[Sổ tay thợ đóng sách] Trang 12 : Dụng cụ trong ngành đóng sách - Máy móc
Các dụng cụ là một phần không thể thiếu nếu bạn muốn bắt tay để chế tạo điều gì đó. Bạn có dao để cắt, búa để đập, thước để đo... Một...
Các dụng cụ là một phần không thể thiếu nếu bạn muốn bắt tay để chế tạo điều gì đó. Bạn có dao để cắt, búa để đập, thước để đo... Một điều mình thực sự thích ở các ngành nghề thủ công đó là ở mỗi ngành các thợ thủ công lại sử dụng những dụng cụ chuyên dụng khác nhau. Và với mỗi người thợ, họ lại có những dụng cụ đặc biệt cho bản thân, mà họ tự thiết kế để phù hợp nhất với cách họ làm việc.
Như mọi nghề thủ công lâu đời khác, ngành đóng sách đã phát triển riêng cho mình rất nhiều những công cụ thú vị. Có cả trăm dụng cụ lớn nhỏ khác nhau (chưa kể những món mình không biết XD), và để nói thì chắc mất cả ngày dài mất. Mình sẽ tập trung trong chủ đề các dụng cụ cần thiết và hay sử dụng nhất trong công việc.
1. Máy ép đứng (Standing Press)
Máy ép đứng là một cỗ máy to đặt ở sàn, dùng để tạo lực ép lớn. Vốn rất phổ biến ở tất cả các xưởng sản xuất sách ngày xưa, nhưng giờ nó chỉ xuất hiện ở nghề đóng sách thủ công. Nó tạo ra lực nén trên bàn ép phẳng bằng cách vặn trục vít me, qua một chiếc vô lăng. Chiều cao của chiếc máy có thể chứa nhiều cuốn sách cùng 1 lúc, giúp cho người thợ có thể làm việc luân phiên. Các cuốn sách sẽ được nằm trong máy ép suốt 2 tuần để khô.
Có rất nhiều phiên bản của chiếc máy ép dạng này, nhưng nổi tiếng nhất có lẽ là chiếc máy gỗ kiểu Pháp với hệ thống trợ lực percussion, tuy nhiên giờ chúng rất khó kiếm (và đắt nữa!!). Ngoài ra còn có những chiếc máy ép đứng làm bằng kim loại đúc. Chúng cũng có chức năng tương tự như máy gỗ và thật tuyệt nếu bạn có thể sở hữu được chúng, tuy nhiên mình vẫn thấy máy gỗ có thẩm mỹ và độ "ngầu" hơn nhiều.
2. Máy ép để bàn (Nipping press)
Loại máy ép này, như tên gọi, có kích cỡ nhỏ và được đặt trên bàn làm việc. Nó có kết cấu và cách hoạt động tương tự như máy ép đứng, nhưng có kích cỡ gọn nhẹ để dễ thao tác hơn. Chính vì vậy nó không thể cho ra lực ép khổng lồ như người anh kia được. Đồng thời một chiếc máy ép để bàn cũng có khoảng ép (daylight) nhiều. Mục đích nó được tạo ra là để làm các công việc cần lực ép nhẹ (nipping) trong thời gian ngắn.
Có một hiểu nhầm thường thấy ở những thợ đóng sách không chuyên, đó là nhầm chiếc máy ép để bàn (nipping press) cho đóng sách với chiếc máy ép dùng cho việc in tài liệu (letter press). Máy ép in kia thường có khoảng ép rất là nhỏ, không đủ để thực hiện đủ các thao tác trong xưởng đóng sách. Đồng thời ở một số máy cũng có con ren vặn được cắt không phù hợp, khiến cho lực ép yếu. Phía dưới là hình ảnh so sánh giữa 2 chiếc máy : Nipping press - phải và Letter/Copying press - trái, bạn có thể thấy rõ sự khác biệt.
Tuy nhiên máy ép in tài liệu kia có giá thành rẻ hơn nhiều và cũng dễ để tìm hơn. Nếu bạn là thợ làm việc với không quá nhiều cuốn sách một lúc thì nó là một lựa chọn tốt. Hoặc bạn cũng có thể "độ" thêm chiều cao cho chúng và cũng sẽ không kém gì một chiếc máy ép để bàn thực thụ. Bản thân mình sử dụng máy ép để bàn bằng gỗ, do nhà làm. Nó có khoảng ép là 30cm và cũng khá là đủ để mình làm tầm 3-4 cuốn sách 1 lúc.
3. Máy ép nằm (Lying press)
Trong những dụng cụ cần có ở xưởng thì máy ép nằm cũng là thứ không thể thiếu. Nó được cấu tạo từ 2 mặt gỗ với 2 chiếc ren gỗ, hoặc 1 chiếc bằng kim loại (kiểu Pháp). Hai mặt gỗ này ép cuốn sách trên chiều đứng, và giúp người thợ thực hiện nhiều công đoạn như : gõ nấm, bôi keo, dán gáy, xén cạnh, trang trí,... Một công cụ rất đa năng. Máy ép nằm thường được đặt trên một cái khung riêng, gọi là "giường". Nó để nâng máy ép lên trên tầm làm việc và để chứa dụng cụ liên quan, lần rác thải (giấy xén).
Có 2 loại máy ép nằm, một kiểu với 2 ren gỗ và kiểu 1 ren kim loại như mình nói trên. Loại bằng ren gỗ tồn tại trước, và bạn ép bằng cách vặn đều cả 2 bên, vốn khó điều chỉnh và mất thời gian hơn. Loại thứ 2 kia chỉ mới được những người thợ Pháp giới thiệu vào đầu thế kỷ 20. Nó có thêm 1 mặt gỗ nữa và thêm 2 thanh trượt, với chiếc vô lăng để điều khiển 1 thanh ren kim loại. Cải tiến này đã rất được hoan ngênh do nó dễ thao tác hơn rất nhiều (chỉ cần 1 tay để điều khiển).
4. Máy ép trang trí (Finishing press)
Máy ép trang trí có cấu tạo tương tự như máy ép nằm với 2 mặt gỗ và 2 ren gỗ, tuy nhiên với kích cỡ khiêm tốn. Đây là một loại máy nhỏ và cơ động, thường được sử dụng trên bàn làm việc. Nó chuyên dùng để cho việc trang trí sách, cụ thể là trang trí gáy sách, nhưng nó cũng có thể dùng cho các công việc nhẹ khác như khâu chỉ đầu cho sách hoặc lót gáy. Một điểm khác của nó so với máy ép nằm đó là mặt trên của 2 miếng gỗ ép được vát chéo dọc theo chiều dài. Kích cỡ, cân nặng của nó nhỏ và nhẹ vì bạn luôn phải di chuyển nó quanh góc làm việc.
5. Bàn khâu (Sewing frame)
Bàn khâu cũng là một trong những dụng cụ mang tính đặc trưng nhất của nghề đóng sách. Nó cấu tạo gồm một mặt phẳng rộng, 2 trục đứng và một trục ngang có thể điều chỉnh cao thấp. Bàn truyền thống đa phần được làm từ gỗ. Nhiệm vụ của bàn là căng các đai hỗ trợ (bằng dây cói hoặc đai vải) để khâu sách dễ hơn.
6. Máy cắt bìa (Board cutter/ Board shear)
Máy cắt bìa là một công cụ lớn dùng đặc biệt cho việc cắt các tấm bìa carton. Máy thường làm bằng gang đúc, sử dụng 2 con dao lớn để cắt, một nằm cố định ở mặt bàn, và cái còn lại nằm trên tay cắt di chuyển được. Cơ chế đòn bẩy của nó tương tự như chiếc kéo. Những chiếc máy tốt có thanh đo đạc và một hệ thống cố định bìa. Đây là một dụng cụ lớn và đắt tiền, không thực sự quá cần thiết, nhưng cuộc sống sẽ thật tuyệt nếu có nó XD (mình thì chưa có nên vẫn buồn).
7. Máy xén giấy (Guilotine)
Máy xén giấy thì cũng như tên gọi, chuyên để cắt các tập giấy. Nó làm bằng gang đúc, gồm một mặt bàn phẳng để đặt giấy lên, một hệ thống cữ và khóa để cố định giấy và dao để xén. Loại máy này cũng dùng lực đòn bẩy như máy cắt bìa nói trên, tuy nhiên nó chỉ có 1 lưỡi dao. Lưỡi dao này đi theo một đường chéo, cắt giấy và chạm xuống đệm ở trên mặt bàn. Chính vì chỉ có một lưỡi dao nên nó không cắt được bìa tốt như loại máy chuyên dụng. Và nó cũng không xén bụng sách tốt được như cái bào giấy. Một công cụ đa năng và thuận tiện, nhưng ít được sử dụng bởi người trong nghề, tuy nhiên bạn sẽ thấy nó rất phổ biến ở các hàng in ấn.
8. Bào giấy (Plough)
Khác với các đại ca cắt xén ở trên thì chiếc bào giấy là một dụng cụ rất khiêm tốn. Nó được cặp với máy ép nằm (mục 3) và cũng được làm bằng gỗ, thường là cùng loại với máy ép luôn. Bào giấy chuyên dùng để xén các cạnh giấy. Nó có 2 mặt gỗ dụng đứng với 2 thanh trục nganh và một chiếc ren (thường bằng gỗ) để điều khiển ra vào. Phía dưới có một lưỡi dao nằm phẳng với mặt gỗ của máy ép. Khi sách được kẹp chặt vào trong máy ép nằm thì bào giấy được di chuyển để cắt các trang giấy một cách từ từ. Kết quả cho ra bề mặt phẳng và nhẵn mịn hơn máy cắt rất nhiều. Điểm yếu của nó là cắt dù chỉ một cạnh giấy thôi cũng rất tốn thời gian căn chỉnh, thêm cả sức lực để làm nữa (khá mệt đó).
9. Máy dập nhũ (Stamping press/Blocking press/Embrossing machine)
Là một máy với bàn ép có thể tạo nhiệt dùng để dập lên trên bề mặt bìa sách. Máy có nhiều kiểu dáng và kích cỡ khác nhau nhưng vẫn có các bộ phận chính như sau : Mặt bàn cố định để bìa sách (da, vải, giấy,..), một mặt ép có khả năng sinh nhiệt dùng để làm nóng khuôn dập (thường làm bằng đồng, kẽm hoặc chì) và cơ chế để ép (dùng điện hoặc cơ tay). Chúng thường sử dụng để dập nhũ ánh kim (foil). Trong một xưởng thì bạn cũng nên sở hữu một chiếc với cỡ nhỏ/trung để cho các công việc mang tính hàng loạt. Còn ở các xưởng sản xuất sách của nhà xuất bản thì đều sở hữu loại lớn, trang bị hệ thống thủy lực để dập những khuôn to bằng bìa sách.
10. Máy lạng mép : Một loại máy chạy điện, dùng để lạng mỏng mép da. Dao của nó có hình ống và quay bằng động cơ. Da sẽ được kẹp và cữ và cho chạy qua con dao đang quay tròn. Máy làm công việc lạng mép nhanh và tiết kiệm hơn chiếc Scharffix, nhưng khó để tùy chỉnh hơn.
Kỹ năng
/ky-nang
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất