Dĩ nhiên là có rồi, nhưng mà chỉ 1 xíu thôi.

Dùng mô hình 5W1H  để tóm gọn sơ lược cho bạn hiểu hơn bài viết của mình nha.

What: Mình làm việc part time ở vị trí trợ giảng (Teaching Assistant), công việc của  mình không hẳn là dạy, tuy nhiên các bé đều gọi mình là “thầy” và việc mình làm là “dạy”, nên trong bài này “dạy” sẽ mang nghĩa hỗ trợ các giáo viên chính nhé.
Where: Ở một trung tâm tiếng anh rất “tuyệt vời”, rất là “đỉnh nóc kịch trần”
When: Mình đã làm được 14 tháng rồi, nhưng hiện tại mình đã nghỉ việc.
Who: Trung tâm này nhận dạy trẻ từ 3-11 tuổi, nhưng mình chủ yếu dạy và tiếp xúc các bé từ 3-9 tuổi thôi.
Why: Lúc đấy mình đang tìm kiếm một môi trường làm việc tiếng anh chuyên nghiệp, ngoài ra mình cũng muốn trải nghiệm các ngành nghề khác nhau. Mà thực ra lý do lớn nhất là do mình có người giới thiệu vô.
How: Mỗi ngày mình dạy 2 lớp, mỗi lớp trung bình có 13 bé, mà mình thì không dạy ở 1 lớp cố định.
I’ll miss you guys so much <3
I’ll miss you guys so much <3

Vậy mình có thích trẻ con không?

Không.
Chắc chắn là không luôn. Từng có 1 giai đoạn mình rất ghét trẻ con, đa phần vì mấy bé nghịch, lì và rất ầm ĩ. 
“Con mà ở nhà bác 1 ngày thôi chắc con phát điên luôn quá!”
Mình đã phải thốt lên như vậy khi đến thăm 1 người bác đang chăm 4 đứa cháu ở nhà cùng một lúc, quá hãi hùng.

Vậy làm ở đây có giúp mình nhận ra điều gì không?

Mình rất thích bài viết “Vì sao người lớn ra tay rất tàn bạo khi trông trẻ?” của tác giả happy_666_words vì những quan điểm đó rất mới. Và may mắn là mình có cơ hội để kiểm tra xem liệu chúng có đúng hay không, hay chỉ mới lạ và độc nhất như quan điểm của các cá nhân mà thôi. Việc này giống như xây dựng biến giả thuyết rồi đi khảo sát để xem nó có đúng hay không, sai số bao nhiêu % vậy.
Làm y chang luôn mà
Làm y chang luôn mà

	Anh nói đúng quá anh ơi!!!
Anh nói đúng quá anh ơi!!!
“Người lớn chỉ là phiên bản nặng hơn, não to hơn, cảm xúc mạnh hơn, hoang tưởng hơn, dối trá hơn và lấp liếm hơn của một đứa nhóc mà thôi.”
Không biết bao nhiêu lần mình bị nhắc nhở trong lớp phải im lặng, phải giữ trật tự, phải như một cái cây chỉ có nghe và gật đầu theo hướng gió phát ra từ miệng của giáo viên. Mình thường bị đánh giá là một bạn nhiều chuyện trong lớp, thế mà mình lại trở thành 1 người luôn nhắc nhở mấy bé im lặng bằng mấy câu như “be quiet, sit nicely!”. Đời hài thật!
Thật ra lớn bé gì cũng nói chuyện trong lớp cả, chẳng qua người lớn thì có lòng tự trọng để khi được nhắc thì im lặng, còn lũ trẻ thì không mà thôi.
Có 1 lần mình đã hỏi chúng: “Con có biết tại sao thầy luôn nhắc các con phải im lặng trong lớp không?”; “nếu con nói chuyện với thầy mà thầy cứ nghe và nói chuyện với các bạn khác thì con cảm thấy như thế nào?”
Thật ra thì chúng hiểu đấy, chúng hiểu phải im lặng khi thầy nói đấy, nhưng chúng vẫn cứ nói, giống như mình và các bạn khác mà thôi. 
Và mình nghĩ mình biết tại sao.

Mẹ ơi con không muốn đi học đâu

100% những đứa trẻ mình gặp ở đây đều do cha mẹ chúng bắt đi học, không phải trung tâm đầu tiên thì là trung tâm thứ n, và không hiểu sao mình cứ thấy như thể cha mẹ quẳng con vào cái nhà trẻ thứ hai trong 1-2 tiếng để có thời gian rảnh rỗi làm này làm kia, rồi lại xách xe chở chúng về vậy. Còn tụi nhóc thì bị ép phải ngồi trên 1 cái ghế với một đám lạ hoắc cùng 1 ông thầy bà cô người nước nào đấy nhìn lạ lạ, nói thứ tiếng nghe hay hay trong 1-2 tiếng đấy. Mà đã bị ép thì chỉ được thời gian đầu thôi, kiểu gì cũng quay qua quay lại nói chuyện với mấy đứa kế bên à. Kể ra nghe giống sinh viên tụi mình nhỉ.

Sự khác biệt của Gen Alpha

Mình thấy rằng bây giờ trẻ con được chăm sóc và nuôi dưỡng trong điều kiện tốt hơn Gen Z rất nhiều, hay ít ra cũng tốt hơn phần lớn các bạn ở thời của mình, và cũng vì nuôi con bây giờ rất là tốn kém. Vậy nên phụ huynh đã thương con thì giờ còn thương hơn, đến mức sẵn sàng bao bọc cho con bất kể chuyện gì đi chăng nữa, trẻ con luôn đúng, luôn là nạn nhân trong câu chuyện.
Từ khi làm công việc này mình mới thấy tình trạng này phổ biến như thế nào, và vì học phí đóng cho trung tâm cũng không phải là ít nên các phụ huynh dĩ nhiên sẽ yêu cầu nhiều hơn ở trung tâm phải đáp ứng được cái này cái kia, chất lượng này chất lượng kia cho con của mình.
Có 1 điều mình để ý thấy đa phần các bạn cùng gen Z với mình trong trung tâm đều có cách quản lý lớp học dễ chịu hơn nhiều so với các anh chị 9x. Trong lớp thì tụi mình thường sẽ không nhắc bé ngồi ngoan, im lặng suốt buổi học, mà miễn là bé cảm thấy thoải mái và không làm phiền đến các bạn xung quanh nhưng vẫn nhớ bài là được.

Tâm lý flexing 

Hễ 1 đứa nào có đồ chơi mới là y như rằng nó sẽ đem khoe với tất cả các đứa khác trong lớp, chúng sẽ dí sát món đồ chơi vào mũi mấy đứa kia và hỏi “cậu thấy con rô - bốt mẹ tới mới mua cho tớ có đẹp không”, nhưng ai mà xin mượn thì nhất quyết không là không. Nhìn cảnh ấy mà mình nhớ lại những lúc các bà mẹ đem con đi flex với nhau, các anh thì khoe chiến tích tình trường, độ dày cái ví, còn các chị thì khoe con Labubu của mình có giá bao nhiêu vậy.

… Và tâm lý sở hữu

20’ đầu giờ học mình có nhiệm vụ ôn bài cho tụi nhỏ, cốt sao để mấy bé có thể nhớ lại hết các từ vựng được học ở bữa trước và chuẩn bị nhớ các từ sắp tới. Mình rất thích sử dụng 1 game để kích thích chúng học là “whose happy faces?”. Nếu mấy bé trả lời đúng 1 câu hỏi thì mình sẽ vẽ một thứ bất kì như ngôi nhà, quả núi, ông mặt trời,... Và viết thêm tên của chúng ở dưới. Khi trả lời sai hoặc không tập trung thì mình sẽ xóa tên và cho đứa khác có cái đó. Kết quả là đứa nào thắng ăn được điểm thì nhảy cẫng lên vì vui, còn lỡ thua thì khóc lóc năn nỉ mình đừng xóa.
Thầy vẽ cỡ này mà không mê mới lạ! (mình làm mẫu thôi, chứ ở ngoài thì mình vẽ lên bảng bằng bút lông, hết giờ là xóa)
Thầy vẽ cỡ này mà không mê mới lạ! (mình làm mẫu thôi, chứ ở ngoài thì mình vẽ lên bảng bằng bút lông, hết giờ là xóa)

Vậy làm ở đây mình có học được điều gì không?

Có chứ, rất đáng quý là đằng khác

Tính kiên nhẫn

Có 2 cách dạy trẻ con rất phổ biến hiện nay là giáo dục thưởng - phạt truyền thống và kiểu giảng giải lý lẽ cho trẻ hiểu. Mình ủng hộ cho cách 2, nhưng từ góc độ công việc thì mình chọn cách 1.
But Why?

Tổng thời gian mà mình gặp chúng là 5 tiếng/ tuần, 1 con số quá ít ỏi, chưa kể 1 lớp trung bình 13 bé, nói với từng đứa thì không biết khi nào mới được về. Tuy nhiên bất kì khi nào có thể mình đều cố gắng sử dụng cách 2, vì mình hiểu rằng “hiểu là bước đầu tiên để thay đổi”. Mà nói chuyện lý lẽ, logic với những đứa ngoan ngoãn còn dễ, chứ gặp bạn nào “cứng đầu” thì khó khăn tăng gấp n lần. Nhưng cũng nhờ vậy nên tính kiên nhẫn của mình được cải thiện rõ rệt. Đứa nào gặp mình cũng khen “ê sao nay thấy m kiên nhẫn hơn trước nhiều vậy, nhớ trước đây m nhanh nhảu đoảng lắm mà?” 
Ngoài ra mình còn phải rất kiên nhẫn mới dạy được tụi nhỏ, cứ tưởng tượng bạn có 1 đứa em học có 4 từ mà nói đi nói lại, nói tới nói lui, rồi làm đủ trò mà vẫn không nhớ được, sau đó nhân lên với 13 bé, thì bạn nghĩ phải kiên nhẫn cỡ nào.

Sử dụng lối linh hoạt giao tiếp đối với từng nhóm đối tượng giao tiếp khác nhau trong 1 quãng thời gian ngắn

Ừ, nó còn gọi là thảo mai đấy.
Đây là 1 kĩ năng sống còn với tụi mình khi tiếp xúc với phụ huynh chúng. Họ coi con họ lúc nào cũng đúng, gì chứ bảo vệ con mình trước, chắc chắn là mấy ông bà giáo sai chứ con mình ngoan hiền cỡ này, sao mà nghịch như vậy được. Bởi vậy dù không được training nhưng tụi mình tự biết phải giải thích thật khéo, Sao cho vấn đề từ “ đây là lỗi con con và mẹ, không phải tụi em, mẹ về mà dạy lại con của mẹ đi nhé!” thành “Dạ vâng đây chỉ là sự cố thôi, bé và mẹ hoàn toàn, hoàn toàn không có lỗi gì đâu ạ. Có gì mẹ giúp em hướng dẫn thêm cho bé phát triển hơn nhé ạ, dạ em cảm ơn mẹ nhiều ạ!”

Mình thà vứt tiền qua cửa sổ còn hơn cho con đi học trung tâm tiếng anh.

Làm ở 1 trung tâm tiếng anh đủ lâu, mình tin chắc cách vận hành, quy trình giảng dạy của mấy trung tâm cũng na ná như nhau, chỗ nào cũng như chỗ nào cả. Phụ huynh đem con tới, cho mấy bé xem youtube mấy video học tiếng anh ⅓ thời lượng buổi học, giáo viên dạy được ⅓, thời lượng ấy cũng chỉ để học dăm ba cái từ vựng, nghe thầy cô nói đi nói lại mấy lần, còn ⅓ còn lại là  giờ ra chơi và thời gian ngồi tô màu. Xong tới phần ngoại khóa thì mở vài ba lớp dạy mấy môn kĩ năng như đánh cờ, học đàn, học nhảy nhưng không đầu tư hẳn hoi, dường như chỉ để phục vụ cho marketing là chính. Tuyệt vời!
P/S: Xin cảm ơn các chị và các bạn đã góp ý, giúp bài viết trở nên đầy đủ hơn ạ.