Seri "Dành cho người lười nhưng đam mê học luật" (P2)
Cùng với ChatGPT khám phá xem vợ Chủ tịch quyền lực cỡ nào?
Phần 2: Thực chiến sử dụng ChatGPT cho bản án “Tranh chấp giữa công ty và thành viên công ty” giữa nguyên đơn là Công ty cổ phần đầu tư TN (“TNH”) và bà Lê Hoàng Diệp Th – Phó chủ tịch Hội đồng quản trị TNH
Xin chào anh chị em.
Khi mới bắt đầu vọc vạch ChatGPT, tôi đã cảm thấy thích thú về "nhân vật" này. "Em ấy" có khả năng viết Tiếng Việt mạch lạc, rõ ràng ngoài mong đợi so với 1 con AI, mặc dù cách viết có phần thiếu đi màu sắc cá nhân. Điều này thì cũng dễ hiểu tại Ẻm đâu phải là người. Tuy nhiên, lợi thế của ChatGPT là có khả năng tạo dàn ý rõ ràng, nhiều ý tưởng phong phú trong 1 khoảng thời gian rất ngắn, mà nếu để con người (là tôi đây) thì chắc phải mất cả buổi để tham khảo tài liệu, sửa chỗ nọ, đắp chỗ kia rồi mới bê vào bài của mình. Mất thời gian và công sức như thế nhưng nhiều lắm cũng chỉ 2, 3 ý tưởng được lập dàn ý. Vì sự hữu ích mà ChatGPT mang lại, tôi đã coi ChatGPT là một cộng sự, một trợ lý riêng của mình. Chúng tôi cùng làm việc với nhau, bổ khuyết cho nhau để tạo nên thành quả.
Đối với việc lên ý tưởng sử dụng ChatGPT để đọc bản án cũng vậy. Kết quả mà bạn nhìn thấy sau đây là sự làm việc của 1 team gồm 1 người và 1 máy, chứ không hoàn toàn là của ChatGPT. Về điểm này tôi thấy mình nên thành thật như vậy, chứ không thần thánh hóa ChatGPT, vì các bạn có thể dễ dàng kiểm tra xem ChatGPT có làm được kết quả như vậy hay không bằng cách thử các câu prompt mà tôi đã sử dụng. Việc tạo ra kết quả này cũng không phải trong chớp mắt bằng việc chỉ input prompt là được, mà tôi cũng cần thời gian để rà soát các chi tiết, kiểm tra xem ChatGPT có làm đúng hay không. Rất nhiều lúc ChatGPT nói lan man, hoặc sai, hoặc nhầm lẫn khiến tôi phải tìm cách hỏi lại hay thậm chí tự sửa. Nói tóm lại, dù đã có sự trợ giúp của một trong những AI thông minh nhất, thì tôi cũng phải "bò ra làm" mà thôi. Tuy nhiên, cái khó nhất đối với tôi là bắt tay vào làm (Ví dụ nhìn chằm chằm vào file trước khi đọc, chọn chi tiết, copy chi tiết đó ra file word, đọc hiểu, kẻ bảng,....) thì ChatGPT đã làm hộ tôi rồi. Tôi chỉ việc vạch lá tìm sâu (Mà tôi lại thích làm thế hihi), nên tôi khá thỏa mãn với phần đóng góp của Em ấy. Còn nếu bạn có kỳ vọng khác tôi thì cũng không sao cả, tùy thuộc vào nhu cầu của mỗi người mà thôi.
Dông dài như vậy vì tôi muốn làm rõ một điều, ChatGPT không phải cây đũa thần, đôi khi không đóng góp nhiều cho công việc của bạn như là cách truyền thông hay nói. Ít nhất với góc nhìn một người sử dụng tôi thấy như vậy. Tôi cũng từng thử qua chatpdf, ChatGPT extension for Google Docs and Excel nhưng kết quả thậm chí kém hơn ChatGPT. Chỉ đến khi tôi đọc một số bài nghiên cứu về cách tạo legal prompt thì tôi mới tạm hài lòng về những gì ChatGPT làm được (không hoàn toàn hài lòng vì tôi vẫn phải làm nhiều quá). Có thể sau này khi tôi cải tiến được những prompt này hoặc ChatGPT ra những phiên bản tốt hơn thì có thể giúp tôi rảnh tay hơn nhiều chút =)).
Và sau đây, xin giới thiệu với mọi người, kết quả sau khi tôi và Em trợ lý oánh nhau ầm ầm mới tạo ra được.
I. Kết quả tóm tắt bản án “Tranh chấp giữa công ty và thành viên công ty” giữa nguyên đơn là Công ty cổ phần đầu tư TN (“TNH”) và bà Lê Hoàng Diệp Th – Phó chủ tịch Hội đồng quản trị TNH
Bạn có thể đọc bản án đã được công bố trên cổng thông tin của Tòa án nhân dân tối cao tại đây.
Sau Phần 1, các bạn có thể phác thảo sơ bộ những điều ChatGPT có thể làm để tóm tắt 1 bản án. Hôm nay, tôi sẽ áp dụng những nguyên tắc đó cho bản án tranh chấp cụ thể. Ở cuối bài viết này, tôi sẽ chấm điểm những nhiệm vụ mà ChatGPT đã thực hiện. Bài viết này sẽ tuân theo cấu trúc chúng ta đã thống nhất ở Phần 1.
Vụ tranh chấp giữa vợ chồng ông Đặng Lê Nguyên V và bà Lê Hoàng Diệp Th (Tôi sẽ viết tắt tên như trong bản án) bắt đầu như sau:
Ngày 16/10/2015, Bà Lê Hoàng Diệp Th - Phó Chủ tịch HĐQT của Công ty Cổ phần Đầu tư TN (TNH) cùng một số người đến trụ sở Công ty TNH để chiếm đoạt 11 con dấu và 20 Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với 08 Công ty và Chi nhánh.
Bạn thử đoán xem Tòa án sẽ phán xử vụ án này như thế nào?
Bạn có cho rằng của chồng công vợ, không có lý thì cũng phải có tình?
Tòa án thì không nghĩ vậy, hay đúng hơn là Tòa chỉ "thấy" quy định pháp luật, điều lệ công ty và chứng cứ để đưa ra phán quyết mà thôi.

Nguồn: Pexel
Hãy cùng theo dõi cách Tòa án lập luận vụ án này như thế nào nhé.
Được rồi đi thôi!
1. Khái quát thông tin bản án
a. Vụ án “Tranh chấp giữa công ty và thành viên công ty”
b. Ngành luật: Luật doanh nghiệp
c. Tư cách các bên:
i. Nguyên đơn: Công ty Cổ phần Đầu tư TN (TNH)
ii. Bị đơn: Bà Lê Hoàng Diệp Th – Phó chủ tịch HĐQT TNH
2. Nêu câu hỏi kết luận
Toàn bộ bản án này nhằm mục đích là trả lời cho câu hỏi sau đây:
Bà Lê Hoàng Diệp Th có phải trả con dấu, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của TNH, các công ty con và chi nhánh của các công ty trong hệ thống tập đoàn TN hay không? Ngoài ra, bà Lê Hoàng Diệp Th có được ký và sử dụng con dấu của TNH với tư cách thay mặt ông Đặng Lê Nguyên V để đại diện cho TNH hay không?
3. Tóm tắt sự kiện
4. Khái quát hóa sự việc + Tìm sự kiện mấu chốt
Dựa vào bảng 2, ta có sự kiện mấu chốt, cũng là sự kiện các bên đang tranh cãi là:
16/10/2015: Bà Lê Hoàng Diệp Th khống chế bà Lê Thị Bích H để cưỡng đoạt con dấu và giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của TNH, và các công ty con, chi nhánh của tập đoàn TN. Sau sự kiện, các bên đang tranh cãi về việc bà Lê Hoàng Diệp Th có quyền sử dụng và quản lý con dấu để thay mặt cho ông Đặng Lê Nguyên Vũ, đại diện cho TNH trên hay không.
5. Tìm câu hỏi mấu chốt
Từ sự kiện mấu chốt, ta đặt câu hỏi mấu chốt sau:
Theo quy định của Luật doanh nghiệp và điều lệ Công ty, liệu bà Lê Hoàng Diệp Th có quyền sử dụng và quản lý con dấu để thay mặt cho ông Đặng Lê Nguyên V, đại diện cho TNH hay không?
Bạn có thể thấy câu hỏi trên trùng với kết quả ChatGPT tạo ra ở bước 4 - Tìm sự kiện mấu chốt. Điều này cũng trùng khớp với nguyên tắc tạo ra câu hỏi mấu chốt, đó là biến câu khẳng định (sự kiện mấu chốt) thành câu hỏi.
6. Nêu câu hỏi phụ thuộc
Các câu hỏi phụ thuộc cần trả lời để hỗ trợ cho câu hỏi mấu chốt là:
a. Bà Lê Hoàng Diệp Th giữ chức vụ gì trong Công ty TNH? b. Quy định nào trong Điều lệ TNH xác định vai trò và thẩm quyền của người có chức vụ như bà Lê Hoàng Diệp Th? c. Quy định trong Điều lệ TNH về việc quản lý và sử dụng con dấu là gì? d. Có các văn bản hoặc quyết định nào khác mà xác định quyền hạn của bà Lê Hoàng Diệp Th trong việc quản lý và sử dụng con dấu của TNH không? e. Có bất kỳ thông báo hoặc yêu cầu chính thức nào từ phía TNH hoặc các cơ quan quản lý liên quan về việc bà Lê Hoàng Diệp Th có quyền nắm giữ và sử dụng con dấu không?
7. Lập luận của Tòa án
Sau đây là lập luận của Tòa án, trả lời cho các câu hỏi đã đặt ra:
[Mục 2 phần nhận định] Luận điểm 1: Bà Lê Hoàng Diệp Th không có quyền quản lý, sử dụng và lưu giữ con dấu của TNH . Luận cứ: Ông Đặng Lê Nguyên V được xác định là người đại diện theo pháp luật của TNH, bà Lê Hoàng Diệp Th không phải là người đại diện theo pháp luật của TNH. Vì vậy, bà không có quyền quản lý, sử dụng và lưu giữ con dấu của TNH. Luận chứng: 1. Căn cứ vào giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu và đăng ký thay đổi lần 3, người đại diện theo pháp luật của TNH là ông Đặng Lê Nguyên V. 2. Điều 44.3 của Luật Doanh nghiệp 2014 quy định việc quản lý, sử dụng và lưu giữ con dấu phải tuân theo quy định trong điều lệ công ty. 3. Điều 48 của Điều lệ TNH quy định con dấu phải được lưu giữ tại công ty bởi người có thẩm quyền của công ty và phải tuân theo quy định của pháp luật.
[Mục 3+5 phần nhận định] Luận điểm 2: Bà Lê Hoàng Diệp Th không có quyền ký và sử dụng con dấu của TNH với tư cách thay mặt ông Đặng Lê Nguyên V, đại diện cho TNH. Luận cứ: 1. Từ nội dung giấy ủy quyền trên, bà Lê Hoàng Diệp Th chỉ có quyền thay mặt ông Đặng Lê Nguyên V, đại diện cho TNH trong việc thực hiện các công việc theo quy định của TNH trong thời gian từ ngày 01/01/2014 đến hết ngày 31/12/2014. 2. Sau khi hết thời hạn ủy quyền, ông Đặng Lê Nguyên V không có văn bản ủy quyền mới cho bà Lê Hoàng Diệp Th. 3. Các tài liệu từ 2012 đến 2015 do TNH cung cấp chứng minh rằng ông V đã thực hiện nhiệm vụ điều hành TNH với tư cách chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc. Điều này bác bỏ luận điểm của bà Th về việc ông V không thực hiện được nhiệm vụ và bà Th có quyền thay mặt ông V theo điều 31.5 của Điều lệ. Luận chứng: 1. Giấy ủy quyền số 01/2014/UQ-TNI ngày 01/01/2014 của Chủ tịch HĐQT xác nhận ông Đặng Lê Nguyên V, Chủ tịch HĐQT, ủy quyền cho bà Lê Hoàng Diệp Th, Phó tổng giám đốc thường trực TNH, để thay mặt ông V đại diện cho TNH trong việc thực hiện các công việc theo quy định của Công ty. 2. Thời hạn ủy quyền chỉ từ ngày 01/01/2014 đến hết ngày 31/12/2014. 3. Các hợp đồng tư vấn, hợp đồng dịch vụ do ông Đặng Lê Nguyên V, đại diện cho TNH ký kết.
[Mục 4 phần nhận định] Luận điểm 3: Bà Lê Hoàng Diệp Th đã thực hiện các hành vi không thuộc thẩm quyền, vi phạm điều lệ TNH và quy định pháp luật. Luận cứ: 1. Bà Lê Hoàng Diệp Th không phải là người đại diện theo pháp luật của TNH, mà chỉ là thành viên HĐQT và cổ đông góp vốn của TNH. 2. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Điều lệ TNH, bà Lê Hoàng Diệp Th chỉ được thực hiện các công việc trong phạm vi thẩm quyền là thành viên HĐQT và cổ đông góp vốn của TNH, và chỉ được thực hiện các công việc trong phạm vi và thời hạn được ủy quyền theo quy định của Điều 582 Bộ luật Dân sự năm 2005. 3. Việc gửi thư với nội dung không chính xác và vi phạm quy định pháp luật, cũng như việc ban hành Quyết định bổ nhiệm chức vụ Tổng giám đốc TNH mà không có thẩm quyền, đã ảnh hưởng đến uy tín và hoạt động bình thường của TNH. Luận chứng: 1. Ngày 30/5/2017, bà Lê Hoàng Diệp Th, với chức vụ phó tổng giám đốc TNH, đã gửi một thư có đóng dấu của TNH đến Công ty C&T Produce Wholesale Inc, yêu cầu dừng việc phân phối hàng hóa sản phẩm TN và G7 tại thị trường Mỹ. 2. Ngày 20/10/2015, bà Lê Hoàng Diệp Th đã viết một thư gửi HĐQT của TNH, đóng dấu TNH và thay mặt HĐQT ký, ban hành Quyết định số 23/QĐBN-HĐQT ngày 23/10/2015 về việc bổ nhiệm bà Lê Hoàng Diệp Th chức vụ Tổng giám đốc TNH.
[Mục 6 phần nhận định] Luận điểm 4: Bà Lê Hoàng Diệp Th không có căn cứ để khẳng định rằng đã trả lại con dấu và giấy tờ cho TNH, và việc bà H từ chối nhận lại là hợp lệ và tuân thủ pháp luật. Luận cứ: 1. Vi bằng ngày 04/12/2015 và ngày 07/01/2016 do Văn phòng Thừa phát lại quận Bình Thạnh lập ghi nhận sự việc. Bản vi bằng xác nhận rằng bà Lê Thị Cẩm Vân và ông Đặng Ngọc Hoàng là đại diện ủy quyền của bà Th, nhưng bà H là Thư ký của chủ tịch HĐQT không nhận lại con dấu và giấy tờ với lý do không có sự chỉ đạo của chủ tịch HĐQT. 2. Bà Th không cung cấp được chứng cứ chứng minh đã liên hệ với chủ tịch HĐQT về việc bàn giao các giấy tờ và con dấu đã chiếm giữ. Luận chứng: 1. Vi bằng ngày 04/12/2015 và ngày 07/01/2016 của Văn phòng Thừa phát lại quận Bình Thạnh là bằng chứng về việc bà H từ chối nhận lại con dấu và giấy tờ từ bà Th. 2. Thiếu chứng cứ chứng minh rằng bà Th đã liên hệ với chủ tịch HĐQT về việc trả lại con dấu và giấy tờ đã chiếm giữ.
8. Quyết định của Tòa
Bà Lê Hoàng Diệp Th bị buộc chấm dứt hành vi sau đây: - Chiếm giữ trái phép con dấu, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, đồng thời phải hoàn trả cho Công ty Cổ phần Đầu tư TN; - Đóng dấu lên chữ ký của người không có thẩm quyền; và - Nhân danh Công ty Cổ phần Đầu tư TN để thực hiện các công việc không thuộc thẩm quyền.
II. Một số kinh nghiệm rút ra
1. Ưu điểm
a. ChatGPT làm việc với tốc độ nhanh, với mỗi phiên bản câu trả lời, được tạo ra trong khoảng 1 phút (có thể ít hơn với đoạn văn ngắn).
b. ChatGPT tự kẻ bảng, thông tin được sắp xếp trong bảng không bị nhầm lẫn giữa các ngày tháng, sự kiện với nhau.
c. Sau khi tôi đã input sự kiện ở bước 3, 4, ChatGPT đã đủ dữ kiện để tự đặt câu hỏi ở bước 5,6. Đây là phần ChatGPT làm tốt nhất.
d. Sau khi ChatGPT hiểu đúng khái niệm "luận điểm, luận cứ, luận chứng", thì ChatGPT phân tích phần nhận định của Tòa án theo cấu trúc này khá chính xác.
2. Nhược điểm
a. Phần ChatGPT làm kém nhất là tóm tắt đầy đủ các sự kiện ở bước 3. Thực tế, tôi đã phải thử đến 7 phiên bản để có câu trả lời hoàn chỉnh nhất. Đây cũng là bước tốn nhiều thời gian nhất, xuất phát từ các lý do sau:
- Các sự kiện nằm rải rác khắp bản án, bao gồm ở phần trình bày của nguyên đơn, bị đơn, phần nhận định của Tòa. Bởi vì nguyên đơn, bị đơn đều chỉ trình bày những sự kiện có lợi cho họ, các từ ngữ họ sử dụng có thể mang tính tiêu cực cho đối phương (và bạn cần loại bỏ những từ này). Ngoài ra có một số sự kiện chỉ có ở phần nhận định do Tòa thu thập được.
- ChatGPT không có khả năng xử lý chính xác đối với đoạn văn quá dài (bản án này dài 9 trang) nên việc của tôi là tìm ra đoạn văn chứa sự kiện và input để ChatGPT lọc ngày tháng, sự kiện và chèn vào bảng.
b. Phần ChatGPT làm tệ không kém cũng liên quan đến khái quát hóa sự việc ở bước 4. Thông thường, cách để khái quát hóa sự việc là chọn lọc các sự kiện có liên quan để trả lời cho câu hỏi kết luận. Tuy nhiên khi tôi sử dụng prompt sau thì ChatGPT trả về kết quả giống như ở bước 3, chứ không loại bỏ bớt sự kiện:
"Cho các sự kiện sau......................................... Cho câu hỏi kết luận sau................................. Câu hỏi: Dựa vào những sự kiện đã đưa ra, lựa chọn những sự kiện để trả lời cho câu hỏi kết luận trên?"
Kết quả là phần này tôi phải tự làm, ChatGPT ngồi chơi.
c. Có một số yêu cầu bạn cần "regenerate response" vài lần mới có được câu trả lời ưng ý.
d. Một vài câu tôi phải chỉnh lại cách hành văn, do ChatGPT viết không rõ ràng.
3. Chấm điểm
Sau cùng, tôi chấm điểm cho Em trợ lý như sau, kết quả này có phần chủ quan của tôi, phụ thuộc vào nhiều yếu tố: Chất lượng prompt, khả năng của ChatGPT, sự may mắn...

Bảng 3. Chấm điểm ChatGPT
Các prompt do tôi thực hiện không chỉ áp dụng cho 1 bản án này, tôi đã thử nghiệm qua một số bản án khác. Nếu bạn quan tâm đến cấu trúc các prompt này, có thể xem tại Phần 1.
IV. Tổng kết
Tôi cùng với ChatGPT thực hiện Bản tóm tắt như trên vì 2 mục tiêu:
- Sau khi đọc xong 1 bản án, tôi cần 1 bản tóm tắt để theo dõi quá trình lập luận, xem xét chứng cứ và biết được quan điểm xét xử của Tòa án. Việc bạn phải đọc và chỉ tóm tắt phần quyết định của Tòa so với việc đi từ việc phân tích, đặt câu hỏi, từ đó đối chiếu xem cách tư duy của mình có đúng hướng với Tòa hay không đem lại chất lượng khác nhau.
- Sau khi đọc hiểu, tôi cần trình bày rõ ràng để dễ dàng đọc lại sau này. Việc trình bày này cũng tốn khá nhiều thời gian nếu không có sự trợ giúp của ChatGPT.
Cuối cùng, mục đích của tôi là càng lười càng tốt để đọc hiểu nhanh nhất 1 bản án hoặc các vấn đề khác như tóm tắt quy định pháp luật, phân tích 1 vấn đề pháp lý....Hi vọng thời gian tới tôi có thêm vài phương pháp nào đó và công cụ đủ để tôi thực hiện được ước mơ của mình. Chứ tôi thấy mình vẫn phải làm nhiều quá!

Nguồn: FB Góc nghề nghiệp

Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất