Vài suy nghĩ về những triết lý giáo dục gia đình rất đáng học hỏi của người Do Thái trong “Vô cùng tàn nhẫn vô cùng yêu thương”
Tìm thử trên Spiderum cũng có 1 bài review về cuốn này rồi, nhưng có vẻ chưa được mọi người chú ý lắm, nên bài này mình muốn tóm...
Tìm thử trên Spiderum cũng có 1 bài review về cuốn này rồi, nhưng có vẻ chưa được mọi người chú ý lắm, nên bài này mình muốn tóm tắt lại một vài nội dung mình cho là quan trọng trong “Vô cùng tàn nhẫn vô cùng yêu thương” - cuốn sách rất đáng đọc về giáo dục gia đình. Sách là tập hợp những trải nghiệm giáo dục con cái của một bà mẹ Do Thái có hoàn cảnh khá đặc biệt. Cha bà lưu lạc sang Trung Quốc, nơi bà lớn lên, lập gia đình và có 3 đứa con. Không may, cuộc hôn nhân không viên mãn. Sau khi ly dị chồng, cùng với sự kiện mở cửa nối lại quan hệ giữa Trung Quốc và Israel, bà quyết định một mình dẫn 3 đứa con về quê hương, nơi những tinh hoa của nền giáo dục Do Thái được bà lĩnh hội và thử nghiệm trên chính lũ trẻ của mình. Khi từ Trung Quốc về Israel, bà là một bà mẹ trực thăng điển hình - một kiểu phụ huynh quá quan tâm chăm sóc bao bọc con cái, rất phổ biến ở Trung Quốc và có lẽ trên cả thế giới ngày nay. Thường, những người cha mẹ như thế sẽ lo toan hết mọi việc trong nhà, và dù có khá giả hay không cũng cố hết sức đáp ứng mọi nhu cầu của con cái, dù nhiều khi những nhu cầu ấy là rất không chính đáng. Con cái, theo họ, chỉ việc đi học và học thật giỏi mà thôi, không phải động tay động chân vào bất cứ thứ gì khác. Tuy nhiên, trái ngược với tâm huyết của họ, con cái lại thường trở nên vô tâm, vô dụng, và thậm chí nhiều khi trở nên độc ác với chính cha mẹ mình.
Vậy, tại sao cuốn sách này đáng đọc?
Mình nghĩ điểm cốt yếu và đáng học hỏi nhất trong cách giáo dục trẻ em của người Do Thái đến từ chính số phận cực kỳ mong manh và long đong của dân tộc này. Sau bao lần bị đàn áp, đuổi khỏi quê hương, người Do Thái gần như bị số phận bắt buộc, không thể đi theo những lối giáo dục kiểu toàn diện hay nhắm đến những xu hướng hot trong xã hội, ví dụ như thời bây giờ sẽ là cho con đi học đàn hát, múa, diễn xuất, vv. Tất nhiên, những thứ đó nếu có thì trẻ sẽ phát triển toàn diện hơn, nhưng chúng không thể quan trọng bằng những kỹ năng sẽ quyết định sự sinh tồn của trẻ, đặc biệt là trong bất cứ hoàn cảnh nào, để phòng trường hợp lại có thế lực mong muốn tiêu diệt dân tộc họ và họ lại phải di chuyển (điều đã xảy ra khá nhiều lần trong lịch sử).
Và những kỹ năng sinh tồn đó là:
Có làm thì mới có hưởng
Có lẽ nhiều người đọc phần này sẽ thấy hơi tiêu cực, vì người Do Thái thường huấn luyện trẻ làm việc nhà hay giúp việc cha mẹ, và sẽ trả (thưởng) cho con cái họ một số tiền theo số giờ làm việc của chúng. Có vài ví dụ tác giả đưa ra, như người chủ tòa báo rất khá giả mà để chính con mình phải đạp xe đi đưa báo, bất kể nắng mưa - để rèn luyện và có tiền tiêu vặt. Chính hai người con trai của tác giả vừa chia lịch làm việc nhà vừa đi bán nem (là nghề kinh doanh chính của gia đình).
Việc này thực ra nghĩ tiêu cực cũng đúng, nhưng mình tin mục đích sâu xa nhất của nó là để trẻ hiểu được giá trị của sức lao động, cũng như để trẻ thấm được một chút khó khăn (vì tất nhiên những công việc trẻ làm cha mẹ đều tính toán để không bao giờ quá sức cũng như không để ảnh hưởng quá nhiều đến việc học hành của con cái. Có lẽ không cần nói bạn cũng biết người Do Thái trọng tri thức như thế nào rồi đúng không?).
Kỹ năng kết nối và giao tiếp với mọi người (bao gồm cả việc học ngoại ngữ)
Điểm này rất quan trọng, mà thực sự khi đọc mình vừa tâm đắc vừa phục người Do Thái. Họ rất coi trọng việc giao tiếp của trẻ, vậy nên ngay trong nhà họ cũng thường tổ chức những buổi nói chuyện, hay thậm chí là họp gia đình, khi trẻ em có quyền nêu lên ý kiến của mình với những vấn đề gia đình đang gặp phải, hoặc đưa ra những vấn đề chúng phải đối mặt để nghe ý kiến của cha mẹ anh chị em trong nhà.
Thêm vào đó, họ cũng khuyến khích cho trẻ ra ngoài và giao tiếp với mọi người. Trong trường hợp của tác giả, như đã đề cập ở trên, bà cho hai cậu con trai đầu đi bán nem sau giờ học. Chắc bạn cũng hiểu việc đi tiếp thị khó đến mức nào, đúng không? Nhưng họ biết cách chuẩn bị cho trẻ, bằng việc bàn bạc trước với chúng, cùng nhau nghĩ ra những tình huống có thể gặp phải, những phản ứng người lạ có thể có khi trẻ chào mời hàng, và để trẻ tự nghĩ cách xử lý với từng tình huống ấy cũng như góp ý cho chúng khi chúng gặp khó. Không những thế, họ còn tập dượt trước những tình huống ấy với trẻ.
Không khó hiểu khi những chuẩn bị kỹ lưỡng như thế khiến trẻ nhanh chóng vượt qua cái run ban đầu. Và sự thiên biến vạn hóa trong mỗi tình huống cụ thể sẽ là kho tàng vô giá trau dồi kỹ năng giao tiếp của trẻ.
Tuy nhiên, nếu nhà không bán nem thì ta phải làm thế nào nhỉ?
Câu hỏi này xin nhường bạn đọc thể hiện khả năng sáng tạo của bản thân nhé :)
Kỹ năng quản lý, mà đặc biệt nhất là quản lý thời gian và tài chính
Một trong những kỹ năng mà mình cảm thấy yếu kém nhất chính là quản lý tài chính, vì thực sự ba mẹ mình ngày xưa không hề có phương pháp, thậm chí không cả đả động đến việc dạy dỗ mình kỹ năng này. Vậy nên thực sự đến thời điểm này, khi đã có mấy cái nhà và rất nhiều tiền lẻ thì mình vẫn đang loay hoay không biết nên dành 10-20% vốn để đầu tư vào cái gì, và vẫn dùng ngân hàng như két sắt duy nhất của bản thân.
Tuy nhiên, mình thực sự tin rằng kỹ năng này hoàn toàn có thể học được qua việc tích lũy kinh nghiệm trong thực hành dưới sự chỉ dẫn của cha mẹ hay những người có năng lực.
Và đó là điều người Do Thái đã áp dụng trong lối giáo dục của họ.
Người Do Thái xây dựng một bộ quy trình về giáo dục quản lý tài chính khá rõ ràng và khoa học, bắt đầu từ việc dạy trẻ phân biệt tiền giấy tiền xu khi chúng 3 4 tuổi, rồi dần cho trẻ tiếp cận với hệ thống thu chi của gia đình trong những năm tiểu học và trung học. Khi trẻ 15 tuổi (đủ tuổi hợp lệ), họ thường sẽ mở một tài khoản riêng cho trẻ để trẻ tự kiểm soát. Cái hay là sau mỗi tháng họ sẽ cùng trẻ xem xét việc thu chi chúng thực hiện, và nếu trẻ làm tốt (ví dụ như trẻ chi tiêu có suy nghĩ cân nhắc, hay thậm chí chỉ cần chúng có hệ thống thu chi mạch lạc), phụ huynh hoàn toàn có thể thưởng cho trẻ một khoản tiền nhỏ hay thứ gì chúng mong muốn. Đồng thời, nếu trẻ có khoản chi hay đầu tư nào chưa thực sự thỏa đáng, họ hoàn toàn có thể hỏi chúng lý do, bàn bạc với chúng, và từ đó định hướng, hay cùng rút ra bài học với trẻ qua những quyết định tài chính ấy.
Với cách làm này, khi trẻ thực sự phải chịu trách nhiệm hay khi chúng bắt đầu sống xa cha mẹ (18 tuổi - khi đi học đại học), chúng đã tích lũy cho mình hàng chục năm theo dõi thu chi của gia đình cũng như 3 năm kinh nghiệm tự quản lý tài khoản cá nhân. Với hiểu biết về sự khó khăn để kiếm được đồng tiền, cộng với kinh nghiệm quản lý tiền bạc, chắc không khó để đoán được ít cô cậu Do Thái nào đưa ra những quyết định điên rồ về tiền bạc trong không chỉ những năm đầu sự nghiệp mà thậm chí cả cuộc đời.
Kết: Trên đây là 3 thứ mình thấy ấn tượng nhất và thực sự đồng tình trong cách giáo dục trẻ của người Do Thái. Tất nhiên, trong sách còn rất nhiều ví dụ thực tế và những lời khuyên cụ thể mang tính áp dụng hơn cho các bậc cha mẹ có thể đọc và học hỏi. Và mình đã note để sau này nếu có con chắc chắn sẽ đọc lại.
Điểm trừ duy nhất có lẽ là cái tên sách hơi mang thiên hướng giật tít, không biết là do dịch về tiếng Việt hay chính tiếng Trung cũng thế. Vì lối dạy này thực sự không thể gọi là tàn nhẫn, dù đúng như tác giả nói là cha mẹ phải giấu đi một nửa tình yêu thương của mình cho con cái. Vì thực ra chỉ có làm vậy thì lý trí mới có thể làm chủ và định hướng nghệ thuật dạy dỗ và giáo dục này.
À mà, sách cũng có phần ca ngợi hơi quá lối giáo dục Do Thái, thứ chắc chắn cũng hàm chứa những điểm yếu của nó, hay những điểm chỉ thực sự phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc họ mà thôi. Nhưng có lẽ đó lại là cơ hội để người đọc luyện thêm khả năng đọc - hiểu - phê bình và chắt lọc cái tinh túy để áp dụng cho bản thân và gia đình mình :)
A Dreamer
Đọc thêm:
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất