclopaedia.org/bookbinders/gascon.html">cyclopaedia.org</a></i>
Fig 8 : Cuốn sách năm 1640 được đóng bởi một trong những thợ đóng sách huyền thoại, Le Gascon. Nguồn : cyclopaedia.org
Những cuốn sách được đóng như thế này có thể có lõi được khâu với dây cói như kiểu flexible ở trên, nhưng điểm khác ở đây là dây cói được duỗi phẳng ra, rồi lót nhiều lớp lên để có gáy phẳng, sau đó vẫn xỏ vào bìa như thường lệ. Với gáy được làm phẳng thì người thợ có thể thêm gân giả hoặc không tùy sở thích.
- Ưu điểm : Điều đầu tiên phải nói là sách được đóng theo kiểu này trông rất tinh tế, không cục mịch như kiểu flexible. Gáy sách được làm cứng nên nhận mạ vàng tốt, không bị nứt hay biến dạng. Người Pháp vì rất yêu thích cái đẹp nên sử dụng lối đóng này để cho ra những cuốn sách được trang trí đạt tới đỉnh cao nghệ thuật.
- Nhược điểm : Không như sách đóng kiểu flexible, sử dụng sự linh hoạt của gáy sách để cuốn sách mở ra thì kiểu rigid hoàn toàn phụ thuộc vào độ nằm của giấy (xem sổ tay thợ đóng sách trang thứ 3 để biết thêm về vấn đề này).
Fig 9 : Minh họa khi một cuốn sách rigid spine với giấy có độ nằm tốt (trên), và không tốt (dưới).
Fig 9 : Minh họa khi một cuốn sách rigid spine với giấy có độ nằm tốt (trên), và không tốt (dưới).
Rất dễ dính vào một lựa chọn sai lầm trước khi chọn lối đóng này nếu bạn không có đánh giá tốt về loại giấy của cuốn sách.
Một điểm trừ lớn ở lối đóng này mà người Pháp từng (hoặc vẫn đang) mắc phải đó là sử dụng loại da quá mỏng. Vì gáy sách bất động nên chỗ duy nhất của cuốn sách phải cử động để mở ra đó là đoạn khớp (hinges). Độ dày khiến tấm da vốn đã yếu nay phải chịu nhiều tác động co giãn liên tục khiến nhiều bìa bị tách rời khỏi cuốn sách.
Fig 10 : Một cuốn sách cuối thế kỷ 18 với bìa rời ra. Nguồn : <a href="https://www.adelaide.edu.au/library/special/adopt_a_book/restoration_complete/voyage-round-the-world/">https://www.adelaide.edu.au</a>
Fig 10 : Một cuốn sách cuối thế kỷ 18 với bìa rời ra. Nguồn : https://www.adelaide.edu.au
Mình không nói ở các cấu trúc khác thì điều này không xảy ra, nhưng với những cuốn sách có khớp quá yếu thì kết cục như vậy diễn ra phổ biến hơn nhiều. Tất nhiên khi được làm cẩn thận và chăm sóc tốt thì những cuốn sách với lối đóng này cũng có tuổi thọ đáng nể. Dưỡng da - một loại dầu tổng hợp từ lanolin, dầu neatfoot có thể giúp làm mới, phục hồi sự dẻo dai của da, giữ cho nó luôn bền bỉ.
- Cá nhân mình rất thích lối đóng này, và sử dụng nó thường xuyên hơn các kiểu đóng còn lại. Việc làm cứng gáy khiến cuốn sách ít bị biến dạng, cầm chắc chắn trên tay, và khi làm với các cuốn sách cũ thì thường loại giấy cũng nằm rất tốt, dĩ nhiên một phần cũng là vì nó rất đẹp :)). Mình nghĩ mình không làm mỏng tấm da quá mức cho phép, giữ độ dày ở mức 0,4-0,5 ở đoạn khớp.
Điều này mình chưa có cơ hội làm, nhưng mình biết đa phần các cuốn sách bị tách rời bìa như vậy có thể phục chế để nối lại, cũng như sách kiểu flexible spine có thể được thay một lớp da mới ở gáy. Vì sử dụng những chất liệu kết dính có khả năng đảo hồi nên việc sửa chữa chúng là có thể.

III. Library binding

Đây là một lối đóng được sử dụng khá phổ biến trong thế kỷ 19, với mục đích cung cấp các cuốn sách có độ bền cao cho thư viện - lý do các tên được đặt là vậy. Library binding có đặc trưng là luôn sử dụng chất liệu bọc bằng da (cụ thể hơn là phần gáy sách), và tấm da đấy thường không được làm mỏng, giữ nguyên độ dày gốc. Sách có rãnh French groove, tuy nhiên bìa vẫn được nối vào với lõi trước khi bọc, không phải là bởi đai hỗ trợ. Gáy sách khâu cùng đai (tapes) có thể được làm theo kiểu tight back hay hollow đều được, tùy vào chất giấy. Bìa của lối đóng Library binding là bìa dán tách lớp (split board), tức là bìa được bồi thêm một lớp mỏng nữa, để chừa keo một khoảng rồi sau đó kẹp vào phần đai của lõi sách. Để dễ hiểu mình có ảnh chụp phía dưới.
Fig 11 : Cấu trúc Library, bìa tách lớp trước khi được dán vào với lõi sách.
Fig 11 : Cấu trúc Library, bìa tách lớp trước khi được dán vào với lõi sách.
- Ưu điểm : Với mục đích giúp tạo ra những cuốn sách chịu được tần suất sử dụng ở các thư viện công cộng thời bấy giờ thì lối đóng này có kết cấu chắc chắn. Mặc dù bìa không được đặt sát với vai của gáy sách nhưng với lớp da bọc dày hơn rất nhiều so với các kiểu đóng khác (trung bình một tấm da dê sẽ dày khoảng 1,2-1,4mm) thì khớp của sách rất bền, và cử động cũng không bị quá hạn chế. Phần đuôi sách chịu được nhiều tác động cọ xát hơn. Gáy sách có thể tùy chọn rỗng hoặc chật giúp cho người làm có thể tùy chỉnh sao cho phù hợp.
Library binding là một lối đóng cho ngành trade-binding (đóng sách thương mại) - một kiểu đóng sách thủ công nhưng với tốc độ sản xuất cao. Vì vậy nó khá là dễ để thực hiện. Bác Darryn (DAS Bookbinding) có nói nó rất tuyệt cho những người mới học và chưa quen với việc sử dụng chất liệu da.
- Nhược điểm : Điểm trừ của nó có lẽ nằm ở tính thẩm mỹ. Kiểu sách này trông khá là thô kệch và cục mịch, so với các kiểu đóng khác. Da dày hơn, bìa dày hơn là lý do. Về độ bền, mình không thấy tài liệu so sánh giữa kiểu đóng này và kiểu laced-in board nói trên, có lẽ do tuổi đời còn non hơn. Vật liệu sử dụng mình nghĩ cũng có thể kém chất lượng hơn so với loại đóng trên. Nhưng thời gian sẽ chứng minh.
Thời gian để sống và thời gian để chết - Zeit zu leben und Zeit zu sterben (nxb Nhã Nam). Đóng lại năm 2020
Thời gian để sống và thời gian để chết - Zeit zu leben und Zeit zu sterben (nxb Nhã Nam). Đóng lại năm 2020
- Cá nhân mình mới có cơ hội đóng lối này được một vài lần, và đúng như bác Darryn nói thì nó khá là dễ thực hiện, công đoạn làm trôi chảy và nhẹ nhàng. Cầm rất chắc chắn trên tay, và mở ra cũng khá tốt. Thường vị khách nào có yêu cầu đề cao sự chắc chắn, độ bền thì mình sẽ sử dụng lối đóng này.

IV. Spring-back binding

Theo từ điển Etherington & Roberts thì kiểu đóng Spring-back được hai anh em người Anh, John và Joseph Williams phát minh vào năm 1799, sử dụng để đóng các cuốn sổ giấy trắng cỡ lớn. Cấu trúc của nó mang đặc trưng là có một tấm bìa dày được bẻ cong và ôm khít một khoảng sâu tầm 6mm vào với gáy sách, gọi là nẹp (spring). Gáy sách được lót rất ít, chỉ với một lớp da mỏng. Bìa sách sử dụng dạng bìa tách lớp (split-board) và dán vào tép cứng ở tay sách gọi là lẫy (lever). Kết hợp với nhau, chúng tạo ra cơ chế rất đặc biệt. Phần nẹp cứng giúp giữ chặt cuốn sách ở vị trí đóng, nhưng khi mở thì lẫy ở lõi sách giúp đẩy lõi sách lên trên và đạt độ nằm tối đa, lực đẩy đó khiến cho cấu trúc có tên gọi là spring-back (làm bật lên).
Đây có lẽ không phải là một kiểu dành cho sách, nhưng mình vẫn đề cập bởi sự thú vị của nó. Dù sao khi nghề đóng sách thương mại còn thịnh vượng thì đây cũng là một kiểu đóng rất phổ biến cho các loại sổ kế toán.
Bóc tách cấu trúc của một cuốn sổ spring-back bởi anh <a href="https://thebookandpapergathering.org/2013/10/20/some-forwarding-techniques-for-springback-bindings-2/">Athur Green</a>
Bóc tách cấu trúc của một cuốn sổ spring-back bởi anh Athur Green
- Ưu điểm : Spring-back là cấu trúc thú vị và độc nhất, được thấy hay cảm nhận cách hoạt động của nó khiến bạn rất thích thú. Về phần công năng thì nó đảm bảo được việc cuốn sổ sẽ có một độ mở tuyệt đối - 180 độ. Mình chưa thử làm nó với khổ lớn như những cuốn sổ ngày xưa (của họ trông như khổ A3) nhưng nếu áp dụng được nó vào các loại sổ mỹ thuật thì sẽ khá hay. Nó cũng được coi là một cấu trúc khá chắc chắn, chịu được tần suất sử dụng cao.
- Nhược điểm : Trong bài viết của anh Arthur, các cuốn spring-back lâu dài sẽ chịu khá nhiều kiểu hỏng hóc : Bìa bị rời ra do lãy sách nứt gãy, lõi sách bị xệ do lót quá ít, tờ gác bị rách ở chỗ khớp... Lý do có thể do các vật liệu sử dụng để đóng sổ không được tốt như với các cuốn sách cao cấp hơn.
Một điểm trừ lớn nữa đó là rất khó để có thể sửa hay phục chế lại một cuốn sổ Spring-back bị hỏng. Đó có lẽ là lý do nó không được dùng để đóng các cuốn sách.
- Cá nhân mình đã đóng 3 cuốn sổ theo lối đóng này và rất thích, dù cho có một số vấn đề vẫn phải nói ra. Cuốn sổ đầu tiên mình làm do thiếu kinh nghiệm đã hỏng nặng nề : lót gáy bị bung ra, phần nẹp đã mất đi lực ép và khiến cuốn sách lỏng lẻo. Tuy nhiên 2 cuốn sổ còn lại hoạt động rất tốt. Một cuốn mình đã sử dụng được gần 2 năm mà vẫn chắc chắn.
Cuốn spring-back đầu tiên, được đóng năm 2019
Cuốn spring-back đầu tiên, được đóng năm 2019

V. Kết luận

Nghề đóng sách luôn luôn khiến mình cảm thấy có những kiến thức thật bất tận. Những kiểu đóng nói trên chỉ là một phần nhỏ trong những gì hiện đang có. Có rất nhiều cách để tiếp cận việc đóng một cuốn sách, và mỗi năm là có những thay đổi mới từ những con người tiên phong trong nghề. Mình nhận ra không nên gò bó quá nhiều vào truyền thống, hay một kỹ thuật nào đó cụ thể, mà luôn phải tự nhận thức cách làm nào là phù hợp nhất trong trường hợp đó. Có thể kết hợp cấu trúc từ kiểu đóng này với kiểu đóng khác, để loại bỏ điểm yếu và tăng điểm mạnh, hoặc tự nghĩ ra phương thức mới.