Bẫy chi phí chìm có ở khắp mọi ngóc ngách trong cuộc sống. Đôi khi đơn giản là một bộ phim dở tệ mà lỡ xem nên phải xem cho hết, cũng có thể là khi lỡ all-in vào một vài mã coin nên sẽ hold to die dù thị trường đang lao dốc không phanh, hoặc cũng có thể là khi bạn đã làm một công việc quá lâu, không lỡ nhảy việc, chuyển ngành dù đã ngán tận cổ...
Sunk Cost Fallacy là trạng thái tâm lý luôn khiến ta cảm thấy tiếc nuốc, mỗi khi quyết định vứt bỏ một sự việc mà ta đã dành nhiều thời gian và công sức. Nó thôi thúc ta đi theo quyết định ban đầu cho tới cùng, dù trong thâm tâm hiểu rõ mọi việc sẽ chẳng đi tới đâu...
Trong Kinh tế học, "sunk cost" hay còn gọi là chi phí chìm, là phần chi phí có thể là tiền bạc, công sức hoặc thời gian, mà bạn đã dành cho một công việc, một dự án hoặc một mối quan hệ... Đây là khoản đầu tư không thể lấy lại được và chỉ khi bạn biết dừng lại thì sunk cost mới không ngừng tăng thêm.
Nguồn: The Decision Lab
Nguồn: The Decision Lab
Christopher Olivola, trợ lý giáo sư Marketing tại Đại học Carnegie Mellon, Mỹ cho rằng, khi hiệu ứng quá lớn và thúc đẩy bạn làm việc mình không muốn hoặc tệ hơn, nó trở thành hiện tượng ngụy biện chi phí chìm (sunk cost fallacy).
Sự cố chấp đó cản trở bạn đưa quyết định đúng đắn. Đôi khi, bạn tốn nhiều tiền của, thời gian,... hơn mình tưởng nếu sự việc kéo dài.

SUNK COST trong công việc và cuộc sống...

Mình xin trích câu chuyện qua lời kể của cô Nguyễn Phi Vân, các bạn có thể tìm hiểu thêm tại đây:
...
Bạn nhắn tôi như thế, vì sự lựa chọn ban đầu của bạn là làm chuyên môn, rồi dòng đời đưa đẩy sao đó mà bạn lên làm quản lý luôn, không làm chuyên môn nữa. Hồi đầu, bạn đến với nghề của mình vì đam mê chuyên môn này, nên hăm hở bỏ ngành học chính của mình để chuyển sang làm thứ bản thân yêu thích. Nhưng từ khi lên quản lý, bạn không còn làm chuyên môn nữa, mà phải tập trung lo làm sao cho có doanh thu, cho giảm chi phí, giải quyết các vấn đề nhức đầu về nhân sự, tài chính, vận hành…. Được một thời gian, bạn mệt mỏi, cạn kiệt, chán nản không còn muốn gặp ai, không còn vui vẻ hào hứng gì với cuộc sống và công việc mình đang làm. Bạn co rút lại, không giao tiếp xã hội, một mình đi về trong sự nặng nề của thế giới riêng. Khi nhắn cho tôi, có lẽ bạn cũng đã chạm nóc của nỗi chán chường, nhưng không biết làm sao để thoát ra, vì bạn đã đầu tư quá nhiều thời gian, công sức, mong muốn của mình vào trong đó.
Hiện tượng này gọi là sunk cost fallacy - nguỵ biện chi phí chìm, hay nói đơn giản là tiếc nuối những gì mình đã bỏ ra, dồn vào, nên không cam tâm chịu thất bại, không cam tâm đóng nó lại hay bỏ nó đi, mặc dù bản thân đã quá mệt mỏi và hết cách. Thời còn trẻ, tôi cũng hay bị rơi vào tình huống này, hết cách cứu rồi nhưng cứ cố, phần vì mày mặt không chấp nhận thất bại, phần vì tiếc bao nhiêu công sức, tiền bạc mình đã đầu tư vào. Có điều, bài học tôi học được là, nếu nó không work là nó không work dù bạn có cố tới cỡ nào. Càng cố chỉ càng khiến cho bản thân lún sâu vào, mất nhiều hơn, và khổ nhất là ngày càng cạn kiệt về mặt tinh thần cho đến khi gục ngã.
Không lẽ bạn cam chịu ngập ngụa cả đời trong vũng bùn, cắt hết đường vui vẻ và hạnh phúc của bản thân chỉ vì tiếc những gì mình đã lỡ chi ra?
Cuối cùng, thật ra đây chỉ là sự cố chấp của bản thân mà thôi. Không ai bắt mình phải khổ như thế cả. Đời người luôn có thứ mình làm được và thứ mình làm không được. Làm gì có ai trên đời mà làm gì cũng thành công cả. Không có! Tận nhân lực tri thiên mệnh là như thế. Luôn có những phần trăm chiến thắng từ thế giới bên ngoài, từ môi trường, từ thời điểm, từ những sự kiện không cách nào đoán trước, từ sự thiếu ủng hộ của vũ trụ khi những ngôi sao chưa kịp xếp thẳng hàng. It’s OK. Có sao đâu. Không ổn thì mình dẹp đi rồi tiếp tục làm thứ khác thôi. Nó cũng chỉ là một dự án trong vô số những dự án trong đời thôi mà. Một chuyện không thành nó đâu có đại diện cho sự thất bại toàn tập của bản thân đâu. Nó chỉ là một sự thử nghiệm và nhận ra cách này chưa đúng. Vậy thôi á. Hoàn toàn không có chút cần thiết phải để cho bản thân chìm dần vào vũng lầy tiêu cực do góc nhìn và cái ego của mình nó tạo ra.
“Em à, em thử nhớ lại xem vì sao em đã bắt đầu công việc này, vì yêu thích và đam mê. Vậy thì em nên chỉ làm thứ em đam mê và yêu thích. Có thể công việc của quản lý không phải là tách trà của em. It‘s just not your cup of tea”, không phải là điều em theo đuổi. Vậy thì mình chỉ cần de lại một chút, nhớ lại và tìm lại lý do vì sao mình dấn thân trên hành trình này một chút, rồi có khi là trở về tập trung vào đó, làm cho thiệt vui, thiệt hạnh phúc, thiệt đã đời. Có khi em đã lỡ quẹo sai ở một đoạn nào đó của hành trình. Đâu sao. Quẹo sai thì mình vòng lại thôi mà. Có gì đâu mà phải chán chường, tuyệt vọng thế kia. Bỏ qua nỗi sợ hãi về sự xầm xì của thiên hạ đi thôi...
Người có bản lĩnh không chỉ biết dấn thân mà còn biết khi nào nên dừng lại...
Bài học lớn trong đời của chính tôi, là biết bỏ xuống khi cần. Càng về sau, khi trải nghiệm ngày càng dày dặn hơn, tôi ngày càng học cách bỏ nhanh hơn, khi biết thứ gì đó không work. Tôi học cách tháo dỡ sự cố chấp, bỏ cái tôi xuống không mày mặt, học cách chấp nhận thất bại, nhìn nó như một bài học rồi move on - tiếp tục hành trình một cách thản nhiên. Chỉ là thêm một bài học nữa trong đời mà thôi. Cả đời này lúc nào mà chẳng học. Làm người thế nào cũng có lúc quyết định sai. Sai thì sửa thôi mà. Làm dữ vậy?
Cho nên, với những ai đang trong tình trạng sunk cost fallacy, khuyên các bạn nên nhắm mắt lại, hít thở một hơi thật sâu rồi quyết định buông bỏ nó đi. Thật ra chẳng có chuyện gỉ ghê gớm ở đây đâu. Sự ghê gớm nó nằm trong cái đầu của bạn. Chính bạn là người vì sợ hãi đủ thứ mà thêu dệt nó thành một chuyện quá sức chịu đựng, rối rắm nặng nề, không có đường giải quyết. Trong khi đó, quyết định thật ra cực kỳ đơn giản, vô cùng rõ ràng và hết sức dễ dàng. Voilà! Bỏ xuống một cái là xong. Cuộc đời sẽ lại nhẹ nhàng. Bản thân sẽ lại sẵn sàng để re-start - khởi đầu lại với những gì mình yêu thích. Vậy thôi đó. Thử đi ha.

Tóm lại, làm thế nào để hạn chế "sa bẫy" chi phí chìm?

Vì nằm ở tư duy nên cách tốt nhất để "tránh bẫy" là bạn thay đổi suy nghĩ của mình. Một số phương pháp giúp bạn quyết đoán và hạn chế quan tâm chi phí chìm gồm:
- Nghĩ đến bức tranh lớn. Bạn mong muốn đạt được điều gì qua mỗi hoạt động của mình? Hãy chọn hướng đi đưa bạn đến mục tiêu đó thay vì tập trung vào chi phí không thể lấy lại.
- Theo sát khoản đầu tư, chuẩn bị tâm lý cắt lỗ nếu tình hình không khả quan. Tương tự với những vấn đề trong cuộc sống, hãy tỉnh táo và thường xuyên đặt câu hỏi "Những gì mình bỏ ra (công sức, thời gian, tiền bạc) có xứng đáng với những gì mình nhận được? Liệu mình có thể làm gì khác để tối ưu lợi ích và đạt được mục tiêu? Và quan trọng nhất, mình có hạnh phúc với điều này không?"
- Quyết định dựa trên sự thật mắt thấy, tai nghe. Sunk cost fallacy dễ khiến bạn hy vọng và vẽ ra những viễn cảnh tốt hơn. Những lúc như vậy, hãy nhìn vào những con số và sự kiện đang diễn ra. Thực hành chánh niệm cũng là cách để bạn bình tâm suy nghĩ.
- Cho phép bản thân phạm sai lầm và thừa nhận. Ai cũng có những lần chọn sai, điều quan trọng là bạn dũng cảm bước tiếp và không để quá khứ níu chân.
---
Bài chia sẻ của tác giả Huyền Trang Nguyễn trong group Người trong muôn nghề, tham gia group để chia sẻ nhiều hơn nữa nhé ;)
Đọc thêm: