Kiếm tiền ở chỗ nào thì sẽ mất tiền ở chỗ đó
Hôm trước mình ngồi thảo luận cùng một người bạn về chủ đề giữ tiền và đầu tư. Thật sự mà nói thì mình chưa có nhiều kinh nghiệm về...
Hôm trước mình ngồi thảo luận cùng một người bạn về chủ đề giữ tiền và đầu tư. Thật sự mà nói thì mình chưa có nhiều kinh nghiệm về đầu tư. Mình chỉ đang trong quá trình kiếm tiền và giữ tiền, tích lũy để chuẩn bị cho sau này mà thôi. Câu chuyện bắt đầu bằng việc bạn mình đưa ra một câu hỏi:
- Đợt này giá vàng tăng cao, mình đầu tư mua vàng được chứ?
Bạn đưa ra câu này với thái độ tiếc nuối, bởi bạn đã do dự không mua khi giá vàng mới ở đà đi lên. Mình mới bảo:
- Cẩn thận, liệu bạn đang muốn chi tiền ra do FOMO hay do thực sự xác định đó là kênh đầu tư tốt?
Bạn im lặng không nói gì. Có vẻ bạn nhận ra rằng bản thân đang FOMO. Việc bạn do dự để rồi khi thấy giá tăng lên khiến bạn có một cảm giác hối hận. Cảm giác hối hận này khiến bạn muốn đưa ra hành động để mang tính "sửa chữa sai lầm". Cả tôi và bạn đều không hiểu rõ về thị trường vàng. Tại sao nó lên giá nhanh như vậy, rồi dòng tiền trong nền kinh tế đang vận hành thế nào chúng tôi cũng mù tịt. Mọi thông tin đều chỉ là nghe trên báo, mạng, mà chúng tôi đều hiểu là thông tin ấy nó "nhiễu" như thế nào. Còn bản thân tôi thì không quan tâm tới vàng, do đó tôi không hề có cảm giác FOMO khi giá tăng.
Bạn quay ra hỏi tôi:
- Tại sao bạn lại không mua vàng như những người khác? Bạn thấy người ta tranh nhau mua không? và rất nhiều người thắng lớn chỉ sau vài ngày.
Tôi đáp:
- Đúng là nếu quan tâm và mua sớm, mình có thể sẽ lời 1 khoản. Nhưng nó lại khiến mình nặng đầu suy nghĩ. Nghĩ xem lúc nào nên bán, nghĩ xem có nên mua tiếp không, rồi nghĩ xem lời đã đủ chưa, rồi sợ rằng không bán nhanh thì giá quay đầu giảm sẽ lỗ to... Có quá nhiều thứ khiến mình nặng đầu thêm, trong khi công việc và cuộc sống hiện tại của mình đang đủ áp lực rồi. Mình cũng chưa có đủ tiền nhàn rỗi để đầu tư vào vàng. Thêm một điều nữa là giá tăng quá nhanh khiến mình thấy rủi ro rất cao, nó vượt quá mức chịu đựng của mình. Vậy nên mình chọn đứng ngoài và chỉ quan sát thôi.
Rồi bạn hỏi tiếp:
- Thế còn Bitcoin thì sao?
- Cũng vậy à.
Khi nghĩ về những người kiếm được tiền từ vàng và bitcoin, tôi bỗng nảy ra một suy nghĩ trong đầu và nói với bạn rằng:
Người ta kiếm được tiền ở chỗ nào thì sẽ mất tiền ở chỗ đó.
Bạn mới hỏi lại:
- Câu này nghe khó hình dung thế, cậu giải thích xem?
Mình suy nghĩ kỹ hơn một chút rồi bảo:
- Có mấy câu gần giống với ý này, đó là:
+ Sinh nghề tử nghiệp (góc độ công việc)
+ Vấp ngã ở đâu đứng lên ở đấy (góc độ cuộc sống, thái độ sống)
+ Thua ở đâu gấp đôi ở đấy (góc độ cuộc chơi - thường hay gặp trong cờ bạc)
+ Doanh thu ở đâu chi phí ở đấy (góc độ kinh doanh, kế toán, tài chính)
Đại khái là cái gì giúp bạn kiếm ra tiền thì nó cũng có thể làm bạn mất tiền. Khi ham muốn, kỳ vọng kiếm tiền càng cao thì khi ấy khả năng mất tiền càng lớn.
Rồi mình kể ra vài ví dụ mà mình nghĩ tới:
- Ví dụ thứ 1: Gửi tiết kiệm ở ngân hàng. Đây có thể coi là khoản đầu tư an toàn nhất phải không? Bởi hiếm khi nào ngân hàng không trả lại bạn cả vốn lẫn lãi. Tuy nhiên vẫn có rủi ro trong này, nó bao gồm: (1) mức lãi thấp, thậm chí không bằng mức lạm phát nên trong một số thời kỳ việc gửi tiết kiệm làm bạn nghèo đi, và (2) vẫn có khả năng ngân hàng không có khả năng trả, đặc biệt là những ngân hàng huy động với lãi suất cao. Bạn càng ham lãi suất cao thì nguy cơ mất cả vốn lẫn lãi càng cao.
- Ví dụ thứ 2: Lý do gì bạn bỏ tiền xăng xe, thuê nhà, ăn uống, thậm chí mệt không dám nghỉ để đi làm? Bởi bạn mong muốn, kỳ vọng kiếm được tiền một khoản tiền: đó là tiền lương, tiền công. Đồng thời với đó là nỗi sợ nếu mà nghỉ sẽ bị giảm thu nhập. Mà lương thường nhận vào cuối kỳ, khi mà bạn phải trả trước các khoản chi phí kể trên. Cũng có rủi ro là công ty chậm trả lương, hoặc thậm chí là "bùng" luôn. Bạn đã bao giờ gặp tình huống: buổi sáng đi làm bình thường, đến trưa nghe tin công ty phá sản, giám đốc bỏ trốn, và vài tiếng sau bạn thành người thất nghiệp chưa? Rủi ro này ngày xưa thì ít, nhưng càng ngày càng nhiều, bởi các công ty nhỏ, siêu nhỏ mọc lên nhiều hơn, việc mở ra và phá sản trong vài tháng là chuyện không hiếm gặp. Chưa kể có nhiều công ty còn lừa đảo nữa. Và khi bạn càng ham muốn có 1 công việc để có thu nhập, bạn càng dễ rơi vào những công ty dạng "rủi ro" này.
- Ví dụ thứ 3: Bạn tình cờ trúng giải vé số. Liệu bạn có từ bỏ luôn việc mua vé số không, hay càng mua nhiều hơn với hy vọng lại trúng số tiếp? Bạn càng kỳ vọng trúng số tiếp thì càng dễ mất tiền ra mua vé số. Mà mỗi ngày mất một ít thì khó nhận ra nó bào mòn tài chính của bạn như thế nào, chỉ sau một thời gian mới thấy có vấn đề.
Rồi mình đặt câu hỏi: Liệu những người mua vàng, mua bitcoin kia, sau khi họ thắng lớn, họ có dừng lại không? Hay họ vẫn tiếp tục mua với hy vọng lại trúng quả đậm khi thấy giá biến động? Việc kiếm được tiền một cách dễ dàng, kiếm một khoản lớn nữa, đó là một liều thuốc kích thích rất mạnh. Nó khiến người ta dễ ảo tưởng rằng mình đã "hiểu được quy luật", "làm chủ cuộc chơi", "kẻ đánh bại thị trường"... Và sau một thời gian dài, liệu bao nhiêu người trở nên giàu có thật sự?
Bạn nghe vậy liền hỏi:
- Theo cậu thế nào là giàu có thật sự?
Mình cười bảo:
- Mình cũng không chắc về tiêu chuẩn này, bởi mình nghĩ nó không giống nhau với mọi người. Trong tiêu chuẩn của mình thì giàu có thật sự là dòng tiền luôn dương. Tức là thu nhập luôn lớn hơn chi tiêu, xét trên thời gian dài, tính theo hàng năm. Nghĩa là mình không bị cảm giác nghèo đi, tức là giàu. Ngoài ra còn thêm 1 tiêu chuẩn nữa là tâm lý thoải mái về tiền bạc. Mình không phải lo âu, ham được, sợ mất tiền, mà có thể tập trung thời gian, công sức vào một việc mà mình yêu thích, nhưng vẫn đảm bảo được về mặt thu nhập. Mình nghĩ muốn giàu có thì phải "an tâm" và "tốt nghiệp".
Bạn nhăn nhó:
- Nghe có vẻ tiêu chuẩn kép quá nhờ...
Mình nhún vai:
- Ừ thì đó chỉ là suy nghĩ của mình ở thời điểm bây giờ thôi. Có thể vài năm nữa sẽ nghĩ khác thì sao. Quan trọng là dám nói ra suy nghĩ của mình, để tự mình nhìn vào đó mà suy ngẫm, có như thế mới biết cần cải thiện cái gì chứ nhỉ. Cứ giữ mãi trong đầu thì ai mà biết được, cuối cùng lại tự thỏa hiệp với chính mình để tự hài lòng với cái mình đang có, mà như thế thì khó tiến bộ lắm.
---
Câu chuyện một buổi tối cuối tháng 10, đến bây giờ mới viết lại được.
duongAQ
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất