Sự trở lại của điệp viên Trung Quốc (P3): Nông thôn ký sự tập 2- Những mảnh đời dưới chân sườn núi
Chào các bạn, phóng viên thường trú tại Thâm Quyến đã trở lại rồi đây. Nhân một ngày đẹp trời, rảnh rang sau chuỗi ngày mưa dai dẳng...
Chào các bạn, phóng viên thường trú tại Thâm Quyến đã trở lại rồi đây. Nhân một ngày đẹp trời, rảnh rang sau chuỗi ngày mưa dai dẳng ở Thâm Quyến, mình ngồi lại biên bài về Văn hóa, con người Trung Quốc - một trong những chủ đề được mọi người tò mò từ rất lâu. Đúng là bạn có thể dễ dàng bắt gặp người Trung ở rất nhiều nơi, đến từ nhiều miền của đất nước. Nhưng phải đến tận nơi chôn nhau cắt rốn của họ, chứng kiến sinh hoạt thường ngày, văn hóa cộng đồng, bạn mới cảm nhận được rõ rệt hơn một Trung Hoa khác. Không phải những Bắc Kinh ô nhiễm không khí, không phải Thượng Hải xa hoa, không phải Thâm Quyến hiện đại, không phải những nhóm người ồn ào, họ cũng rất trầm lặng, và cuộc sống của họ như thế nào khi xa rời chốn đô thị phồn hoa? Theo chân mình tìm hiểu nhé!
Điểm lại phạm vi bài viết, vẫn là nông thôn miền Trung Trung Quốc của ba tỉnh Hồ Nam, Hồ Bắc, Giang Tây. Những người đến từ vùng này thường có nước da trắng, chiều cao trung bình của nữ là 1m60, nam 1m70, sống mũi khá cao, tiếng nói lớn, vang và hơi nặng.
Nói đến yếu tố con người, mình chia ra làm 4 nhóm theo độ tuổi: Lão niên, trung niên, thanh niên và thiếu niên.
Tầng lớp lão niên ở trung du miền Trung Trung Quốc có tuổi thọ cao và số lượng khá nhiều do khí hậu trong lành và cuộc sống gần gụi thiên nhiên. Các cụ mình gặp trong độ tuổi từ 70-90 có sức khỏe tốt, dù một số lưng hơi còng, phải chống gậy nhưng đi lại khá nhanh nhẹn, mắt vẫn còn sáng và vẫn góp mặt trong các bữa ăn cùng con cháu.
Lão niên gồm hai thành phần chính: thuần nông hoặc về hưu sau khi công tác tại cơ quan nhà nước/ xí nghiệp xưa. Có cụ ngày trước còn tham gia chiến đấu trong chiến tranh biên giới Việt – Trung. Điểm chung của các cụ là đều không nói được nhiều tiếng phổ thông, nhưng bất kể xuất thân như thế nào, đều rất yêu quý trẻ con và khách đến nhà. Có lẽ khi đã ở phía bên này dốc của cuộc đời, các lão niên cũng chẳng còn sân si điều gì nữa, an hưởng tuổi già bên con cháu mỗi ngày.
Và mình không thể quên những bàn tay run run chìa ra nắm mỗi khi mình đến hoặc chào từ biệt, những dáng lưng còng hay nụ cười móm mém bình dị mà vô cùng ấm áp. Chính họ, tầng lớp lão niên ấy đã khiến cho bức tranh nông thôn Trung Quốc trở nên sâu lắng, yên bình hơn.
Ngược lại hoàn toàn với thế hệ trước, thế hệ trung niên từ 40- 69 ở Trung Quốc có cuộc sống ồn ào hơn rất nhiều, bởi họ vẫn còn bộn bề những nỗi lo toan cho gia đình.
Người ở nông thôn Trung Hoa kết hôn khá sớm, hầu như khi họ khoảng 50, con đầu đã 30 và thành gia lập thất rồi. Nỗi lo chung của họ lúc này là con cái đã mua được xe, được nhà chưa? Nếu chưa có gia đình thì phải lo tìm bạn trai/ gái giúp. Có gia đình rồi liệu đã có con trai nối dõi hay chưa? Nếu nói tầng lớp thực dụng nhất ở xã hội Trung Quốc, chắc có lẽ trung niên là tầng lớp suy nghĩ rất nhiều về tiền tài, địa vị, thành công của con cái. Họ hay hỏi nhau: “thằng A con bà lấy vợ chưa? Lương tháng được bằng nào? Mua nhà mua xe chưa?”, nếu có đủ cả, với họ đó là thành công, là mát mặt, tiếp đến là chuyện con cái mình: “ ầy, tôi lo quá, thằng thứ hai nhà này vẫn chưa dẫn bạn gái về, có đứa con gái A, B nào giới thiệu giúp tôi”. Một số bác trung niên hay thể hiện thái độ phân biệt giàu nghèo, đặc biệt những nhà có lãnh đạo huyện, thị xã về hưu, khi con cái họ nhờ họ mà có công việc và cuộc sống tốt ở đây. Khi bạn đến, tùy mức độ giàu nghèo, thân sơ, đối xử khá lạnh nhạt.
Ngược lại, những gia đình nông dân khác lại đối xử với bạn rất niềm nở, hỏi bạn nhiều chuyện về việc học ngôn ngữ, ăn uống, sinh hoạt có quen không? Ở Việt Nam khác ở đây những gì. Gặp tầng lớp trung niên ở nông thôn Trung Quốc, không khác gì một cuộc điều tra thân phận, tài chính. Họ cũng rất hay nói to, khách sáo, ganh đua ngầm, trọng giàu, khinh nghèo. Lãnh đạo về hưu ở tầm tuổi này có cuộc sống cực kỳ thoải mái, họ đủ tiền xây cả một tòa nhà 7-8 tầng cho thuê, không cần làm gì cả, chỉ cần thu tiền nhà mỗi tháng là đủ. Có tiền mua nhà, mua xe cho con cái, có tiếng và có cả miếng, là niềm tự hào của họ hàng, dòng họ. Tiếng nói cũng những người này là có trọng lượng nhất, anh em nể vì, con cháu ngưỡng mộ.
Thực sự tầng lớp trung niên nhà giàu nông thôn này khiến mình rất ngại gặp, kiểu quê không quê hẳn mà phố chẳng phố hẳn. Ở nông thôn, những người này được họ hàng, làng xóm ngưỡng mộ, nhưng ra đến thành phố lớn lại lộ ra những điểm trừ to đùng như nói to, khạc nhổ, hay kì kèo mặc cả và chê đắt đỏ.
Trẻ hơn một chút, là các anh chị trong độ tuổi U50, con cái đang đi học đại học, cao đẳng, các bậc phổ thông và trung học. Những người này vẫn đi làm xa nhà và chỉ về nhà vào các dịp lễ tết quan trọng hàng năm. Có những người có công ty riêng, có những người vẫn đi làm thuê, tùy năng lực nhưng có sự va chạm với bên ngoài nên tiếng phổ thông tốt hơn, phong cách nói chuyện lịch sự và khiêm tốn hơn. Đây là tầng lớp lao động chăm chỉ và bền bỉ, ở họ có sự chuyển giao tri thức hóa và đang càng ngày càng trở nên high tech hơn khi tiếp xúc và biết sử dụng những máy móc hiện đại.
May mắn thay, bộ mặt của Trung Quốc hiện nay chính là tầng lớp thanh niên trong độ tuổi dồi dào sức khỏe, năng lượng từ 22 đến 39. Rất nhiều người trong số này đã thành công, nhiều người đang trên con đường tìm kiếm sự nghiệp, số khác đang trên đà ổn định. Nhưng lực lượng này lại mang trên vai rất nhiều trọng trách không chỉ của đất nước, xã hội mà còn của gia đình. Độ tuổi từ 22- 30, vừa kết thúc nhiều năm học hành trên ghế nhà trường, những người trẻ cần tìm được công việc có mức lương khá. Dưới 30, bạn có thể chật vật, nhảy việc, tự do làm theo sở thích của mình, nhưng ở tầm 27 đến 28, tết nào về quê, bạn cũng phải trả lời câu hỏi: “có bạn gái/ trai chưa?”, với con trai: “mua được xe chưa? Lương lậu như thế nào? Cố gắng mua nhà, mua xe rồi cưới vợ, hoặc ít nhất có được 1 trong 3 điều trên”. Với con gái, khi bạn khoảng 25, gia đình sẽ hay sắp xếp cho đi xem mắt. Điều này khá phổ biến ở toàn Trung Quốc mỗi dịp lễ tết. Nhiều bạn bè đồng nghiệp mình có bạn trai/ gái sau mỗi năm trở lại công ty từ kỳ nghỉ Tết. Có bạn cũng lấy chồng luôn, sau hơn 1 tháng quen một người gia đình giới thiệu.
Con gái Trung Quốc ngại lấy chồng xa, vì mỗi tỉnh bên này cách nhau hàng chục giờ chạy xe, mỗi vùng là một tiếng nói khác, một văn hóa khác. Các bạn nam làm bạt mạng ngày đêm để đủ tiền mua xe, mua nhà. Mua xe không phải câu chuyện khó, nhưng mua nhà lại là một câu chuyện lớn. Nếu gia đình bạn có xuất thân tốt, khá giả, mọi thứ cực dễ dàng, kiếm một công việc ở quê, ở nhà của bố mẹ, bố mẹ sẽ mua nhà, mua xe cho. An tâm hưởng phúc, đến đời con cháu bạn, cũng chưa tiêu hết của nải ông bà để lại.
Câu chuyện lại theo hướng khó khăn hơn khi gia đình bạn hết sức bình thường. Nỗ lực để giàu có phải là gấp 10, gấp 20 lần người khác. Không chỉ cố gắng cho cuộc đời của bạn, mà còn cho cả thế hệ con cái bạn. Con bạn sẽ học ở đâu? Ở nông thôn hay thành phố? Những điều kiện gì để con bạn được học cấp 2 ở thành phố lớn?
Giáo dục ở Trung Quốc miễn phí cho con em ở các vùng nông thôn, tuy nhiên cơ sở vật chất và điều kiện học tập không được đầy đủ như trên các thành phố lớn. Thế hệ 8X và đầu 9X đều đang nỗ lực để con em họ có thể học cấp 2 và THPT ở các thành phố nơi họ sinh sống và làm việc. Ví dụ như chương trình dành cho công dân nơi khác đến sinh sống và làm việc ở Thâm Quyến: bạn phải tham gia chương trình tích điểm công dân, có thẻ cư trú tại Thâm Quyến, có những đóng góp gì cho Thâm Quyến: như nộp thuế thu nhập cá nhân đầy đủ, trình độ học vấn - đại học, có công ty riêng, có nhà tại Thâm Quyến, không vi phạm pháp luật, luật giao thông, tham gia công tác xã hội... Và những điều này bạn cần chuẩn bị từ khi con bạn 3 tuổi, đến khi đủ tuổi đi học tiểu học. Thành tích học tập và kinh tế của gia đình bạn cũng sẽ quyết định xem bé có thể học tiếp bậc trung học cơ sở ở Thâm Quyến hay không.
Đến đây, hẳn lộ trình cũng như người trẻ ở những quốc gia khác, lao động miệt mài, tạo dựng tương lai. Những bạn trẻ người Trung được học trên ghế nhà trường rằng, chỉ có học tập thật tốt, làm việc thật chăm chỉ, bạn mới thay đổi được vận mệnh của đời mình. Đó cũng là lý do chúng ta nhìn thấy hình ảnh của những văn phòng ngày đêm mở cửa, những xưởng sản xuất rầm rập sáng đèn ca đêm, những con người đang miệt mài trên lộ trình khẳng định bản thân, theo guồng quay cơm áo gạo tiền.
Ở độ tuổi này, nhận thức và trình độ giáo dục quyết định tất cả. Mình gặp nhiều người luôn nỗ lực, tự tin và cầu tiến. Nhưng cũng có những người đợi chờ sự sắp đặt từ gia đình, an phận và hài lòng với những gì mình có. Mỗi người có một lựa chọn riêng, và hạnh phúc với lựa chọn đó hay không, chỉ có họ mới là những người rõ nhất.
Tầng lớp cuối cùng, khép lại phần Nông thôn ký sự là những cô bé cậu bé tuổi thiếu niên. Nói thật mình rất ngưỡng mộ tầng lớp này, cũng như ngưỡng mộ tuổi thanh xuân của mình ở những năm tháng còn ngồi trên ghế nhà trường. Độ tuổi ấy, ai cũng thật hồn nhiên, trong sáng và có niềm tin phơi phới vào cuộc đời. Mới vừa đủ để biết hứng thú với môn học nào đó, đủ rung động để thích ai đó cùng trường, cùng nhau làm những trò điên rồ rất học trò. Rồi những ngày hối hả luyện thi vào trường phổ thông, vào đại học. Chắc không ít bạn từng xem phim về học trò của Trung Quốc, có những lãng mạn ngây ngô, nhưng cũng có những nuối tiếc dang dở. Hiện thực của các em cũng như vậy, bởi đây là nông thôn, các em chủ yếu ở với ông bà, cuộc sống chưa kịp hiện đại như ở các thành phố lớn.
Mỗi lần trò chuyện với mấy em đang ở độ tuổi này, mình thấy các em may mắn hơn so với những bạn đồng lứa ở thành phố. Những thiếu niên sống ở thành phố đã sớm tiếp xúc với những thứ ảo và bị ảnh hưởng bởi khoảng cách giàu nghèo, cuộc sống vội vã hơn, bố mẹ cũng mải cơm áo gạo tiền mà không quan tâm được các em. Bạn nào tò mò, có thể theo dõi hai chương trình “ Thiếu niên nói” và chương trình Xchange, hoán đổi thân phận của thiếu niên thành phố và nông thôn (giờ Google cũng không ra, mình không nhớ tên tiếng Trung của chương trình thực tế này lắm, nhưng đã xem và lấy đi khá nhiều nước mắt) để hiểu hơn về tầng lớp thiếu niên Trung Quốc hiện đại.
Kết, cảm ơn các bạn đã đọc đến tận phần cuối của Nông thôn ký sự - một bài viết đã được mình gõ đi gõ lại, lược đi lược lại nhưng vẫn dài lê thê. Tất nhiên, nội dung và phạm vi bài viết đều mang ý kiến cá nhân trên cơ sở được tiếp xúc và trải nghiệm nhiều lần về đời sống và con người nông thôn Trung Quốc.
Ở đâu trên thế giới này cũng vậy, ta sẽ bắt gặp người tốt, kẻ xấu, họ cũng có những trách nhiệm chung giống chúng ta đối với xã hội, với gia đình. Hy vọng, một bài viết được bỏ nhiều tâm tư như thế này đã góp phần mang đến cho bạn đọc một góc nhìn mới hơn, bao dung và gần gũi hơn về người dân Trung Quốc, anh bạn láng giềng to đùng tuy gần mà (nghe đồn lại) xa.
Đọc thêm các phần trong series của mình tại đây:
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất