[Sổ tay thợ đóng sách] Trang 2 : Sơ lược về cấu trúc một cuốn sách

Xin chào các bạn thân mến, lại là mình đây. Tiếp tục serie Sổ tay thợ đóng sách là một bài viết rất cần thiết để các bạn dễ hiểu hơn khi mình mô tả các cuốn sách hay kể về các công đoạn mình thực hiện về sau. Có lẽ các bạn cũng biết nghề đóng sách không phải là một ngành nghề quen thuộc với nước mình. Bắt nguồn từ Châu Âu, nên nó có rất nhiều các thuật ngữ chuyên dụng bằng tiếng Anh, Pháp, Đức mà khiến mình cũng rất chật vật khi trong giai đoạn bắt đầu. Tới nay mình cũng có đủ trải nghiệm trong nghề rồi nên dự sẽ "Việt hóa" dần những từ ngữ đó nhằm tiện trao đổi và giúp mọi người dễ tiếp cận hơn.
Một cuốn đại từ điển mình làm đầu năm nay.

   Hình dáng của một cuốn sách thời hiện đại ngày nay có hình dáng và cách sử dụng tương đồng với tổ tiên của nó (đầu tiên là sách Diptych của người La Mã và sau đó là Codex của người Châu Âu). Bằng cách gập đôi các tờ giấy đơn lẻ vào rồi khâu chúng vào thành một tập hợp, chúng ta đã có một vật chứa đựng được rất nhiều chữ viết, lại tiện lợi để đọc và lưu trữ. Nghề đóng sách cũng được sinh ra ngay sau đó, và các ông tổ nghề bên Châu Âu đã phát triển quy trình đơn giản ở trên thành rất nhiều các cấu trúc sách cầu kỳ và phức tạp, với các chi tiết, bộ phận có tên gọi riêng. 
Cấu trúc ngoại thất của một cuốn sách trước khi bọc.

Dưới đây là hình minh họa của mình với một cuốn sách được đóng tiêu chuẩn. Tuy nhiên vẫn có thể áp dụng được với các loại sách bìa cứng thông dụng.



1. Gáy sách - Spine : Là phần sau của cuốn sách, chỗ mà các tờ giấy được gấp lại. 
Funfact : tên gọi Spine - Sống lưng được sinh ra bởi phần da bọc cho đoạn này thường là phần sống lưng của con vật. 
2. Bìa (trước/sau) - Cover : là phần bìa cứng bảo vệ cho lõi sách (textblock). Vào thủa ban đầu chúng thường được để trống nhưng sau này họ nhận ra sách có thể đẹp hơn rất nhiều nếu chúng được trang trí lên. 
3&4. Đầu/đuôi sách - Head/tail : Là chiều trên/dưới của 1 cuốn sách.
5. Góc - Corners : Phần góc của các tấm bìa. Đây là nơi mà vật liệu bọc được gấp vào.
6. Cạnh sách (trước, trên, dưới) - Fore edge, Top edge, Bottom edge : Là 3 phần cạnh của lõi sách.
7. Tờ gác - Endpaper : Tờ giấy được thêm vào với lõi sách, đặt ở 2 mặt tiếp xúc với bìa nhằm bảo vệ và trang trí cho lõi sách. Tên gọi cụ thể hơn ở đây là "tờ gác bay" (fly-leaf), là tờ gác nằm lỏng ở phía bên lõi sách, khác với "tờ gác dán" (paste-down) được dán vào với bìa.
8. Bảng tiêu đề - Label : Một tấm da mỏng khác màu chứa tên sách, tên tác giả
9. Gân gáy - Raised band : Là phần đai nhô lên khỏi gáy sách. Có 2 kiểu là gân thật (true raised-bands) và gân giả (false raised band). Gân thật được hình thành bởi sợi dây cói khâu cùng với lõi sách, còn gân giả được dán vào gáy nhằm mục đích thuần trang trí.  
No description available.


10. Tờ gác dán - Paste down : Như mô tả ở trên (7).
11. Bụng trước - Fore edge : Như mô tả ở (6).
12. Khớp (trong/ngoài) - Hinge : Là phần giao tiếp giữa gáy và bìa sách, có tác dụng đóng mở cuốn sách (kiểu như bản lề vậy). 
13. Cổ áo/Chỉ đầu - Endband : Là sợi được thêu (hoặc dán) vào gáy sách. Với loại dán thời nay thì nó chỉ có tác dụng trang trí tuy nhiên theo lối khâu truyền thống thì nó còn là 1 phần liên kết với cấu trúc của cuốn sách, giúp đệm cho phần đuôi sách và làm điểm neo để kéo sách ra khỏi kệ.
14. Mũ - Headcap : Là phần da bọc, che đi 1 chút phần cổ áo (headbands) để khi kéo lê đi khỏi bị tưa chỉ.
Về cơ bản đó là những tên gọi xuất hiện nhiều nhất. Với mỗi kiểu đóng những bộ phận này sẽ có biến thể khác nhau, từ chất liệu cho đến cách thức thực hiện. Trong bài viết tiếp theo mình sẽ nói về các chất liệu sử dụng trong ngành đóng sách : da, chỉ, giấy, keo,...
Until next time,
T.T.H