Cũng đã khoảng gần 3 năm kể từ khi mình viết bài trên Spiderum về ngành nghề tài chính - kế toán - kiểm toán, mình cũng đã được xuất hiện trong một vài quyển sách hướng nghiệp như Người trong muôn nghề hay Người trong muôn nghề - ngành kinh tế có gì. Trong khoảng thời gian này mình có nhận được một số email, tin nhắn của mọi người muốn hỏi cụ thể về ngành nghề tài chính. Các câu hỏi này cũng tương đối tổng quát và mình nghĩ có thể giúp ích cho những bạn khác, do đó mình sẽ tổng hợp lại trong bài viết nhỏ này, mừng năm mới 2022.
Q: E là sinh viên ngành tài chính và cũng định hướng đi làm đúng chuyên ngành của mình, nhưng e đã lỡ đăng ký từ F1 đến F9 theo combo bên trung tâm ABC, hôm nay mới được nghe là chỉ cần học 3 môn F đầu rồi học level 1 CFA là có thể làm được mảng tài chính rồi. Cho e hỏi như vậy học các môn F4->F9 có thừa cho dân tài chính như e không ạ? Và sau khi học xong 9 môn F thì định hướng nghề nghiệp ngành tài chính là như nào ạ.
A: Câu hỏi của em có mấy ý anh trả lời như sau nhé:
- Về điều kiện để làm được mảng tài chính: thực ra đây là 1 câu khá rộng vì bản thân ngành tài chính này cũng rộng cơ, từ tài chính doanh nghiệp, chứng khoán, đầu tư....Tuy nhiên tựu chung lại thì anh nghĩ về mặt kiến thức lý thuyết, người làm tài chính cần nắm được:
(a) - báo cáo tài chính trong doanh nghiệp gồm những gì, ý nghĩa của mỗi thành phần, mối liên quan giữa các thành phần trong 1 báo cáo tài chính, vì sao lại cần kiểm toán, các nghiệp vụ kinh tế gây ảnh hưởng như nào đến báo cáo tài chính.
(b) - cách thức phân tích một báo cáo tài chính thông qua các chỉ số, so sánh để đánh giá được độ hiệu quả của doanh nghiệp đó.
(c) - Dòng tiền, cấu trúc vốn
(d) - Đánh giá hiệu quả đầu tư
(e) - Lập kế hoạch và quản trị kế hoạch. Phân biệt giữa chi phí cố định và biến đổi, các yếu tố ảnh hưởng khi ra quyết định.
(f) - Định giá doanh nghiệp
- Chính vì từ (a) - (f) quá rộng nên bảo học từ F1-F3 rồi học CFA level 1, hay F1-F9 đủ để làm chưa (hoặc có thừa) thì anh không dám chắc, bản thân anh học xong ACCA mà cũng vẫn phải học hỏi thêm các mục này. Anh cũng chưa học CFA level 1 nhưng khi học F1 - F9 thì anh thấy kha khá kiến thức được cover rồi.
- Sau khi học xong 9 môn F đầu tiên anh nghĩ có thể thử apply vào các vị trí chuyên viên tài chính. Tuy vậy nếu định hướng công việc tài chính lâu dài thì em có thể bắt đầu từ nhiều nguồn khác, k cần thiết phải là CV tài chính, ví dụ kế toán, kiểm toán, ngân hàng...Miễn là em hiểu từ (a) - (f) thì em có thể theo đuổi được rồi.
Q: (trích dẫn từ 1 email dài hỏi cả về ACCA) Sau khi làm kiểm toán, em có nhiều cơ hội sang các mảng tài chính - cố vấn không ạ? Vì em thấy "style" của kiểm toán, tài chính khá là ngươc nhau ạ
A: Style đúng là ngược nhau nhưng nó lại bổ trợ cho nhau em ạ. Vì thế mà các chủ doanh nghiệp, CFO khi tuyển dân finance rất thích từ dân audit ra, vì vừa chắc khi cực hiểu về báo cáo tài chính rồi, vừa có kỹ năng/kiến thức tốt. Làm tài chính k chỉ là liên quan đến dòng tiền mà em phải thực sự hiểu bctc trong doanh nghiệp.
Q: Em bắt đầu vị trí ở phòng quản lý dự án (QLDA) của 1 công ty về xây dựng ạ, từ đây phát triển lên tài chính doanh nghiệp (TCDN) có oke không hả anh
A: Ở vị trí này cũng là 1 vị trí hay. Muốn lên TCDN thì cần tranh thủ thời gian QLDA hiểu xem 1 dự án triển khai như nào, qua các bước gì, mỗi bước thì dòng tiền ra vào như nào. Sau này làm các cty khác cũng vậy, hiểu sản phẩm và dòng tiền ở mỗi phase của dự án/sản phẩm/công ty, trên cơ sở đó mới có thể đánh giá hiệu quả ở từng bước đó có đang tốt hay không, cần chuẩn bị dòng tiền hay không (ví dụ giai đoạn nghiên cứu phát triển thì cần rất nhiều tiền).
Q: Theo anh người làm tài chính doanh nghiệp sau này có thể phát triển lên thành các vị trí gì ạ. Trong quá trình làm tài chính cần chú ý nhất điểm gì.
A: Vị trí cao nhất trong tài chính doanh nghiệp thường là vị trí giám đốc tài chính. Đó là 1 hành trình dài, thường là khi ít nhất phải có 8-10 năm kinh nghiệm làm trong lĩnh vực này (tùy doanh nghiệp, có những doanh nghiệp có khi 20 năm). Sau đó có thể phát triển thành CEO nhé em. Một thống kê cho thấy khoảng 13% CEO trong top doanh nghiệp lớn tại Mỹ là xuất thân từ vị trí CFO. Ở VN thì 1 case mới đó là Masan, ông Michael H. Nguyễn (cựu CFO) sẽ tiếp tục giữ chức Phó tổng giám đốc Tập đoàn và tập trung phát triển các sáng kiến và giao dịch chiến lược. Tuy nhiên anh cũng nhấn mạnh là một vị trí khác cũng thường xuyên thăng tiến thành CEO đó là COO (giám đốc vận hành), mà Tim Cook là 1 trường hợp rất rất nổi tiếng.
Trong quá trình làm tài chính, điều rất quan trọng mà nhiều người làm tài chính hay bỏ qua (do quá tập trung vào số liệu) đó là hiểu mối tương quan giữa việc vận hành, sản phẩm, kinh doanh...với số liệu tài chính. Việc này đòi hỏi một tư duy cởi mở và phải rất năng động, chứ không chỉ nhăm nhăm vào đánh giá hiệu quả tài chính. Và điều này không chỉ lên đến các vị trí TP tài chính, GĐ tài chính mới học, mà nên học từ những ngày đầu khi bước chân vào làm.
-----------
Hi vọng một số điều này sẽ giúp ích được các bạn phần nào trong quá trình theo đuổi ngành nghề tài chính - một ngành nghề rất hay và rất quan trọng trong mọi doanh nghiệp.
Happy new year.