Lý do đầu tiên mình cầm "Mùi mẹ" lên để đọc là vì đây là quyển sách đặc biệt được đội ngũ Spiderum sản xuất. Thay vì mường tượng được ngay trong đầu về nội dung của quyển sách là về tuổi trẻ hay về công việc, mình chưa biết nên nghĩ về điều gì khi bắt đầu Mùi mẹ. Có lẽ đó là điều làm mình phải bắt đầu đọc ngấu nghiến chỉ trong một buổi chiều.
Mình chờ mong gì từ Mùi mẹ? Có lẽ đó không phải là câu hỏi đúng. Từ khi nghe tin Spiderum sản xuất quyển sách như thế, mình đã suy nghĩ, nếu như mình cũng có tâm thế mong chờ thứ gì bùng nổ và mới mẻ như là Dăm ba cái tuổi trẻ hay Người trong muôn nghề, mình sẽ phải thất vọng, vì kỳ vọng là cảm giác không nên áp đặt lên Mùi mẹ. Theo cách đó, hẳn Mùi mẹ sẽ làm mình thất vọng.
Và mình thất vọng thật. Không có nhiều tác giả trẻ chia sẻ về quá trình làm cái này, làm cái kia, đi nơi này, đi nơi kia, những trải nghiệm thật đặc biệt. Chỉ có một thứ tình cảm thân quen nhưng hẳn mình lâu chưa nhìn ngắm lại: mẹ và tình yêu của mẹ.
Tác giả Phạm Việt Hà không chọn cách ca tụng tình yêu, chị viết Mùi mẹ với tâm thế một cô gái suy nghĩ về mẹ và cách lớn lên. Đó là điều mà mình vừa đọc vừa thấy an ủi. An ủi, vì mình nhận ra những cảm giác của một cô bé, một người phụ nữ bình thường như bao người khác là một thứ gì tất cả chúng ta đều chia sẻ, ngay cả người bạn tưởng phải lớn, phải từng trải đến thế nào. Mùi mẹ có những xúc cảm như thế, những điều bạn sẽ thấy thật "mình", thật gần gũi khi đọc.
Quả thực mình nghĩ tới rất nhiều kỷ niệm với mẹ khi đọc Mùi mẹ. Khi đọc tới đoạn mẹ gội đầu với bồ kết và tay mẹ vắt khô tóc, mình nghĩ tới mẹ cũng hay làm vậy lúc mình còn bé tí. Mẹ cũng hay nấu cho mình cháo đỗ xanh khi mình ốm. Mình cũng quay quắt nhớ mẹ khi thấy các em bé chơi bên mẹ, gọi "Mẹ ơi". Mình nhớ cuộc gọi tối qua với mẹ, lúc nào mẹ cũng sẽ hỏi về mình, còn mình chẳng bao giờ hỏi về mẹ. Mình nhớ mẹ cười và nói những điều mình khắc cốt ghi tâm khi mình thất tình, khi mình chẳng biết thế nào là yêu. Và sau tất cả những điều như thế, mình khâm phục cách suy nghĩ của tác giả: dù yêu mẹ hay dù bản thân mình cũng là người mẹ nhớ con, chị Việt Hà không định nghĩa mình là một người mẹ phụ thuộc vào tình cảm, chị là một cá thể riêng biệt, các con cũng là một cá thể riêng biệt và cũng phải lớn. Tình yêu sẽ có lúc cách xa và nhớ nhung, nhưng ai cũng làm việc và sống đời của mình.
Tên là Mùi mẹ nhưng quyển sách đặc biệt này không chỉ có thế. Mùi mẹ còn là những bài học từ chính chị Việt Hà về gia đình, về việc làm phụ nữ, về con cái, về thế nào là tình yêu và về cả cái chết. Cho dù lời giới thiệu về Mùi mẹ có làm bạn mông lung về nội dung của nó thế nào, những gì nó chứa đựng không hề chung chung, cũng chẳng hề giáo điều. Bằng một giọng văn không hoa mỹ cũng chẳng màu mè, không làm bạn day dứt và man mác như văn của Nguyễn Ngọc Tư, không trào phúng và sâu cay như truyện ngắn Phạm Thị Hoài, Mùi mẹ kể chuyện người thật việc thật, hay có lúc "trần trụi" - như phần "Câu lạc bộ đi ỉa và đọc truyện". Những câu chuyện đó vừa lạ lại vừa quen, có thể gặp ở bất cứ gia đình nào nhưng cũng có nét riêng mà chỉ gia đình tác giả mới có. Cho dù là thế nào, đọc Mùi mẹ làm mình muốn gọi cho mẹ và bố ngay lập tức. Với bản thân mình, mình tin đó là sự thành công của tác giả và với Spiderum, thành công trong việc đem tới những trang viết mang lại nhiều cảm xúc khác nhau.
ảnh từ buổi ra mắt sách Mùi mẹ
Cảm ơn chị Việt Hà và cảm ơn Spiderum đã mang tới cuốn sách hay.

💗 Ngay từ bây giờ bạn đã có thể đặt mua sách Mùi Mẹ tại đây: https://book.spiderum.vn/mui-me
Đọc thêm: