Dạo một vòng quanh Reddit, Quora hay Medium, chắc hẳn ta sẽ bắt gặp thuật ngữ “Machiavellian” không ít lần, tức sự thủ đoạn, xảo trá. Từ ngữ này bắt nguồn từ tên của một vị quan chức ngoại giao cao cấp, một nhà tư tưởng lỗi lạc của thời Phục hưng, tác giả của một trong những cuốn sách vĩ đại nhất nhân loại và cũng bị chỉ trích cay nghiệt nhất thời bấy giờ. Ông là Niccòlo Machiavelli (1469-1527) là tác giả của “Quân vương" (Il Principe) cùng với Utopia là một trong hai bộ sách ảnh hưởng nhất đến Triết học đương đại.
Niccòlo Machiavelli (1469-1527)
Tác phẩm Quân vương của ông chỉ trích hình tượng một vị Quân chủ vĩ đại do các Triết gia phương Tây hay Nho gia phương Đông vẽ nên. Ông không cho rằng một vị vua nên có những đức tính “nhân từ", “khoan dung”, “đạo đức" và “liêm khiết". Thay vào đó ông đề cao thủ đoạn, xảo trá, tàn nhẫn, bất tínbất nhân là thứ mà một nhà cầm quyền nên có để duy trì quyền lực. Những lời khuyên của ông không phải là “vô đạo đức" mà là đứng ngoài đạo đức, sẵn sàng bỏ qua lòng nhân đạo, đạo lý thông thường mà sẽ làm suy yếu lập luận chính trị. Cũng vì những nội dung đi ngược lại đạo lý bấy giờ nên cuốn sách đã bị Giáo hội cấm ngay sau khi được ấn hành. Dù thế nhưng Niccòlo Machiavelli cũng góp phần xây dựng vốn từ vựng bấy giờ. Tên của ông dùng để gọi quỷ dữ trong tiếng Anh-“Old nick" và họ của ông "Machiavellian” để chỉ tính xảo trá, hiểm độc trên toàn châu Âu. Khá là mỉa mai nhưng “Viel Feind, viel Ehr”, chả sao cả. Tác phẩm vẫn được coi như một tấm huy chương danh dự đối với Napoleon Bornapatre, Adolf Hitler, Cromwell và kể cả Benito Mussolini.

 1. Bối cảnh

      Niccolo Machiavelli sinh ra vào giai đoạn Phục hưng (Trung kỳ Trung cổ) tại thành Florence-Ý vào giữa thời loạn lạc khốn đốn đậm mùi “Chiến quốc". Khi mà Italia vẫn còn là tập hợp những thành bang nhỏ lẻ yếu ớt (cái di hại từ một Đế chế La Mã lỏng lẻo) trước tham vọng chinh chiến của các vị vua Pháp, Tây Ban Nha và Hoàng đế Đức.
Thành Florence bấy giờ là trung tâm văn hóa Hi Lạp, là nơi mà nền học thuật Hi-La trăm hoa đua nở mạnh mẽ cho nên Machiavelli đã được thừa hưởng một nền giáo dục xuất sắc. Dòng họ cai trị Florence lúc đó là nhà Medici, đứng đầu là Piero. Sau khi bị quân Pháp xâm lược và hạ nhục, dân chúng Florence đã đánh đuổi Piero đi và một lòng ủng hộ nền cộng hòa. Nhưng người đứng đầu lại là Tu sĩ cuồng tín Girolamo Savonrola với trường phái Kháng cách đã ban hành nhiều điều lệnh điên rồ như đốt các tác phẩm nghệ thuật và tiêu hủy những tài sản xa hoa, lên án kịch liệt những điều “dâm loàn vô luân” diễn ra trong Tòa thánh. Savonarola bị hỏa thiêu năm 1498 và dòng họ Medici quay lại nắm quyền năm 1512. Là người trực tiếp đứng ra trong việc thiết lập quân đội thành phố để không bị phụ thuộc vào lính đánh thuê. Machiavelli knew, he fucked down.

2. Sự nghiệp

     Là Bộ trưởng ngoại giao, Niccolo Machiavelli có cơ hội gặp rất nhiều chính khách quan trọng trong suốt cuộc đời ngoại giao chính trị của ông, có thể kể đến Vua Louis XII của Pháp, Giáo hoàng Julius II, Hoàng đế La mã Thần thánh Maximilian và có lẽ quan trọng nhất là Cesare Borgia-một hoàng tử trong lãnh thổ Giáo hoàng. Ông là con ngoài giá thú của Giáo hoàng Alexander VI. Và với sự khôn ngoan và xảo quyệt của mình. Ông đã truyền cảm hứng cho Machiavelli viết nên tuyệt tác Quân vương gây tranh cãi suốt 400 năm này. Khi dòng họ Medici quay lại nắm quyền năm 1512, Machiavelli nổi tiếng là nhân vật then chốt trong chính thể Cộng hòa đã bị bắt giam và tra tấn vì bị tình nghi có ý định chống lại nhà Medici, sau đó được tha tội và cho về hưu non.
Cuốn sách Quân vương được ông viết vội hòng mong nhà Medici ban ân huệ cho mình tiếp tục phụng sự như những đồng nghiệp khác nhưng bất thành. Đồng thời cũng để tránh xa khỏi chính thể Cộng hòa đã bị tiêu diệt. Năm 1527 ông qua đời tại San Casciano dưới sự khinh bỉ và hiểu lầm của những người Cộng hòa.

3. Tác phẩm "Quân vương"


      Quân vương, cuốn sách chỉ ra những điều mà một vị quân chủ phải làm để duy trì quyền hành và đất nước theo lời của Machiavelli. Tác phẩm xoay quanh “virtu" tức đức tính của một vị vua theo ý của Machiavelli; cho rằng để làm đúng và tốt những gì một nhà lãnh đạo nên làm và hoàn thành các nhiệm vụ được giao, nó lại mâu thuẫn với việc trở thành một người tốt. Cho nên ta không thể vừa làm một chính trị gia toàn hảo vừa làm một người tốt cùng lúc được.
    Ông đặt ra vấn đề một vị vua nên vừa đáng sợ vừa đáng kính, nhưng nếu bắt buộc phải lựa chọn thì tốt hơn hết là nên để dân chúng sợ mình. Vì vị quân vương không thể đảm bảo sự yêu quý của toàn thể người dân, tốt hơn hết là họ sợ không dám chống đối, từ đó có được lòng trung thành. Rằng “Con người nói chung thường vô ơn, bất nhất, giả trá, hèn nhát, tham lam... Lòng yêu mến được duy trì bằng sự ân huệ ban phát; và nó sẽ đứt ngay khi con người- vốn bản tính hèn hạ- gặp được cơ hội có lợi hơn. Nhưng lòng sợ hãi của họ thì lại bảo vệ quân vương vì ai ai cũng lo sẽ bị trừng phạt”
Khi cần lấy mạng kẻ nào thì phải có chứng cớ thích đáng và lý do hiển nhiên; nhưng tuyệt đối không được đụng vào tài sản của kẻ khác, bởi con người có thể mau quên cái chết của cha mình chứ không quên tài sản đã mất. Vua chúa cũng đừng để bị người đời oán ghét, và nếu buộc phải làm những công việc không được ủng hộ thì nên giao phó cho người khác làm thay. Ví dụ như khi Ceasar chinh phục Cesena, ông đã ra lệnh cho lính đánh thuê của mình, Remirro, mang lại trật tự cho thành phố. Remirro đã làm một cách nhanh chóng và tàn bạo. Đàn ông bị chặt đầu trước mặt vợ con, tài sản bị thu giữ, những kẻ phản bội bị thiến. Cesare sau đó đã chém Remirro làm đôi và phơi xác ở quảng trường, chỉ để nhắc nhở người dân rằng ông chủ thực sự là ai. Sau đó Cesare chuyển sang cắt giảm thuế, nhập khẩu ngũ cốc giá rẻ, xây dựng nhà hát và tổ chức lễ hội để lấy lòng dân chúng.
Ông cho rằng sự tàn bạo là chấp nhận được nếu xét thấy cần thiết, hoặc tỏ vẻ thành thật và cảm thông trong khi vẫn hành động vì lợi ích tốt nhất của mình, hoặc tiêu diệt hết kẻ thù là cách an toàn nhất, và đã ra tay hãm hại thì phải bất ngờ và tàn khốc để nạn nhân không thể trả thù, bởi họ chỉ biết rửa hận nhỏ mà không dám báo thù lớn; cho nên một khi phải gây hại cho ai thì phải ra tay tàn bạo cho sợ không dám đáp trả.
    Đi ngược lại với đạo lý ngàn xưa, Machiavelli nghĩ rằng một vị vua thì không nên giữ chữ tín khi lời hứa có hại cho mình, hoặc khi lí do để hứa hẹn không còn tồn tại. Vì thiên hạ vốn xấu xa và đâu có giữ chữ tín với mình, vậy ta đâu bắt buộc phải giữ chữ tín với họ. Mà đã là vua chúa thì không thiếu gì lí do chính đáng để biện bạch cho việc thất hứa. Một bậc quân vương thì phải làm cho người khác luôn thấy mình rất mực khoan dung, trung nghĩa, nhân từ, liêm chính và ngoan đạo. Bởi vì con người nói chung thường nhận xét bằng mắt chứ không phải bằng tay, cho nên đã làm vua thì không được lỡ lời nói những điều không bao hàm năm phẩm chất trên.
    Một vị vua thì phải vừa là cáo vừa là sư tử; vì sư tử thì không thể tránh khỏi cạm bẫy còn cáo thì không thể chống lại sói. Vậy phải là cáo để né mình khỏi cạm bẫy và là sư tử để bầy lang sói phải kinh khiếp. Người nào có thể dung hòa và chuyển đổi linh hoạt giữa những đức tính ấy lúc cần thiết thì ắt sẽ có trong tay cả thiên hạ, sẽ có thể thống nhất nước Ý khỏi tay lũ ngoại bang và những lời thơ của Petrarch sẽ thành sự thật:
Chống lại hung tàn
Đạo nghĩa tiến công và chiến thắng
Chí khí tiền nhân
Bất diệt trong tâm hồn người Ý.

4. Lạm bàn

Những tác phẩm xoay quanh chân lí “Nhân chi sơ, tính bản ác" xưa nay đều hiếm nhưng không phải là không có. Nếu phương Tây có Quân vương của Niccolo Machiavelli thì phương Đông lại có Hàn phi tử của Hàn Phi đều xoay quanh những đức tính "đẹp đẽ" và "hoang dại" của loài người.
Hàn phi tử được Hàn Phi - công tử nước Hàn viết vào thời Chiến quốc để dâng lên Tần vương Doanh Chính - sau là Thủy hoàng đế mong Tần vương suy xét mà ngưng tấn công nước Hàn. Hai tác phẩm này đều được viết trong thời kì loạn lạc đầy tính hoang tàn và man rợ, khi mà những giá trị đạo đức bị băng hoại triệt để và những lời nói của tiền nhân chỉ là gió thoảng qua tai. Cái khác biệt ở cả hai tác phẩm là Hàn phi tử được viết từ trước công nguyên, đề cao pháp trị và có giá trị nội dung hơn hẳn Quân vương: "Pháp luật không hùa theo người sang... Khi đã thi hành pháp luật thì kẻ khôn cũng không từ, kẻ dũng cũng không dám tranh. Trừng trị cái sai không tránh của kẻ đại thần, thưởng cái đúng không bỏ sót của kẻ thất phu", học thuyết của Hàn Phi xoay quanh Pháp gia, chỉ trích những kẻ Nho sĩ chỉ biết đề cao cái xưa cũ, học theo những thứ cổ hủ từ đời vua Nghiêu, vua Thuấn mà lấy làm cốt lõi, coi khinh hiện tại.Cũng vì thế mà nó lại là nguyên nhân trực tiếp lẫn gián tiếp dẫn đến những vụ đốt sách xưa, chôn sống học trò của Tần Thủy Hoàng.
Nói về những tác phẩm trái ngược lại Quân vương của Machiavelli thì nhiều vô kể, nhưng tiêu biểu nhất là Tiểu luận Anti-Machiavel của Frederick Đại Đế - vị vua nước Phổ. Cuốn tiểu luận được vị vua trẻ tuổi viết vào năm 18 tuổi, được hiệu đính bởi thầy của ông là Voltaire.

Bản tiểu luận chỉ trích Quân vương vì quá đề cao quyền lực và xảo trá, rằng quyền lực tuyệt đối ắt sẽ dẫn đến tha hóa tuyệt đối. Frederick cho rằng: Vua là công bộc đầu tiên của nhân dân. Vua mà dùng quyền lực một cách xảo trá, tư lợi, dân không phục, quan không tin, nước tất loạn. (Đi ngược lại hoàn toàn nội dung được viết trong Quân vương).
Ngoại trừ Il Principe, Niccolo Machiavelli cũng đã viết nhiều tác phẩm khác như Lịch sử Florence, Bàn luận về Binh pháp Tôn Tử. Và nổi tiếng hơn cả là Luận bàn - tuyệt tác mà ông dành ra 6 năm cuộc đời để thảo luận cùng những triết gia nổi tiếng khắp thành Florence bấy giờ. Ở Luận bàn (Bàn luận về 10 quyển sử đầu tiên của Titus Livius) ta thấy được tình yêu, sự chân thành sâu sắc của Niccolo Machiavelli dành cho thể chế Cộng hòa mà ông hết lòng thờ phụng.
Nói cho cùng, Quân vương là một tác phẩm chính trị thực dụng đầu tiên trên thế giới, là cẩm nang trị quốc thực dụng đầu tiên và là viên gạch đặt nền móng cho nền chính trị hiện đại thời nay. Nhưng Quân vương cũng chỉ là cánh cửa ngỏ để đưa ta đến những vấn đề sâu xa hơn được đề cập trong Hàn phi tử, Anti-Machiavel hay chính cuốn Luận bàn- cũng do một tay Niccolo Machiavelli viết nên.
Đọc thêm:
Nguồn tham khảo: