TỨC GIẬN = YẾU ĐUỐI?
Hôm nay tôi gửi email tới admin của một website chia sẻ link download game về việc website không hiện link down của 1 game tôi đang...
Hôm nay tôi gửi email tới admin của một website chia sẻ link download game về việc website không hiện link down của 1 game tôi đang tìm. Sau đây là đoạn hội thoại:
*Tôi đăng ảnh không phải để bêu xấu ai, mà chỉ thuần túy muốn chứng minh tính chân thực của câu chuyện, cũng như để mọi người thấy giọng điệu của tôi không phải là nguyên nhân dẫn tới phản ứng của admin. Mong mọi người có thể cùng nhìn vào nó dưới góc nhìn của 1 nhà tâm lý học và hướng về chủ đề của bài viết, thay vì đánh giá cá nhân người admin kia.*
Vài facts:
- Thực ra cả 2 game tôi xin đều là game chơi online (có thể chơi solo, nhưng vẫn phải chơi online, và chỉ download được từ một platform khác), vì vậy vốn dĩ không có bản download rời để chơi offline. Điều này tôi chỉ biết sau khi tìm hiểu kĩ hơn, cũng là sau email đính kèm clip. Vậy nên, ngay từ đầu, câu hỏi của tôi đã khá là ngu ngốc (tự tin nhận lỗi ^^)
- Điều đó chứng tỏ chính vị admin này thậm chí đã không đọc xem game tôi đang nói tới là gì, mà chỉ đọc và dịch ý của tôi thành "Web anh bị lỗi đấy, sửa lại đê" và phản ứng ngay lập tức.
- Để admin cảm thấy khá hơn, tôi đã "giả ngu" và nói rằng đó là lỗi của tôi khi không đăng nhập nên không nhìn thấy link, và vị admin cũng phản ứng lại tương ứng. Thực tế thì kể cả khi không đăng nhập bạn vẫn có thể thấy link download và down như bình thường (Mình viết sai chỗ này, và xin lỗi người đc nhắc tới trong bài viết. Và như vậy, đoạn gạch đầu dòng này trở thành SAI). Tuy nhiên ở trang game tôi cần, vốn dĩ đã không có link download trong bài post (bởi, như đã nói, nó là game online. Tức là admin này hoàn toàn không hề kiểm tra lại bài viết về game này để xem có thực sự có "lỗi" ngay từ đầu không, cũng như không biết rằng không đăng nhập vẫn có thể thấy link, mà chỉ phản ứng dựa trên email của tôi.
Khi mới nhận được phản hồi đầu tiên từ admin, phản ứng đầu tiên của tôi là "Ố ồ, giọng điệu này tức là có người chưa chi đã tự ái rồi đây". Thay vì giận dữ như cô vợ tôi và nói "Thôi anh nhờ người khác đi. Giọng điệu kiểu này nghe đã chả muốn nói chuyện" khi tôi cho cô xem email, tôi lại thấy tò mò và muốn xác nhận lại xem có đúng vị admin này đang thực sự tức giận với mình, hay đang muốn giúp mình, bởi qua email ta không thể "cảm nhận" được thái độ của người kia, mà trên chữ nghĩa thì admin không hề có từ ngữ gì là xúc phạm hay bực tức. Tuy nhiên, khi tiến xa hơn thì sự nghi ngờ của tôi đã được xác nhận.
Câu hỏi được đặt ra ở đây là: Tại sao admin lại có thể ngay lập tức có một cảm xúc tức giận với một người không quen biết, đang đặt ra 1 câu hỏi hết sức vô tư và trung tính - không chê bai, không trách mắng, thậm chí đối tượng câu hỏi cũng không phải là admin, mà là trang web? Có thể có rất nhiều các yếu tố khác khiến admin có thái độ như vậy, trong số đó có thể nói tới một hội chứng tâm lý mà tiếng anh gọi là Inferiority Complex, dịch ra tiếng Việt thì có thể hiểu nôm na là bên trong tự ti - bên ngoài "hổ báo". Nói Complex (phức tạp) là bởi, sự tự ti thường được thể hiện ra bằng sự rụt rè, nhút nhát, ít nói, nhưng những ai có hội chứng này lại thường phản ứng bằng thái độ "hổ báo" và hành động khá hung dữ. Ứng dụng vào câu chuyện trên. Admin của website, mặc dù thể hiện thái độ giận dữ cũng như sự có-vẻ-tự-tin vào việc "trăm ngàn người dùng không bị lỗi", nhưng thực ra sâu thẳm bên trong rất có thể là một nỗi sợ, sợ rằng website một lúc nào đó bị lỗi - có thể bởi chính admin biết nó là không hoàn hảo, nhưng lại không muốn thừa/chấp nhận điều đó. Khi nỗi sợ đó bị email của tôi (vô tình) chạm tới, cảm thấy như bị tấn công vào điểm yếu, admin đã có phản ứng phản vệ và phóng thích ra ngoài dưới hình thái của sự giận dữ.
Hội chứng tâm lý này cực kỳ phổ biến trong đời sống hằng ngày. Tính gia trưởng là một ví dụ kinh điển nhất. Những người gia trưởng thường luôn bắt ép mọi người theo ý mình, và sẽ dùng sự quát mắng, thái độ áp đảo khi gặp ý kiến trái chiều, dễ đem lại một ấn tượng đầy-uy-quyền với người khác. Nhưng điều ít ai thấy, hay hiểu, đó là chính bởi vì bên trong họ, họ cảm thấy/biết rằng họ yếu đuối, họ không có giá trị gì lớn lao/vững chắc, nên họ buộc phải thể hiện ra bên ngoài thế kia để bù lấp lấy sự tự ti bên trong như một cách an ủi bản thân. Điều này làm họ vô cùng nhạy cảm với bất cứ ai có ý kiến khác họ, hay thậm chí là nhận xét về bất cứ thứ gì liên quan tới họ. Bởi họ luôn tự ti về sự không hoàn hảo của họ, họ luôn dịch những câu nói vô tư của người khác thành những lời chỉ trích ám chỉ tới mình (take things personal), để rồi từ đó phản vệ và chuyện bé xé ra to. Họ cũng không thích thú với sự tiến bộ của người khác, nhất là nếu họ cảm thấy người kia hơn mình, bởi điều đó càng làm cho cái tôi bên trong họ cảm thấy bị đe dọa. Những người mắc chứng này cũng từ chối đón nhận những góp ý của người khác, bởi làm điều đó cũng chính là thừa nhận khuyết điểm bên trong của họ - điều mà họ vốn không muốn làm ngay từ đầu. Và cũng chính vì thế, dù không biết hay được cho biết về chứng này, những người mắc chứng này đều từ chối thay đổi, hay tự cứu chính mình - cách chữa duy nhất của căn bệnh này.
Những hình thái khác của hội chứng này cũng rất dễ được quan sát xung quanh. Dễ thấy nhất là qua facebook. Những người thường xuyên up ảnh tự sướng bản thân (trong đó chỉ có mặt của mình) rất có thể là những người tự ti về ngoại hình (dù ảnh đẹp lung linh), cũng có thể đó là giá trị duy nhất họ tự hào về bản thân. Những người thường xuyên share ảnh Phật cùng những lời hay ý đẹp rất có thể lại không làm đúng theo những bài học ấy (hay nói vui là "hoa rơi cửa Phật"). Những người vài phút lại đăng bài kể về hoạt động hàng ngày của mình, hay ý nghĩ về một vấn đề nào đó thường là những người khao khát sự công nhận/chú ý của mọi người, bởi họ chưa biết cách công nhận chính bản thân mình. Đặc điểm chung của những người này là họ mong muốn nhận được sự ca ngợi từ người ngoài, từ đó cái tôi khuyết-kém bên trong được "huyễn hoặc" rằng mình rất tuyệt vời (a.k.a 'ảo tưởng sức mạnh'). Nếu không có được những điều đó, chỉ còn 'ta với ta', họ lại phải nhìn thấy cái tôi họ-cho-là-xấu-xí của mình, và họ cảm thấy xấu hổ về điều đó.
*Tôi muốn nhấn mạnh chữ "thường xuyên". Không phải cứ up ảnh bản thân, khoe thành tích hay nói lời hay đều là biểu hiện của Inferiority Complex. Có một thực tế rằng ai cũng thích cảm giác mình là người quan trọng. Những người có sự tự tin với nền tảng là những giá trị đích thực có xu hướng làm những điều trên với tần suất ít hơn, bởi họ không cần sự chú ý/công nhận từ người ngoài mà vẫn có thể cảm thấy vui vẻ và hài lòng với bản thân.
Vậy thế nào mới là mạnh?
Ngược lại với sự tự-tin-giả-mạo kia là sự tự tin đích thực. Là tâm thế của kẻ mạnh. Vậy thế nào là mạnh? "Mạnh" ở đây không có nghĩa hạn hẹp về mặt thể chất (mặc dù một người "mạnh" sẽ biết chăm sóc bản thân trước nhất), mà "mạnh" cả về lối tư duy. Nói như trong bài Tư Duy Nào Giúp Bạn Thành Công?, kẻ mạnh là người có lối tư duy Phát Triển (Growth mindset).
Họ biết chấp nhận bản thân. Họ nhìn thấy cả ưu điểm lẫn khuyết điểm của mình (trái ngược với kẻ yếu khi chỉ tập trung nhìn vào khuyết điểm). Họ không coi những khiếm khuyết của mình là xấu xí, mà là một thách thức họ cần vượt qua (trái ngược với kẻ yếu khi cho rằng đó là những điểm cố định không-thay-đổi-được). Họ cởi mở trong tư tưởng, luôn chào đón những sự góp ý mang tính xây dựng, tự biết lọc ra những lời nói mang tính xúc phạm để nhìn thấy bài học trong đó. Họ sẽ suy nghĩ về lời góp ý của bạn thay vì ngay lập tức phản vệ bằng "Không! Tôi không có khuyết điểm đó!". Họ luôn cố gắng giữ bình tĩnh trước mọi hoàn cảnh, và không take things personal (không coi lời nói/sự việc vô tư thành công kích cá nhân). Khi nhìn thấy sự tiến bộ của người khác, họ sẽ chân thành vui mừng, bởi họ không coi đó là một sự đe dọa: họ thậm chí còn coi đó là động lực phấn đấu.
Có một câu nói vui rằng, trong một cuộc họp, bạn nên e dè người ít nói nhất. Có thể người đó vốn dĩ không quan tâm tới cuộc họp, cũng có thể đó là người đáng gờm nhất. Nghe nhiều, nói ít, và nói câu nào "chất" câu đó là một trong những biểu hiện dễ thấy của một người "mạnh". Chính bởi họ không cần sự công nhận từ người ngoài, họ không hay thể hiện mọi ưu điểm, không "lật ngửa mọi quân bài" của mình, mà thường chỉ thể hiện khi cần thiết. Giúp đỡ mọi người trở nên tốt hơn cũng là một hình thái khác của "mạnh". Và vì họ biết dùng những sai lầm để làm họ trở nên "mạnh" hơn, họ lại càng dễ tha thứ cho sai lầm của cả bản thân lẫn của người khác.
Vì vậy, nếu bạn thấy một ai đó vẫn có thể đối xử hòa nhã khi bị người nhân viên vô ý đổ cả cốc cà phê lên người thì hãy dè chừng người ấy nhé ^^
P/s: Bạn có thể cho thêm ví dụ thực tế cho hội chứng này ở phần comment không :D Việc nhìn thấy nó, phân tích nó sẽ giúp bạn giữ được bình tĩnh trong những tình huống giống tôi đưa ra ở đầu bài đấy ;)
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất