Tôi hi vọng người viết bài viết này sẽ đọc những gì tôi viết.

Tôi sẽ không lòng vòng và lập luận thẳng vào các ví dụ của bạn.
1. "Napoleon chưa bao giờ hiểu được sự cần thiết của một lực lượng hải quân có thể đối đầu được với hải quân Anh".
Sai lầm! Đầu thế kỉ 19, khi Tây Ban Nha đã suy yếu, một cuộc đua thu thập  thuộc địa trên hoàn cầu đã bắt đầu nổ ra giữa Anh và Pháp. Và vì thời ấy máy bay hay tàu vũ trũ còn quá xa vời thì hiển nhiên hải quân là sức mạnh chính để chinh phục và tận dụng các thuộc địa.
Pháp đã buộc phải bán 1 nửa nước Mỹ vì không thể kiểm soát nổi. Họ gần như tê liệt với thế giới vì người Anh kiểm soát biển. Mọi nỗ lực vươn ra đều thất bại, thậm chí là vươn mấy chục km qua Manche còn là điều bất khả.
Vấn đề chắc chắn là ở hải quân. Đây là điều trẻ con cũng nhận ra.
Vậy, bạn nghĩ gì khi cho rằng Hoàng Đế của Đế chế lớn mạnh nhất thế giới lúc ấy lại không nhận ra, không "hiểu được sự cần thiết" của hải quân ? Đặc biệt sau trận Trafalgar, khi liên quân Pháp-Tây Ban Nha bị nghiền nát làm mồi cho cá, bạn nghĩ Hoàng Đế vẫn không mảy may quan tâm và chỉ biết cắm đầu vào những trận chiến đất liền sao ?
Sự thực là
Sau năm 1805, hay chính xác hơn là sau trận Trafalgar, Napoleon đã luôn mơ về việc trả thù người Anh trên biển. Ông ta dồn rất nhiều tiền của, nhân lực và vật lực vào công cuộc hoàn toàn vô vọng đó, cố gắng xây dựng một hạm đội lớn mạnh.
"Chúng ta chỉ cần làm chủ mặt biển trong 6 tiếng thôi, và Anh quốc sẽ không còn tồn tại nữa" - Hoàng Đế viết cho Decres
Rất nhiều tâm huyết của Napoleon, nhưng 6 tiếng ấy đã không bao giờ đến. Những hạm đội khổng lồ liên tục được thành lập trong 10 năm đế chế chỉ ra rằng, Napoleon hoàn toàn nhận thức rõ tầm quan trọng của hải quân, và luôn chủ đích sử dụng nó trong chiến lược biến Pháp thành siêu cường duy nhất của mình.
Vậy vấn đề ở đây là gì khiến việc đánh bại người Anh trên biển là điều không tưởng. Đơn giản thôi, Hải quân Anh QUÁ MẠNH. Và chính Hoàng Đế cũng thiếu những kiến thức hàng hải cần thiết. 
Vấn đề ở đấy, chứ không nằm ở nhận thức chiến lược!


2. "Ai đó nên bảo Napoleon [...] không cử một đội quân ra biển Địa Trung Hải nếu trước đó không kiểm soát [...] được biển."
Vậy thì bạn nên hiểu nếu kiểm soát được biển thì thanh gươm của người Pháp đã chĩa thẳng vào con sư tử đang ngồi kia rồi.
Mục đích của chiến dịch Ai Cập không chỉ là Ấn Độ - điều mà ai cũng biết.
Andrew Roberts nhận định về mục tiêu chiến dịch:
"...[Hoàng Đế] hy vọng tối thiểu sẽ kéo dãn được Hải quân Hoàng Gia Anh ra bằng cách buộc nó phải đồng thời bảo vệ các lối vào Địa Trung Hải, Hồng Hải cũng như các tuyến đường thương mại đến Mỹ và Ấn. Hải quân Anh, vốn đã để mất Corse như một căn cứ vào năm 1769, sẽ còn bị kiềm chế hơn nữa nếu hạm đội Pháp có thể hoạt động [...] từ [hải cảng của] Malta"
Hoàng Đế viết cho Talleyrand về chiến dịch:
"Tại sao chúng ta không chiếm Malta? Điều đó sẽ đe dọa hơn nữa ưu thế của hải quân Anh"

Như vậy, mục đích của chiến dịch là nhắm thẳng đến sự bá quyền của người Anh trên biển. Kéo dãn nó và đẩy nó vào sự quá tải. Đó là một phương pháp khôn ngoan, tránh đối đầu trực tiếp với người Anh nhất có thể, kiểm soát những hải cảng quan trọng, qua đó quản lí được các cung đường giao thương.
Đó, mới là CHIẾN LƯỢC. Và muốn chiến thằng người Anh trên biển, đó là 1 trong những nước đi tốt nhất, chứ không vô nghĩa như bạn nói.

Tất nhiên, chiến lược này không thành công. Nhưng không phải vì Trận sông Nile, khiến Napoleon phải "bỏ quân đội" và "lẻn về".
Nước Pháp vắng Napoleon đã thất trận, chính trị rối ren, những vùng đất đai ở Ý đã mất hết. Việc Đốc chính không đủ tiềm lực để gửi tiếp viện cho đoàn quân viễn chinh cùng với mưu đồ đảo chính của mình mới là động lực để Napoleon về Pháp.
Sự kiện Nelson đánh bại hải quân Pháp chính ra mới là sự kiện không mang nhiều ý nghĩa, nếu tình hình chính trị sau đó không bỗng trở nên rối ren. Napoleon vẫn kiểm soát đất liền, và hoàn toàn có thể tiếp tục chiến dịch để xây dựng một "Đế chế phương Đông" - điều mà nhiều năm sau ông đã hối tiếc. Nếu Đốc chính vẫn có thể đảm bảo việc tiếp viện, và Napoleon tiếp tục giữ Ai Cập rồi xây dựng lại Hải quân ở đây, thì chính người Anh mới là kẻ gặp khó vì họ không thể xâm nhập vào đất liền.

3. "Và một lần nữa Napoleon rời bỏ quân đội của mình và lẻn về Pháp"
Không liên quan đến CHIẾN LƯỢC, Có vẻ bạn có định kiến rằng Hoàng Đế là người hèn nhát. Nhưng xin lỗi, bạn không có cơ sở.
Đầu tiên là việc "lẻn" về từ Ai Cập. Việc "lẻn" về này của Napoleon chính xác là hành động dũng cảm, khi Hoàng Đế không quân đội bảo vệ, đã liều lĩnh băng qua 1 Địa trung hải đang bị người Anh kiểm soát sau trận sông Nile. Trong khi nếu an toàn hơn, ông ta chỉ việc ngồi đợi ở Ai Cập. Người Anh chưa có dấu hiệu có thể tấn công và chiến dịch cũng chưa hẳn đã bế tắc.
Nhưng Hoàng Đế đã chọn trở về, để nắm nước Pháp trong tay.
Còn sau chiến dịch Nga 1812, chỉ những sử gia có định kiến nghiệt ngã (chủ yếu là sử gia Nga), mới chỉ trích việc Napoleon thần tốc về nước.
Đơn giản vì thời gian Napoleon ở Pháp là cực kì cần thiết, để trấn an dư luận, và tức tốc tổ chức lại Grande Armée (đã bị hủy diệt ở Nga). Châu Âu chư hầu sẵn sàng nổi dậy mọi lúc, và Hoàng đế về nước càng sớm lúc nào càng hay lúc ấy.
Hoàng Đế chỉ trong 17 tuần ngắn ngủi sau đó đã tập hợp và trang bị hậu cần đầy đủ được cho 280.000 quân. Đấy là việc không tưởng với một hàng dài những công việc tiểu tiết ông đã xử lí (mà tôi cũng chẳng cần viết ra).
"Khi chứng kiến những gì ông ấy đã tạo dựng được trong 20 ngày sau khi trở lại Paris, chúng ta phải đồng ý rằng ông ấy đột ngột rời khỏi Ba Lan là khôn ngoan." - Thống chế Saint-Cyr viết.
Ngoài ra, còn hàng ngàn dẫn chứng về sự dũng cảm của Hoàng Đế. Ai tìm hiểu về ông sẽ tự biết, tôi không cần nói nữa.

4. Về chiến dịch Nga.
Bạn có biết tại sao Napoleon lại quy tụ một đội quân 600.000 khổng lồ vậy không ?
Thứ nhất. Đây là Nga, không phải Áo, Phổ hay Tây Ban Nha. Bạn biết quãng đường từ Paris đến Niemen dài gấp đôi chiều dài đế quốc Pháp lúc đó không ?
Pháp cần một đạo quân lớn, để duy trì đường dây thông tin liên hệ với Paris. Đây là châu Âu 1812, chưa có điện thoại đâu.
Nga là một đế quốc mênh mông khổng lồ, lại có mùa đông "chết chóc". Rõ ràng đây là một đất nước quá lớn và khắc nghiệt, một đạo quân 200.000 người liệu có đủ ? 
Thứ hai, và cũng quan trọng hơn. Ngay từ đầu, Napoleon không có ý định tiến quá sâu hay xâm lược Nga. Mục đích của ông chỉ là đánh bại quân chủ lực Nga ở tuần thứ 2 hay thứ 3 của chiến dịch, sau đó ép Sa Hoàng tuân thủ hòa ước Tilsit.
Vì vậy, Hoàng Đế cần 1 đạo quân vĩ đại, để phủ đầu người Nga càng nhanh càng tốt.
Rất nhiều bài viết, hay ý kiến, chủ yếu là bóp méo, cho rằng Napoleon muốn thần phục và chiếm đóng Nga, chinh phục toàn Châu Âu. Nhưng sự thật là không phải. Ông chỉ muốn buộc Sa Hoàng tuân thủ hệ thống lục địa mà thôi, ông chưa có bất kì tham vọng nào về đất đai của người Nga.
Bằng chứng của kế hoạch này nhan nhản trong những bức thư của Napoleon. Và rõ ràng hơn, là việc ông chỉ cấp mỗi binh lính không đầy 25 ngày lương thực, để thực hiện chiến dịch thần tốc của mình.
Tuy nhiên Hoàng Đế đã không thể thực hiện việc này và bị kéo vào trong lòng nước Nga. Điều này hoàn toàn nằm ngoài chiến lược ban đầu. Và lúc quân Nga liên tục rút lui, Napoleon chỉ đơn giản là không thể hủy bỏ chiến dịch vì mục đích chính trị cũng như những vấn đề sau khi huy động 1 đạo quân lớn như vậy.
Đó là lí do cho quân số, cho câu hỏi về CHIẾN LƯỢC của bạn. Napoleon không hề gửi nguyên 600.000 người cứ thế lao vào mùa đông. Ý định ban đầu của ông hoàn toàn khác, và việc bị kéo vào sâu bên trong là bất khả kháng.
Tất nhiên, chiến dịch 1812 vẫn là sai lầm của Napoleon. Nhưng cái sai lầm nhất là việc sau khi chiếm Moscow, Hoàng Đế đã không ngay lập tức lùi về Smolensk tránh rét.
Bạn nói cứ như thể ai cũng biết Cossacks là những kẻ liều mạng sẵn sàng đốt trụi Moscow. Ồ không. Đấy là điều không ai có thể lường trước được.
Đến mấy chục năm sau Tolstoy - một người Nga - vẫn còn không tin chính người Nga đã đốt Moscow, và vị thi hào này cũng rất tích cực đổ thành người Pháp tự đốt kinh thành. Thì thử hỏi vào thời khắc đấy, Napoleon hay bất kì ai cũng hoàn toàn có cơ sở tin rằng Moscow là 1 trạm tiếp tế đầy đủ.

"Thất bại... [trước quân Nga] còn minh họa cho khiếm khuyết về tư tưởng chiến lược của ông" Bạn nói.
Xin lỗi, nhưng nếu bạn hiểu rõ những chiến lược từ đầu của Hoàng Đế, hiểu những biến cố đẩy theo sau đấy, bạn sẽ không dám phát ngôn vậy đâu. Với một người chỉ biết trích nguồn từ Wiki, tôi còn một lô sách về Hoàng Đế để bạn có thể đọc đấy.

5. Tây Ban Nha
Tây Ban Nha là một sai lầm, tôi không cãi được :)) Nhưng nó là một sai lầm có sơ sở.
Hãy nhìn vào Tây Ban Nha, năm 1700 Louis XIV xâm chiếm nước này và đưa một người nhà Bourbon lên ngôi - y hệt cách Napoleon đã làm. Và dòng họ Bourbon trị vị tận hơn 100 năm ở đây. Rõ ràng, đây là một tiền lệ để Hoàng Đế hi vọng có thể bắt chước.
Việc đưa Joseph lên làm vua của TBN cũng không có gì lạ, nếu bạn hiểu đường lối chính trị của Napoleon. Hoàng Đế đã phân phong cho hàng loạt anh em và tướng lĩnh của mình. Gia tộc Bonaparte trở thành dòng máu đế vương toàn châu âu. 
Vậy, khi chiếm được một TBN to lớn liền kề Pháp như vậy, nếu Hoàng đế có ý định cai trị, bạn nghĩ ông sẽ cho anh trai mình lên làm vua ở đấy, như nhiều quốc gia khác, hay cho ông anh này "điều hành một sàn chơi bowling" như bạn nói ??
6.  "[Napoleon đáng ra phải] Chiếm đóng đất nước vừa đánh bại [...] hoặc [...] cho họ một miếng bánh to hơn để ngăn các quốc gia không nổi dậy"
Khi đọc dòng này, tôi đã biết chắc bạn không biết gì về mối tương quan của Pháp với các quốc gia xung quanh nó thời ấy.
Chiếm đóng đất nước vừa đánh bại ? Tây Ban Nha và Ý không phải ví dụ sao ?
Cho họ một miếng bánh to hơn ? Người Nga và hiệp ước Tilsit là một ví dụ điển hình. Nga thua trận Friedland và họ không mất một tấc đất, thậm trí còn được cắt thêm đất của Ba Lan sát nhập vào. Tất cả chỉ để đổi lấy một liên minh với Pháp. Và mọi thứ chỉ đổ vỡ khi chính Sa Hoàng chủ động không tuân theo hiệp ước Tilsit.
Đó không phải "bánh" sao ?
Áo liên tục chống lại rồi lại thất bại trước Napoleon trong nhiều năm. Nhưng rồi Hoàng Đế vẫn quyết định cưới công chúa Áo để tạo liên minh máu mủ. Đó không phải một nỗ lực liên minh sao ?
Người Phổ có lẽ là trường hợp ngoại lệ duy nhất. Tuy nhiên, Phổ ngày ấy hẵng còn bị phân chia, mất hơn 2/3 lãnh thổ cùng sự kiểm soát quân đội gắt gao, cũng chẳng khác bị chiếm đóng là bao.
7. Về những trận đánh của Hoàng Đế
7.1 BORODINO - TRẬN MOSCOW



Khi bạn nói Đại quân bị "nắng nóng" tàn phá. Tôi đã không biết nên cười hay khóc. Vâng. Nắng nóng vào tháng 9 ở Nga!
Bạn nói Napoleon không thể tận dụng được liên minh ?
Vậy hãy đọc lại phần 6 tôi vừa viết đi. 600.000 người mà chỉ có một nửa là người Pháp. Vậy bạn nghĩ 300.000 người kia là ma à ?
Đại quân khi đó là một liên minh khổng lồ. Napoleon, trong 10 năm qua, bằng chiếm đóng hay đe dọa, bằng hôn phối như với Áo hay bằng cách lừa gạt như sự hứa hẹn với Ba Lan, đã thành lập được liên minh quân sự đông đảo và lớn mạnh nhất thế giới từng chứng kiến!
Tôi không nghĩ mình đã sai khi nói thế. Tôi không phủ nhận những thất bại sau đó của Hoàng Đế, nhưng tôi khuyên bạn nên tìm hiểu kĩ hơn. Không phải cứ thất bại là tệ hại chiến lược hay gì gì đó.
Quay lại trận đánh.
Bạn nghĩ gì khi cho rằng Napoleon đẩy quân lính của mình cứ thế đi vào họng súng quân Nga ?
Napoleon xuất phát với quân số và số pháo ít hơn người Nga, nhưng ông ta đã đánh bật được quân địch ra khỏi mọi vị trí phòng thủ, với tổn thất ít hơn và chiếm được chiến trường.
Tôi hỏi bạn, sao người ta có thể làm thế được nếu chỉ đơn giản điều quân đi 1 đường thẳng vào họng súng địch đã phòng ngự trước ?
Nếu bạn phủ nhận tầm quan trọng của chiến trường thì tôi xin lỗi nhé, đây là chiến trường để tiến thẳng vào Moscow. Và tất nhiên, như đã nói ở trên, không ai có thể ngờ Moscow có thể bị đốt. Nên hiển nhiên, đây là bước tiến lớn của người Pháp trong vị thế lúc đó.

Còn vấn đề nữa ở đây khi bạn chỉ trích Napoleon không cho quân Cận vệ tham chiến. Bạn nên đọc 3 lí do sau đây:
1. Hoàng đế đang cách Paris 2880 km và không còn lực lượng dự bị nào khác. Quá nguy hiểm để tung Cận vệ vào khi trước đó thậm trí kị binh Cossacks đã từng xâm nhập đủ gần để uy hiếp ông.
Quyển Napoleon Đại Đế viết:
"[...] ông không thể tung cận vệ ra trong khi quân Nga của tướng Platov đe dọa sườn trái và sau lưng ông, nếu ông cho họ [cận vệ] tiến xuống khi chưa chiếm được tuyến đường, Cận vệ có thể bị pháo binh Nga gây tổn thất nặng."
2. Trong tất cả chiến dịch của mình, Napoleon luôn coi trọng quân dự bị, và hàng loạt chiến thắng trước đấy đã chứng minh cho sự đúng đắn của ông.
"Nếu ngày mai còn một trận đánh nữa thì sao" Hoàng đế nói.
Borodino là một trận khắc nghiệt. Nhưng thực tế là người Pháp không thua, người Nga cũng chưa bị tiêu diệt. Việc giữ lại quân dự bị là có thể hiểu được.
3. Đạo quân hơn 100.000 người của Napoleon lúc đó là 1 đạo quân đa sắc tộc. Hoàng Đế cần thiết phải duy trì 1 đội quân "thuần Pháp" bên mình, tức quân Cận Vệ, để giữ trật tự quân đội, bất kể thắng hay thua.
Ừ thì Alexandros III - Alexandre Đại Đế, nhưng đã cách Napoleon đến 2000 năm. Bạn nghĩ có khập khiễng không khi so sánh hai người ? Tôi cũng không cần phải viết ra thêm 1 lô nữa để nói tại sao đâu nhỉ ?
Và đó, vì bạn chỉ nêu ra vài ý đó nên tôi cũng chỉ cần bẻ lại có vậy. Tất nhiên, Borodino không phải 1 trận tốt của Napoleon, nhưng những chỉ trích của bạn lại quá phiến diện.
7.2 DI SẢN CỦA NAPOLEON SAU CÁC TRẬN ĐÁNH
Trước khi có Napoleon, Pháp phải siêu cường không ? Bạn nói không à. Thực ra là có đấy. Nước lớn nhất (sau Nga), dân số đông nhất, lí tưởng xã hội phát triển nhất...
Nhưng tất nhiên, Hoàng Đế đã thất bại trong việc biến nó thành siêu cường dẫn dắt các nước khác. Tuy nhiên những thay đổi về dân sự, luật pháp, lí tưởng của Hoàng Đế đã ăn sâu ở toàn Châu Âu và làm thay đổi căn bản nó.
Đó là một bước tiến của Châu Âu lục địa, là tiền đề cần thiết của chủ nghĩa tư bản. Nhưng dù sao, tôi cũng không nói hết các yếu tố này ra đâu, dài lắm, và cũng chẳng cần thiết với bạn.
Bạn phải hiểu, dù thất bại chung cuộc, Napoleon vẫn luôn được ca ngợi về mặt quân sự, những trận đánh được liệt vào những bài học vỡ lòng trong các trường quân sự hàng thế kỉ.
Cụ thể là:
- Việc áp dụng Pháo binh vào việc vây hãm và tiêu diệt quân địch.
- Việc áp dụng Hệ Thống Quân Đoàn lần đầu tiên trong lịch sử. Khiến cho những cánh quân của Napoleon luôn cơ động và di chuyển đến vị trí chiến lược cực kì hiệu quả.
- Việc lựa chọn địa hình và tấn công vào kẽ hở quân địch trong hầu hết các trận của ông. Tập trung quân đội trong một thời điểm để giải quyết từng cứ điểm.
Và vô vàn thứ khác.
Chính Đại Công tước Charles của Áo hay Wellington của Anh cũng phải trực tiếp học hỏi hệ thống quân đoàn và cách điều quân của Napoleon.

7.3 NHỮNG TRẬN ĐÁNH LỚN CỦA ÔNG.
Bạn nói Austerlitz, Borodiono, Leipzig, Waterloo là những trận vĩ đại nhất của Napoleon ?
Bạn chọn khôn nhỉ ?
Trừ Austerlitz ra, chúng ta còn Borodino, vốn không phải trận tốt của Napoleon, Leipzig - trận các quốc gia - là trận lớn nhất, nhưng đó là khi Napoleon bị cả Châu Âu chư hầu áp đảo đè bẹp. Còn Waterloo ? Waterloo chỉ nổi tiếng vì nó là trận cuối của Hoàng Đế mà thôi. Thực tế ông đã phải đối mặt đến 2 đạo quân trong cùng 1 ngày 18 tháng 6 ấy.
Bạn nói đến Austerlitz ? Hi vọng bạn có tìm hiểu về Ulm và cả chiến dịch trước trận ấy, để hiểu cách hành quân và thiên tài quân sự của Napoleon.
Bạn bảo sau Austerlitz, Hoàng Đế không bao giờ lặp lại được đẳng cấp ấy nữa ? Vậy có lẽ bạn không biết trước đấy chúng ta có 43.000 quân chân đất trong chiến dịch nước Ý, trận Marengo ngặt nghèo, sau đó là chiến dịch nước Phổ, đại thắng ở Friedland. Và cuối cùng là hệ thống phòng thủ trong chiến dịch nước Pháp 1814 ?
Hãy tìm hiểu về chúng đi!
Có kẻ bảo Napoleon là "Kẻ bất tài ham hố quyền lực". À không, bạn, chính bạn bảo đấy.
Có kẻ khác, Wellington, danh tướng đã thắng chính Napoleon vĩ đại, thủ tướng Anh một thời, khi được hỏi ai là vị tướng vĩ đại nhất, đã nói:

"Trong thời đại này, trong các thời đại quá khứ, trong bất cứ thời đại nào: Napoleon!"