Sẽ ra sao nếu thế hệ chúng ta không có nhà để về?
Ngôi nhà không chỉ là một loại hình bất động sản mà còn là một biểu hiện của văn hóa gia đình, văn hóa cộng đồng xã hội. Vậy sẽ ra sao nếu thế hệ chúng ta không có nhà để về?
Loài người tinh khôn (Homo Sapiens) chưa bao giờ tồn tại ngoài sự tổ chức của một gia đình, một cộng đồng, một xã hội. Lịch sử thế giới đã chứng kiến nhiều đứa trẻ được sinh ra bởi một bà mẹ nhưng lại được giáo dưỡng bởi cả một bộ tộc, một bản làng. Bên cạnh các nhu cầu phổ biến trong tháp Maslow như ăn uống, ngủ nghỉ, được tôn trọng và yêu thương, con người cũng sở hữu một mong cầu bản năng: được thuộc về một nơi chốn, một mái nhà. Mọi cuộc di cư từ thuở xa xưa tới nay đều thể hiện một khát vọng chung của những nhà thám hiểm: khai hoang vùng đất mới để xây nhà lập nghiệp. Đi vốn là để ở. Trong văn hóa Á Đông, “An cư lạc nghiệp” là một cách nghĩ, một lối sống đã được hình thành, truyền bá và tiếp thu qua nhiều thế hệ. Không khó để nhận thấy các nhà làm phim Hàn Quốc, Trung Quốc hay Việt Nam đặc biệt chú trọng tái hiện không khí gia đình ấm áp, quây quần trong những mái nhà nhiều thế hệ.
Theo triết học Marx-Lenin: “Vật chất quyết định ý thức” hay “Vật chất có trước, ý thức có sau”. Không giống câu chuyện con gà - quả trứng, chủ nghĩa triết học này đã chỉ rõ thứ tự sau trước của hai chủ thể vật chất và ý thức. Vật chất có thể được hiểu theo một nghĩa hẹp là sản phẩm của xã hội công nghiệp kim tiền, một căn nhà chẳng hạn. Con người đương đại được sinh trưởng và phát triển trong một xã hội mà tiền tệ là một trong những cột móng bê đỡ cốt cán. Ý thức về hạnh phúc và khổ đau của chúng ta do đó cũng ít nhiều được quy ước, định đoạt bằng nhiều hiện vật ngoài thân. Để hướng đến lối sống hạnh phúc tự thân theo chủ nghĩa khắc kỷ (Stoicism) cần nhiều sự luyện tập về tinh thần và trí lực, tựu chung lại là không dễ dàng. Thực tế, người ta vẫn thường vung tiền mua sắm để làm tiêu tan nỗi đau thất tình và nỗ lực sở hữu một ngôi nhà để tìm kiếm cảm giác được thuộc về.
Các cụ nhà ta xưa có câu “Tậu trâu, cưới vợ, làm nhà” liệt kê ba cột mốc quan trọng của cuộc đời con người, trong đó xây nhà dựng cửa được xem là thành tựu cuối cùng, là đích đến của một kiếp người. Không khó để thấy thế hệ ông bà, cha mẹ chúng ta đề cao và khao khát việc sở hữu một ngôi nhà tươm tất thế nào. Cái nhà là không gian sinh hoạt của nhiều thế hệ, thể hiện văn hóa, bộ mặt của tất cả thành viên trong gia đình. Thang đo đánh giá nhân cách, phẩm chất của con người cũng bao gồm yếu tố nhà cửa. Có học lực, hạnh kiểm ngang nhau, nhưng đứa trẻ sống trong ngôi nhà cổ phố Hàng Đường sẽ được nhìn bằng con mắt khác đứa trẻ hằng ngày chui ra chui vào khu ổ chuột ven sông Hồng. Mỗi dịp lễ lạt, đặc biệt là Tết Âm, câu cửa miệng xã giao thay cho lời chào hỏi thường sẽ là: “Tết năm nay nhà bác sắm sửa được gì rồi?”, “Nhà chú năm nay bày vẽ gì đón Tết?”,... Dù gia cảnh có khó khăn đến thế nào, mỗi dịp Tết nhất, gia chủ vẫn cố khoác cho căn nhà tấm áo mới, dù đôi khi mấy đứa trẻ trong nhà còn đang nheo nhóc thiếu con chữ cái ăn. Ngôi nhà vì thế không chỉ là một loại hình bất động sản mà còn là một biểu hiện của văn hóa gia đình, văn hóa cộng đồng xã hội.
Theo thời gian, lối suy nghĩ “nhất nhà, nhì vợ” dần dà đã có nhiều đổi khác. Khi thế giới dần được nối liền về một mối (Global Village) nhờ hệ thống giao thông và công nghệ thông tin phát triển nhanh chóng, chủ nghĩa xê dịch ngày càng được ưa chuộng. Nhiều người trẻ “dế mèn” chọn “đi” thay vì “ở”. Các hình thức cư trú tạm thời như Homestay, AirBnB,... mọc lên như nấm, nhăm nhe thay thế nhà ở truyền thống. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 xảy ra kéo theo những đợt giãn cách xã hội dài đằng đẵng đã tái sinh một lối nghĩ “cũ mà đắt giá” về chuyện nhà cửa. Trong bối cảnh chính quyền liên tục đưa ra các chỉ thị “Ai ở đâu ở yên đó”, việc sở hữu một căn nhà đem đến cảm giác bình an, yên tâm tương đối. Để biết một phút dài bao lâu hãy hỏi người vừa lỡ chuyến tàu, để biết một giây dài bao lâu hãy hỏi người vừa thoát chết trong một tai nạn xe hơi, để biết một tích tắc quý thế nào hãy hỏi vận động viên Olympics và để biết có một ngôi nhà quan trọng thế nào hãy hỏi những người dân ngụ cư. Khi xu hướng đô thị hóa đang dần lan tỏa khắp các ngõ ngách địa cầu, số lượng người dịch chuyển từ nhiều địa phương về các siêu đô thị ngày càng gia tăng, mặc dù quỹ đất luôn có hạn. Tình trạng nhiều gia đình tại Seoul (Hàn Quốc), HongKong, Đài Loan,... phải sống chen chúc trong một căn nhà thuê với diện tích sử dụng chỉ 10 - 20 mét vuông đã không còn là tin tức mới mẻ. Tại các siêu đô thị Hàn Quốc hiện nay, không chỉ những người trẻ mà cả người lớn tuổi thuộc thế hệ cha chú chúng ta cũng không sở hữu bất cứ bất động sản nào. Trong phim truyền hình “Happiness” mới phát hành tại xứ sở kim chi, nữ chính Sae Bom và nam chính Ji Hyun đã chấp nhận một cuộc hôn nhân giả để được sống trong căn chung cư được phân phát theo chế độ trợ cấp của quân đội Hàn Quốc. Đây có lẽ cũng là viễn cảnh không xa của các đô thị lớn tại Việt Nam là Hà Nội và TP.HCM.
Mới đây, tin tức giá nhà đất tại Hà Nội đã chạm ngưỡng 400 triệu VND/ mét vuông đã khiến nhiều cư dân thị thành bàng hoàng. Hiện nay, mức lương khởi điểm của một sinh viên mới ra trường chỉ dao động trong khoảng 5 - 7 triệu. Dù sử dụng bất cứ công thức tài chính nào với mục đích cân đo đong đếm mức chi tiêu và quỹ tiết kiệm, người trẻ đang sống kí sinh tại các đô thị lớn cũng khó có thể sở hữu một căn nhà trong 10 năm, 20 năm hay thậm chí là cả đời. Nếu sân khấu sáng đèn là nỗi ám ảnh bủa vây nàng vũ công Nina Sayers (Black Swan), những bộ cánh diêm dúa là đám mây đen ôm trọn cuộc đời nhà thiết kế tài hoa Reynolds Woodcock (Phantom Thread), thì gánh nặng nhà cửa đã và đang trở thành bóng ma tâm lý đối với nhiều người trẻ thành thị. “Khi nào mới đủ tiền mua nhà?”, “Bao giờ mới được ở trong ngôi nhà của chính mình?”,... là những câu hỏi xoay vần trong tâm trí của thế hệ chúng tôi. Cảm giác chông chênh của những người lớn nửa vời khi rệu rã trở về căn phòng trọ 20 - 25 mét vuông sau một ngày dài quẩn quanh trong các khu văn phòng bốn bề toàn kính là điều khó có thể tránh khỏi. Những căn phòng tạm bợ đi thuê đi mướn đó chỉ có thể là chỗ trú chân, chứ chưa bao giờ được coi là một ngôi nhà thực sự. Tại một giao lộ tấp nập người và xe trong khung giờ tan tầm, chúng ta dễ dàng có thể bắt gặp những ánh mắt bất an bởi suy nghĩ không biết về đâu, không biết đâu là “nhà”.
Vậy sẽ ra sao nếu chúng ta không có nhà để về?
Các bài viết của Linh Vũ cũng có trên Spotify:
Bài viết cùng tác giả:
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất