Trước đây mình có rất nhiều định kiến với người đọc sách. Vì trông họ có vẻ là người tự cao tự đại, lưu manh giả danh tri thức, lôi một quyển Đắc Nhân Tâm để lên bàn cà phê rồi chụp choẹt sống ảo, sau đó cất đi. Ở trên giảng đường cũng vậy, có một vài anh sinh viên để trên bàn học một quyển sách mà họ tâm đắc. Đến giờ giải lao ồn ào, cắm đầu đọc được ba câu rồi bỏ dở. Mình thấy thật vô nghĩa, khinh bỉ họ khi họ phải sống một cách giả tạo.
Thôi bớt làm trò đi cô nương
Thôi bớt làm trò đi cô nương
Nhưng tới khi mình tập đọc một quyển sách. Mình nhận ra rằng, mình không khác họ, cũng làm trò tương tự ở nơi đông người. Cứ phải lựa cuốn nào thật khó đọc, phải ở tầm vũ trụ hoặc đơn giản hơn là tìm mua vài cuốn sách viral như Tony buổi sáng, Trên đường băng,... để thể hiện bản thân có học thức hơn người. Ôi chao, làm như thế có giấu dốt được đâu, thành tích bét bảng trong lớp, ai cũng biết. Có đọc được một chữ nào cho tử tế đâu, mình chỉ biết dùng chúng để làm công cụ ru ngủ mỗi tối và gối đầu trong giờ giải lao ở trường.
Nhưng đó không phải lỗi của mình, cũng không phải lỗi của bạn. Đôi khi, người khuyến nghị các bạn đọc sách thường nói tóm gọn đôi ba dòng như: "Đọc sách để mở mang đầu óc; đọc sách cho mình thêm kiến thức; Đọc sách để thành công; Đọc sách để giàu có;...". Từ đó, mình và bạn sống trong một thế giới đầy giả tạo, ảo tưởng khi không thực sự đọc một quyển sách theo đúng mục đích thực sự của nó.
Ba mình kể chuyện thời ông ấy làm huynh trưởng trong đoàn Phật tử, khi nghe lời hướng dẫn đọc sách theo kiểu tâm linh của sư huynh:
Hắn nói: "Đọc kinh để mở huệ" . Hmmm, chắc là mở huệ. Thằng cha đó ngu lắm con ạ. Hắn đọc mà không nghiền gẫm, đọc mà không thèm tự đặt ra câu hỏi tại sao khi thắc mắc, rồi cũng không tìm thầy giảng giải ẩn ý trong kinh. Đọc mà không biết cái giá trị bài học trong kinh Phật. Đọc mà tin vào ba cái huyền bí trong đó. Thì vô minh vẫn hoàn mô minh, dốt vẫn hoàn dốt.
Nghe ba kể xong, mình vừa cười vừa nhột. Mình chẳng biết giấu mặt đi đâu, chắc ổng đang nói khéo khi nghe mình phát ngôn một cách sáo rỗng: "đọc sách để thành công"
Sau khi bỏ mấy quyển sách khó đọc kia, mình đi lên Youtube xem review sách với lòng thành tâm "tôi muốn biết giá trị thật sự của sách là ở đâu ? Tại sao tôi cần nó". Dạo quanh trong vài tháng trời, nghe người ta dạy nhau, mắng mỏ, phản biện đại loại như sau:
- Muốn đọc sách nhanh thì đọc đoạn tóm gọn. - Một tháng đọc mười quyển sách. - Đọc sách phải ít thôi, đọc đi đọc lại 5 lần là được. - Tôi ghét sự giả tạo của Đắc Nhân Tâm. - Tôi ghét ngôn tình vì nó rỗng tuếch, không có giá trị nhân văn nào cả. - Sách self - help là rác. - Bla, bla, bla,..
Thôi dẹp mẹ đi, mình đếch tin thằng nào, học ở trường đã chạy đua thành tích điểm số. Lên Youtube còn phải nhìn thiên hạ dạy nhau chạy đua thành tích đọc sách một cách cực đoan hơn. Còn mấy người bình luận bên dưới video kiểu đó nữa, chả có một chính kiến nào hẳn hoi, gật gù tin mấy tên dạy khôn trong video sái cổ. Người khác mò vô bình luận một câu trái ý thì "ba họ cái lũ đọc sách không ra hồn" giật nảy lên xỉa xói, móc họng con người ta.
Nhưng dù sao, đó là những quan điểm cá nhân và là kinh nghiệm của các Youtuber - đúc kết được sau bao năm miệt mài đọc sách. Đối với họ, sách là sở thích, là đam mê. Họ đọc nhiều, nhai nhiều loại sách rồi, nên họ sẽ tự tạo ra cho bản thân một level khác hoàn toàn, chúng ta không thể nào đuổi kịp ngay từ đầu được.
1. Vậy thì đọc thế nào cho đúng cách đối với người khởi đầu ?
Như một chiến binh, người thợ mộc mài giũa đồ nghề của mình. Anh ta mang theo dụng cụ của mình trong hộp đồ nghề và lao động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của người thợ cả. Anh ta làm cột trụ và dầm bằng cây rìu, đẽo gọt ván sàn và kệ sách bằng cái bào, anh ta cưa cắt chạm trổ tỉ mỉ, tạo cho công trình một vẻ trau chuốt trác tuyệt, xứng tầm tài năng của mình. Đó là tay nghề của người thợ mộc. Khi tay nghề của người thợ mộc trở nên nhuần nhuyễn, học được các phép đo và hiểu được bản vẽ, anh ta có thể trở thành thợ cả. Trích: Địa chi quyển - Ngũ Luân Thư - Miyamoto Musashi
Đọc từ dễ đến khó, như một anh thợ mộc hăng say với công việc của mình.
Chọn sách Self - help. Vì nội dung trong sách rất gần gũi và đánh vào nỗi đau giằng xé bấy lâu nay trong bạn. Các tác giả viết theo kiểu "Làm thế nào... để...", nên họ giải thích rất cặn kẽ bằng minh chứng khoa học cho bạn hiểu. Đừng đọc đằng đầu, lướt đằng giữa, rồi đọc kỹ đằng đuýt như dân pro hay dạy bạn. Họ đọc một tỉ cuốn sách với một tỉ minh chứng gần giống nhau ( nghe hơi quá :]] ), cho nên phần tóm gọn ở đoạn kết đối với họ sẽ có giá trị hơn. Vì vậy, bạn thấy họ highlight các đoạn quan trọng gọn gàng, nhanh chóng. Còn bạn và mình highlight theo kiểu muốn tô màu lên quyển sách.
Reddit.com
Reddit.com
Người ta nói self-help vô dụng. Lừa nhau cả đấy, có nhiều người họ chưa bao giờ đọc một chữ trong sách, khi nghe người nổi tiếng phán xét. Họ sẽ hùa theo rồi chê bai sách self-help. Đối với mình, sách self-help rất có giá trị, nếu các bạn thực hành với chúng nhiều lần và biết chắt lọc kiến thức phù hợp với hoàn cảnh hiện tại của bạn. Đừng đọc lướt nhé, không thấm chữ nào vào đầu thì:
Binh pháp sơ lậu là căn nguyên khổ ải
- Miyamoto Musashi -
Nội dung bên trong sách self - help sách rất đa dạng. Vì tác giả cần kiến thức đa ngành nhằm giải thích cho bạn hiểu hơn về việc "Làm thế nào... để...". Từ đó, bạn sẽ cóp nhặt thêm từ vựng mới dễ dàng mà không cần tốn sức. Từ vựng mới để làm gì ? để phần tiếp theo giải thích.
Ngoài ra, từ sách self - help, bạn có thể tự mở ra nhiều chủ đề sách khác. Ví dụ: Ikigai – Bí Mật Sống Trường Thọ Và Hạnh Phúc Của Người Nhật - nội dung của sách đề cập rất nhiều chủ đề khác nhau, từ: Flow, Thiền, Phật Giáo, Chủ Nghĩa Khắc Kỷ, Yoga, Thần Đạo, Pomodoro, Chủ nghĩa tối giản, Ngủ sớm, Uống trà, Thái cực quyền, Khí công, chế độ dinh dưỡng ở Okinawa,...
Không phải sách khó nào cũng khó, khó vì bạn thiếu từ mới.
Các nhà văn luôn cố gắn tìm hiểu, nghiên cứu về hành vi đọc sách, báo của bạn. Từ vài chục năm trước, họ đã biết rằng, trong thời đại tiêu thụ thông tin theo kiểu mì ăn liền, các vị khách của họ đang thiếu dần sự kiên nhẫn khi đọc sách. Họ cố gắn viết làm sao cho gần gũi với người đọc - hạn chế tiếng lóng, từ vựng mới - nếu có từ mới thì phải giải thích cho bạn hiểu. Nhưng, mỗi nhà văn có một phân khúc khách hàng khác nhau, không phải ai cũng muốn chiều theo ý khách hàng. Cho nên, những người đọc hay bỏ cuộc thường chọn phân khúc sách khó đọc, vì họ nghĩ sách càng văn vẻ, càng nhiều từ vựng khó thì sẽ nâng tầm kiến thức của mình.
Mặt khác, việc đọc nhận biết còn tùy thuộc hai loại trí nhớ: trí nhớ căn bản và trí nhớ tăng thêm, tức bổ sung. Trí nhớ căn bản chủ yếu do trình độ học vấn, cho nên trí nhớ của người này sẽ không giống của người kia.Các nhà nghiên cứu Pháp ước lượng rằng độc giả của một tờ báo phổ thông có vốn từ vựng khoảng 1.500 từ; còn độc giả của Le Monde, một tờ báo chữ nghĩa tương đối cao, thì 3.500 từ. Mà kho từ vựng tiếng Pháp lại lên đến 130.000 từ. Và tiếng Việt, chỉ tính riêng từ phổ thông không thôi, cũng gần 40.000 từ. Vì thế bạn cần chọn lựa từ ngữ phù hợp với trình độ độc giả. Trí nhớ bổ sung bao gồm từ ngữ chuyên biệt của một ngành nghề như tin học; của một giới; hoặc có khi của một địa phương. Nói một cách tổng quát, đây là tiếng lóng. Tổng vốn từ tiếng lóng có thể từ vài chục từ đến trăm từ, ít khi vượt quá hai trăm từ. Phần lớn độc giả đều không quen thuộc với loại từ này. Ngay cả từ điển cũng không giải thích hết, vì chỉ đưa vào những từ của tiếng lóng đã trở nên phổ thông. Trích: Nghệ thuật viết lách từ A - Z -- Tác giả Ngọc Trân.
Bạn đang có một số vốn từ vựng khổng lồ mà bạn không bao giờ để ý tới. Ví dụ bạn mê phim chưởng -> vốn từ Hán Việt chẳng ít ỏi gì. Vì thế sách, truyện Trung Quốc, sẽ làm bạn cảm thấy dễ hiểu hơn, còn mình thì bó tay. Bạn học của mình thích đọc ngôn tình, đam mỹ, xuyên không, rồi hệ thống, tổng tài... cái gì đấy. Nó kể cho mình nghe nhiều nhưng mình chẳng hiểu chúng nó nói cái gì. Vậy là mình chê chúng nó không biết đọc sách :) (mình chê vậy là dở rồi)
Mình thì thích văn hóa Nhật Bản từ bé, nên từ vựng liên quan đến những loại binh khí, tên các vị thần trong Thần đạo, các vật dụng truyền thống của Nhật... mình hiểu khá rõ. Vì vậy, binh pháp Ngũ Luân Thư, được dịch giả Bùi Thế Cần nhắc nhở trong phần mở đầu rằng "sách rất khó đọc". Nhưng sau khi đọc xong, sách vẫn dễ hiểu hơn những gì mình tưởng tượng.
Giờ ông bạn nào bảo mình đọc sách của dân IT, sách sci-fi như Dune. Mình cũng ạ đấy.
2. Bắt đầu đọc sách khó từ khi nào.
a. Trải nghiệm trước, đọc sau (Nếu bạn lười tra từ điển)
Bài ca này các bạn phải để ý, khi các chuyên gia khuyến khích bạn đọc một đầu sách nào đó: "Tôi trải nghiệm trong lĩnh vực này nhiều rồi. Đọc quyển A, quyển B hay lắm". Nhưng bạn có trải nghiệm thực tế như họ đâu mà cảm nhận được cái hay ? Sau đó bạn quay ra chê sách dở thậm tệ. Đừng vội phán xét, cứ xem gu đọc sách của bạn với họ như gu nghe nhạc là được.
Người ta trải đời nhiều, thích nghe nhạc Vàng, nhạc Trịnh vì lời ca đậm chất đời trong đó. Còn bạn là thanh niên, nghe nhạc cà giựt cà tưng Nonstop, EDM vì bạn thích nhảy nhót, quẩy hết mình khi đi bar. Thế thì hãy xem đó là lời khuyên chứ không phải kinh thánh để bạn làm theo. Cứ chờ cho đến khi bạn bước vào thế giới của họ, bạn sẽ thấy quyển sách kia là kinh thánh. :))
Có khi nào bạn bắt gặp được một ông giảng viên nói liên tọi, nói như phun châu nhả ngọc những kiến thức hàn lâm từ trong sách, nghe có vẻ dễ hiểu. Nhưng... chỉ có mấy đứa học sinh giỏi ngồi gật gù. Còn bạn thì sao - nước đổ đầu vịt :3 . Không sao, thực hành nhiều vào, không biết thì mua thêm khóa học để trau dồi kiến thức nền, dần dần bạn có thêm vốn từ vựng thôi. Sau này, bạn nhai sách giáo trình, hàn lâm nào cũng được.
b. Đọc những sách liên quan tới nghề mà bạn muốn làm trong tương lai.
Để tìm được các đầu sách này. Bạn phải hỏi thầy cô, dân chuyên nghiệp trong nghề - những người đam mê đọc sách. Họ sẽ khuyến nghị cho bạn một vài đầu sách hay, cần cho nghề nghiệp tương lai của bạn. Hoặc đơn giản hơn, bạn có thể tra các yêu cầu kỹ năng cần có trong nghề mơ ước của bạn, trên các trang tuyển dụng online, sau đó bám vào các yêu cầu kỹ năng rồi tìm sách phù hợp để đọc.
Nhai cái đống này nó khó lắm luôn ấy, dễ buồn ngủ nữa. Nhưng bạn bắt buộc phải đọc, đọc để cần kiến thức vững vàng hơn. Điều đó làm bạn bớt đi sự lo lắng, khi sắp phải bước ra ngoài xã hội và tìm kiếm việc làm.
Quy trình vật lý của việc đọc bắt đầu bằng sự cảm nhận tổng quát. Ngay từ năm 1905, nhà nghiên cứu Emile Javal đã chứng minh được rằng, khi đọc, mắt không chuyển động liên tục mà nhảy cóc. Mắt không giải mã toàn bộ một dòng chữ mà từng phần của dòng chữ đó; chừng một chục chữ cái mỗi lần mắt “chụp” lên dòng chữ. Như vậy, đơn vị cơ bản của việc đọc là một từ hoặc một nhóm từ chứ không phải từng chữ cái; đơn vị cơ bản này cũng kết thúc ở nơi có dấu câu. Trích: Nghệ thuật viết lách từ A - Z -- Tác giả Ngọc Trân.
Vì thiếu từ mới trong những loại sách khó này, bạn mất tập trung, buồn ngủ thường xuyên. Mắt bắt đầu thực hiện nhảy cóc nhiều hơn - não suy nghĩ chuyện ở đâu đâu, tự vẽ viễn cảnh tương lai khó khăn phía trước, vậy là bạn bỏ dở quyển sách đó. Nhưng vẫn có cách để bạn đọc tập trung hơn.
Anh biết em học thế nào không ? Em học theo kiểu xâu chuỗi kiến thức. Em đọc trước giáo trình ở nhà. Lên giảng đường tập trung chú ý vào những phần mà em không hiểu, khi nghe giảng viên nói, kiến thức khó hiểu thì em hỏi kĩ lại giảng viên. Sau đó chép kiến thức khó vào vở. Kiến thức còn lại thì em nhờ mấy đứa "Thi vở sạch chữ đẹp" chép giúp. Khi về nhà, em xâu chuỗi chúng thành một kiến thức hoàn chỉnh. - Trích lời chia sẻ đầy khả ái và ngây ngất lòng người của cậu bạn sinh năm 2k2 - Lớp xây dựng dân dụng - trường UTC2 cho thằng học dốt như mình -
Ý tưởng của cậu ấy rất hay, mình đã áp dụng nó và rất hiệu quả.
Quy trình đọc một quyển sách khó như sau.
https://unsplash.com/@kellysikkema
https://unsplash.com/@kellysikkema
Bước 1: Tìm bút chì, bút highlight. Sau đó,"tô màu" lên sách
Tại sao lại phải dùng phương pháp này ? Đơn giản là bạn bị buộc vô thế phải đọc kỹ từng từ một và tìm ý chính trong sách. Bạn sẽ tập trung hơn nhiều, mắt bạn không còn phải nhảy cóc thường xuyên.
Bước 2: Nội dung nào biết sẵn rồi thì để đấy, chẳng cần phải tô, tốn thời gian.
Bước 3: Phân loại kiến thức theo màu sắc bút highlight.
Orange: Quotes, dẫn chứng.
Vàng: Bài học cuộc sống.
Lime: Kiến thức mới khó hiểu
Aqua: Bài học về kỹ năng cần có.
Bạn có thể tự điều chỉnh, phân loại theo cách bạn muốn. Đừng áp dụng máy móc.
Bước 4: Hỏi chị google, hỏi chuyên gia, hỏi giảng viên những gì bạn không hiểu.
Bước 5: Ghi chép vào sổ tay theo cách hiểu của bạn
Ghi chép thì thầy nào cũng dậy chúng ta rồi. Việc ghi chép lại trong cuốn sổ tay, sẽ rất tiện lợi nếu bạn cần tra cứu lại chúng trong tương lai.
Ghi chép không vô ích đâu các bạn, mẹ mình hồi xưa chỉ học tới lớp 9. Rồi đi học may ở Biên Hòa, Đồng Nai. Ở đó người ta bắt mẹ mình vẽ lại tất cả các khuôn mẫu, thước tấc, cách may như thế nào của quần áo: từ âu phục, đồ em bé, thú bông... cho tới áo dài. Cho đến hiện tại, mẹ vẫn còn hay tra quyển sổ tay đó. Ngoài ra, bà thường xuyên lên youtube tìm những bài hướng dẫn cắt khuôn áo dài mới, rồi ghi chép chúng vào cuốn sổ tay đó.
Bước 6: "Bạn dẹp mẹ đi, lắm mồm. Nhiều bước thêm cực chứ làm gì"
Ờ... thì...đọc nhiều sách, đọc cái bạn thích. Mình thấy sách bây giờ nội dung xêm xêm nhau. Bình mới rượu cũ, đọc nhiều sách cùng thể loại để cảm thấy đỡ ngấy. Đâu phải tự dưng người ta chia ra hai phe Đọc ít - tô nhiều - hiểu nhiềuĐọc nhiều - sách sạch sẽ - hiểu nhiều. Đọc sách nào cũng được, ngôn tình & đam mỹ cũng là sách. Đọc với phong thái "Nếu các bạn thành tâm muốn biết, thì sách sẽ trả lời. Để đề phòng thế giới bị phá hoại, để bảo vệ nền hòa bình thế giới..... Musashi - Kojiro". Mình lỡ mồm... Cứ đọc đi, vẽ vời thêm nhiều kĩ năng đọc sách làm chi rồi thấy khó khăn, nhụt chí. Từ bỏ sách là uổng phí kho tàng kiến thức của nhân loại đấy.
Kết.
Chúc các bạn thành công. Đọc sách vui vẻ.