"Sao con người không sống đơn giản đi nhỉ?", một em bé camper đã hỏi mình như vậy cuối buổi miniCamp về chủ đề Responsible Consumption mà chúng mình tổ chức ở trường Newton.
Đợt đó là cuối năm 2018, mình đăng kí làm Facilitator cho sự kiện Winter Camp thường niên AIESEC chạy. Chủ đề năm ấy theo SDG số 12, cụ thể là Responsible Consumption, mà cụ thể hơn nữa thì Camp đi sâu vào vấn đề rác thải nhựa, sweatshop (các xưởng làm việc có điều kiện tồi tàn, nhân công giá rẻ, để doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất). Đối tượng tham dự Camp chính là các bạn học sinh sinh viên từ cấp 2, 3, ở Hà Nội cũng có, Vĩnh Phúc cũng có, Nam Định với Thanh Hóa cũng có đại diện. Điểm đặc biệt ở các dự án của AIESEC là luôn có sự hiện diện của các bạn thanh niên quốc tế (Exchange Participant), và dĩ nhiên toàn bộ chương trình sử dụng tiếng Anh.
Mình nhớ hôm đó mọi người cho các em xem và thảo luận về các Xưởng "vắt mồ hôi" sản xuất quần áo ở Banglades, điều kiện lao động, những tai nạn đã xảy ra, chất thải từ các nhà máy ra môi trường. Các em tham gia thí nghiệm hòa tan thuốc đánh răng trong nước rồi đổ ra một mảnh vải đen để thấy các hạt vi nhựa không biến mất mà ở đó quanh ta. Ngoài ra còn có vi nhựa từ quần áo mỗi lần các em giặt giũ, v.v...
Nói chung là chương trình giúp các em nâng cao nhận thức về nguồn gốc mỗi sản phẩm các em đã và đang chuẩn bị tiêu thụ, về ảnh hưởng của nó tới môi trường, tới người làm ra nó, tới chính sức khỏe các em.
IMG_20190726_191829.jpg

 (Ảnh không liên quan lắm đến Camp. Đây là mình lúc đi phân loại rác ở Malay~)
Và dĩ nhiên sau mỗi phần thảo luận và phổ biến kiến thức sẽ là phần kêu gọi hành động (Call To Action). Câu trả lời phổ biến từ các em ( kể cả các anh chị như mình) là: tìm hiểu kỹ nhãn hàng trước khi mua, mua hàng chất lượng tốt thay vì ham rẻ để rồi mua nhiều dùng ít mà vứt đi gây lãng phí, tẩy chay các doanh nghiệp có Xưởng "vắt mồ hôi", mang bình nước cá nhân để giảm nhựa, v.v...
Là Facilitator, mình có nghĩa vụ đảm bảo các em trong nhóm không bị bỏ lại phía sau, đảm bảo ai cũng hiểu, và ai cũng tham gia cất tiếng nói ít nhiều vào chủ đề hôm đó. Vậy nên, cuối buổi, mình có sân si đi hỏi mấy bé cảm thấy thế nào, feedback ra sao, cũng không quên khai thác xem các bé nghĩ gì về giải pháp trước vấn đề nhức nhối này.
Một bé trai, khi được hỏi, đã không ngại hỏi mình: "Sao con người không sống đơn giản đi nhỉ? Mặc thì phải mặc đẹp, mua đồ thì phải tiện lợi. Cứ đơn giản như trước đã chẳng có chuyện gì!". Nó nói với giọng quyết liệt lắm nhé, như thể đó là quy luật hiển nhiên vậy, thế mà mọi người không nhắc tới.
Dĩ nhiên là quay lại thời nguyên thủy thì chẳng ai muốn.

Cảm giác như cái "sống đơn giản" mà em bé nhắc đến đúng là câu trả lời hợp lý nhất cho hết sảy các vấn đề môi trường mà báo chí kêu rao.
Hợp lý và khó khả thi.
Hình như, những yếu tố mà người ta sử dụng cho sự phát triển của kinh tế và tháp nhu cầu của con người, ngay từ đầu, đã đi ngược lại cái trái đất/ mẹ tự nhiên/ thiên nhiên/ môi trường mong muốn mà. Nghe hơi bi quan, nhưng dạo này mình đã tin vào sự diệt vong trong tương lai của trái đất, và tin rằng chính con người gây ra cái kết bi thương đó.
Cơ mà, nghĩ một cách tích cực, sự thật trên khiến mình ít nhiều thận trọng hơn với mỗi lựa chọn. Kiểu như, nếu chúng ta không thể giải quyết vấn đề thì tốt nhất đừng làm hại nó thêm. Hơn nữa, lựa chọn là một phần của giải pháp, hay một phần của vấn đề vẫn thuộc phạm vi kiểm soát của mỗi người mà? (Be part of solutions, not part of problems)
Hôm nay tâm trạng âm u nên mình quyết định xách mông đi dọn phòng, bới ra 3 thùng giấy với vở vứt đi. Lại nhớ có lần đọc trên mạng, người ta đang tranh cãi rằng dùng cốc giấy một lần vứt đi cũng hại môi trường không kém gì cốc nhựa thì phải? Rằng là để sản xuất ra giấy thì tốn 3 lần năng lượng gì đó. Bê mấy thùng giấy xuống nhà vứt mà thấy bản thân ngổn ngang như một bể rác. Hình như việc giảm nhựa của mình chẳng đỡ môi trường là mấy, chỉ là xả rác từ thể này qua thể khác thôi.
Rồi tự nhiên nhớ ra câu nói của em bé mùa đông năm ngoái. Rồi nghĩ đến lối sống tối giản, thấy bài báo đề Buying Less is Better Than Buying ‘Green’—for the Planet and your Happiness (Mua ít đi tốt hơn là mua đồ thân thiện với môi trường - cho hành tinh và chính hạnh phúc của bạn). Tự chiếu vào bản thân, mình tự nhận tâm trạng mình lên thác xuống ghềnh bất ổn kinh khủng. Và mình có một phát hiện thú vị rằng: Nếu người hướng nội là những người dễ bị mất năng lượng khi ở nơi đông người thì mình thuộc trường phái dễ mất năng lượng khi phải mang theo quá nhiều đồ.
Nghĩ đến đồ lại nhớ đến hè vừa rồi đi Malay, mình có hình thành được 2 thói quen cũng liên quan đến lối sống tối giản, xin phép được chia sẻ với các bác:
1- Hạn chế số lượng quần áo sử dụng trong một thời gian nhất định.
Trước kia (cho tới nay) mình có cả tủ quần áo ngổn ngang. Nhưng hồi đi Malay, mình học cách chỉ mang theo những thứ có khả năng sử dụng nhiều dịp (ví dụ như đi học cũng mang được mà đi chơi cũng oke, đi làm cũng chấp nhận được. Yếu tố màu sắc cũng cần cân nhắc để đáp ứng tính đa di năng này), thoải mái (kiểu tự tin dùng mà không do dự. Chứ  trong tủ mình có mấy cái cổ hơi rộng, hay vải hơi mỏng, hoặc váy hơi ngắn ... sẽ khiến mình lăn tăn mất rất nhiều thời gian. Lúc chọn đồ đi Malay mình loại luôn). Và chỉ mang theo số lượng đủ dùng (kiểu tính toán xem mặc rồi giặt ngay thì mất bao lâu khô, trong thời gian đó cần mấy cái, đảm bảo không mang cái nào thừa thãi...)
Giờ về Việt Nam rồi, mình cũng chỉ chọn số trang phục đủ dùng trong một giai đoạn nhất định (cụ thể là từ tháng 8 này tới khi nào trời chuyển rét), số còn lại ném hết qua tủ to, thành nhà kho cho mùa tiếp theo vô chọn. Thế là giờ số quần áo mình dùng chiếm có nửa cái ngăn tủ kéo (trong khi mẹ mình chiếm tới 4 ngăn kiêm 1 tủ treo. Tự hào ghê, hehe ^^).
2. Không dùng son đậm màu nếu không có sự kiện đặc biệt.
Đại thể là hồi qua Malay, mình ở với các bạn học Engineer với Technology (kĩ sư & công nghệ). Các bạn nữ bên ấy mộc mạc như sinh viên các trường Bách Khoa, Kỹ thuật ấy. Có bạn cũng nhuộm tóc, nhưng mặc nhiên không ai dùng son. Chúng mình có hỏi một bạn nữ người Malay gốc Trung ấn tượng về người Việt Nam, bạn bảo chúng mày chú trọng bề ngoài quá (chắc do thấy mấy bạn Việt Nam ra ngoài ai cũng đánh son). 
Thật ra thì ở đâu cũng có người này người kia, không thể dùng một cá nhân để đánh giá tập thể được. Như mấy bạn Indo, Thái, Trung Quốc, Pakistan đi cùng dự án với mình còn trau truốt tỉ mẩn hơn tỉ lần, nhóm Việt Nam mới xếp hạng bình dân thôi đó. Nhưng không thể phủ định là ở cùng mấy bạn không dùng son bên đấy, cảm giác giống như dân Bách Khoa Kỹ thuật ở Việt Nam, bình yên lạ. Kiểu ít lo bề ngoài hơn.
Dĩ nhiên là mình vẫn không thể bỏ son như các bạn đó được. Môi trường mỗi nơi một khác á. Có điều, lúc về Việt Nam mình cố gắng đơn giản hóa đi, cụ thể là nếu không có dịp gì đặc biệt thì mình không dùng son đậm màu nữa, mình chuyển qua  màu nude (đại thể là son cho đỡ nhợt nhạt chứ không rõ đỏ cam hồng tím). Thấy đời sống cũng nhẹ nhõm theo màu son thì phải?
Tựu chung là hôm nay dọn phòng, cái thùng rác nhắc mình về lối sống tối giản, làm mình nhớ ra 2 thói quen đơn giản trên đã giúp mình vui hơn thế nào, và để cải thiện cái tâm trạng ẩm ương (và góp phần giải quyết các vấn đề môi trường) thì mình nên hình thành những thói quen mới ra sao.
Thật là, nhà sạch thì người mát, người đơn giản thì nhà an vui. (tự chế)
No. 11 (1).png


p/s:
Mình thậm chí còn chẳng có ảnh để nhớ ra mặt mũi em bé kia như nào, chỉ nhớ là em bé sáng sủa, điềm đạm, nom có vẻ liêm khiết. Chỉ nhớ mình đã đứng đơ ra nhìn nó đi xa dần, qua cái cửa và biến mất. Chỉ nhớ lúc nhìn nó đi, mình đã nghĩ: Tại sao mình không sống đơn giản được nhỉ?
Mình cứ có niềm tin, hoặc là hy vọng, là bé trai đó sẽ có một tương lai thật sáng. Sáng như chính cái suy nghĩ của bé vậy.
🌿Góc của mình: https://nalinhblog.wordpress.com/